Ước mơ giản dị của người đàn bà chăn trâu thuê

Thứ Năm, 15/09/2016, 10:56
20 năm chăn trâu thuê trong những cánh đồng hoang hoác của vùng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Cũng ngần ấy thời gian vợ chồng, con cái của họ sống trong túp lều gió lùa cửa trước thốc ra cửa sau. Đàn con lớn lên nhờ những đống phân trâu nhầy nhụa mỗi ngày. Cái nghề của cha mẹ bạc bẽo, hạ cám nên con cái mặc cảm, không dám ra ngoài, không dám yêu ai. Điều ước lớn nhất của người mẹ là mấy thằng con trai sẽ lấy được vợ...


Phận đời bám đáy lưng trâu

Người dẫn đường tên Long đưa chúng tôi luồn lách qua mấy khu ruộng bỏ hoang ở ấp Vũng Gấm (Phước An - Nhơn Trạch - Đồng Nai), rồi qua mấy cánh rừng bạch đàn non để tìm vợ chồng người đàn bà chăn trâu thuê.

Anh Long nhiệt tình, nhưng nói nước đôi: "Hên xui thôi nhé, vì vào giờ này không biết có gặp được không hay họ đã lùa trâu đi vào rừng rồi". Sao không gọi điện thoại? Câu hỏi của chúng tôi có vẻ hơi trịch thượng với người chăn trâu, anh Long thở dài thườn thượt: "Đến gạo ăn còn không có, tiền đâu mua điện thoại".

Thì ra giữa vùng Nhơn Trạch, cách Thành phố Sài Gòn hoa lệ đúng một con sông, vẫn còn những phận người cùng khổ đến vậy. Xe chúng tôi dựng ở ngoài bìa rừng, cúi rạp người xuống, lội bộ xuyên qua bụi tre già mới thấy căn chòi như cái lều vịt nằm tựa phên vào khóm tre.

Khung cảnh điêu tàn hiện ra, hoang hoác, trắng xóa màu đất lằn. Anh Long hú một tiếng, hai tiếng thì bà Nguyễn Thị Hoàn (tên thường gọi Ba Hoàn) chui từ trong bếp (ở lùm tre) ra. Bà Ba Hoàn cười thật tươi, mồm bà méo nên nụ cười chề ra, giống người khóc hơn. Căn chòi chẳng có nơi nào để ngồi, vì nắng xiên tứ phía, nóng bỏng rát.

Căn chòi rách toang hoác nằm giữa rừng của vợ chồng con cái bà Ba.

Bà Hoàn mời chúng tôi vào bếp trong lùm tre cho mát. Quá trưa mà bếp nhà bà vẫn lạnh tanh, nồi xoong khô đét úp ngược lên cây tre. Bà cho biết, nhà không có thói quen nấu cơm trưa, ăn buổi sáng là bữa chính rồi đi làm. Tối lùa trâu về mới ăn bữa thứ hai.

Bà Ba Hoàn (53 tuổi) chỉ vào miệng ngọng nghịu nói: "Tôi bị tai biến mấy năm, mồm miệng méo xẹo thế này đây, cũng may còn sống chứ tưởng chết rũ xương trong căn chòi này rồi". Vào một đêm mưa tầm tã năm 2008, khi chồng con mệt quá ngủ lả đi thì bà mò dậy, mặc áo mưa cầm đèn pin ra kiểm tra trại trâu.

Nhưng chẳng biết do trượt chân té ngã hay do hoa mắt (giờ không nhớ rõ) bà ngã sóng soài vào vũng nước phân trâu. Bà la ú ớ nhưng không ai nghe, hai con chó thông minh hằng đêm vẫn làm nhiệm vụ canh giữ trại trâu thấy khổ chủ gặp nạn đã đồng loạt sủa lên. Ông Nguyễn Văn Chiến (chồng bà) ngủ say nhưng hễ nghe chó sủa là sực tỉnh, ông chạy ra thì phát hiện vợ mình nằm ngắc ngoải dưới đất, người đã lịm đi. Bà Ba được bệnh viện cứu chữa tích cực, nên giữ được mạng sống, chỉ tội cái mồm vẫn méo.

