Vấn nạn nghiện thuốc kích thích ở thung lũng Silicon

Thứ Hai, 13/04/2020, 07:03
50 năm sau “Mùa hè Tình yêu” 1967 của một thế hệ hippi Mỹ, một lần nữa những kỹ sư và các lập trình viên của thung lũng Silicon lại tìm đến với những loại nấm gây ảo giác hay các loại thuốc kích thích ảo giác để mong tăng sự tập trung, sức sáng tạo hay để chống trầm cảm. Các tập đoàn lớn thì nhắm mắt làm ngơ, thậm chí ngầm khuyến khích các nhân viên này. Một hiện tượng đáng báo động.


Một hiện tượng phổ biến ở thung lũng Silicon

Mỗi buổi sáng sẽ diễn ra cùng một nghi thức giống nhau. “Tôi thức dậy, uống một tách trà, nuốt một liều thuốc rồi ngồi thiền một chút. Dưới vòi sen trong buồng tắm, tôi bắt đầu cảm thấy khoan khoái, những ý tưởng mới tràn ngập trong đầu.

Tôi dùng một phần mười liều bình thường, đôi khi hai phần mười tùy theo ngày”, Cory McCloud, chủ một công ty công nghệ ở thung lũng Silicon, nằm cách trụ sở của Facebook vài bước chân, thừa nhận rằng anh ta không thể hoạt động mà không có một vài liều LSD (thuốc gây ảo giác). 

Thung lũng Silicon Valley là nơi tập trung những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

McCloud đã bán start-up đầu tiên của mình, một công ty xuất bản trực tuyến cho Martin Eberhard, đồng sáng lập của Tesla. “Tôi dùng LSD hàng ngày đã nhiều năm nay, cái đó giúp cho tôi tạo dựng ra các hệ thống trong đầu, mường tượng ra các kiến trúc mà tôi cần cho dự án, một kiểu “Eureka””.

Jim Fadiman, một nhà tâm lý học tại Menlo Park, người đã tiếp xúc với hàng ngàn người sử dụng chất kích thích để thu thập các dữ liệu về vấn đề này cho biết: “Tồn tại một quan niệm cho rằng một liều nhỏ LSD có thể cải thiện khả năng trí tuệ, bất kể bạn hoạt động trong lĩnh vực nào.

Một vài người nói rằng những liều thuốc kích thích này giúp họ nhìn ra những vấn đề nổi bật, những hình ảnh rõ nét về sự vận hành của các mô hình hay những cấu trúc phức tạp”.

Dùng để uống vào bữa ăn sáng giống như uống một cocktail vitamin, một liều “mini” thuốc kích thích này thường có dạng một mẩu giấy nhỏ tẩm vài giọt LSD hay những viên nang trong suốt chứa một vài microgram một loại nấm đã được nghiền nát.

Việc sử dụng các chất kích thích gây ảo giác giờ đây trở thành một hiện tượng phổ biến ở Mỹ, diễn đàn Reddit dành cho chủ đề này đã quy tụ được 47.000 người so với con số 1.600 vào năm 2015. Tờ New York Magazine mới đây đã xuất bản một hướng dẫn sử dụng các liều nhỏ chất kích thích in trên 4 trang báo, viết với phong cách một cuốn sách dạy nấu ăn.

Một loại nấm gây ảo giác.
Một lập trình viên tại thung lũng Silicon đã sử dụng nấm gây ảo giác để tìm kiếm tên đặt cho start-up của anh ta.

“Thật hấp dẫn và lôi cuốn khi bạn nghĩ rằng chỉ cần dùng một liều cực nhỏ các chất kích thích trí não này, LSD hay những sợi nấm này, với giá thành rẻ hơn một cốc cà phê, bạn có thể tìm thấy cảm giác tự chủ và tích lũy được những năng lượng trí tuệ”, Andy X, một nhà lập trình ẩn danh cũng thừa nhận rằng đôi khi một liều nhỏ LSD cũng đã giúp viết ra những đoạn code rất đẹp.

