Về Khe Sanh nghe khúc hát Vân Kiều

Thứ Năm, 31/12/2015, 08:00
Những cô bé người Vân Kiều bán hàng rong chào mời tôi rằng, những bông hoa chuối đỏ bên dãy Trường Sơn sẽ luôn luôn thắm tươi, như những nụ cười của những cô gái Vân Kiều trên nương rẫy. Tôi vác một cành hoa, rồi đứng bên Tượng đài chiến thắng Khe Sanh, giữa ngã ba để ngắm mọi người qua lại. Bởi lâu lắm rồi, tôi mới trở lại nơi đây và mong được nghe lại những khúc hát dân ca Vân Kiều như ngày nào...

Vẫn còn đó kèn hiệu tấn công

Đứng dưới chân tượng đài, nơi cửa ngõ của những nẻo đường hành quân lên biên giới, tôi hồi tưởng lại chung quanh mình là khói lửa và đạn bom vây quanh. Tiếng máy bay Mỹ ầm ỳ trên bầu trời Hướng Hóa. Chúng giội bom xuống dãy núi Trường Sơn, nơi đồng bào Vân Kiều ngày đêm cùng quân đội ta vận chuyển vũ khí và lương thực, chi viện cho mặt trận miền Nam ngày nào. 

Khi vào thăm khu di tích sân bay Tà Cơn, tôi như gặp lại những ánh mắt chân thành, lắng sâu của những đồng bào Vân Kiều và Pa Cô trên những bức ảnh lịch sử. Họ lặn lội khênh trên vai bệ súng máy trên nóc xe tăng đưa vào trận địa. Người thuyết minh cũng là một cô gái người Vân Kiều kể lại chuyện như một cổ tích hiện lên trước mắt tôi...

Để mở đầu cho chiến dịch tấn công mặt trận Đường 9- Khe Sanh do Mỹ-ngụy giăng sẵn, chỉ huy mặt trận quân đội ta muốn tạo ra sự bất ngờ lớn và có tính quyết định chiến thắng phủ đầu là đưa xe tăng vào trận chiến. 

Binh đoàn tăng 198 được coi là lực lượng chính tiêu diệt các đồn bốt cứ điểm của địch bố trí trên các điểm cao án ngữ trên đường 9 bằng “Tam giác lửa”, hay còn gọi là “Ba mắt thần” trong hàng rào điện tử: Làng Vây-Tà Cơn-Khe Sanh. Quân đội Mỹ coi đây là con đường huyết mạch của quân và dân miền Bắc chi viện lương thực, đạn dược và chiến sĩ vào miền Nam. Chiến địa được mở ra, chúng nghĩ sẽ đưa quân và dân ta vào vòng vây đã giăng sẵn.

Nhưng chúng không thể ngờ được là binh đoàn xe tăng của ta suốt 50 ngày đêm hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuất phát từ Lương Sơn (Hòa Bình) vượt hơn 1.000 cây số. Khi đến ngã ba đường 9, tại một bản giáp biên giới Lào-Việt, những chiếc xe tăng được chia nhỏ ra từng bộ phận. 

Đồng bào Vân Kiều cùng quân đội và du kích địa phương vác chúng trên vai, bí mật lội ngược dòng sông Sê Pôn vào sát trận địa địch. Đó là hình ảnh của những chiến hào dưới nước mà do đồng bào Vân Kiều dẫn đường. 

Và kết quả bất ngờ, cứ điểm Làng Vây cho dù tập trung rất đông binh sĩ Mỹ-ngụy, với vũ khí hiện đại cũng bị thất thủ trước những chiếc xe tăng dũng mãnh của quân đội ta. Binh đoàn tăng lừng lững chiếm đồi cao xả súng tấn công cùng với lực lượng bộ binh tinh nhuệ. 

