Văn hóa thang máy - chuyện không nhỏ

Thứ Ba, 08/09/2015, 07:00
Ở tuổi xưa nay hiếm, nếu cụ ông tên T. có phải nằm bệnh viện vì các "cơ quan đoàn thể" lão hóa, bệnh tật đầy mình cũng là lẽ bình thường. Oái oăm ở chỗ cụ dính phải một tai nạn mà đến trong mơ cũng không thể hình dung nổi.
Một sáng cuối tháng 8 mới đây, khi cụ ra thang máy từ tầng 4 để xuống tầng trệt của một bệnh viện ở Đà Nẵng, bấm số xong thì bất ngờ thấy mình… rơi tự do. Trong thang lúc này chỉ có một mình cụ nên lãnh đủ. Hậu quả là cụ bị gãy chân, rách da vùng cằm, đầu. Bệnh viện đã tức tốc đưa nạn nhân cấp cứu tại Khoa chấn thương, chụp X-quang toàn thân... May mà sau khi cấp cứu tích cực, cụ T dần hồi phục.

Bằng giờ này năm ngoái, một sự cố tương tự cũng xảy ra tại tòa nhà Lotte ở Hà Nội. 7 người rơi tự do từ tầng 63 xuống 35, thế rồi họ phải mắc kẹt trong đó đến 40 phút mới thoát được ra ngoài. Nếu hôm đó, thang máy rơi tự do từ tầng 63 xuống tầng trệt thì chắc chắn hậu quả xảy ra sẽ là điều kinh khủng

Vâng. Ai cũng biết đi thang máy hay thang cuốn là vô cùng tiện lợi, văn minh, tiết kiệm thời gian, đỡ hại sức khỏe. Nhưng nếu tai nạn xảy ra thì chỉ biết ôm mặt kêu trời.

Thang máy đương nhiên cũng phải coi nó như một "cơ thể sống", nghĩa là phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, bảo hành để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Minh họa: Tả Từ.

Những năm gần đây, chúng ta có thể thấy thang máy là một phương tiện công cộng ngày càng phổ biến, nhất là ở những khu đô thị lớn. Những tai nạn đáng tiếc xảy ra tuy không nhiều và rất may, chưa có thiệt mạng về người. Song, có một thực tế đáng buồn mà một số người ít lưu tâm khi sử dụng thang máy, đó là văn hóa thang máy.

Tôi còn nhớ lần đầu đặt chân tới Paris, khi xe chở tôi về khách sạn, làm thủ tục nhận phòng xong thì đã nửa đêm. Phòng tôi ở trên tầng 4 của một khách sạn cao tầng. Cùng đi trong thang máy với tôi là 2 bạn trẻ người Pháp. Vừa bước vào trong, họ đã mỉm cười chào tôi, lùi lại phía sau cho tôi có chỗ đứng rộng hơn và hỏi tôi có cần họ giúp gì không. Tôi cảm ơn họ và trả lời tự tôi có thể thu xếp mọi việc. Vậy đấy, gần gũi và thân thiện, đó là cảm giác của tôi khi trong thang máy tại một đất nước cách chúng ta hơn 10 giờ bay khiến tôi thấy ấm lòng.

Có kỷ niệm đáng nhớ và tất nhiên cũng có kỷ niệm muốn quên đi. Đó là lần tôi đi công tác ở một nước châu Á. Khi thang máy từ tầng 40 xuống và dừng ở tầng 25, một tốp khách du lịch ùa vào. Họ nói chuyện oang oang, huých cùi chỏ đẩy người đang đứng trong thang máy dồn xuống phía dưới, có người còn rút điện thoại rồi gào lên, lại có người đang ăn hamburger nhồm nhoàm vẫn to mồm góp chuyện…

Mùi thức ăn, mùi nước hoa nồng nặc và cả mùi mồ hôi cực kỳ khó chịu từ những vị khách này khiến tôi suýt nôn ọe. Rõ ràng, có thể thấy họ là những người rất kém hiểu biết khi đi thang máy bởi vô hình trung, họ đã làm phiền đến nhiều người khác.

Thú thật, tôi thật sự buồn khi bước vào thang máy ở những chung cư bình dân bởi có cảm giác như chuẩn bị chịu một sự tra tấn nào đó. Bên trong thang máy khá tối, âm u, bốc mùi hôi. Còn dưới chân là túi nilon, giấy vụn, kẹo cao su bết lại dưới sàn, thậm chí còn nguyên cả bãi khạc nhổ của ai đó.

Một người làm trong ngành thang máy nói với tôi trong tiếng thở dài: Người đi thang máy ở nước ta có một tính rất xấu, đó là không kiên nhẫn. Chỉ riêng việc gọi thang máy, bấm nút một lần, đèn báo trên nút sáng là được rồi, nhưng vì phải đợi lâu, cứ nghĩ là nút bấm không ăn hay thang "quên" không chạy đến... nên cứ thế là bấm lia lịa cái nút nhấn.

Tôi có cảm giác vì họ không có sự kiên nhẫn nên bao nhiêu bực tức dồn hết vào nút nhấn đó. Họ đâu hiểu rằng, làm như vậy nhanh hỏng thiết bị của thang máy, rồi mất thời gian sửa chữa, thay thế... Thật ra, nếu họ bình tĩnh đợi đến khi có tiếng chuông dừng tầng của thang máy, cửa mở tự động rồi vào, tất cả cũng chỉ mất 1, 2 phút là cùng.

Chúng ta đang tiếp cận với sự giao thoa của các nền văn minh, công nghệ hiện đại càng ngày càng phát triển giúp con người tiết kiệm thời gian và công sức. Nếu như mỗi người hãy tự thay đổi thói quen và suy nghĩ của mình, cư xử tinh tế, văn minh thì thang máy sẽ phát huy hết chức năng của nó, đồng thời tạo ra một nét đẹp văn hóa. Đó cũng là cách để chúng ta tôn trọng mọi người, tôn trọng bản thân.

Tuấn Nguyễn
.
.
.