Tuyên ngôn bảo vệ rừng bằng cách sống trên cây của cô gái trẻ

Chủ Nhật, 23/12/2012, 12:19

Thử tưởng tượng bạn sẽ sống thế nào trên một cái cây cao 60 mét trong một khu rừng thực thụ. Bạn sẽ phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, với sự cô đơn, và đương nhiên trên cái cây đó hoàn toàn không có những tiện nghi tối thiểu cho các nhu cầu cá nhân của bạn. Vậy mà một cô gái trẻ đến từ Úc đã sống trên một cái cây như vậy gần một năm, và trước mắt hình như cô ấy vẫn chưa có ý định xuống đất.

Lên cây sống để thể hiện quyết tâm bảo vệ rừng

Tasmania là một đảo, đồng thời cũng là một bang nằm ở phía Nam của Úc. Nơi đây được mệnh danh là “Bang tự nhiên”, và là “Đảo của nguồn cảm hứng”. Nguyên nhân của các tên gọi đặc biệt nên thơ ấy chính là môi trường thiên nhiên tuyệt vời còn giữ được nhiều nét hoang sơ của Tasmania.

Có tới 37% diện tích của Tasmania là các khu bảo tồn thiên nhiên, các công viên quốc gia, các địa danh được công nhận là di sản thế giới. Người dân Úc đặc biệt tự hào về hòn đảo được thiên nhiên ưu đãi này, và tất nhiên khách du lịch nước ngoài đến Úc cũng khó lòng bỏ qua tour tham quan Tasmania.

Tuy nhiên, việc bảo tồn hòn đảo cũng vấp phải vô số khó khăn, nhất là khi nguồn lợi nhìn thấy được từ chuyện khai thác gỗ có sức hấp dẫn to lớn với các nhà kinh doanh khắp nước Úc. Vì vậy, 572000 ha rừng phía Nam Tasmania đang được các nhà hoạt động môi trường đấu tranh tích cực để bảo vệ.

Khu rừng có giá trị bảo tồn cao này cũng đồng thời là nơi chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên quý giá có thể khai thác và sinh lợi. Chính vì thế, mặc dù các nhà hoạt động môi trường cùng đại diện ngành công nghiệp đã trải qua rất nhiều cuộc đàm phán, nhưng rốt cuộc họ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về cách khai thác và bảo tồn khu rừng này.

Trong khi chờ đợi tiếng nói chung của họ, một nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi đã có quyết định táo bạo hòng góp sức cùng phe “bảo vệ khu rừng”. Từ ngày 14/12/2011 đến nay, tức là gần một năm, một cô gái trẻ người Úc mang tên Miranda Gibson đã quyết định sống trên một cây bạch đàn cao 60 m trong khu rừng này để thể hiện quyết tâm bảo vệ khu rừng.

Đến giờ, cô đã đạt kỷ lục người sống trên cây trong thời gian dài nhất tại Úc, nhưng mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Mới đây, cô gái đã tuyên bố sẽ không rời khỏi nơi cư ngụ này chừng nào còn chưa chắc chắn khu rừng sẽ được bảo vệ trước nạn khai thác gỗ bừa bãi.

Cây bạch đàn được Miranda chọn lựa để “cư trú” đã 400 tuổi. Với một cái lều tạm được dựng trên cây và cột chắc chắn bằng các sợi dây thừng, cô gái trẻ đã xoay sở để thu xếp cuộc sống hàng ngày của mình. Quả thật không dễ dàng gì! Miranda nói rằng, mọi sinh hoạt bình thường của cô hoàn toàn bị đảo lộn. Đơn giản nhất như bạn không thể bật nước nóng để tắm hay đi đến cửa hàng khi hết sữa uống, và bạn phải tắm bằng một cái xô nhỏ. Những thứ cần thiết được cô gái lôi lên trên cây bằng một sợi dây thừng dài.

Sống trên cây, Miranda đã chấp nhận rời bỏ tất cả những tiện nghi quen thuộc của một cô gái hiện đại để nếm trải những khó khăn bất tiện mang đầy sắc màu “nguyên thủy”.

Song điều khó chống đỡ nhất với “cuộc sống trên cây” của cô gái có lẽ chính là thời tiết. Trong 10 tháng sống trên cây giữa khu rừng rộng lớn, cô gái đã trải qua đủ kiểu thời tiết khắc nghiệt nhất: gió lớn, tuyết lạnh, mưa đá… Có những thời gian dài trời rét căm căm, khi mọi người ở trong những căn nhà ấm áp có lò sưởi, Miranda mặc hàng lớp quần áo dày cộp nhưng vẫn rét run người trên cây. Có những ngày gió lớn khiến cho cây bạch đàn và cả căn lều tạm của cô nghiêng ngả.

Bình thường, sinh hoạt một ngày của bạn chỉ dừng lại khi bạn tắt đèn đi ngủ, nhưng với Miranda trong suốt gần một năm qua, sau khi mặt trời lặn xuống, cô lập tức phải chống chọi với mười mấy tiếng đồng hồ không ánh sáng… Song, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong số những điều mà cô phải trải qua trong cuộc sống gần một năm trời trên cây.

