Văn hóa sống chậm dạy ta điều gì

Thứ Tư, 15/07/2020, 10:55
Triết học của sống chậm không phải là làm mọi việc theo lối cũ, mà là muốn làm mọi việc theo một tốc độ đúng đắn, tận hưởng từng phút từng giờ chứ không phải tính đếm chúng.


Chúng ta đã quen cà phê pha nhanh, taxi chạy tính từng phút, còn chuyến bay sang một lục địa khác chỉ là một mục trong danh sách công việc trong ngày. Chúng ta vẫn y như những đứa trẻ quan sát sự gấp gáp trên toàn cầu, nằm dưới tác động của những dòng thác thông tin cấp tập. 

Thế giới chúng ta đang sống không còn như nó hàng nghìn năm trước. Những biên giới địa lý và thời gian bị xóa nhòa, các giá trị thay đổi, nhưng bình yên và hạnh phúc lại không nhiều lên. Và ngày càng khó khăn vật lộn với sự tầm thường của thời đại chúng ta. 

Vì sao những phẩm chất thoạt nhìn là hay ho của cuộc sống nhanh lại gợi nên sự chiếm đoạt và không tìm thấy sự hài hòa với bản tính con người? Vậy sống chậm có ý nghĩa gì?

Lỗi là ở bữa ăn cho tất cả

Mọi việc bắt đầu ở Italia cuối những năm 1980, khi bên cạnh quảng trường tại trung tâm Roma người ta chuẩn bị khai trương quán ăn MacDonald đầu tiên trong nước. Khi đó một kẻ thù nhiệt thành của việc ăn nhanh, nhà báo và nhà hoạt động chính trị Carlo Petrini đã nghĩ ra một cách phản đối rất Ý: tổ chức cũng trên quảng trường ấy một bữa ăn truyền thống với món chính là mì ống. 

Vào ngày khai trương Petrini cùng các chiến hữu đã giơ cao những bát spaghetti để phản đối. Cuộc biểu tình thành công, nhưng quán MacDonald vẫn xuất hiện trên quảng trường. Thực ra thì chữ M. đã được viết nhỏ hơn dự tính, chắc chính quyền có vào cuộc.

Ý tưởng thành lập "Phong trào quốc tế thức ăn chậm" (International Slow Food Movement) đến với Carlo Petrini khi ông muốn có một tổ chức bảo vệ các truyền thống thực phẩm của tất cả các nước trên thế giới. Ông tin rằng văn hóa và lịch sử của dân tộc nào cũng bắt đầu từ món ăn địa phương, vì thế các truyền thống bếp núc và các công thức nấu nướng cần được bảo tồn và giữ gìn.

Tại phiên họp đầu tiên năm 1989 các đại biểu từ 15 nước đã ký bản Tuyên Ngôn của phong trào. Một trong những nguyên tắc chủ chốt được nêu ra trong đó là "chất lượng sản phẩm và niềm tin vào quyền được thích khoái". 

Tuyên Ngôn nêu rõ: "Tốc độ đang kìm kẹp chúng ta. Chúng ta là nạn nhân của một thứ virus có tên gọi "nhịp sống nhanh", nó bẻ gãy các tập quán của chúng ta và thậm chí tấn công vào nhà riêng của chúng ta, bắt phải ăn những thứ đồ được chuẩn bị nhanh chóng".

Hình ảnh con ốc sên vui nhộn được chọn làm người bảo trợ và biểu tượng của "Phong trào ăn chậm" nói lên tư tưởng về sự ăn uống lành mạnh đem lại cảm giác thích khoái. Nhưng sự thích khoái đó chỉ có thể có được khi mọi người thong thả ngồi quanh bàn thưởng thức bữa ăn và hương vị của nó.

Vậy phải làm gì? 

Thời cuộcsống lớn

Những người sáng lập Slow Food tin rằng: chỉ cần biết con người ăn gì và ăn thế nào thì thấy ngay hắn sống theo nhịp điệu nào. Và nếu cái ăn phản ánh lối sống của chúng ta thì đến lượt nó lối sống lại do ý thức của ta quyết định.

Năm 2004 nhà báo Canada Carl Honoré xuất bản cuốn sách "Ngợi ca sống chậm" (In Praiseof Slowness) trong đó viết: "triết học của sống chậm không phải là làm mọi việc theo lối cũ, mà là muốn làm mọi việc theo một tốc độ đúng đắn, tận hưởng từng phút từng giờ chứ không phải tính đếm chúng. Làm mọi việc tốt nhất có thể chứ không phải là làm sao cho nhanh. Đây là nói về chất lượng so với khối lượng trong mọi thứ, từ công việc đến bữa ăn và giáo dục con cái". 

Ông đã chỉ ra những cách thức giải thoát khỏi cái mà nhà thơ Pháp Charles Baudelaire gọi là "gánh nặng khủng khiếp của thời gian". Ở thời chúng ta những cách thức này rất đơn giản: giảm bớt thời gian xem tivi, thường xuyên tắt điện thoại và máy tính khi có thể làm thế, học nói "không" và lựa chọn những thứ quan trọng để không chất đầy kế hoạch làm việc và những cuộc gặp gỡ cá nhân. Nhưng liệu mọi người có sẵn sàng hy sinh thế không?

