“Vạch xuất phát”

Thứ Tư, 05/04/2017, 07:18
Lề thói xứ ta từ xa xưa đã nặng nề thành kiến nghề nghiệp. Nhiều đôi lứa không đến được với nhau vì phụ mẫu căn cứ vào nghề nghiệp mà lắc đầu. Đời sống văn minh không thể có chỗ đứng cho tư duy ấy.

Hễ nói đến nhân vật nào đó, thường người ta nhắc cái đầu tiên là xuất thân. Thí dụ: "Cha" giám đốc ấy đi lên từ phó cối; "Mẹ" tiến sĩ ấy trưởng thành từ bán rau. Cái mà người ta lờ lớ lơ là sự đóng góp hiện nay của người ấy ở tầm nào. Thói đời cứ dìm được là phải dìm cho xuống đáy.

Mấy hôm trước, mạng xã hội ồn ào với những bài báo giật tít về một cán bộ rằng "Lái xe thành... Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học" và nhiều cái tít tương tự. Hiếm có ai nghĩ theo chiều một Phó Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học thuở hàn vi đã làm nghề lái xe.

Bây giờ tạm quên anh cán bộ cụ thể kia đi thì mới bàn được. Thực ra muốn bàn rộng hơn về một lối mòn của tư duy. Có nhất thiết phải câu khách bằng cách miệt thị nghề nghiệp không? Nếu năng lực của cán bộ nói trên không đủ thì hãy nói thẳng vào những kém cỏi của ông ấy trên phương diện khoa học. Nếu không bàn vào năng lực cụ thể thì việc lôi các nghề nghiệp xuất thân vào bài báo là một tư duy lệch lạc. Xét năng lực chỉ có thể chia ra giỏi, trung bình và kém cỏi mà thôi.

Minh họa Lê Tâm

Chẳng ai trong chúng ta sinh ra đã được đặt trên "vạch xuất phát" muôn người kính nể cả. Mỗi người đều phải tự chứng minh trong đời mình. Trong số chúng ta, không ít người ở "vạch xuất phát" thua thiệt về điều kiện vật chất và học tập nhưng vẫn thành đạt. Những người này đáng ngưỡng mộ hơn nhiều những người thành công ở "vạch xuất phát" cao. Hàn vi thiệt thòi càng chứng tỏ sự vươn lên đáng khâm phục.

Hãy xem những người nổi tiếng trên thế giới có "vạch xuất phát" thua thiệt. Có nên gọi ông Luiz Inacio Lula da Silva là thợ đánh giày làm Tổng thống Brazil không? Có nên gọi Abraham Lincoln là thợ đóng giày làm Tổng thống Mỹ không? Thủ tướng Bungari Boyko Borisov vốn là lính cứu hỏa và vệ sĩ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan thuở hàn vi bán nước chanh. Pal Schmitt, đương kim Tổng thống Hunggari từ 2010 xuất thân là vận động viên đấu kiếm. Tỷ phú Warren Edward Buffett thuở hàn vi làm nghề bán báo rong.

Ai đọc "Tam quốc" cũng biết Lưu Bị xuất thân từ nghề dệt chiếu đóng dép. Gia Cát Lượng mưu lược trùm thiên hạ cũng chẳng có bất cứ bằng cấp nào. Xét về bằng cấp thì Gia Cát Lượng đương nhiên thua xa 24.000 tiến sĩ của Việt Nam. Trước khi giúp Lưu Bị thì ông tự cày cấy chứ gia cảnh nhung lụa gì đâu.

Trở lại đầu câu chuyện, rất không nên thành kiến nghề cao nghề thấp. Con người mới là giá trị cốt lõi. Mỗi một giai đoạn đời người có thể gắn với một nghề khác nhau bởi may mắn chẳng bao giờ chia đều. Hãy xét thẳng vào tài năng và cống hiến nếu đủ tư liệu. Lề thói xứ ta từ xa xưa đã nặng nề thành kiến nghề nghiệp. Nhiều đôi lứa không đến được với nhau vì phụ mẫu căn cứ vào nghề nghiệp mà lắc đầu. Đời sống văn minh không thể có chỗ đứng cho tư duy ấy.

Hiện nay, cả nước luôn hướng tới những tấm gương vượt khó. Cộng đồng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho những cá nhân vượt khó. Nhiều trường hợp đã thành công ngoài sự mong đợi. Những người thành đạt cũng phải vượt qua chính mình. Đó là vượt qua tư duy thành kiến với những người xuất thân không thuận lợi. Như vậy mới là thực hiện công bằng, dân chủ và văn minh. Ai dám chắc rằng mình không xuất thân từ người từng mù chữ. Xa hơn nữa thì còn không biết nói nữa đấy.

Còn bạn. Hãy cho tôi biết vạch xuất phát của bạn, tôi sẽ nói bạn được kính trọng ở tầm nào.

Lê Tâm
.
.
.