Cảm thấy mình “đã trở thành một phần của khu rừng”

Sống trên cây, Miranda còn phải chống đỡ với một khó khăn nữa mang tên “cô đơn”. Ở độ tuổi như cô, việc không được sống giữa những người thân trong gia đình cộng với việc thiếu vắng bạn bè cùng trang lứa quả là trở ngại lớn. Song cũng thật may mắn rằng công nghệ hiện đại có thể bù đắp phần nào sự cô đơn đó.

Thật tuyệt vời bởi ngày nay, chót vót trên một cái cây cao giữa khu rừng hoang vắng, Miranda vẫn có những khoảng thời gian nhất định để lên mạng cập nhật tin tức của mình thông qua trang cá nhân, và cảm thấy được kết nối với mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Đôi khi, cô còn được an ủi bởi những chuyến viếng thăm vô cùng bất ngờ của mẹ cô, của người lãnh đạo tổ chức bảo vệ môi trường, hay của những người mà cô chưa bao giờ gặp mặt.

Khi câu chuyện về cô gái sống trên cây lan truyền ngày càng rộng, Miranda cũng nhận được sự hỗ trợ ngày càng lớn của cộng đồng. Những người ủng hộ cung cấp cho cô thực phẩm và các đồ dùng cần thiết. Tổ chức bảo vệ môi trường nơi cô làm việc cũng thu hút được nhiều sự quan tâm hơn.

Một kỉ niệm khó quên trong những tháng ngày sống trên cây của Miranda.

Và trên hết, cô nhận được mỗi ngày một nhiều hơn sự chia sẻ của mọi người, từ người dân nước Úc đến cư dân các quốc gia khác, từ những nhà hoạt động môi trường đến những người xưa nay chưa hề quan tâm đến lĩnh vực này, từ những cụ già cho đến các bạn trẻ cùng lứa tuổi với cô. Chính cô cũng hết sức bất ngờ trước sự ủng hộ và sẻ chia của hàng triệu người mà cô không hề quen biết.

Một kỉ niệm khó quên trong những tháng ngày sống trên cây của Miranda là chuyến thăm viếng vô cùng bất ngờ của ông già Noel vào dịp Giáng sinh. Ông già Noel do cộng đồng người ủng hộ gửi đến đã đến thăm cô vào ngày lễ đặc biệt này, và dùng bữa trưa với cô trên cây bạch đàn với những chiếc bánh pudding do ông tự làm.

Món quà mà Miranda xin ông già Noel chính là làm sao để khu rừng nhanh chóng được bảo vệ. Ông già Noel đồng ý với cô rằng đó là một món quà thật quý giá cho thế hệ mai sau, nhưng tất nhiên, đó cũng là một món quà mà ông không thể hứa trước. Một mùa Giáng sinh nữa lại sắp đến, hy vọng là năm nay Miranda sẽ có được món quà mà cô mong ước.

Cuộc sống trên cây đem đến nhiều khó khăn hơn ta có thể tưởng tượng, Tuy nhiên, Miranda cho rằng, những khó khăn bất tiện mà cô phải chịu đựng là hoàn toàn xứng đáng. Cô gái cho biết, mình đã được ngắm nhìn và đắm chìm trong những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên: khu rừng phủ đầy tuyết trắng xóa trong những ngày đông, bầu trời đêm đầy sao lấp lánh trong những ngày mùa hè trời quang mây tạnh.

Khu rừng thay đổi gần như từng thời khắc trong một ngày, từ sáng đến tối không ngừng hiện ra trước mắt Miranda với những vẻ đẹp mới. Suốt 10 tháng ròng rã, cô cũng trở nên quen thuộc với tất cả các cây cối xung quanh, đến mức cô có thể nhận ra mọi đổi thay dù là nhỏ nhất của chúng.

Đó là những trải nghiệm mà rất ít người có được trong cuộc đời. Chính những trải nghiệm đó khiến cho cô càng thêm yêu khu rừng này và càng quyết tâm bảo vệ nó bằng mọi giá. Đôi khi, Miranda còn cảm thấy như mình đã trở thành một phần của khu rừng!

Trước tin tức mình đã đạt kỷ lục sống trên cây dài ngày nhất ở Úc, cô bạn Miranda cho rằng, đó là “một điều đáng xấu hổ”, bởi vì điều đó chỉ chứng tỏ rằng chính phủ đã không giữ lời hứa về việc bảo vệ khu rừng.

Thời gian cô sống trên cây qua đi, nhưng tiếng nói chung giữa chính phủ, các nhà bảo vệ môi trường và những người khai thác, kinh doanh thì vẫn chưa có được. Với Miranda và những người cùng chí hướng với cô, điều này chỉ có nghĩa là họ cần cố gắng nhiều hơn, cần kiên định hơn nữa với mục tiêu của mình. Cuộc sống trên cây của cô gái trẻ xem ra vẫn còn phải tiếp tục, mặc dù bản thân cô cũng như những người ủng hộ đang rất chờ mong ngày cô được xuống mặt đất

Thúy Phương
.
.
.