Về Bun Trao-Kon Klang

Thứ Tư, 07/01/2015, 13:00
Dãy Bun Trao-Kon Klang nằm ở phía Tây Lâm Đồng giáp với Đắk Nông, trên đỉnh núi mang hình hai đầu người chụm vào nhau thì thầm to nhỏ. Bên cạnh là ngọn Xà Lùng cô độc có hình dáng như cô gái nằm xõa tóc nhìn lên trời xanh giữa cao nguyên hùng vĩ. Còn ở dưới chân Bun Trao là dòng sông Đạ Đờn - Đạ RNgaa tỏa đi hai hướng với những buôn làng của các bộ tộc KHo, Mạ đã tồn tại giữa đại ngàn biết bao mùa bông bí nở.

Chúng tôi khởi hành từ khu Bốt xít Tân Rai, trong lúc các xe múc, xe ủi đang vận hành hết công suất để gia cố bờ hồ chứa bùn đỏ, đã và đang tràn qua sau trận mưa như trút vào đầu tháng 10. Mưa Tây Nguyên bao đời nay vẫn thế, mưa dữ dội, cây cối vặn mình răng rắc, cành lá va đập xác xơ nhưng hết mưa trời trở lại nắng chang chang, gió thổi vù vù bay cả gùi cả khăn trùm tóc. Con đường 725 nối liền với Đắk Nông càng ngày càng tồi tệ hơn, nhiều đoạn lớp nhựa bị bong lên, chỉ còn lởm chởm đá cục 4x6 hoặc có nơi nổi lên thành những con lươn dài ngoằn đe dọa trực tiếp đến người đi xe máy.

Năm rồi một cán bộ dân tộc Mạ, ông KLó khi tiễn chúng tôi rời khỏi buôn BTạch, nắm vai tôi lắc lắc: “Nhờ các đồng chí viết vài dòng chữ đưa con đường này lên báo. May ra cấp trên chú ý sửa chữa để dân đi, nhiều lúc qua cua gặp ổ trâu tung xe lên lảo đảo, làm mình muốn lọt xuống hố, mặt mũi xanh lè. Ở vùng sâu vùng xa không biết kêu ai, nên nhờ cơ quan báo đài lên tiếng góp phần cứu khổ buôn làng”.

Tỉnh lộ 725 dài khoảng 150km, khởi đầu từ huyện Di Linh đến ngã ba Lộc Bảo (buôn Pru) chia thành hai hướng, một hướng đi Đắk Nông, một hướng về ĐạTeh nối với huyện Bù Đăng, Bình Phước. Được đi xuyên rừng này mới nhận ra sự gian khổ một thời của các đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên nằm dưới dãy Bun Trao và máu xương của 2 anh em Kinh Thượng đã đổ xuống mới có điện, đường, trường, trạm và buôn làng văn hóa hôm nay. Từ Di Linh, nơi cây số zero, chúng tôi vượt qua các vườn cà phê trĩu hạt. Ven đường các ngôi nhà xây cấp ba, bốn, xen lẫn biệt thự vườn ẩn hiện giữa vườn chè xanh tạo nên bức tranh yên bình của núi rừng êm ả. Xa hơn là rừng xà nu cao vút, tỏa bóng ra đến vệ đường và cuối cùng vẫn là các khu rừng hoang lặng lẽ.

Chứng tích thời chiến tranh cận đại

Đi được 30km, chúng tôi gặp một con dốc, có tấm bảng mang tên Đèo B40. Ở Nam Tây Nguyên trong số các con đèo nơi tôi có dịp đi qua đều mang tên thổ ngữ như: Đèo BLao, DRan, Tà Ngào, Tà Bứa… chứ chưa gặp con đèo nào mang ký hiệu. Thuật ngữ B40 này có điều gì đó gắn liền với chiến tranh chết chóc hoặc là tấm lưới sắt lạnh tanh vô hồn dùng để bủa vây.

Để tìm hiểu lịch sử con đèo nằm giữa rừng, chúng tôi mang mì tôm sống ra ngồi ven đường vừa ăn cầm hơi vừa chờ đợi người đồng hành, nhưng khi được gặp, họ chẳng những không giúp đỡ, mà còn nhìn sợ sệt. Sau này chúng tôi mới biết, ở giữa rừng sâu đèo dốc, người tốt và kẻ xấu cũng khó phân biệt nên họ chỉ lo mạng sống của mình bằng cách cắm đầu chạy như bay.

