Uganda - phụ nữ mang thai trước hôn nhân bị ngược đãi tới chết

Thứ Năm, 20/07/2017, 17:05
Các cô gái Uganda mang thai trước hôn nhân bị gia đình mang đến hòn đảo Trừng phạt và để họ ở đó kiệt sức đến chết.


Trong xã hội Bakiga truyền thống, một phụ nữ trẻ chỉ có thể có thai sau hôn nhân. Lễ vật phải chuẩn bị để kết hôn với người con gái "còn trinh" thường là vật nuôi.

Một cô gái có thai khi chưa lập gia đình không những mang lại tai tiếng cho gia đình, mà còn bị coi như thứ đồ vô dụng và đáng bị bỏ đi. Các gia đình này thường mang con mình đến hòn đảo Trừng phạt và để họ ở đó kiệt sức đến chết.

"Khi gia đình phát hiện tôi đang mang thai, họ cho tôi lên một chiếc xuồng và đưa đến đảo Akampene. Không hề có thức ăn hay nước uống trong 4 đêm. Tôi vẫn nhớ cảm giác rất đói và lạnh lúc ấy. Tôi gần như kiệt sức".

"Đến ngày thứ 5 một ngư dân xuất hiện và nói sẽ đưa tôi về nhà anh ta. Tôi nghi ngờ anh ta đang nói dối và có ý định ném mình xuống nước. Nhưng không, anh chàng thực sự muốn giải cứu và muốn lấy tôi làm vợ", ngồi dưới mái hiên, kể về ân nhân và cũng là người chồng của mình, ánh mắt bà Mauda Kyitaragabirwe như đang tràn ngập tình yêu.

Bà Kyitaragabirwe, một nhân chứng sống trên hòn đảo Trừng phạt từ nhiều năm trước, bị gia đình thả ra biển vì không chồng mà chửa.

Một thời, phụ nữ mang thai trước hôn nhân bị đầy ra đảo Akampene.

Thực tế, những cô gái chưa chồng mà đã mang thai ở Uganda bị đưa đến một hòn đảo hoang mà người dân địa phương vẫn quen gọi là đảo Trừng phạt và phải ở đó đến lúc chết. Rất khó để đoán tuổi bà vì ngày đó chưa có giấy khai sinh.

Ndamwesiga, cháu gái của bà và cũng là hướng dẫn viên du lịch nói với phóng viên: "Bà tôi từng có phiếu đăng ký cử tri trước ngày độc lập của Uganda vào năm 1962. Chúng tôi đoán bà khoảng 106 tuổi".

 "Bà Kyitaragabirwe, lúc ấy bà có sợ không?", phóng viên BBC hỏi. Bà Kyitaragabirwe nghiêng đầu, cau mày và đáp: "Hồi đó tôi mới 12 tuổi, cháu nghĩ một cô gái 12 tuổi bị đưa tới một hòn đảo hoang, bốn bề mênh mông là nước thì có đáng sợ không?".

 Cưới một cô gái từ hòn đảo này, chồng bà cũng phải chịu nhiều tai tiếng ở làng Kashungyera. Bà Kyitaragabirwe cũng là chủ đề khiến nhiều người tò mò và đưa ra những lời đồn thổi.

Ông James Kigandeire, chồng của bà Kyitaragabirwe đã qua đời năm 2001. "Ông ấy rất yêu tôi và luôn muốn chăm sóc tôi. Ông ấy nói, đã đưa tôi về từ cõi chết và sẽ không bao giờ làm tôi đau khổ. Chúng tôi có 6 đứa con và đã sống hạnh phúc ở căn nhà này cho đến khi ông ấy chết", bà nói.

Nhiều năm trôi qua, ngôi nhà của bà Kyitaragabirwe đã thu hút nhiều khách du lịch. Đó là nơi người tham quan có thể hiểu hơn về lịch sử nơi đây qua những lời kể của bà.

Đôi lúc trong câu chuyện, bà thường dừng lại và nhìn rất lâu vào cánh tay mình. Khi phóng viên hỏi bà về đôi mắt không còn lành lặn, bà Kyitaragabirwe chỉ muốn lảng tránh. Nhưng câu hỏi khiến bà đau buồn nhất chính là số phận cái thai trong bụng những năm trước, giờ ra sao.

Bà chia sẻ: "Hồi ấy tôi còn rất trẻ và không thể bảo vệ đứa con của mình". Mặc dù không nói thẳng nhưng mọi người đều biết, trước khi bị đầy ra đảo bà đã bị đánh đến sảy thai. Hồi đó, Kyitaragabirwe cũng biết về câu chuyện những cô gái trên hòn đảo Trừng phạt và hậu quả của việc có thai mà chưa lấy chồng.

"Nhưng thực sự gã đàn ông tên Satan đã cám dỗ tôi. Tôi có nghe người ta nói ông ta đã chết", bà Kyitaragabirwe nói thêm.

Sau nhiều năm, bà cũng đã hòa giải với gia đình. Bà tha thứ cho tất cả mọi người và cả anh trai, người đã ép cô gái 12 tuổi năm nào xuống xuồng để ra đảo Trừng phạt. Bà cười và nói sẽ luôn chào đón khi họ ghé thăm ngôi nhà của mình.

Bà Kyitaragabirwe là người phụ nữ cuối cùng bị đưa ra đảo, khi chính quyền địa phương tìm nhiều cách để loại bỏ hủ tục này. "Tôi có ba con gái. Nếu một trong số chúng có thai trước khi kết hôn, tôi sẽ không đổ lỗi hoặc trừng phạt chúng. Ngày nay, xã hội đã khác, nếu một phụ nữ trẻ mang thai trước khi kết hôn, họ sẽ được gia đình chăm sóc", bà Kyitaragabirwe tâm tình.

Có 29 hòn đảo trên hồ Bunyoyi, bao gồm một hòn đảo dành riêng cho những người mắc bệnh phong. Tại một địa phương khác trong khu vực này - quận Rukungiri ngày nay, những cô gái có thai mà chưa cưới chồng sẽ bị ném xuống một vách đá ở thác Kisiizi. Không ai sống sót ở thác Kisiizi. Và ở đảo Trừng phạt, bà Kyitaragabirwe là một trong số những nhân chứng hiếm hoi.

Lai Nguyễn
.
.
.