Về Cao Răm mùa trứng kiến

Chủ Nhật, 10/05/2015, 09:00
Về Cao Răm - một xã vùng xa của huyện Lương Sơn, Hòa Bình, cả bản nhà nào cũng biết chế biến các món trứng kiến ngon lành.

Tiếng gọi tháng 3

Tháng ba, bước chân của mùa xuân đã dẵm lên lằn ranh của mùa hạ. Con đường dẫn về Cao Răm – một xã vùng xa của huyện Lương Sơn, Hòa Bình trải ra như bức tranh kì ảo biến đổi màu theo nhịp di chuyển. Chỗ này ruộng lúa xanh non. Chỗ kia hoa bìm tím nở ngắt trời. Chỗ này hoa mò trắng mang đến cảnh sắc của một Đà Lạt nên thơ với những vạt tú cầu màu trắng hồng. Cảnh sắc ấy khiến bước chân qua con đường cấp phối nhỏ với đôi chỗ sình lầy trở nên không đáng kể. Vẻ đẹp nên thơ của sự biến đổi sắc màu đã dẫn dụ chúng tôi. Còn một lí do vô cùng hấp dẫn khác. Chúng tôi về Cao Răm khi mùa trứng kiến nở.

Có thể, bạn sẽ hình dung về một tổ kiến đen sì với những nguy cơ rơi xuống người, đốt đau nhói, chả có gì thú vị. Hoặc giả bạn sẽ liên tưởng tới những ổ kiến lửa nằm ở đâu đó nơi con đường đất mà nếu trót sa chân vào đó, coi như toi vì bị cắn đến “trọng thương”. Nhưng, kiến là quà tặng làm nên món ẩm thực độc đáo mà rừng núi ban tặng cho người dân nơi đây. Trứng kiến  một năm chỉ có dịp thưởng thức vào đầu tháng ba âm lịch.

Loài kiến lấy trứng chủ yếu là loài kiến đen, phần bọng đuôi cứ cong tớn về phía trước còn gọi là con kiến ngạt. Còn một loại kiến vàng nữa nhưng trứng của nó có vị chua, thế nên không mấy được ưa chuộng. Tổ kiến như quả gấc hoặc to hơn như cái mũ cối được đắp ôm lấy các chạc trên cành cây. Mùa lá cây rụng hết, trông xa thấy rõ mồn một, cũng có nhiều người tưởng nhầm tổ kiến là các tổ chim. Kiến thích làm tổ ở cây vải, nhãn, hồng xiêm trong vườn và các cây gỗ, cây tre trên rừng, Tổ được xây đắp khéo léo bằng các mẩu lá khô, thậm chí là cả bằng phân gia súc khô nữa.

Từ cuối đông, cây trút lá. Các tổ kiến lộ rõ hơn. Một số người tinh mắt đã đánh dấu các vị trí tổ để đến mùa đỡ phải tìm. Vào mùa kiến chắc trứng, chỉ cần một cái thúng nhỏ hay cái nong với một con dao là đủ đồ nghề. Nếu lấy trứng ở trên rừng, lo bị giập nát có thể đem tổ về nhà bằng cách cho vào bao tải, gác lên cành cây trong vườn cho kiến bò bớt đi, khi nào cần thì mới gỡ lấy trứng.

Khi chặt tổ để lấy trứng, ta đặt lại cái mẹt hay cái rá sạch cho kiến bò ra, có người cầu kỳ cẩn thận lấy cành lá bắc vào tổ và gốc cây như cái thang cho kiến leo ngược lên để sang năm lại có tổ mới. Thường thì dùng luôn dao bổ đôi bổ ba cho vỡ ra rồi lấy một đoạn cây vót nhọn xỏ vào từng mảng tổ kiến nhấc lên, lấy sống dao gõ liên tục vào cành cây tạo độ rung cho trứng kiến rơi ra mẹt. Làm càng nhanh càng đỡ bị kiến cắn và kiến thợ đỡ vác trứng đi.

Trẻ con đi theo thì kiêng không được khen tổ kiến nhiều trứng kẻo kiến khuân hết mất trứng. Chẳng biết có đúng không nhưng chúng tôi vừa lấy trứng vừa la hét náo loạn vì kiến cắn vừa khen trứng nhiều, trứng chắc. Có tổ trứng còn non thì được ít và trứng bé xíu, hay giập vỡ. Tổ nào chắc thì trứng nhiều, trắng muốt trông ngon như bát gạo tấm vậy. Tổ già, kiến nở gần hết thì vừa ít trứng vừa lắm con. Thích nhất là những tổ kiến đan bằng lá tre, chỉ việc giũ đám lá ra, rất nhanh và sạch lại nhiều trứng. Mùa trứng qua nhanh như chùm vải tu hú chưa kịp thấy chua đã hết mùa. Tôi về Cao Răm tháng ba với lời gọi mời hấp dẫn ấy.