Mãi khi đến quán nước mía cách đó 5km mới được ông chủ quán người Kinh tên là Hưng, giải thích: “Con đường cắt ngang dãy Lú Lùng này là hậu cứ quân giải phóng thời chống Mỹ. Tháng 10 năm 1970, một đại đội đặc công của quân khu VI chuẩn bị đánh cứ điểm biệt kích tại Tân Rai, nơi có hệ thống lô cốt, boong ke kiên cố. Để thử loại vũ khí mới và tạo lòng tin cho các chiến sĩ, ban chỉ huy đã cho bắn thử một quả đạn B40 vào tảng đá to dưới chân dốc núi. Sau này, tỉnh lộ 725 mở theo con dốc ấy nên vẫn giữ nguyên tên. Sở dĩ tôi biết được là do lúc làm đường có nhiều người ghé quán hỏi hoài, nên tôi đi tìm hiểu để khỏi mang tiếng người ở ngay đèo mà không biết gì cũng xấu hổ”.

Ông chủ quán trả lời bằng giọng buồn buồn. Ông còn cho biết thêm: “Tại buôn Pru thuộc xã Lộc Bảo còn có điểm gặp nhau theo con đường giao liên nối liền Tây Nguyên với Nam Bộ. Ở đó có tấm bia bằng đá hoa cương với biểu tượng hai bàn tay bắt chặt nhau, ghi hàng chữ “16 giờ ngày 30/10/1960. Tại đây giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang chiến lược Bắc-Nam trong kháng chiến chống Mỹ”. Bây giờ là rẫy cà phê của đồng bào Mạ, chắc cũng ít người nhớ! Không biết nơi này linh thiêng ra sao mà ông Tướng Phùng Đình Ấm đoàn B90 dặn anh em mỗi khi vào đó phải thắp nhang lạy tạ các liệt sĩ, tôi cũng đã vô đó 1 lần theo kiểm lâm và cán bộ Công ty cổ phần Cao su Bảo Lâm, vào mấy năm trước”.

Quán nước mía ông Hưng ở đầu buôn người Mạ. Quán kiêm luôn nhà ở, được thưng bằng các loại gỗ công trình tận dụng, có tấm màu đen, có tấm màu xanh lấm loang vết dầu mỡ. Nghe ông nói trước đây vợ chồng ông bán căn tin cho công nhân xây dựng cầu đường, đến khi xong công trình, ông ở lại định cư với đồng bào dân tộc luôn. Quán nuôi 4 con chó, 12 con vịt xiêm, hơn 50 con vịt cộng thêm mấy sào chè gần đó. Khi được hỏi sống giữa rừng ông có buồn không? Ông Hưng cười khà khà để lộ mấy cái răng cửa nhuộm vàng bởi khói thuốc lào: “Sống như thế này còn sướng chán nếu so với quanh năm đi theo công trình nay đây mai đó, về già  chắc chết đói ông ơi!”.

Khi đến buôn BTạch, được nghe thêm việc bắn hạ máy bay. Đêm ấy, chúng tôi ngủ lại nhà ông KPrẻoh dân tộc Mạ, người đã sống ở đầu nguồn sông Mẹ hơn 80 mùa rẫy. Đêm về dưới ánh lửa chập chờn, gương mặt người già nhăn nheo như quả đười ươi khô nhập nhòe tối sáng. Màu da nâu phản chiếu với lửa hồng, ánh lên như  pho tượng trong gian nhà dài ong ong màu khói.

Trước khi vít ống rượu cần mời khách, ông đưa hai tay lên trời thì thầm một tràng thổ ngữ “Ớ Yàng! Hôm nay có khách đến nhà, đã đốt thêm củi, mở chóe rượu mới. Xin mời Yàng, mời người quen người lạ nâng cần uống rượu với nhau… ố hô!”. Sau đó ông KPrẻoh chuyển qua tiếng Kinh giọng trầm xuống chậm rãi: “Người Mạ của tao sống tình nghĩa như nhà nước tặng nhà cho bà con, ví dụ như chuyện bắn rớt máy bay của KWet. Tao còn nhớ vào năm 1970, KWet lên rẫy đuổi khỉ ăn bắp lại gặp KChàng trên đường về thăm vợ đẻ. Không biết Yàng xui khiến thế nào lại gặp xe bay của Mỹ từ Đắk Lắk về. Lúc ấy KWet và KChàng cùng nổ súng nên không biết thằng nào bắn trúng. Đến khi cấp trên bảo viết giấy kể công để được khen thưởng, KChàng nói với KWet rằng: Tao về thăm vợ đẻ chứ không phải đi bắn xe bay, nó bị bắn trên rẫy của mày là công của mày. Vì vậy, sau nầy mỗi lần KWet đi dự hội nghị cấp trên được nhà nước tặng cái gì đều phải chia hai. Có lần KWet được tặng một bộ vét về chia cho KChàng cái quần, còn nó cái áo. Mỗi khi họp hành, hai thằng đều mặc mỗi đứa mỗi thứ. Tình nghĩa là chỗ đó mày ơi! Nghe đâu sau này xã, huyện đề nghị phong cho KWet lên chức anh hùng nhưng nó không ưa lắm, nó chỉ xin cấp trên cho cái nhà để ở còn ngon hơn làm anh hùng!”.

