Về Palei Chăm

Thứ Sáu, 23/01/2015, 14:49
Anh Ngô Minh Châu, cựu Đại tá, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Thuận, là vị chỉ huy tôi trân trọng lúc còn trai trẻ. Anh Châu sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng định cư tại làng Chăm Phước Dân gần 30 năm. Vì vậy, anh không những hiểu được ngôn ngữ mà còn biết được phong tục tập quán của người bản địa. Mùa Ka Tê năm nay, anh dẫn tôi về Hữu Đức và Hậu Sanh trước vài ngày để thăm các Palei Chăm (làng Chăm) với mục đích xem bà con mình chuẩn bị ra sao trong ngày lễ trọng đại, được xem là Tết, mặc dù chỉ là đầu tháng 7 lịch Chăm.

Từ cầu Đạo Long thành phố Phan Rang, chúng tôi phóng xe máy đến trung tâm huyện lỵ Ninh Phước. Con đường ở đoạn này mở thêm 4m nên rộng, đẹp thênh thang giữa màu xanh đồng nội. Ven đường có khá nhiều nhà máy, những tiệm bán hàng lưu niệm trưng đầy rượu nho, mật nho… với mẫu mã rất đẹp. Một người phụ nữ tuổi ngoài 60 có dáng dấp là chủ quán, thấy tôi quần áo xộc xếch, ba lô lỉnh kỉnh nên vui vẻ: “Chắc chú mới về Phan Rang, mua vài chai rượu đi chú! Đến vương quốc nho mà không có quà kỷ niệm là coi như chưa đến! Nho nhà vườn nguyên chất, không phải qua đường tiểu ngạch của Tàu Khựa đâu, các chú đừng lo”. Vì không phải dân bản địa, cộng với bao bì bắt mắt nên tôi quay sang nhìn anh Châu ái ngại. Anh Châu nói nhỏ: “Bà này nói thật đó! Gia đình bả bán ở đây mấy chục năm rồi, tôi biết”. Để lấy lòng tin của khách, bà chủ sai con mang hai ly mật nho cho thêm đá ra tiếp thị với chúng tôi. Với khí hậu nóng và đang đi giữa đường được uống một ly mật nho mát lạnh như người bị đuối nước vớ được chiếc phao.

Rời gian hàng lưu niệm, chạy xe về Phú Quý, rẽ trái thêm 4 cây số nữa mới đến làng Chăm Hữu Đức, quê của ca sĩ Chế Linh - người có giọng hát trữ tình mà báo chí ngày xưa cho rằng “Tiếng hát làm lay động các cô gái phòng the”. Chúng tôi vào quán cà phê tại cổng làng, hỏi một chú thanh niên người Chăm khoảng 30 tuổi đang ngồi bên cạnh: “Nghe nói đây là quê hương của ca sĩ Chế Linh phải không e?”. “Đúng rồi, nhà cha mẹ ổng bên kia đường kìa! Ổng mới về tháng trước. Cũng tội ổng, bỏ quê đi mấy chục năm. Lúc bước vô sân nhà ổng, bật khóc, có em đứng đó mà!” - người thanh niên bỗ bã một cách vui vẻ.

Trước mặt chúng tôi cách 20 mét là ngôi nhà to lợp tôn kẽm đã ngả màu đang cửa đóng then cài. So với ngôi từ đường của ông ca sĩ này thì làng Hữu Đức bây giờ giàu hơn rất nhiều, gần như 100% là nhà tường mang dáng phố quê. Tại cổng làng này, nếu người mới đến không được báo trước sẽ nghĩ rằng đây là một khu phố người Kinh, vì từ nhà cửa, vóc dáng con người đến cách ăn mặc, màu da và giọng nói của bà con ở đây không có nhiều khác biệt.