Đó là về cái miệng méo, còn phần đời của bà thì khốn khổ hơn nhiều. Bà lấy chồng chưa kịp "nếm" mùi đô thị thì phải theo chồng vào rừng chăn trâu thuê, vì ông Chiến trước giờ sống bằng nghề đó. Ngày yêu nhau bà không tưởng tượng được đời "len trâu" của chồng lại khốn khổ khốn nạn đến thế. Đã khổ rồi lại đẻ nhiều, đẻ không phanh. Con cái mỗi đứa hơn nhau nửa cái đầu, sát rạt vào nhau.

Nghề chăn trâu thuê là con đường cuối cùng để sinh nhai, nhẩm tính đến nay đã 20 năm. Từ buổi đầu tiên của 20 năm về trước, hai vợ chồng bà Ba đã không còn biết Tết là gì, có căn nhà lá tường gỗ ở ngoài làng lâu quá không về, giờ bà Ba Hoàn không hình dung nổi nó xuống cấp đến mức nào.

Chăn trâu thuê, trải qua thời gian và những biến động xã hội, bây giờ cả vùng Đồng Nai này chỉ còn độc vợ chồng bà Hoàn làm. Căn chòi của bà nằm biệt lập với phố thị, lạ lẫm với hàng xóm, đến nỗi một bữa tiệc cưới xin, ma chay của anh em họ hàng ngoài xã, vợ chồng bà đều phải gửi tiền mừng, vì không thể rời con trâu quá năm phút.

Toàn vùng Nhơn Trạch chỉ còn gia đình bà Ba Hoàn làm nghề chăn trâu thuê.

Một con trâu từ một tuổi trở lên, tương ứng 3 dạ lúa (bằng 60kg) cho cả một mùa chăn thả. Mấy năm trở lại đây, người dân không làm lúa nhiều nữa, họ chuyển sang trả tiền mặt. 100 ngàn đồng/con/ mùa. Trâu từ một tuổi trở lên mới "ăn tiền", dạng nghé chưa mọc sừng theo chân mẹ thì không "ăn". Nhà bà Ba tính tổng số đầu trâu có gần 60 con.

Bãi buộc trâu của bà Ba Hoàn nằm cách đường nhựa vài chục mét nhưng tứ phía trống trải, không có rào chắn. Hai vợ chồng cộng thêm đàn chó lai Becgie thuộc dạng "đanh đá" nhưng vẫn chưa đủ sức mạnh phong tỏa trại trâu vào buổi tối. Vợ chồng bà huy động thêm hai thằng con trai, thằng 27 tuổi vừa đi nghĩa vụ về, thằng út 17 tuổi, vừa phải bỏ học vì gia đình không có điều kiện, làm nhiệm vụ canh giấc ngủ cho trâu.

Mơ về những nàng dâu

Trông cái lán trống trước hở sau, gió thốc phù phù vào mặt, chợt nghĩ thế này đêm đến thì lạnh lắm, hỏi bà Ba sao không che chắn nó kín đáo một chút. Bà cười, giải thích: "Mình lấy chỗ trốn nắng trốn mưa thôi, lán phải hở bốn phía để sẵn sàng cho những vụ "cứu trâu". Một khi có tiếng chó sủa, lập tức trong lán, đèn pin sẽ pha một lượt khắp trại, phát hiện bất thường là lao ra luôn.

Thế mới không cần cửa, không cần rào chắn. Nhưng mà đêm ngủ lạnh lắm, chẳng đêm nào ngủ tròn giấc cả. Một tiếng chó cắn ma cũng choàng tỉnh, một tiếng hục hặc của trâu cũng thảng thốt lo lắng".