Khi chúng tôi đến buôn BTạch, người du kích bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa đã trở về với đất. Lúc ra nghĩa trang thắp nén hương cúi đầu chào người dũng sĩ thời chiến, tôi không biết dưới mồ, ông KWet có mang theo người chiếc áo mà ông và KChàng chia nhau trong tiếng cười đặc quánh tình người của thời trai trẻ.

Già làng Ba Đen, cây Kơ Nia của đại ngàn Bun Trao

Nơi chúng tôi đến là những vùng đất anh hùng trong kháng chiến, hiện nay mang tên Lộc Lâm, Lộc Bắc thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ở các buôn làng dưới chân dãy Bun Trao, những người có tuổi đều biết đến già làng Ba Đen. Bây giờ thì ông Ba đã già, đi đứng khệnh khạng, lúc nhớ lúc quên. Con trai ông là y sĩ cùng ngồi với chúng tôi phụ họa thuyết minh thêm lời ông nói. Căn nhà tình nghĩa của ông Ba khá đẹp, phía trước là giàn hoa tím, phía sau là vườn trà cà phê, trên tường nhà treo đầy những tấm huân, huy chương như minh chứng cho một con người đã có một thời trai trẻ oanh liệt.

Già làng Ba Đen là một nhân chứng sống. Ông tên thật là Hoàng Minh Đỏ, người dân tộc ChRo, nhưng bà con ở Bun Trao-Kon Klang từ lâu xem ông là người Mạ. Quê gốc ông ở tận Đồng Nai. Sau Cách mạng Tháng 8, ông tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong rồi trở thành chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 320 Đông Nam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1959, ông tham gia đoàn B90 trở về Nam hoạt động.

Sau khi vượt sông Đồng Nai, vào vùng người Mạ, ông Ba Đen được phân công ở lại xây dựng địa bàn, làm điểm nối thông hành lang từ Đắk Lắk sang Lâm Đồng. Trải qua thời gian giác ngộ bà con dân tộc theo cách mạng, ông tổ chức được trạm giao liên đầu mối rồi giao lại cho ông KXia phụ trách. Sau đó, dùng địa bàn buôn Bsar Niar làm bàn đạp, chỉ trong gần ba tháng, ông Ba Đen đã mở rộng phong trào cách mạng được một số buôn Mạ ven sông Đạ Đờn. Đến giữa năm 1961, ông Ba Đen đã cùng đồng đội vận động được hơn 30 buôn đồng bào Mạ tham gia kháng chiến, hình thành một vùng căn cứ rộng lớn phía Tây Lâm Đồng.

Sau khi lập gia đình cùng một nữ du kích người Mạ ở buôn Pru, ông Ba Đen tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang vùng căn cứ và trực tiếp chỉ huy khu K2 Lâm Đồng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông phụ trách truy quét lực lượng FULRO rồi làm Huyện đội trưởng các Huyện đội Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh. Cuối đời, ông làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cho đến ngày về hưu. Bây giờ ông đã thành người bản địa, là già làng của buôn Pru- BTạch dưới dãy Bun Trao mù sương này.

Khi tiển chúng tôi ra khỏi hàng bông giấy, ông thều thào “Nhiệm vụ kháng chiến của chúng tôi đã xong rồi, buôn làng hiện nay trở nên giàu có ai cũng mừng, nhưng khu rừng thiêng của đồng bào Mạ dùng để thờ cúng thần linh ở chân núi phía sau, nay đã cày ủi gần tới để trồng cao su, không biết họ sẽ dừng lại hay ủi luôn. Các chú có gặp mấy ông lãnh đạo cao su nhắc họ một tiếng, nhớ chừa rừng thiêng ra, bà con ở đây không đồng ý đâu.”

