Không có gì mà ầm ĩ cả

Văng mạng

Thứ Năm, 20/08/2020, 07:45
Văng trên mạng thì cũng là một loại nói văng mạng. Ca sĩ Duy Mạnh, người có trang Fanpage với 300.000 người theo dõi, vừa bị phạt 7,5 triệu đồng vì phát ngôn không đúng với thuần phong mỹ tục trên Facebook.


Chi tiết hơn thì là văng từ đệm tục khi gõ text đấu khẩu. Những từ này nếu ghi hình bằng video thì người dựng biên tập video sẽ phải chèn tiếng bíp khi gặp. Một tiếng bíp đã không được chấp nhận rồi, những đoạn text của ca sĩ trên nếu kêu được thì bíp hơi nhiều. Trước cơ quan chức năng, Duy Mạnh cầu thị, nhận lỗi, cam kết sẽ điều chỉnh phát ngôn trên mạng xã hội.

Không chỉ Duy Mạnh mà nhiều nghệ sĩ khác như Hòa Minzy, Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng... cũng bị xử phạt hành chính vì những phát ngôn trên mạng, đặc biệt là việc đưa tin sai liên quan đến dịch COVID-19.

Đã là người của công chúng thì mỗi lời nói, cử chỉ đều có tính lan tỏa mạnh nên thực sự ảnh hưởng tới xã hội, có thể làm biến đổi các giá trị tinh thần. Vì vậy, khi người của công chúng tham gia các phong trào hoặc xã hội, từ thiện thì sẽ truyền lửa tới nhiều người một cách tích cực. Mặt khác, nếu không giữ gìn hình ảnh thì sẽ trở thành thảm họa gây ảnh hưởng tới công chúng rộng rãi.

Làm sao có thể xóa đi được những ngôn từ đã phát ra đang lưu lại trong trí não người đọc? Lời nói tựa tên đã rời khỏi cung, không ai đủ sức đuổi theo, bắt lại như chưa từng phát ngôn. Lời nói chẳng mất tiền mua. Lời đẹp là châu ngọc mà miễn phí, lời xấu là rắn rết lại phải nộp tiền.

Mức phạt 7,5 triệu đồng là nhẹ nhưng đủ nhắc nhở, giúp  những người của công chúng biết mình là ai. Nếu bị phạt cấm biểu diễn thì coi như mất nghiệp. Khi mất cần câu cơm thì lên mạng chỉ dám đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên chứ đâu dám ho he.

Chúng ta đều hiểu, chỉ cần 2 năm để học nói, nhưng muốn gìn giữ lời ăn tiếng nói thì tốn cả một đời. Tiểu phẩm "Bệnh nói nhiều" nổi tiếng trên VTV mở đầu từ một bệnh nhân nói nhiều nhưng đến cuối tiểu phẩm mới thấy rằng tất cả các vai trong tiểu phẩm đều mắc bệnh nói nhiều. Nói như đấm vào tai làm người nghe không thở nổi.

Ham nói chưa được y học xếp vào bệnh xã hội nhưng cứ ngẫm mà xem, bệnh này lây lan nhanh hơn các bệnh xã hội khác. Nói dài, nói dai dẫn đến nói dại.

Người thông thái, hiểu mười nói một. Người tăm tối biết một nói mười.

Minh họa Lê Tâm.

Các cụ có câu "Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy" nghĩa là lời nói ra khỏi miệng rồi thì bốn con ngựa cũng đuổi không kịp. Người dễ dãi bảo trên mạng xã hội lời nói gió bay có gì mà nặng nề. Vậy sao được khen thì sướng mãi không tỉnh, bị chê thì tức bầm gan tím ruột, sẵn sàng tìm địa chỉ nhà nhau để giáo dục nhau bằng nắm đấm. 

Thời Tam Quốc, Khổng Minh chỉ bằng lời mà mắng chết Vương Lãng. Tính sát thương của lời nói là có thật. Các cụ xưa hiểu rất rõ tính sát thương của lời nói nên đúc kết thành câu "Nhời nói, đọi máu" và coi đó là khẩu nghiệp. Người dùng miệng gieo khẩu nghiệp thì sớm muộn sẽ bị quả báo.

Trên mạng xã hội lắm sáng kiến hài hước. Có quảng cáo bán vitamin đạo đức "giúp người dùng phục hồi nhân phẩm sau ngày dài tạo nghiệp". Chắc chắn sẽ bán chạy cho những người mắc bệnh ngứa mồm. Có vẻ như người dùng cứ phán bừa phán ẩu, cuối ngày uống 1 viên là coi như "xóa bài làm lại" như không có chuyện gì. Rất tiếc đây ý tưởng này không bao giờ thành hiện thực, thưa các quý vị mắc bệnh ngứa mồm.

Mạng xã hội cho người dùng tài khoản, như đặt bất kỳ ai vào vị trí tổng biên tập của một tờ báo có thể phát hành 24/24h. Người dùng cảm thấy mình có quyền lực phát ngôn bất kỳ thứ gì mình muốn. Dường như không có cái vòng kim cô nào hạn chế các ngôn từ vô lối. Sai rồi. Mọi hành vi trên mạng đều để lại thông tin cho dù chủ tài khoản tự gỡ, xóa. Luật An ninh mạng và nhiều luật khác đang giúp các chủ tài khoản mạng xã hội biết tôn trọng tự do của người khác. Mức phạt nhẹ nhất là bằng tiền.

Còn bạn, bạn còn nghi ngờ tính sát thương của lời nói không?

Lê Tâm
.
.
.