Tôi hỏi một nam thanh niên 25 tuổi, mặc quần jean, áo pull, mang một sợi dây chuyền bạc to bản ngồi cạnh bằng tiếng Chăm vừa mới học: “Em là Youn (người Kinh) hay Chăm?”. “Dạ, Chăm ạ”, em trả lời bằng tiếng Kinh, rồi giải thích “Em tốt nghiệp đại học viễn thông ở Sài Gòn, bây giờ làm ngành bưu điện, sống ở thành phố lâu nên quen với âm sắc phổ thông. Tuy nhiên về nhà vẫn nói tiếng Chăm với bố mẹ, anh em, bạn bè”.

Vũ điệu chính đền tháp.

Trong lúc chuẩn bị rời quán, được một người đàn ông trung niên từ trong ngôi nhà tôn cũ ra bắt tay làm quen. Ông tự giới thiệu là Đàn Văn Giáo, gọi ca sĩ Chế Linh bằng cậu. Ông nói: “Cậu Len tên tiếng Chăm là Chà Len. Sau này đi hát, cậu lấy tên là Chế Linh. Đối với cậu, không những gia tộc tôi, mà cả người Chăm Ninh Thuận đều tự hào. Cậu là một ca sĩ được xếp là tứ trụ danh ca miền Nam trước năm 1975 được nhiều người ái mộ”. Chúng tôi bắt tay cảm ơn ông Giáo, vác ba lô lên đường về Hậu Sanh, ngôi làng nằm cạnh tháp cổ Pôrômê.

Chứng tích của Palei Thuer

Cách Hữu Đức 2 cây số là thôn Hậu Sanh. Đó là ngôi làng có 354 hộ, 2.130 nhân khẩu, chiếm 98% là người Chăm, nằm cạnh cổ tháp Pôrômê . Hiện nay, trên vùng đất của Ninh Thuận, Bình Thuận có khoảng 40 làng Chăm, nhưng tôi dường như chưa thấy làng nào sống quây quần bên tháp cổ giống như Palei Hậu Sanh - Hữu Đức ở đây.

Anh Bá Văn Nở, kỹ sư canh nông của chế độ cũ, một trí thức Chăm, vui vẻ dẫn chúng tôi đi hết làng. Khi đi về hướng Nam 4km gặp một ngôi miếu nằm dưới gốc cây đa cỡ 6 người ôm, anh cho biết: “Nơi đây trước kia là làng Chăm, mang tên Khải Định. Năm 1920, Vua Khải Định vi hành vào xứ  Panduranga vận động bà con từ Cà Ná - Đầm Nại về sống gần tháp để hương khói tiền nhân. Về cổ sử có khá nhiều tiếng vang khi vị vua này sang Pháp tham gia hội chợ Marseille năm 1922, nhưng ở đây bà con người Chăm rất trân trọng ông vua này, vì chính ông vận động con cháu Chăm về sống quây quần bên cạnh tháp”. Chúng tôi đứng nhìn làng Chăm cổ, bây giờ là vùng sơn điền, chỉ còn chứng tích cây đa cổ thụ và huyền thoại cặp rắn lớn bằng bình thủy. Kỹ sư Nở cho biết thêm: “Ngôi làng này do một chức sắc tên là Pô Sák trực tiếp kêu gọi bà con về đây nên hằng năm vẫn có người mang lễ vật đến cúng để nhớ về một thời ông cha mình đã sống”.

Buổi chiều, anh Châu về nhà, còn lại bốn năm anh em trải chiếu ngồi trước sân uống trà nhắc lại chuyện Hậu Sanh. Chiều ở Palei Chăm thật mát mẻ, gió từ biển Đông thổi vào làm lung lay những cành me đầu hè. Nhà anh Nở trồng hai cây me kiêm nơi ở cho gà ngủ đêm, mới có 17h hơn mà đã có 8 con gà dáo dác bay lên cây vật vờ tìm chỗ ngủ đã cho thấy cảnh quê còn hình ảnh yên bình.