Đó cũng là chiến công khởi nguồn cho cuộc nổi dậy, tổng tiến công Mậu Thân-1968 của toàn mặt trận miền Nam nước ta; cũng như chiến thắng của quân và dân ta tiêu diệt quân Mỹ-ngụy, trong chiến dịch Lam Sơn (Chiến dịch Đường 9-Nam Lào) sau đó, vào năm 1971. Và cuối cùng là chiến thắng 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tượng chân dung người Vân Kiều trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.

Tôi nghe cô gái Vân Kiều thuyết minh như được sống lại một thời chinh chiến đầy hiển hách với sắc màu cổ tích gần nửa thế kỷ trôi qua. Cô ước có một bức họa về những đêm hành quân trên sống Sê Pôn mà cha cô là người đã từng vác trên vai mắt xích xe tăng. 

Rồi bất ngờ cô hát cho chúng tôi nghe ca khúc mà lâu nay đã thuộc về người Vân Kiều. Lời ca thánh thót hát ngợi ca quê hương: “Người Vân Kiều tấm lòng trong trắng. Như cánh hoa xinh đẹp giữa rừng. Bão tố cây rung mà lòng không lay. Trong gian khó vẫn lớn lên như khóm măng rừng. Giữ đất buôn làng giữ bầu trời xanh. Người ơi, mảnh đất anh hùng vang tiếng Ta lư giữa rừng xanh bao la...”. Những chiến binh đi cùng hòa giọng theo. Một âm hưởng núi rừng vang lên trong lòng tôi. 

Khi ra tới khu đất trưng bày những quả bom còn sót lại sau chiến tranh, dựng đứng và hoen gỉ theo thời gian, tôi bỗng nhớ đến bài thơ của Phạm Tiến Duật về Trường Sơn. Anh viết trên con đường mòn khi cùng các đoàn xe đi vào chiến dịch. Đó là hình ảnh những giọt mưa bên Trường Sơn Tây mù sương. Cùng với đó là hình ảnh các cô gái Vân Kiều gùi gạo nuôi quân góp phần cho chiến thắng Khe Sanh. Đôi mắt Vân Kiều ấy ánh lên sắc long lanh, bên những bông hoa chuối rừng tươi rói và dịu dàng...

Một đời nuôi chữ viết Vân Kiều

Nhân dịp tò mò về chuyện đi “Sim” (tìm hiểu-tỏ tình) của trai gái Vân Kiều, tôi được giới thiệu làm quen với thầy giáo Hồ Xuân Long, ở ngay thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Ông đã từng là Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Hướng Hóa. Nhưng khi gặp tôi mới hay thầy Long là người bỏ nhiều công sức cả một đời đi tìm lại con chữ cho người Vân Kiều. 

Chúng tôi trở nên thân thiện ngỡ như đã quen từ lâu có thể mấy ngày mới hết chuyện. Tuy đã bước sang tuổi 70 thầy Long còn nhanh nhẹn và ấp ủ nhiều dự án về chữ viết của dân tộc mình. Ông là người Vân Kiều mang họ của Bác Hồ, như những người con ở mảnh đất vùng cao, trên dãy Trường Sơn thuộc Quảng Trị.

Ông đưa cho tôi xem bộ sách về chữ Vân Kiều được chính ông và đồng nghiệp biên soạn nhiều năm nay. Hiện bộ sách đã được dạy chính thức cho học sinh và bà con người Vân Kiều. 

Đặc biệt thày giáo Hồ Xuân Long giải thích cho tôi biết, tên gốc của người Vân Kiều là người Bru, sinh sống lâu năm ở Lào di cư sang Việt Nam. Họ định cư ở chung quanh núi Vân Kiều trên dãy Trường Sơn. Lâu nay người ta vẫn gọi dân tộc họ theo tên ngọn núi, nhưng nếu gọi đúng phải là Bru-Vân Kiều. Vậy nên chữ viết của họ được xác định chữ viết của người Bru-Vân Kiều. 