Dưới chân núi Bun Trao ngày ấy và bây giờ

Ngày còn trẻ, tôi cứ tưởng không có văn hóa rừng. Lúc ấy nghĩ rằng nơi ấy là một quần thể hoang dã, cây cối thi nhau mọc lên, mọi sinh vật sống theo bầy đàn qua những mùa mưa nắng. Nhưng từ khi về Tây Nguyên sinh sống, vật lộn với cơm áo đời thường, mang gùi đi rẫy, tham gia lễ hội, nói tiếng thổ ngữ rồi qua sách báo mới nhận ra văn hóa rừng là một không gian vô tận, tìm hiểu cả đời vẫn chưa hiểu biết hết.

Đối với bà con Tây Nguyên, rừng có ba loại: Rừng thiêng, rừng ma và rừng dùng để kiếm ăn hàng ngày. Rừng thiêng là nơi có cây lớn, có sông suối chảy qua hoặc có sự huyền bí tâm linh đã được thêu dệt trong sử thi, chuyện kể. Đó là nơi trú ngụ của các vị thần, từ thần núi, nước, rừng, lửa thường nằm ở vùng đầu nguồn. Rừng ma là những khu rừng chôn cất người chết nằm ở hướng Tây buôn làng. Tại các khu rừng ma, nơi đó có các thần cây như: Drê (cây đa), cây BNăng (dỗi), cây Grech (kiềng kiềng) để nuôi dưỡng linh hồn người chết. Đối với rừng thiêng hàng năm bà con mang lễ vật đến cúng, còn rừng ma sau khi mai táng xong làm lễ bỏ mả là hết trách nhiệm với người chết. Người sống không được bén mảng tới, vì sợ mang điều xấu về buôn làng.

Mấy năm trước, tôi xin đi theo mấy anh em kiểm lâm vào rừng ma ở chân núi Xà Lùng. Trên đường đi, đã biết những nấm mồ sau lễ bỏ mả là xong một phận người, nhưng khi đến tận nơi vẫn cảm thấy sờ sợ, gai ốc nổi lên. Đó là khu rừng lạnh tanh, u ám, mùi đất bốc lên hôi thối, tởm lợm. Trước mặt chúng tôi như một thế giới người sống, chỉ khác là không có người thật. Phía dưới bóng cây của rừng già là những khu nhà mồ dành cho người chết. Rải rác chung quanh từ nồi niêu, chén bát, áo quần mục nát, cả những chiếc gùi đang rệu rã, đến cái xà gạt, chiêng, ché… đều có mặt. Tất cả được treo quanh những nấm mộ đang lụi tàn. Có lẽ đó là của cải thuộc quyền sở hữu của người chết do chính gia đình của họ chia phần theo phong tục người KHo, Mạ để họ mang theo về thế giới bên kia. Nhưng có điều đáng chú ý là những chum chóe, cồng chiêng đều bị vỡ miệng nằm ngả nghiêng dưới các tầng lá rụng. Sau chuyến đi rừng ma về, tôi mang hết những điều mắt thấy tai nghe đi hỏi già làng, được các ông ấy cho biết: “Ngày xưa vẫn để nguyên như thế cho các hồn ma sử dụng như người sống, nhưng gần đây các loại chiêng, chóe có giá bị người khác săn lùng về bán cho mấy người chơi đồ cổ nên người nhà đập cho vỡ miệng để khỏi bị người ta lấy đi thôi”.

Đã có một thời, trên các cơ quan ngôn luận thường đưa tin cồng chiêng ở Tây Nguyên “chảy máu”, vì bà con mang của cải của cha ông đem bán lấy tiền tiêu xài. Trong nghề nghiệp của mình, tôi đã từng đến một số nơi là bảo tàng tư nhân, thậm chí ông chủ là thành viên của tổ chức UNESCO tại địa phương nhưng vẫn mua bán trao đổi chúng hàng ngày. Những cổ vật sống và chết tiếp tục rời khỏi buôn làng. Tôi không biết vài chục năm sau rồi sẽ ra sao! Chẳng lẽ chỉ về viện bảo tàng để nhớ về cổ sử.

Trên chiếc xe máy cà tàng, chúng tôi chạy dọc theo buôn làng dưới chân núi Bun Trao hiện nay là thôn văn hóa. Một số gia đình có công với cách mạng trong kháng chiến được nhà nước xây nhà tình nghĩa, số mới sinh ra sau ngày hòa bình cũng cố lên nhà tường cho bằng anh bằng em, một số kinh tế khó khăn cũng làm nhà tôn vách ván. Đi hết xã Lộc Bắc cũng chỉ tìm ra được 5 căn nhà, dài như một tiếng chiêng ngân.