Làng Hậu Sanh được thành lập vào năm thứ hai Vua Thiệu Trị chấp chính (1841-1847). Theo tư liệu cũ, tại vùng đất Paduranga, vào năm 1831 đến 1834, đã xảy ra cuộc biến loạn giữa các phe phái nên cộng đồng người Chăm bỏ làng lên rừng sinh sống. Mãi đến đời Vua Thiệu Trị mới kêu gọi người Chăm xuống núi cùng nhau sinh sống. Làng Hậu Sanh thời ấy gọi Palei Thuer. Thuật ngữ “Thuer” có nghĩa  là “Vườn”, tại mảnh đất này lúc ấy là nơi trồng cây ăn trái. Theo cụ Lưu Văn Hiến, ở Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận cho rằng: Thuer là vùng đất thiêng, được thần linh che chở, còn Hậu Sanh là tên gọi sau này. Vào năm 1993, làng được công nhận là thôn văn hoá. Theo ông Hán Ngọc Vĩnh Zích, Trưởng thôn cho biết: “Những năm trước đây đời sống của người dân có nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2000 trở về sau chuyển biến rõ rệt. Nhiều hộ gia đình có máy cày, máy gặt lúa và một số hộ chăn nuôi dê, cừu, bò, heo theo hình thức trang trại. Khá nhiều cháu học hành đỗ đạt”.

Tượng vua Pôrômê và hoàng hậu Bia Thanh Chanh.

Thôn Hậu Sanh năm 2014 đa số là nhà tường, trường học, nhà giữ trẻ khang trang, vài tháp điện thoại cao vút mọc lên, ở giữa làng là đài nước lớn cung cấp nướ cho cả cộng đồng.

Cặp me già đêm trước Ka Tê

Kỹ sư Bá Văn Nở, 67 tuổi, là người bạn đàn anh mà tôi rất quý mến lúc còn ở Đà Lạt. Anh Nở tốt nghiệp Trường quốc gia Nông Lâm Mục BLao và Đại học Cần Thơ. Trước năm 1975 đã từng làm lãnh đạo các cơ sở cây trồng và giống rau tại Bảo Lộc-Đà Lạt. Cách đây 2 tháng, tôi tìm về Hậu Sanh thăm vợ chồng anh và ngủ lại. Nằm bên người quen một thời là nhân chứng, anh nhắc về chị Đàn Thị Nguyệt, bàn tay vàng của nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Chị Nguyệt là người mà anh yêu từ thời trai trẻ đến tận bây giờ. “Thôi quên chị ấy đi anh ơi! Duyên nợ vợ chồng là có số. Nhiều khi anh sống chung với chị Nguyệt lại xung đột, dẫn nhau ra tòa từ lâu rồi, anh vì sầu tình mà mang lụy”, tôi lầu bầu. Anh Nở không nói gì, chép miệng nhìn ra bầu trời đêm, đen như cuộc tình đơn phương vô vọng của mình.

Tôi biết anh Nở thật tình cờ, anh là thành viên trong nhóm vượt biên bị bắt giao về trại giam mà tôi là cán bộ thụ lý hồ sơ. Sau năm 1975, anh vượt biên trốn ra nước ngoài vì tình. Anh yêu chị Nguyệt một cách man dại. Chị Nguyệt là người Chăm, chị ra đi với một người đàn ông khác. Anh Nở yêu chị đơn phương, vẫn quyết tâm đi tìm, nhưng cuối cùng anh không gặp được chị Nguyệt mà đi thẳng vào nhà giam. Trong đêm, anh lọ mọ tìm cho tôi xem một tấm ảnh trắng đen của chị Nguyệt đã ố vàng. Anh cho biết, chị Nguyệt sang Mỹ, mở xưởng dệt thổ cẩm nghề gia truyền của dòng tộc. Tôi cố tìm hình ảnh “chim sa, cá lặn” của chị Nguyệt vẫn không thấy, nhưng anh yêu chị ấy đến mức quên rằng mình đã có vợ con và lên chức ông nội. Anh Nở vẫn ngồi đấy đắm chìm về mối tình đơn phương cuồng nhiệt của mình.

