Ukraine:

Sử dụng cá heo điều trị cho binh sỹ mắc chứng rối loạn chấn thương tâm lý

Thứ Hai, 28/11/2016, 18:09
Tờ The Guardian (Anh) đưa tin, Ukraine đang sử dụng cá heo để điều trị cho những binh sỹ nước này mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD).


Một số chuyên gia kỳ vọng, liệu pháp điều trị mới sẽ mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia khẳng định, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh vai trò của cá heo trong điều trị chứng PTSD.

Kỳ vọng vào liệu pháp điều trị mới

PTSD được biết đến là một loại rối loạn lo âu, “kích hoạt” bởi một sự kiện chấn thương tâm lý như phải trải qua hoặc chứng kiến sự kiện gây căng thẳng, sợ hãi, bất lực hoặc kinh dị.

Trước khi tiến hành điều trị chứng PTSD cho các binh sỹ, các chuyên gia đã sử dụng cá heo để điều trị bệnh này cho trẻ em, trẻ em thiếu tập trung trong học tập, nâng cao sức khỏe cho phụ nữ mang thai.

Vào tháng 9-2016, một nhóm binh sĩ chẩn đoán bị PTSD đã đến Odessa bắt đầu quá trình điều trị bằng cá heo.

Ivan Golubev từng là một đứa trẻ hiếu động cho đến khi trường học của em ở vùng Donbass, miền đông Ukraine bị tấn công. Chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khiến Ivan Golubev không thể nói được nữa.

Vài tháng sau, Ivan Golubev cùng mẹ Anna đi nghỉ ở Odessa và gia đình quyết định cho em thử điều trị bằng “liệu pháp cá heo” tại trung tâm Nemo.

"Sau một thời gian điều trị, Ivan Golubev bắt đầu nói chuyện trở lại và tôi thực sự vui sướng, không cầm được nước mắt", bà Anna nói trong khi con trai đang bơi quanh hồ như một phần của quá trình điều trị tiếp theo.

Số lượng nhân viên làm việc tại Trung tâm Nemo khá đông, trong đó có năm nhà tâm lý học. Các nhà tâm lý cho biết, thực tiễn cho thấy, động vật có thể giúp hỗ trợ phục hồi chức năng tâm thần và thể chất cho con người. “Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hàng chục ngàn người tử vong, hàng ngàn binh sỹ mắc chứng PTSD.

Chúng tôi mới bắt đầu sử dụng liệu pháp cá heo để điều trị cho các binh sỹ với kỳ vọng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Vào tháng 9-2016, một nhóm binh sĩ chẩn đoán bị PTSD đã đến Odessa bắt đầu quá trình điều trị”, một chuyên gia của Trung tâm Nemo cho biết.

Ông Yuri Mishkurov, một chuyên gia huấn luyện cá heo của Trung tâm Nemo nói rằng, sử dụng cá heo điều trị chứng PTSD không phải một “phương pháp ma thuật”, mà sẽ góp phần phục hồi sức khỏe cho các binh sĩ.

“Tôi không thể khẳng định bao nhiêu trong số 15 binh sĩ sẽ phục hồi sức khỏe hoàn toàn sau quá trình điều trị nhưng chắc chắn sẽ có hiệu quả. Các binh sĩ đều nói rằng, sau một thời gian điều trị, họ đã có những cảm xúc tích cực.

Tác động tích cực nhất mà tôi chứng kiến là đối với trẻ em như Ivan nói chuyện trở lại hoặc cởi mở hơn khi giao tiếp”, ông Yuri Mishkurov nói.

“Dù là người lớn hay trẻ em, nếu bạn dành nhiều thời gian trong hồ bơi với loài động vật lớn và thân thiện này, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng tốt hơn rất nhiều", ông Bogdan Popovski, người đã tham gia chương trình điều trị tâm lý bằng cá heo trong 10 năm nói thêm.

Những hoài nghi

Phương pháp điều trị tâm lý cho người bệnh bằng động vật đã được biết đến từ lâu trên thế giới. Chó, mèo, ngựa từng được sử dụng để điều trị chứng thiếu tập trung ở trẻ em. Tuy nhiên, với cá heo, một số chuyên gia cho rằng, không có bằng chứng rõ ràng để khẳng định liệu pháp này thực sự hữu ích trong điều trị chứng PTSD.

Cá heo đã được sử dụng để điều trị chứng PTSD cho trẻ em.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Psychology Today, Hal Herzog, người đã nghiên cứu sự tương tác giữa động vật và con người trong 20 năm nhận định, “liệu pháp cá heo” đang bị thổi phồng “một cách quá đà”. “Chưa thể khẳng định hiệu quả chính xác của liệu pháp cá heo. Đó mới chỉ là một kinh nghiệm mới, một hướng đi mới”, ông Hal Herzog nói.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia đặt câu hỏi về “tính đạo đức” khi sử dụng động vật hoang dã vào điều trị chứng PTSD. Hiện nay, Ukraine, Nga, Tây Ban Nha là những quốc gia châu Âu còn giữ cá heo, cá voi trong điều kiện nuôi nhốt.

Trong khi đó, Born Free – một tổ chức phi chính phủ bảo vệ động vật đã nhiều lần lên tiếng phản đối vấn đề này.

Được biết, những con cá heo tham gia điều trị cho các binh sĩ làm việc trung bình bốn ca, mỗi ca kéo dài 30 phút mỗi ngày. Vào thời gian bận rộn, cá heo cũng bị “vắt kiệt sức lao động” với 9 ca làm việc mỗi ngày.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.