Nhà dài là một không gian sinh tồn của người Tây Nguyên. Ngày xưa cả buôn, hàng trăm người chỉ có dăm, bảy nhà dài, mỗi nhà là một đại gia đình, thậm chí là cả dòng họ cùng nhau tồn tại. Trong căn nhà có thể có tới cả chục cái bếp, tức là cả chục tiểu gia đình cùng sinh sống. Giữa các bếp lửa hồng không hề có sự ngăn cách về mặt không gian sinh hoạt nhưng họ tự chủ về đời sống, sản xuất, lương thực và là một tổ ấm độc lập trong ngôi nhà chung ấy. Kiến trúc nhà dài chỉ đơn giản là một phản xạ tự nhiên với môi trường sống. Có lẽ kiểu sống cùng nhau đó là một hình thức tự vệ khi khởi thủy trong rừng sâu, đồng bào phải liên tục chống chọi với thiên tai, thú dữ, và những cuộc chiến tranh bộ tộc, họ cần phải đoàn kết, chặt chẽ hơn để bảo toàn sự sinh tồn của gia đình, cộng đồng. Ngày nay theo chủ trương xây dựng nông thôn mới về việc tách hộ theo tiêu chí điện, đường, trường, trạm của địa phương. Thế hệ U30 hiện nay thích tiện nghi vật chất hơn là bảo tồn bản sắc. Ở dưới chân dãy Bun Trao bây giờ, xe máy, tivi, tủ lạnh, những nương rẫy chè, cà phê, cộng thêm phát sinh mới về tâm lý thế hệ, văn hóa ứng xử... đã tách những bếp lửa hồng ra khỏi những ngôi nhà dài. Cuộc sống hiện đại hơn, không gian sinh tồn có nhiều biến đổi, thì sự mất dần những ngôi nhà dài là điều tất yếu.

Chúng tôi ghé thăm gia đinh ông KVỗi ở buôn BTạch A. Mới 4 giờ chiều nhưng hai vợ chồng ông ngồi co ro trong gian nhà cũ tối om chập chờn ánh lửa. Khi được hỏi vì sao không ở nhà mới, ông KVỗi trả lời với âm sắc buồn buồn: “Ở nhà xây lạnh lắm, không dám đốt lửa vì sợ khói đen nhà. Ban đêm ngủ sợ gió thổi bay nóc ướt hết, ở nhà cũ ấm hơn, có lửa cháy suốt ngày đêm, muốn nấu cái gì ăn cái gì cũng dễ hơn. Mình cũng cố giữ cái nhà sàn ngắn ngủi này để nuôi chóe, nuôi chiêng. Cái chóe, cái chiêng không thể sống trong nhà xây lạnh lẽo đó được đâu”.

* * *

Khi chúng tôi rời khỏi buôn làng, gặp các em trai gái Mạ, KHo đi xe máy, gọi điện thoại hẹn nhau sau chuyến đi hái cây mặt nhân, chè dây để bán cho các đầu nậu làm dược liệu. Với tiếng cười rộn rã hẹn ngày mai tiếp tục khi rẽ vào ngôi nhà mới xây của mình, tôi không biết các em người Mạ, KHo trẻ này có nuối tiếc những ngôi nhà dài của họ hay không, nhưng chúng tôi thì ngẩn ngơ như bị mất đi một cái gì đó vô cùng quý giá.

Trong chuyến đi này, tôi cố tìm những bếp lửa nhà dài như tìm về nét đẹp của một tộc người. Bởi trong nhà dài truyền thống là một không gian cư trú nhân văn và độc đáo, lưu giữ những trầm tích văn hóa cổ xưa. Già KVỗi nói đúng: “Mình giữ cái nhà sàn để nuôi chóe, nuôi chiêng, nuôi bếp lửa hàng đêm”. Trong tâm thức tôi cứ mênh mang suy nghĩ “Nếu mai này chỉ có nhà xây, không còn chum chóe rượu cần, mất luôn tiếng kèn Kơm Pút, tiếng cồng, tiếng chiêng hay không còn bếp lửa hồng để người già kể chuyện, trai gái hát điệu Yal yau, thì Yàng ơi, còn gì là văn hóa của buôn làng dưới chân Bun Trao, nơi trên đỉnh mù sương có hai người thì thầm với nhau nữa!
Trần Đại - Phạm Ngọc Nam
.
.
.