Lần này tôi về Hậu Sanh đưa theo cả vợ về nhà anh để dự lễ Ka Tê, đồng thời làm công việc “nối kết tiếng lòng” giữa hai cây me già tỏa bóng. Buổi tối ở làng Chăm vào trước ngày lễ hội khá ồn ào, dọc theo những con đường thôn xóm đông vui nhộn nhịp. Ngoài sân làng, đêm văn nghệ với đèn cao áp sáng trưng, các cháu thanh niên nam nữ múa quạt uyển chuyển theo tiếng kèn Saranai và tiếng trống Paranưng rộn ràng. Đối với người Chăm, những đêm trước Ka Tê như đêm 29-30 Tết của người Kinh. Có nghĩa là mọi ưu phiền trong năm phải gạt bỏ để đón mừng năm mới.

Trước đêm Ka Tê, vợ chồng tôi ngồi tâm tình với chị Nở, đó là một người phụ nữ có khuôn mặt hiền lành nhưng mang đôi mắt thật buồn. Gần như cả quãng đời son trẻ, chị đã đem hết khả năng chăm lo nhà cửa, con cái một mình như thời chiến. Chị yêu anh Nở thật lòng, ngược lại anh theo đuổi hình bóng chị Nguyệt, bỏ mặc nỗi nhớ mong đêm đêm bên ngọn đèn dầu mù tỏ của người vợ ở độ tuổi xuân thì. Ngôi nhà khang trang một tay chị làm, hai đứa con một tay chị nuôi trong cô đơn cay đắng. Nhìn chị khô héo với tiếng thở dài, vợ tôi ầng ậng nước mắt.

Khi được hỏi vì sao lại đến nỗi này, chị thút thít khóc: “Ngày xưa, dòng tộc nhà tôi có học, khá giả và có chút tiếng tăm ở làng. Vì muốn thừa kế truyền thống nên cha mẹ yêu cầu phải cưới chồng “môn đăng hộ đối”. Thời ấy cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Anh Nở là người làng trên, một kỹ sư trẻ đẹp trai là tầm ngắm của gia tộc. Gia đình anh đồng ý, nhưng trước đó ảnh đã có người yêu. Điều đáng nói, chị ấy yêu người khác rồi di tản qua Mỹ với người tình. Anh Nở vượt biên qua Mỹ tìm chị nhưng không thoát, phải đi tù. Trong thời gian anh đi tù, tôi vẫn đi thăm nuôi, đến lúc mãn hạn, ảnh ở luôn nhà cha mẹ đẻ. Lúc ấy tôi qua nhà mẹ ảnh, xin ngủ lại một đêm để được hôn anh nhưng ảnh vẫn không cho”. Tuổi xuân không có hơi ấm của chồng, không có bạn đời sẻ chia, tôi buồn lắm”. Chị Nở bật khóc, tiếng khóc sụt sùi của người có tuổi thật não lòng. Vợ chồng tôi im lặng lắng nghe, thở dài trước cuộc tình của cả anh lẫn chị…

Ở làng Chăm gần như nhà nào cũng trồng cây me, thức ăn cũng được pha chế từ me, nấu canh bỏ thêm lá me, nước mắm cũng thêm trái me… Me trở thành ký ức cho con người ra đi và ở lại. Đêm ở làng Hậu Sanh thật buồn, tiếng chim cú văng vẳng trên tán cây me, tiếng dê đạp sàn. Nằm bên người bạn một thời là nhân chứng, anh Nở trở mình nghĩ về quá khứ. Chỉ mới 3 giờ sáng anh đã thức, bật điện pha trà rồi ngồi yên như pho tượng, có lẽ anh hối hận, một thời đã làm hư danh dòng tộc.

Các thiếu nữ Chăm trước tháp Pôrômê.

