Úc lại tính xây đập trữ nước

Thứ Hai, 12/12/2016, 16:08
Những mối quan ngại về môi trường lại nổi lên, sau khi Chính phủ Úc muốn xây một loạt các đập trữ nước ở miền Bắc kém phát triển, nơi mà những đợt hạn hán kéo dài đã lấn át những trận lũ.


Kế hoạch này nhằm giúp mở rộng xuất khẩu lương thực và ngăn chặn sự thay đổi thời tiết. Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Malcolm Turnbull nói tại một trong 14 vị trí xây đập của bang Queenland: “Bắc Úc là một thành tố cơ bản trong kế hoạch kinh tế của chúng tôi. Ở đây có nguồn nước khổng lồ, nhưng lại không có đủ cơ sở hạ tầng để trữ và sử dụng”. 

Cùng lúc, Cơ quan dự báo thời tiết Úc cảnh báo sự gia tăng những đợt nắng nóng kéo dài trên toàn quốc, dẫn đến những nguy cơ cháy rừng và hạn hán. Mùa mưa mà nông dân trông đợi đã giảm 19 % kể từ năm 1970, trong khi thời tiết khô hạn cực đoan ở miền Nam đông dân cư tăng lên. Ở miền Bắc có khí hậu nhiệt đới, lượng mưa lại tăng lên. Nhà khoa học dự báo thời tiết Karl Braganza nói đấy là một sự thay đổi khí hậu đáng kể ở Úc.

Chính phủ Thủ tướng Turnbull đã phê duyệt 5 dự án đập trữ nước trọng điểm, trải từ bang Queensland đến các bang Nam Úc và Victornia ở miền Đông Nam. Chính phủ Úc trong năm nay cũng lập một cơ sở vốn 2 tỉ đô-la Úc (1,5 tỉ USD) để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng trữ nước trong 10 năm nữa. 

Đây là một phần trong kế hoạch phát triển miền bắc Úc vốn chiếm 40% diện tích nước này nhưng số dân chỉ chiếm 5,5% trong tổng số 24 triệu dân Úc. Vào mùa mưa, mỗi năm khu vực này đạt lượng mưa lớn, nhưng nguồn nước mưa này đa phần chảy ra biển, hiếm khi mưa đúng vùng sản xuất nông nghiệp. 

Tuy nhiên, với việc dân số thế giới dự kiến đạt 8,3 tỉ người vào năm 2030, chính phủ Úc muốn tăng gấp đôi sản lượng lương thực, từ 51 tỉ đô-la Úc hồi năm 2014 lên 100 tỉ đô-la Úc trong 15 năm tới. Cộng thêm vào đó là những khoản đầu tư xây cảng, hệ thống đường sá mới. Khoảng 2/3 sản lượng nông nghiệp Úc là xuất khẩu, chủ yếu qua Trung Quốc và Mỹ.

Nhưng những quan ngại về môi trường vẫn còn đó. Việc lại xây đập trữ nước là một sự thay đổi chính sách, dẫn đến những lo ngại mới về vấn đề môi trường. 

Sau Thế chiến 2, Úc đã đào nhiều núi để xây các đập, biến lục địa khô hạn nhất thế giới này thành một cường quốc nông nghiệp. Nhưng vào những năm 1990, ở Úc và các nước khác không còn xây đập lớn nữa, vì nỗi lo ngại những tác động môi trường đã bắt đầu vượt quá nguồn cầu nước và các dự án tưới tiêu. 

Dự án Những ngọn núi tuyết gồm 16 đập lớn và trạm điện được xây suốt 25 năm để giúp các nông trại được hoàn tất năm 1974. Đập Thiên đường trên sông Burnett là đập trữ nước lớn cuối cùng được xây ở Úc năm 2005.

Hiện thế giới lại có xu hướng tái xây dựng các đập trữ nước, vì gia tăng dân số và những lo ngại về sự thay đổi thời tiết đã khiến tăng nhu cầu sử dụng điện và các dự án tưới tiêu mới. 

Trung Quốc đã xây hàng trăm đập như Tây Tạng và Congo, theo tổ chức phi vụ lợi RiverWatch, trong khi ở châu Âu có hơn 2.000 đập mới được xây ở vùng núi Balkans, Thổ Nhĩ Kỳ và Áo. 

Theo RiverWatch, từ năm 2020, sẽ có thêm hàng ngàn nhà máy thủy điện mới trên toàn thế giới, với khoảng 120 tỉ USD được đầu tư vào các nhà máy này mỗi năm.

Bảo Vĩnh (theo The Wall Street Journal)
.
.
.