Ấm tình với bản Mường và ẩm thực trứng kiến

Về Cao Răm, cả bản nhà nào cũng biết chế biến các món trứng kiến ngon lành. Đón chúng tôi ở Cao Răm là eng Triều, mạng Triều. Hai ông bà chia sẻ: Lấy được tổ kiến về vừa dễ, vừa không dễ. Lấy được trứng kiến ra cũng phải có kiểu.

Khi gõ trứng kiến ra cái mẹt rồi phải nhanh chân bê cái mẹt ra thật xa đám kiến nhung nhúc ấy. Lấy mấy cành lá tươi phủ lên cho bọn kiến thợ bâu vào rồi rũ đi. Cứ liên tục một lát như vậy là còn lại lớp trứng trắng mịn. Hãy nhẹ tay nhón nhặt các vụn tổ lẫn ở đó. Cẩn thận hơn là dùng cái khăn mặt trải lên đám trứng kéo nhẹ, các vụn tổ bé xíu sẽ bám vào khăn mặt và được rũ đi vài lượt là trứng sạch bong. Nhớ nhẹ tay thôi kẻo dập những hạt trứng như những con nhộng ong bé xíu và mềm mượt. Nghe thì có vẻ dễ dàng thế nhưng phải làm thật cẩn thận, cầu kì mới làm sạch được các vụn tổ để có được bát trứng kiến đầy mời gọi ấy. Thật bất ngờ là trứng kiến có thể chế biến thành các món ăn khác nhau. Mỗi món lại có một vị riêng.

Được nói đến trước nhất là món chả. Món chả trứng hấp cầu kỳ sẽ mang tới cho vị giác của bạn một cảm nhận mới mẻ. Thế này nhé: trộn chút bột nêm vào trứng. Cứ một miếng lá vả non bằng bàn tay, lót một cái lá lốt, một cái lá mơ lông. Nhưng, ngon nhất là kèm một miếng lá bí đỏ non rồi cho “nhân” là một thìa trứng kiến vào giữa, gói vuông lại rồi xâu vào cái lạt đã buộc nút một đầu dưới.

Một cặp chả mà mạng Triều lần lượt như vậy chỉ chừng hơn chục miếng được một xâu. Đem các xâu chả lá ấy cho vào cuôp (chõ gỗ) đồ chín tới rồi ăn nóng. Vị trứng kiến béo ngậy, vị lá vả, lá bí bùi mềm, lá lốt thơm nức. Có thể đập thêm trứng gà vào nhân trứng kiến rồi gói nhưng thường thì chúng tôi thích hương vị vẹn nguyên của trứng kiến đầu mùa. Cũng cách làm ấy, các mẹ khéo léo hái lá bưởi non quấn ra ngoài miếng chả, kẹp vào thanh tre tươi, buộc chặt rồi nướng trên than hoa.

Ngoài món chả hấp, một số nhà đồ xôi trứng kiến hoặc trứng kiến gói lá lốt rán chả cũng rất ngon. Ở thành phố, nếu có gặp được mớ trứng kiến được đem tới từ núi rừng, bạn cũng có thể chế biến theo cách của mình. Với số trứng kiến bạn có, hãy đập quả trứng gà vào, đánh đều lên với lá lốt thái chỉ rồi rán thành về, đem cắt miếng chấm với muối ớt ăn nóng cũng không hề kém phần thú vị.

Nếu không muốn rán có thể lót lớp lá chuối lên chảo, đổ trứng kiến trộn trứng gà vào rồi phủ lớp lá nữa lên trên, đậy vung áp trên than hoa cho chín vàng, thơm nức chấm với muối ớt nướng cay quả là ngon.

Anh tôi thì bạo hơn, các anh tổ chức tiệc gỏi trứng kiến. Các loại lá cây gói kèm thì giống như món gỏi cá gồm lá mơ, lá roi, ổi non, lá lộc vừng và chủ yếu là lá sung, lá vả non… nhưng thành phần chính là trứng kiến tươi nguyên, béo ngậy cộng với vị chát ngọt của lá và vị cay nồng của muối dầm ớt tỏi nướng. Ai ăn được gỏi kiến mới thực sự là biết thưởng thức món trứng kiến thơm ngon bổ béo mỗi độ tháng ba về.

Quà của núi ngoài các món ăn được làm từ trứng kiến còn có các loại rau rừng, nhưng, thơm thảo hơn những món ẩm thực là tình cảm, là không khí mà bạn sẽ cảm nhận được.

Về Cao Răm thưởng thức ẩm thực trứng kiến, chúng tôi còn được nghe eng Triều, mạng Triều kể chuyện. Chuyện lên rừng lấy lá thuốc. Chuyện giữ tiếng dân tộc bằng cách trò chuyện, giao tiếp với con cháu bằng tiếng Mường. Vui câu chuyện, mạng Triều cất tiếng hát. Tiếng hát bằng tiếng dân tộc Mường luyến láy, ngọt sâu. Núi đồi, bản làng và cả bạn nữa, đắm trong giai điệu ngọt ngào. Hãy về Cao Răm mỗi độ tháng ba âm lịch để được du dương như thế.

Vũ Nguyên
.
.
.