Anh chép miệng: “Thời còn trẻ nông nổi, háo thắng mà quên đi ước vọng của gia đình. Bây giờ có tuổi, nghĩ lại mới thấy ân hận. Tội cho bà Lương nhà tôi, cả đời vì chồng vì con, tuổi xuân đêm về mỏi mắt chờ chồng. Từ ngày có cháu nội, tôi mới nhận ra thì đã đến tuổi xế chiều. Người xưa nói: “Kinh nghiệm và sự từng trải đời như cuộc hành trình đi tìm chiếc lược, đến khi có lược trong tay thì tóc không còn để chải”. Ngày mai là lễ Ka Tê, có anh chị là nhân chứng. Hôm nay tôi sẽ dọn mình tắm rửa sạch sẽ trước vong linh ông bà và trước tháp cổ Pôrômê, chúng tôi - những cây me già đứng sát bên nhau để tỏa bóng cho mình và cho con cái đến những ngày cuối đời”. Sáng hôm sau, anh chị làm mâm ngũ quả, mặc quần áo Chăm truyền thống, lạy tạ vong linh tại tư gia rồi sánh vai nhau lên đền tháp Pôrômê đón mừng năm mới.

Dòng người ở cổ tháp Pôrômê

Đồng bào Chăm không có Tết Nguyên đán. Vì vậy, mùa lễ Ka Tê được gọi là ngày tết. Đây là ngày tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống no đủ. Vào những ngày này, các gia đình cửa nhà luôn mở rộng để nhận lộc đầu năm, tiếp đón bạn bè.

Tranh thủ ngày mở cửa, tôi đến gặp ông Hán Ngọc Vĩnh Zích, người Chăm, Trưởng thôn Hậu Sanh, kiêm Trưởng ban Tế lễ địa phương. Khi được hỏi về Vua Pôrômê, ông Zích vui vẻ cho biết: “Tục truyền rằng, ngài Jakathot, con trai của bà Mư Oa, do bà ăn lá cây liêm mà mang thai. Sau này được 2 con rồng dưới bóng cây liêm tiếp sức nên Jakathot rất tài giỏi và đức độ, được vua Mưhtaha gả công chúa Bia Thanh Chanh và phong làm phò mã của vương triều. Cuối năm 1626, vua Mưhtaha băng hà, vì con trai còn quá nhỏ nên phò mã Jakathot được triều thần chọn làm người kế vị. Lúc lên làm vua lấy tên là Pôrômê, ngài mất năm 1651 trị vì 24 năm. Trong những năm chấp chính, ngài đã hướng dẫn dân chúng khai hoang ruộng đất, dẫn thủy nhập điền như đập Ma Rên, Cà Tiêu còn đến hôm nay. Về văn hóa, ngài đã xây dựng khối đoàn kết với các nước láng giềng. Để tưởng nhớ công ơn, người Chăm đã xây tháp và tạc tượng Ngài vào thế kỷ thứ XVII tại ngọn đồi phía Tây Nam thôn Hậu Sanh để thờ cúng hằng năm.

Trước 7h sáng ngày 1 tháng 7 Chăm lịch nhằm ngày 23 tháng 10 dương lịch, bà con từ các Palei Chăm đã mang hoặc đội lễ vật tập trung về đền tháp trong trang phục truyền thống. Để có thể hội nhập với dòng người, tôi được anh Nở cho mượn bộ trang phục Chăm theo bà con dâng lễ. Tại tháp lúc này có khoảng 200 người, trong đó Ban tế lễ là các chức sắc đạo Bàlamôn, gồm: Thầy cả sư (Pô Dhia) làm chủ lễ; thầy kéo đàn Kanhi, hay còn gọi là thầy cò ke (Ôn Kadhar); bà bóng (Muk Payâu) dâng lễ và ông từ (Camưnay). Lễ vật cúng gồm: 1 con dê, 3 con gà làm lễ tẩy uế đất tháp, 5 mâm cơm cúng có thịt dê, 1 mâm cơn với muối mè, 3 bánh gạo và hoa quả.