Công việc tìm lại được chữ viết của người Bru-Vân Kiều là một quá trình diễn ra hàng chục năm qua. Nhưng chỉ từ năm 1980, các nhà nghiên cứu mới chính thức biên soạn được sách phổ biến chữ viết của người Bru-Vân Kiều. Trong đó công lao đóng góp của thầy Hồ Xuân Long không nhỏ. Ông là một trong những người đầu tiên biên soạn sách và phổ cập chữ viết của dân tộc mình. 

Hàng chục năm qua, ông có công tuyên truyền và dạy tiếng Bru-Vân Kiều cho hàng ngàn cán bộ, học sinh người dân tộc Vân Kiều. Đặc biệt là những cán bộ trong các cơ quan nhà nước thuộc huyện Hướng Hóa, cũng như ở những nơi có đồng bào Vân Kiều sinh sống. Họ đều cần phải biết tiếng nói và chữ viết của người bản địa, để có đủ điều kiện phát huy hiệu quả công tác và lãnh đạo trong địa phương từ thôn, bản đến xã của người dân tộc. 

Gần 40 năm qua, nhất là từ ngày về hưu, đến nay đã bước sang tuổi 70, nhưng thầy giáo Hồ Xuân Long vẫn không ngơi nghỉ công việc dậy chữ viết Bru-Vân Kiều cho chính người dân tộc mình. Đó là sự trở về nguồn cho hàng chục vạn người Vân Kiều. 

Ông được coi như một pho sử sống về phong tục văn hóa và sự phát triển của người dân tộc Vân Kiều. Ngoài ra, ông còn tham gia công tác chi bộ đảng tại nơi mình sinh sống, và là niềm tin yêu cho mọi người tại thị trấn Khe Sanh.

Trầm bổng giai điệu tình yêu

Khi được hỏi về những nhạc cụ và các làn điệu dân ca của dân tộc mình, thầy giáo Hồ Xuân Long hồ hởi tâm sự nhiều chuyện. Ông nói kèn Amam hay được sử dụng trong sinh hoạt giao lưu với âm sắc trầm bổng du dương. 

Cái hồn cốt của âm sắc tiếng kèn là tiếng tình yêu ngân nga không bao giờ vơi cạn trong những đêm trăng hò hẹn và tỏ tình của những đôi trai gái. Cùng với đó là những làn điệu như Tà Oái, Oát, Xà nớt, A ru, Cha Chấp... Riêng điệu Tà Oái là những lời giao duyên trai gái lứa đôi, ẩn chứa nỗi lòng một cách tình tứ, ý nhị chan chứa tình cảm. 

Nói rồi ông bỗng hát vài câu với giọng trầm ấm miên man rằng: “Em ở chòi bên này thao thức đợi anh. Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người. Kèn Amam không thổi một mình. Em biết thương ai bây giờ ngoài anh”. Sau đó ông giải thích, kèn Amam của người Vân Kiều thường do người nữ giữ và chỉ cùng thổi với người bạn trai của mình.

Thổi kèn Aman.

Và đó cũng chính là trong các cuộc đi Sim của các chàng trai cô gái. Tiếng kèn đôi vang lên với sắc trầm bổng ấm áp như lòng người gửi trao tâm sự. Khi tiếng kèn của hai người cùng dứt, tiếng hát của các chàng trai cô gái lại đối đáp vang lên. 

Lời của chàng trai vang lên dưới ánh trăng: “Bóng em lấp lánh như sao mới mọc. Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu. Ta đi tìm em, em ơi! Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy. Ta đang lần tìm đến người, người ơi!”. Tiếng hát vang lên như mời gọi tiếng kèn đâu đó ngân nga. Một làn điệu huyền ảo và mộng mơ về tình yêu. 

Tôi ngẩn ngơ nhìn về ngọn núi Vân Kiều mong được bay cùng những cánh chim lên bầu trời xanh thắm. Thầy giáo Hồ Xuân Long nở một nụ cười ấm áp, như vừa được sống lại một thuở trẻ trai đắm đuối trong âm nhạc, cùng những lời ca trên đỉnh Trường Sơn.

Chung Tử
.
.
.