“Dùng LSD là những giây phút quan trọng của đời tôi”, Steve Jobs đã thổ lộ với Walter Isaacson, người chấp bút cuốn hồi ký của mình. “Nó làm tăng sức mạnh cho những tri giác của tôi, cho phép tôi hiểu được những gì là chính yếu, đó là sáng tạo chứ không phải kiếm tiền, đặt mọi sự việc trong dòng chảy của lịch sử và ý thức của nhân loại”.

Trong con mắt của Steve Jobs, lẽ ra “Bill Gates đã có thể trở thành một người sáng tạo nếu ông ấy thử thưởng thức vị nấm này một hai lần hay đi đến những ngôi đền linh thiêng của Ấn Độ vào lúc còn trẻ”.

Thế giới của những tập đoàn công nghệ ở thung lũng Silicon hiện nay dường như rất xa vời với trào lưu “phản văn hóa” của những hippi trong những năm 1970. Thế nhưng chính trong những khung cảnh này mà công nghệ đã phát triển mạnh mẽ.

“Không phải ngẫu nhiên mà các PC đã xuất hiện trong những năm từ 60 đến 70 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ đỉnh điểm của những cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam, phong trào dân quyền và những trải nghiệm trên diện rộng với những thuốc kích thích ảo giác”, nhà báo John Markoff đã viết như vậy trong cuốn sách của ông về mối liên hệ giữa ngành công nghệ và trào lưu “phản văn hóa”. 

Các tập đoàn công nghệ "tiếp tay" cho nhân viên sử dụng chất kích thích

Việc thờ phụng các chất kích thích gây ảo giác dường chưa bao giờ biến mất. “Có một sự khác biệt lớn là ngày nay nếu một ai đó nói mình đang dùng những liều nhỏ LSD mỗi ngày, họ sẽ không bị kỳ thị giống như trước đây nữa”, Jim Fadiman - một chuyên gia thường xuyên được các quỹ đầu tư lớn tham khảo ý kiến để chuẩn bị cho những phương án đầu tư, nói.

Sự hòa đồng của thế giới công nghệ và các chất kích thích được thể hiện rõ tại festival Burning Man ở sa mạc Nevada, nơi có hơn 80.000 người đổ xô đến vào mỗi mùa hè. “Nơi mà trên mỗi mét vuông có số lượng ma túy và các chất kích thích  lớn hơn bất kỳ nơi nào khác trên trái đất”, Jim Fadiman nói.

Một điều kỳ lạ là giới công nghệ từ bấy lâu nay vẫn xem mình là những kẻ mang sứ mệnh lật đổ, gánh vác những trách nhiệm thần bí, được giao cho những phương tiện dị thường. Charles Johnston, người tự nhận mình là một "hướng dẫn viên ảo giác", có một phần ba lượng khách hàng là kỹ sư tin học, nói: "Văn hóa công nghệ nhấn mạnh tới việc phá mã, phá vỡ ranh giới, vượt qua giới hạn. Ý thức có thể là một rào cản. Vậy nếu chúng ta có thể đẩy lùi cái rào cản này ra xa hơn, chúng ta sẽ tạo ra sự tăng trưởng"

Trong khung cảnh này, tất cả những gì có vẻ giúp đạt được trạng thái trí tuệ hoàn hảo và lý tưởng: chất kích thích, các loại thuốc bổ xung, một chế độ dinh dưỡng chặt chẽ, ăn kiêng hay ăn chay trường đều được ưu tiên đem ra sử dụng.

Geoffrey Woo, một cựu sinh viên Stanford, hiện là giám đốc một công ty kinh doanh những sản phẩm hóa học “hợp pháp” và có giá cao ngất ngưởng, những sản phẩm giúp tăng cường năng lực trí não cho các nhà lãnh đạo đã nhận xét: “Thung lũng Silicon là tuyến đầu của một cuộc cạnh tranh ở tầm cỡ thế giới, trí tuệ của các nhà lãnh đạo ở đây cũng luôn được huy động trong một cuộc tranh đấu khốc liệt như đối với các vận động viên đỉnh cao”.