Quá trưa, nắng chát chúa trên đỉnh đầu, bãi phân trâu bốc mùi nồng nặc, sộc thẳng vào mũi. Bà Ba Hoàn xin phép chúng tôi, tranh thủ đi cào bới phân trâu, xúc vào xe rùa đẩy ra bãi đất trống phơi kẻo chiều mưa. Tiền công chăn trâu thuê của vợ chồng bà Ba chỉ đủ mua mắm muối và trả tiền nước cho trâu uống.

Ngày nào nắng giòn, phân khô sẽ có lái buôn đến mua. Ngày nào mưa dầm, không phơi được thì ủ vào trong bạt chờ nắng lên. Một xe phân khô được thu mua với giá 240 ngàn đồng. Bà Hoàn thật lòng: "Cô đừng chê cười nhé, chứ ngày nào không có phân trâu bán là ngày đó đói cơm ngay". Bà nói xong và quay sang thương cảm cho người chồng của mình: "Mấy chục năm chăn trâu thuê, đôi chân của ông ấy vừa mòn vừa chai cứng đi rồi. Mới 57 tuổi mà như ông già 70, hom hem, lụ khụ lắm. Mà giờ không làm nghề này thì biết làm gì nữa. Già cả ốm đau, ai người ta thuê mướn".

Nửa đời người sống bằng nghề chăn trâu thuê, miếng cơm, tấm áo đều trông chờ vào đàn trâu mà cái chính vẫn là những bãi phân, nói thì ghê tởm nhưng không có nó thì "treo mồm". Phân trâu bán để mua gạo ăn hằng ngày, mua mắm muối và cả thuốc men những lúc bệnh hoạn.

Căn bếp lạnh tanh, lọt giữa lùm tre.

Đời cơ hàn, bần tiện, hai người con gái của bà Hoàn phải cắn răng đi lấy chồng xa, vì trai ở gần thấy cảnh chăn trâu thuê của cha mẹ các cô "hạ cám" quá, họ dè bỉu. Vài năm, họ mới dẫn con về thăm ông bà một lần, nhưng không được gặp ba mẹ, vì ông bà phải "đóng đinh" với trâu.

Bà Ba thật thà cho biết: "Đến mặt mũi cháu lớn, cháu bé thế nào còn không nhớ rõ, vì rất ít được gặp chúng". Còn ba thằng con trai không biết do mặc cảm hay chưa tới duyên mà giờ vẫn chẳng đứa nào ho he mang người yêu về ra mắt ông bà. Thằng lớn năm nay 28 tuổi, đi làm công nhân trong khu công nghiệp Nhơn Trạch.

Thằng áp út 26 tuổi vừa đi bộ đội về thì bị bệnh viêm gan, không có công ty nào nhận làm. Buồn quá, nó lầm lũi vào lán canh trâu cùng ba mẹ. Thương nhất là thằng út, con đường học vấn bị "gãy" vì không có tiền học phí. Ngày, nó lùa trâu đi chăn, như trốn tránh ánh mắt soi mói, chỉ trỏ của bạn bè. Đêm, nó nằm lì trong chòi, chưa bao giờ thấy nó về nhà. Bà Ba Hoàn chẹp miệng thở dài: "Thằng Út học giỏi và có ước mơ nhất, sang năm lên lớp 11 rồi nhưng đành phải cho nghỉ, biết làm sao được. Giờ ước nguyện của vợ chồng tôi là ba thằng con lấy được vợ, tôi không đòi hỏi gì nữa".

Trời về chiều, gió kéo mây đen ùn ùn "tức" một cơn mưa, bà Ba hốt hoảng đầu trần chân đất lao ra bãi phân trâu đang phơi cào bới thu gom vào một chỗ rồi kéo bạt che chắn cẩn thận. Trông dáng bà lom khom, tiều tụy, bàn tay cáu bẩn, nâng niu từng miếng phân trâu nhầy nhụa, tôi thấy chạnh lòng khi nghĩ đến bữa cơm của gia đình bà chiều nay, sẽ ra sao...?!

Ngọc Thiện
.
.
.