Carl Honoré cảnh báo: "Tất cả chúng ta đều liên quan đến nhau và nếu một người thay đổi lối sống bằng cách làm cho nó chậm hơn thì điều đó sẽ tác động đến những người xung quanh. Cần báo cho bạn bè và đồng nghiệp biết, giải thích cho họ là tại sao bạn lại có ý định làm việc chậm hơn, thường xuyên tắt các thiết bị điện tử và dành nhiều thời gian hơn cho việc thực hiện những nhiệm vụ đặt ra".

Cuộc sống hối hả nhiều khi làm cho chúng ta quên cả những nụ hôn với người thân yêu trước khi đi làm.

Kết quả chúng ta sẽ quan tâm hơn đến cuộc sống của mình, tận hưởng sự bình yên và cảm giác đầy đủ của từng thời khắc hiện tại thực sự.

Tóm lại triết học sống chậm, nhà triết học Na Uy Guttorm Floistad tuyên bố: "Cần nhắc cho mọi người biết rằng các nhu cầu cơ bản của chúng ta không bao giờ thay đổi. Đó là nhu cầu được nhận biết và được quý trọng. Đó là nhu cầu được thuộc về. Đó là nhu cầu được gần gũi và quan tâm, cũng như được một tình yêu nhỏ bé! Điều này được thực hiện thông qua sự chậm rãi trong các mối quan hệ của con người. Để xét đoán các thay đổi chúng ta cần phải khôi phục sự chậm rãi, sự suy tưởng và sự thống nhất. Khi đó chúng ta sẽ thực sự đổi mới mình".  

Ở đây cần dừng lại để hiểu nghĩa của khái niệm chủ yếu nhất - "chậm". Geir Berthelsen, thạc sĩ về tâm lý học tổ chức công nghiệp, đã nhiều năm tìm hiểu phạm trù "Thời Gian", xem xét nó với tư cách quan niệm và nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian đến não bộ. Từ đó ông đã lập ra Viện Sống chậm thế giới. Viện này định nghĩa "chậm" là một chiều đo thời gian lâu nay bị quên lãng. 

"Khác với thời gian niên biểu, đó là thời gian phi tuyến tính, thời gian ở đây và bây giờ, thời gian làm việc cho chúng ta, thời gian khác thường. Như vậy nhanh để làm gì khi có thể chậm? Sự chậm gắn với sự cân bằng, vì thế nếu anh phải vội thì hãy vội một cách chậm". - Đó là những lời ghi trên trang mạng của Viện.

Viện Sống chậm thế giới không phải là tổ chức duy nhất ủng hộ phong trào Slow Life. Ở Mỹ có quỹ "Kéo dài khoảnh khắc" (Long Now Foundation), châu Âu có "Hội làm chậm thời gian", "Viện quốc tế không làm quá nhiều"  (International Instituteof Not Doing Much), còn ở Nhật Bản có "Câu lạc bộ lười nhác" (Sloth Club) khuyên nên "trở thành" con culi, học theo một số tập tính của nó để tìm cách sống hòa điệu với Trái Đất. Tất cả những tổ chức này không kiểm soát bản thân sự vận động vì nó là tự do, nhưng hiệp lực cùng nhau đấu tranh với sự tăng tốc vội vã trên toàn cầu.

Đặt các biển báo dừng lại

Jon Kabat-Zinn, tiến sĩ về sinh học phân tử, người sáng lập và Giám đốc Bệnh viện giảm trừ căng thẳng (Stress Reduction Clinic) thuộc Trung tâm Y học tại Đại học Massachusetts là người ủng hộ quan niệm giác ngộ của Phật giáo. 

Giáo sư tin rằng giác ngộ có thể mở ra cho mỗi người những kích thước mới của sự an lạc, sự toàn vẹn, sự thông thái, sự đồng cảm và lòng tốt. "Giác ngộ là một cách thức chú ý đến sự chữa khỏi, sự phục hồi, nhắc cho anh biết thực ra anh là ai".

Khi chúng ta thực hành sự giác ngộ trong cuộc sống thường ngày, chúng ta ít bị ảnh hưởng của những cảm xúc phá hoại hơn, và điều đó giúp chúng ta đạt được trạng thái cân bằng đem lại cho ta sự thỏa mãn nhiều hơn từ công việc, các quan hệ với người thân và cuộc sống nói chung.

Nhưng liệu có thể tìm được cách thức có hiệu quả giúp sử dụng sức mạnh của giác ngộ? David Steindl-Rast, một linh mục Thiên Chúa giáo, đã khuyên thế này: 

"Khi bọn trẻ học cách qua đường, người ta bảo chúng: "Hãy dừng lại. Hãy nhìn quanh. Và bước đi". Chỉ có thế. Nhưng chúng ta thường dừng lại thế nào? Chúng ta lao theo cuộc sống. Chúng ta không dừng lại. Chúng ta bỏ mất khả năng này, bởi vì chúng ta không dừng lại. Chúng ta cần phải dừng lại. Chúng ta cần phải đứng yên. Chúng ta cần phải đặt biển báo dừng lại trong cuộc sống của chúng ta".

Ngân Xuyên
.
.
.