Tại các tập đoàn lớn ở thung lũng Silicon, lãnh đạo dường như rất thờ ơ với việc nhân viên của mình sử dụng chất kích thích. “Họ không hề có ý định chống lại hiện tượng này. Cái đó nghe giống như việc bảo các nhân viên đừng làm việc nhiều. Có được những nhân viên giàu sức sáng tạo, đó là điều bất cứ người lãnh đạo nào cũng mong muốn”, Jim Fadiman nhận xét. Mới đây thậm chí Google còn mời nhà văn Michael Pollan, người đã viết một cuốn sách biện hộ cho việc sử dụng chất kích thích đến diễn thuyết trước toàn thể nhân viên của mình, bài thuyết trình cũng đã được truyền bá trên Internet.

Trong hàng ngũ những người ủng hộ nhiệt thành cho việc hợp pháp hóa các chất kích thích, có rất nhiều gương mặt nổi bật trong giới công nghệ: Joe Green, một trong những đối tác đầu tiên của Mark Zuckerberg, người đã bỏ ra nhiều triệu USD để hợp pháp hóa MDMA (ecstasy) và psilocybine (một chất kích thích có trong các loại nấm), Peter Thiel người đã đầu tư vào Compass một công ty khởi nghiệp ở London, hoạt động trong lĩnh vực điều trị tổn thương tinh thần bằng cách chất kích thích, Sean Parker, nhà sáng lập của Napster, người đầu tư tài chính cho quỹ Beckley...

Biện pháp để sống sót trong môi trường nhiễm độc

Theo Anjan Chatterjee, giáo sư thần kinh học tại Đại học Pennsylvania, các loại thuốc kích thích thần kinh như Adderall hoặc Ritalin, những loại thuốc được kê đơn rộng rãi tại Mỹ, đúng là có tác dụng điều trị chứng rối loạn gây mất tập trung, nhưng có tới hơn 20% các sinh viên Mỹ đã lạm dụng việc sử dụng các loại thuốc này dẫn đến tình trạng bị nghiện thuốc hay nhờn thuốc.

Một số chất kích thích, ví dụ như LSD hiện nay vẫn bị xếp vào dạng ma túy và bị cấm (từ năm 1968) ở Mỹ. Việc sử dụng chúng thường xuyên và lâu dài chắc chắn sẽ dẫn đến những tổn hại trí não không nhỏ cho người sử dụng.

Cũng theo giáo sư Anjan Chatterjee, người ta tìm đến với các loại thuốc kích thích thần kinh bởi tin vào “huyền thoại” rằng chúng sẽ có khả năng chống lại được trầm cảm. Paul Austin 28 tuổi, một nhà khởi nghiệp đang tạo dựng một công ty giảng dạy tiếng Anh trực tuyến, cho rằng những người khởi nghiệp luôn bị trầm cảm, kiệt sức, họ uống thuốc bởi vì họ không có hạnh phúc.

“Cái gọi là “làn sóng thứ ba” ở thung lũng Silicon hiện nay đã lôi kéo 600.000 người tới đây mỗi tháng. Họ nghĩ rằng họ sẽ hạnh phúc hơn và được quý mến hơn một khi họ thành công. Nhưng hạnh phúc sao được nếu bạn phải lao động cực nhọc 100 giờ mỗi tuần”.

Tiến sĩ Molly Malagger thì đưa ra một bức tranh có phần u ám hơn: “Có rất nhiều người bị trầm cảm ở thung lũng Silicon. Mọi người nghĩ rằng họ cần phải dùng các chất kích thích gây ảo giác để sống sót trong một môi trường đã bị nhiễm độc. Thung lũng Silicon đang dần biến thành một phố Wall mới, nơi tất cả chỉ còn là tiền bạc, không còn có những thứ như “tầm nhìn” hay “ước mơ”. Mọi người ở đây đều bất hạnh. Trên mạng xã hội, nhiều người đã nói rằng họ mong thấy những gì họ phát minh ra sẽ biến mất.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.