Vấn nạn bạo lực gia đình: "cơm sôi bớt lửa…"

Thứ Sáu, 19/06/2020, 15:54
Ở làng tôi xưa cũng có bà nổi tiếng đanh đá, hay đánh chồng. Mỗi lần vợ chồng ông bà ấy mà đánh cãi chửi nhau là vang lừng cả làng nước. Tiếng bà ấy chửi như xé vải. Rồi bà ấy vớ gì phang nấy cứ đùm đụp như vồ đập đất. Và tiếng ông chồng kêu giời…


Gần đây tôi có đọc một bài trên trang báo nước ngoài, tâm sự của anh chàng người châu Âu bị vợ bạo hành suốt mười năm. Suốt mười năm anh ta bị cô vợ hổ báo của mình đánh đập, thậm chí là hiếp dâm, mãi mới thoát ra được. Tôi suy nghĩ mãi. Bởi xưa nay tư duy của mình, nói đến bạo lực gia đình thường nghĩ ngay chuyện chồng tẩn vợ, cha mẹ đánh đòn con cái chứ mấy khi có điều ngược lại. Mà chuyện này lại xảy ra ở châu Âu, một nơi văn minh…

Ở làng tôi xưa cũng có bà nổi tiếng đanh đá, hay đánh chồng. Mỗi lần vợ chồng ông bà ấy mà đánh cãi chửi nhau là vang lừng cả làng nước. Tiếng bà ấy chửi như xé vải. Rồi bà ấy vớ gì phang nấy cứ đùm đụp như vồ đập đất. Và tiếng ông chồng kêu giời… 

Mà bà ấy là nông dân ở nhà cấy lúa, còn ông chồng có chức vị cao, công tác ở cơ quan trung ương ngoài Hà Nội cẩn thận. Thế mà vẫn bị bà vợ tẩn cho đều! Nhưng lạ cái là họ vẫn ở với nhau. Vẫn sinh con đẻ cái ra cả một lũ dài dằng dặc tôi đếm chả hết nữa, đến lạ!

Nhà văn Trần Thanh Cảnh, tranthanhcanh1961@gmail.com

Thế nhưng đấy chỉ là hai trường hợp có tính chất cá biệt, còn thực ra dù thế giới hay nước Việt, dù làng hay phố thị thì cái chuyện bạo lực gia đình phổ biến nhất vẫn là các ông chồng ra đòn với các bà vợ. Nhẹ thì cái bạt tai, nặng thì tay đấm chân đá, liên hoàn cước đủ cả. 

Lắm lúc rỗi rãi ngồi nghĩ lần mần thấy mấy tay đàn ông vũ phu cũng kỳ, lúc còn đang tán tỉnh yêu đương đưa đón thì chiều như chiều vong, cưng như cưng trứng hứng như hứng hoa. Nhất mực chiều chuộng, mỗi lời mỗi ý của người ta như thánh chỉ vua ban. Thế mà đến lúc cưới xong về một nhà, sinh con đẻ cái, xây dựng nhà cửa… dần bỗng sinh ra cục tính. Nói cục. Làm cục. Lơ mơ là ục…!

Ông nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh có viết hai câu thế này:

"Mới yêu nhìn đã tri âm

Lâu dần tiếng Việt nghe nhầm tiếng Tây"!   

Có lẽ hai câu thơ trên đã lột tả hết cái cảnh vợ chồng lấy nhau lâu ngày, bỗng dưng hóa đồng sàng dị mộng. Không hiểu nhau. Chán nhau. Rồi dẫn đến xung đột gia đình. Rồi thậm chí bạo lực nổ ra trong cơn nóng giận leo thang của cả hai. Mà cái sự nóng giận leo thang từ ngôn ngữ sang hành động bạo lực, hậu quả nhiều khi không tưởng tượng nổi. Những người trong cuộc sau này hầu hết đều hối hận, giá mà… nếu mà… Than ôi, cuộc đời là một dòng chảy thời gian một chiều nên không có chỗ chữ giá chữ nếu ở đây!

Cơ mà làm sao lại ra nông nỗi vậy, khi đa số các cuộc hôn nhân thời nay bắt nguồn từ tình yêu nam nữ chân chính chứ đâu có chuyện ép buộc gì? Như khoa học đã công bố, tình yêu của một người nam với một người nữ được bắt đầu ngay sau 0,2 giây đầu tiên gặp gỡ ánh mắt giao nhau. Nhìn nhau một cái là họ đã như thấy người tình từ tiền kiếp, thấy ánh hào quang lung linh đẹp đẽ hiện ra, thấy cái gì của người yêu mình cũng tuyệt. Và anh chàng kia sẽ tập trung tất cả mọi tri lực vào cô người yêu bé bỏng của mình để mà đón ý chiều chuộng. Chinh phục. Họ cảm thấy cả vũ trụ này chỉ có chàng chiều ta và nàng hiểu ta. Duy nhất. Tình yêu cứ thế bay cao trên đôi cánh đong đầy cảm xúc của nó. Rồi tình yêu lên đến đỉnh, họ cưới nhau về, dĩ nhiên. 