Vào lúc 7h30 khi các cấp chính quyền đến tặng quà, phần lễ mới bắt đầu. Ông Hán Ngọc Vĩnh Zích đọc diễn văn kể về công đức của vua Pôrômê và thành tựu kinh tế văn hóa của các Palei Chăm xung quanh trong năm. Sau đó, cả sư điều khiển phần mở cửa tháp, vị cả sư đọc thơ bằng tiếng Chăm: “Chúng con lấy nước từ sông lớn/ Chúng con đội về tháp tắm thần/ Thần là thần của trời đất/ Chúng con lấy những tấm khăn đẹp nhất/ Lau mồ hôi trên mình, tay chân của thần,...”. rồi ông cầm lọ nước thần tạt lên tượng Siva trên vòm cửa chính. Tiếp theo là lễ tắm tượng và mặc y phục. Sau đó, bà bóng bày lễ vật, thầy Kanhi kéo 30 bài hát để mời 30 vị thần. Sau khi kết thúc vũ điệu của các bà bóng, lúc ấy bên ngoài bắt đầu phần hội. Những điệu trống Ginăng, kèn Saranai cùng vang lên. Trong âm thanh dìu dặt của trống kèn đã đưa những người dự lễ lên đỉnh cao của sự thăng hoa, hoà vào điệu múa của các thiếu nữ Chăm. Lễ hội Ka Tê chính là giây phút thiêng liêng của người trần thế đánh thức các tháp Chăm cổ kính yên ngủ dưới lớp bụi thời gian bừng dậy, góp phần làm phong phú cho vườn hoa văn hoá đa sắc, đa màu của các dân tộc Việt Nam.   

Đến 10h sáng, có khoảng 2.000 người tham dự. Xung quanh cổ tháp có khoảng 200 gia đình mang lễ vật bày ra, gồm: gà luộc, xôi, rượu, hoa quả. Tôi hỏi vài người, được họ cho biết: “Trong năm mình cúng vái thần linh điều gì thì bây giờ mang lễ vật đi tạ”. Thế tạ xong mình mang lộc về hay ăn luôn?”, tôi hỏi thì đượ biết: “Có ai xin thì mình biếu, nếu không mình mang về chứ bỏ à!”.

Tuy nhiên, có một sự kiện mà Ban tổ chức chưa tính đến, với số lượng khách hành hương khoảng 2.000 người trên ngọn đồi nhỏ của cổ tháp nhưng không thiết kế nhà vệ sinh công cộng ở dưới chân đồi nên tình trạng phóng uế bừa bãi trong các ngày lễ diễn ra mất đi tính trang trọng. Tôi tâm sự việ này với ông Zích, ông trả lời buồn buồn: “Biết vậy, nhưng không có kinh phí xây dựng, vả lại một năm mới có một lần, lần nào cũng đều cúng tẩy uế mà”.

* * *

Hai Palei Chăm ở Hữu Đức và Hậu Sanh hiện nay đời sống về vật chất và tinh thần rất cao. Nếu nói ngày xưa triều Nguyễn đã vận động bà con tập trung về gần đền tháp để chăm sóc hương khói ông cha, thì bây giờ nhà nước tôn tạo đền tháp với ngân sách tính bằng trăm tỉ. Ngay tại đây, ngoài điện lưới quốc gia, còn hệ thống nước kéo đến tận nhà. Người Việt từ bao đời nay vẫn xem các đền tháp, các tiên đế Chăm là của chung nên ra sức tôn tạo, giữ gìn. Trong các lễ hội của đồng bào Chăm, số lượng người Việt đến hành hương cúng bái gấp nhiều lần so với người Chăm bản địa. Đó là một điều hạnh phúc. Đối với chúng tôi, điều mừng nhất là đã kéo được hai bóng me già đứng chụm với nhau làm bóng râm và bài học cho con cháu.

Người đồng hành: Cựu Đại tá Ngô Minh Châu, phó chủ tịch hội CCB Ninh Thuận

Người dẫn đường: Kỹ sư Bá Văn Nở, thôn Hậu Sanh, Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận.

Ký sự: Trần Đại - Minh Châu
.
.
.