Tuyệt sắc Na Hang

Thứ Năm, 02/06/2016, 09:02
Na Hang theo tiếng người Tày gọi là “Ruộng cuối”, nhưng lại là huyện khởi đầu đón nhận vẻ đẹp nguyên sơ mà thiên nhiên ban tặng cho Tuyên Quang. Bắt đầu từ xã Thúy Loa, đón nhận sự trở về của con sông Gâm du ký từ tận miền đá núi Hà Giang. Và từ đó, con nước tõe ra bao nhánh suối, làm nên một Na Hang có cảnh sắc quyến rũ.


Những người làm đẹp quê hương

Theo câu Then của nghệ nhân dân gian Bàn Văn Sơn mà ngược về Na Hang, khách được quyện vào biết bao làn điệu luyến láy và hòa với hương núi, hương rừng tuyệt sắc. Trên quê hương xã Sơn Phú, câu lạc bộ hát Then đã được thành lập từ gần chục năm qua. 

Nhiều người ở Sơn Phú biết hát Then, hát Cọi, hát Páo dung… Nên đâu chỉ ngày hội mà trên nương rẫy, nơi những bến sông cuối buổi đi làm về, câu hát thường được thả trôi trên mặt nước, ngoài bìa rừng. Để lời ca thấm vào tán cây, gửi vào lòng người những điều thi vị nhất. Và để mùa lên nương, mùa hái măng rừng, hay mùa gặt, mùa trăng, trai gái thành vợ thành chồng, sống đời nhân nghĩa thủy chung.

Cảnh sắc hồ Na Hang.

Thiên nhiên ban tặng cảnh sắc, song để đời sống văn hóa tinh thần đẹp hơn, không thể thiếu những người con tích cực truyền trao và bảo tồn văn hóa dân gian. Cho đến muôn sau những tuyệt phẩm ấy tiếp tục làm nguồn mạch nuôi nấng tinh thần cho người dân. 

Trước hết là nghệ nhân Bàn Văn Sơn đầy tâm huyết. Yêu ca hát nên dù đã ở tuổi 80, ông Sơn vẫn mải mê đi truyền dạy, như thể đôi chân không bao giờ biết mỏi, như thể con sông Gâm không bao giờ vơi nước. Nhờ nỗ lực ấy, mà mỗi ngày lại có thêm những chàng trai cô gái biết “nói” lời trái tim của quê hương mình. Nghệ nhân Bàn Văn Sơn cho hay: “Núi rừng Na Hang lạ lắm. Hệ thống sông suối dày đặc. Suối, sông nhỏ cứ như là suối mơ từ trên núi cao, lách qua khe đổ về sông Gâm vậy. Rồi sông Gâm lại giao cắt với sông Năng, sông Năng nối với hồ Ba Bể bên Bắc Kạn. Địa hình nên thơ như vậy đã tạo nên đất sống cho hát Then, hát giao duyên”.

Hay nghệ nhân Hoàng Liên Sơn, ở bản Nhùng (xã Năng Khả), người được đánh giá giỏi Then bậc nhất trong vùng. Vì nghiên cứu sâu, hát nhập hồn, nên đôi lúc ông cảm giác nguồn năng lượng từ thế giới siêu nhiên nhập trong mình và cuốn hút người nghe. Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ông Hoàng Liên Sơn được chính quyền xã nhờ nhân rộng câu lạc bộ, coi đó là một món ăn tinh thần, góp phần làm giàu có nền nếp văn hóa trong cộng đồng.

Với tinh thần như thế nên hầu hết các xã của Na Hang có câu lạc bộ hát Then. Đồng thời, Na Hang trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang tổ chức Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính Tày- Nùng lần thứ nhất vào cuối năm 2015. Sự kiện này đã khẳng định sức lan tỏa mạnh mẽ của hát Then, đàn tính, đưa thương hiệu của Na Hang vươn xa.

Mảnh đất của miền cổ tích

Nhưng thương hiệu của Na Hang không chỉ có sông suối, có Then và cảnh sắc. Từ lâu, vùng đất ấy nổi tiếng với nhiều huyền thoại. Như huyền thoại về những ngọn núi là nơi nương náu của các nàng tiên xinh đẹp từ trời giáng xuống dạo chơi. Chuyện kể rằng, nhà trời muốn mở mang bờ cõi, đã sai 100 con phượng hoàng về Thượng Lâm tìm hiểu. Nhưng ở đó chỉ có 99 ngọn núi cho 99 con đậu. Một con phượng hoàng phải bay đi, rồi cả đàn lại bay theo, từ đó mà hình thành 99 ngọn núi hình phượng hoàng, tạo nên một vùng đất trù phú và hùng vĩ. Rồi từ đó, các cung nữ, nàng tiên thường ghé về dạo chơi những ngọn núi này.

Hay ở Thượng Lâm (xã Thượng Lâm), cách thị trấn Na Hang hơn 30km, cũng nức tiếng về những cô gái xinh đẹp. Chuyện kể rằng, các nàng tiên đến và sinh hạ được những đứa con ngoan. Con trai thì cường tráng, dũng cảm, sức quật ngã trâu; con gái thì thắt đáy lưng ong, xinh đẹp tuyệt vời. Thêm nữa các nàng tiên cũng dạy bà con cách trồng thảo dược để đun nước tắm, cách dệt vải để có trang phục đẹp. Từ đó, con gái Thượng Lâm “nhất dáng nhì da”, da vừa trắng vừa thơm, tóc gội trong dòng suối trong mát, mặc áo lụa đẹp, trở thành thương hiệu ở cả thời hiện đại.

