Văn hóa đổ lỗi

Thứ Tư, 02/09/2015, 10:00
Những ngày vừa qua, câu chuyện liên quan đến cuốn sách dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 gây ồn ào trên truyền thông. Ngành Giáo dục được mùa dư luận. Hết chuyện thi cử, tuyển sinh, đến chuyện bản quyền sách giáo khoa, sách kỹ năng với "chiêu" rèn luyện học sinh về lòng dũng cảm bằng cách đi trên thủy tinh vỡ.

Trăm người mười ý, và chúng ta thống nhất rằng, giáo dục còn rất nhiều vấn đề bất cập. Nhưng theo dõi các ý kiến bức xúc của các bậc phụ huynh, từ các phương tiện truyền thông, bỗng giật mình nhận ra, từ bao giờ chúng ta đã hình thành một nền văn hóa đổ lỗi. Những bậc cha mẹ dường như đang vô can trong việc con cái mình không có các kỹ năng sống tốt?

"Kỹ năng sống" gần đây được trở thành một từ khóa hot với các bậc làm cha mẹ. Các gia đình đua nhau đưa con đi học các lớp dạy kỹ năng sống, ngấu nghiến các loại sách bìa có chữ "kỹ năng sống", như một cách bù đắp, giảm thiểu những gì mà con em mình còn khuyết thiếu. Một cuốn sách dạy kỹ năng có vấn đề, cha mẹ tới tấp nêu ý kiến, không hài lòng về cách dạy trong cuốn sách. Thất vọng, đổ lỗi xôn xao trên các diễn đàn. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con em họ không có kỹ năng sống là do sự thờ ơ của nhà trường, do cách dạy dỗ thiếu khoa học của nhà trường, những cuốn sách chưa chuẩn của nhà trường.

Nhưng có một điều các bậc cha mẹ cần phải nhìn ra, kỹ năng sống không phải học một ngày, một buổi, một cuốn sách là con em họ có được. Kỹ năng sống là một quá trình được hình thành lâu dài, với việc rèn luyện các thói quen, việc nuôi dưỡng tình yêu với cuộc sống từ khi còn rất nhỏ, từ khi một đứa trẻ vừa chào đời. Hãy nhìn cách người Nhật rèn các kỹ năng sống cho con. Ngay từ khi đứa bé được khoảng 2 tháng tuổi, cha mẹ đã cho con giao tiếp với thiên nhiên. Họ địu đứa bé để đầu trần đi dưới trời nắng, thậm chí trời mưa nhẹ, và cả cái rét mùa đông. Đứa bé có thể bị ốm lần đầu, nhưng vài lần chúng sẽ thích ứng với các kiểu thời tiết, trở nên cứng cỏi hơn. Trải nghiệm thiên nhiên là cách để đứa trẻ gần gũi với thiên nhiên, yêu thích các hoạt động ngoài trời tốt cho thể chất của chúng.

Dạy cho con kỹ năng sống trước tiên là nghĩa vụ của cha mẹ.

Trẻ con không bị nhốt ở nhà, chúng thường được bố mẹ đưa đến những nơi ngoại ô, hái hoa, đùa với bướm, làm quen với động vật, từ đó hình thành tình yêu với muôn loài. Trong quan hệ gia đình, cha mẹ dạy cho con các kỹ năng mềm ngay từ nhỏ. Trẻ được khích lệ làm các công việc vừa với sức mình, rèn các kỹ năng lao động. Cha mẹ cố gắng dành nhiều thời gian cho con nhất có thể, lắng nghe con một cách sâu sắc, trò chuyện và kiến giải các thắc mắc của con, kiềm chế cảm xúc khi con hư hay làm những việc cha mẹ không hài lòng, để rồi qua đó dạy trẻ biết kiềm chế các cảm xúc tiêu cực.

Ở các đất nước văn minh, cha mẹ nhận thức rằng việc dạy các kỹ năng sống cho con trước tiên thuộc về chính họ. Họ hiểu những đứa trẻ của mình hơn ai hết. Và trong suốt những năm đầu đời, đứa trẻ chỉ có cha mẹ ở cạnh để yêu thương, dạy dỗ, nên cha mẹ vừa là bạn, vừa là thầy của con trước tiên, rồi sau đó mới đến nhà trường. Không có xu hướng đổ lỗi cho giáo dục căng thẳng như ở mình.

Nhìn thẳng vào thực tế nước ta, có thể thấy, cha mẹ chưa chú tâm việc dạy các kỹ năng sống cho con. Thậm chí, khái niệm kỹ năng sống là như thế nào nhiều bậc làm cha mẹ cũng chưa hiểu rõ. Nên đôi khi cha mẹ yêu con rất nhiều mà lại không cho con những kỹ năng thực sự cần thiết. Câu chuyện đi trên thủy tinh rèn luyện lòng dũng cảm, thực tế cách đặt vấn đề của sách dạy kỹ năng lớp 1 là sai, nhưng ít cha mẹ nào nhìn ra. Lòng dũng cảm là một phẩm chất, không thể gọi là kỹ năng sống. Nếu nói rằng dạy trẻ đi trên thủy tinh vỡ là để rèn kỹ năng vượt khó thì mới đúng. Nhưng cha mẹ còn đang mụ đầu để tranh cãi, đổ lỗi, nên ít người đặt câu hỏi cần thiết. Rằng mình đã dạy con cái mình những gì để chúng sẵn sàng đối đầu với những cam go, thử thách trong tương lai.

Thiết nghĩ, các bậc làm cha mẹ nên ngồi xuống và bắt đầu lại việc dạy cho các con mình những kỹ năng cần thiết. Họ không cần cầm điện thoại hay các thiết bị điện tử nhiều giờ trên tay như vậy. Hãy làm bạn với con, trò chuyện để hiểu chúng. Hãy dạy con những việc nhỏ bé trong nhà như sắp xếp áo quần gọn gàng, nấu cơm, rửa bát. Hãy cùng con đi đến những nơi tràn ngập thiên nhiên, dạy chúng tình yêu thiên nhiên. Hãy hành động nhiều hơn nữa, bằng chính bản năng làm cha mẹ của mình mách bảo, cộng với kiến thức của mình sẵn có, để trang bị những giá trị tốt đẹp nhất cho con vào đời, thay vì ngồi đó đổ lỗi cho ngành Giáo dục, cho nhà trường. Cha mẹ cần nhận thức rằng, bản thân họ cũng chính là trường học của con cái mình.

TS. Nguyễn Mai Phương
.
.
.