Cuộc chung sống giữa hai con người cá nhân trong xã hội hiện đại bắt đầu. Bắt đầu của cuộc va đập, xung khắc, thích ứng, chịu đựng lẫn nhau. Và tại đây, cá nhân mỗi con người với tính cách, xuất phát gia đình, trình độ văn hóa, quá trình giáo dục, quá trình tự nhận thức để trưởng thành bộc lộ ra hết. Nếu may mắn và có sự tìm hiểu giao tiếp đủ để thích ứng với nhau trước khi cưới. Và các điều kiện kinh tế xã hội, công việc ổn định, họ sẽ có nhiều cơ may một gia đình hạnh phúc hình thành và có thể đi cùng nhau cho hết cuộc đời. 

Thế nhưng sự đời muôn nỗi, xã hội ngày nay là một không gian mở vô cùng đa dạng và rộng lớn. Mỗi cá nhân hằng ngày đi làm, tiếp xúc, giao lưu với muôn vàn các đối tác khác nhau. Tất nhiên mỗi bộ mặt khách quan chúng ta đem ra trình diện với xã hội đều ít nhiều mang tính hình thức che đậy. Còn khi về với gia đình riêng, bộ mặt mang tính trình diễn được cởi ra. Anh chồng nhìn thấy bà vợ ngọt ngào thơm nức của mình xưa nay hóa ra con mụ bỉm sữa đầu bù tóc rối thậm chí hôi mù. Chị vợ nhìn thấy ông chồng tưởng như lãng mạn vô song chiều chuộng tuyệt đỉnh thở yêu, nay ra một tay vô tích sự ích kỷ thô lỗ kinh hồn. 

Thêm áp lực từ nơi làm việc. Thêm áp lực từ xã hội. Thậm chí là gánh nặng gia đình nội ngoại, rồi con ốm con đau, con khóc con quấy, stress… Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc bị mài mòn đi. Đến một lúc nào đó cái sảy nẩy cái ung. Họ bất đồng quan điểm, rồi cãi nhau. Nhỏ đến to. Theo lẽ thường, đàn bà lắm lời, đàn ông vũ phu. Nếu không có được sự kiềm chế thì bạo lực gia đình sẽ xảy ra mà phần thiệt thòi thường là phụ nữ! Tôi không định bênh vực gì cho đám đàn ông vũ phu, nhất là khi đám này lại có tí bia rượu vào.

Thế nhưng tôi cũng phải xin nhắc lại chị em mấy câu ca dao các cụ xưa dặn:

Ảnh minh họa

"Chồng giận thì vợ làm lành

Cơm sôi bớt lửa một đời không khê".

Bản chất vũ phu, hiếu thắng, bạo lực, hung hăng, đàn áp… của đàn ông nhiều khi lại do cái nội tiết tố nam tính testosterone mà ra kia. Để chế ngự những cơn xung năng của testosterone, chị em chỉ có thể đem cái nữ tính estrogene mềm mại mát mẻ ra mà trị lại. Chứ còn cũng một mất một còn ăn thua đủ thì xong! 

Nhưng chị em phụ nữ nay nhiều khi lại hiểu hơi quá đà về cái sự bình đẳng nam nữ nên cho rằng, mình cũng…mạnh chả kém gì! Cãi thẳng cánh, tranh luận sòng phẳng tới cùng kiệt chi lí. Thế nhưng ở đâu thì điều này đúng không biết, chứ trong gia đình thế thì… toang! Toang chắc! Mà toang đến mức bạo lực như đã nói, phụ nữ gánh phần thiệt là chính. Bởi giời sinh ra chị em đâu phải để làm hay thi đua những việc bạo lực. Chị em phụ nữ là phái đẹp kia mà. Bình đẳng trong chức phận, ấy hình như không chỉ là một khẩu hiệu suông!

Nhưng bạo lực gia đình không chỉ có chuyện vợ chồng. Mà bạo lực gia đình còn xảy ra khá phổ biến giữa cha mẹ và con cái. Ngày xưa cái chuyện cho con cái vài cái roi vốn là chuyện thường tình của các gia đình. Chả thế mà có câu: "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi"! Nên chuyện thỉnh thoảng con cái bị nọc ra nằm sấp giữa nhà, ông bố cầm một cái roi, kể một tội, vút cái xuống đít… là quá bình thường! 

Nhưng nay khác rồi, đánh trẻ em dù là bằng roi, sẵn sàng có thể bị xã hội quy tội bạo hành trẻ em ngay, đừng đùa. Thật lòng thì tôi là người đã từng trải qua cái tuổi thơ khốn khó và nghịch ngợm suốt ngày đánh khăng đánh đáo kia, tôi đã bị ăn khá nhiều nhưng con "lươn" của ông bố nghiêm khắc. Đến thời làm cha, tôi lại chưa từng cầm roi đánh các con mình cái nào. 

Nhưng mà nay tôi vẫn thầm ôm trong lòng cho riêng mình một thắc mắc chưa có lời giải, ấy là không biết phương pháp của dạy con có hơi tí "bạo lực" của các cụ nhà tôi xưa tốt hơn hay nay tốt hơn? Tôi cũng không dám chắc nữa. Nhưng dù gì thời thế đã đổi thay, nay văn minh tiến bộ, ai lại còn bạo lực gia đình, nhất là với phụ nữ và trẻ em, thế thì chán quá phải không các bạn?

Trần Thanh Cảnh
.
.
.