Một câu chuyện cảm động khác về chàng Nà Kha, con nhà nghèo ở miệt rừng Phiêng Bung, cả một đời tận hiếu với cha mẹ già mà quên mất hạnh phúc riêng mình. Đặc biệt, chàng đã cõng mẹ đi tìm thầy thuốc chữa bệnh, vượt qua bao núi cao suối sâu, đến nỗi lưng còng xuống, chân khuỳnh ra, trở nên xấu xí. Khi chàng ở tuổi gần 50, cha mẹ mất mà vẫn không có bạn đời, phải sống cảnh cô đơn. Cảm động, nhà trời thương tình gửi xuống một người con gái xinh đẹp làm bạn với Nà Kha...

Trong kho tàng nghiên cứu của nghệ nhân Hoàng Liên Sơn, có hơn 300 trang ông ghi chép cẩn thận về những vẻ đẹp và huyền thoại của vùng đất này. Trong đó gom góp nhiều câu chuyện cổ tích, nhỏ và xinh, nhưng ấm đượm một vùng văn hóa trầm tích được coi là vùng đất lâu đời bậc nhất có hát Then. Ước vọng của ông là giá trị phải được gìn giữ, bằng nhiều phương cách, trong đó ghi chép cẩn thận và có một “giai phẩm” là ý nghĩa nhất. Dự kiến ông sẽ xuất bản thành sách (“giai phẩm” theo cách ông nói), để làm quà tặng cho mỗi ai yêu quý đến với Na Hang.

Rực rỡ sắc màu.

Chiều qua, sau cơn mưa đầu mùa hạ, Na Hang trong xanh. Đoàn khách dưới xuôi mong được diện kiến điệu Then của nghệ nhân Hoàng Liên Sơn. Cây đàn tính do chính tay ông chế tác, cùng với âm giọng thâm trầm của một người đã tích tụ cả một miền trầm tích, song cũng hào sảng, đã để lại ấn tượng. Phía bên kia, hồ Na Hang trong vắt, được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” - hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc. Núi Pắc Na cao lớn, như con voi khổng lồ cúi đầu bên nậm rượu, soi bóng trên mặt nước màu ngọc bích. Quanh hồ có nhiều thác nhỏ. Tiếng nước tuôn hòa vào âm điệu của đàn tính, góp cho lời Then thêm vang. Thật là một không gian đẹp đến nao lòng. Cũng như các vị khác, tôi hòa với không khí ấy, như thể những kỷ niệm và hình ảnh của nhiều năm sống và khám phá núi rừng được chưng cất trong lúc này và thăng hoa.

Và gần gũi

Các bạn trẻ ngày nay có nhiều cách trong hành trình trải nghiệm Na Hang. Nhưng đều chọn cách thưởng ngoạn giản dị, chạm vào cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Như đời sống người dân cũng hết mực giản dị, chân chất và nhiệt tình. Có khi họ thuê thuyền xuôi hơn 100km từ huyện Bắc Mê (Hà Giang) về Na Hang. Có khi từ Na Hang đi ngược sông Năng đến hồ Ba Bể. Hay có bạn chỉ tìm hiểu đời sống những người dân làm nghề đánh cá, nuôi cá tầm trên lòng hồ, để chớp lấy những nụ cười thật sảng khoái. 

Lại có người say mê hát Then đến không dứt ra được. Nhất là Then được biểu diễn bởi những tốp nữ trẻ trung của miền rừng. Con gái Na Hang thật thà, thủy chung, nền nã, như tiếng đàn ấm lòng khách, như men rượu chưng cất từ men, nước và khí trời thiêng liêng. Thể nào mà nhiều vị khách ao ước được nghe, được hòa vào những màn hát Then trên sông, trên hồ, như muốn ru lòng về chốn thần tiên thủa nào vậy.

Lần nào đến với Na Hang, tôi cũng có cách trải nghiệm của riêng mình. Tôi say mê ghi chép những câu chuyện lạ, những mảnh đời biết thế nào là đủ và hạnh phúc nơi người dân hay lam hay làm. Tôi hòa mình vào không gian núi rừng có mật độ che phủ cao, thăm thú các bản làng rồi có lúc ngẫu hứng đi ngược lên bản Pắc Von (xã Khau Tinh) thuê thuyền nhỏ xuôi về. Cái cảm giác như sông đang thở, núi rừng đang hát, đang tâm sự với mình thật tuyệt diệu. Đâu đó giữa đại ngàn, lại vẳng nghe một câu hát của thiếu nữ Tày, như thể nàng tiên nào đó vừa ghé xuống…

Na Hang đẹp mềm mại, như chiếc dây lưng của thiếu nữ Tày trong đêm Then. Nụ cười biết nói của người dân cũng sẽ đủ để tiếp tục nuôi bền những giá trị của một miền tuyệt sắc.

Đinh Văn
.
.
.