Về buôn nông thôn mới

Thứ Hai, 24/08/2015, 07:00
Thế hệ 8-9X gốc Tây Nguyên bây giờ ra đường đi xe máy, xức nước hoa, còn những đôi vợ chồng trẻ cũng đã đặt nụ hôn từ biệt lên ngôi nhà dài ong ong mùi khói. Họ ra riêng cất nhà trệt, xây nhà lầu từ khi nhà nước chuyển đổi sang cây trồng công nghiệp. Tuy nhiên, đối với người già nhất là phụ nữ, cứ chiều chiều ngồi trước hiên nhà nhìn ra con đường nhựa nông thôn nhớ về thời con gái. Thời mang gùi đi rẫy, hẹn hò rủ nhau ra bến tắm.

Hôm qua K’Prẻoh ở buôn Nausơri điện thoại bảo tôi vào nhà lấy buồng chuối rừng và rượu cần theo đề nghị của tôi tháng trước. Đổi lại tôi mang tặng cho anh một cần câu cá tay quay, chúng tôi vẫn thường trao đổi với nhau như thế.

Trên đường vào buôn, gặp 3 chị em Kờ Ho đang gùi củi về nhà. Có lẽ từ ngày xưa cho đến bây giờ, hình ảnh các cô gái mang gùi về buôn giữa lúc hoàng hôn là bức tranh sơn dã sống động nhất của vùng đất Bazan này. Tôi đã từng là nhân chứng nhìn thấy các dân phượt tây, ta ba lô dừng xe đột ngột xin ghi ảnh các chị, các em. Mỗi lần chụp như thế họ trả công hậu hĩnh. Phượt nghèo trả 10 ngàn, giàu 50 ngàn, cũng có người trả hẳn 100 ngàn. Tất cả phải đưa tận tay từng người, ít khi họ trả một xấp để các người mẫu chia nhau.

Ở Tây Nguyên, hình ảnh sơn nữ mang gùi đã đi vào thi ca, hội họa, có nhà nhiếp ảnh được giải thưởng nghệ thuật quốc gia, quốc tế. Trên con đường 20 từ đèo Chuối đến đèo Prenn, tôi vẫn gặp 5-7 người phụ nữ Kờ Ho-Mạ, gùi bó củi sau lưng nhoài người về phía trước, chân bước rập rình. Họ đi yên lặng, thẳng hàng ven bờ cỏ đường lộ. Gần như chưa bao giờ người ta thấy họ đi hàng hai, hàng ba đùa giỡn ở lòng đường. Nhìn bóng họ trải dài trên nền đường với đôi mắt mênh mang, tôi không biết các chị các em đang nghĩ gì. 

Ở Tây Nguyên chiếc gùi không chỉ đơn thuần mang củi mà còn mang nhiều nông sản khác. Những người phụ nữ vùng cao tôi gặp, dù trên nương rẫy hay trên đường về họ vẫn mang gùi đi trong lặng lẽ. Họ mang sau lưng đầy cà phê, đầy trà, đầy củi khô, họ mang tâm sự của cả đời người từ quá khứ đến hiện tại, mang cả nền văn minh lúa rẫy đến nền văn minh cây công nghiệp dài ngày. Trên toàn bộ vùng đất Bazan hôm nay, nơi nào có người, nơi đó có gùi, nơi nào có tượng đài là nơi đó có người phụ nữ mang  gùi. Chiếc gùi đen bóng, lồng lộng hiên ngang đứng giữa ngã năm ngã bảy.

Cũng đã khá lâu bất chợt gặp lại hình ảnh các em mang gùi đi thành hàng trên đường rẫy, tôi dừng xe trên đỉnh dốc, ngồi tựa lưng gốc cà phê canh máy ảnh và cự ly để có được tấm ảnh tự nhiên. Nhưng thật không may bị phát hiện, nên khi bấm máy tất cả các cô đều cúi mặt, có cô còn quay gùi ra phía trước. Thấy sự kiện bất thường tôi bước xuống đường nói bằng tiếng Kờ Ho: “Xin chụp tấm hình mà không cho, còn quay lưng lại!”. Cả nhóm phá lên cười: “Sao không nói trước, tưởng mấy ông trộm chó. Giờ cho chụp đây, với điều kiện cho mỗi đứa 10 ngàn, nếu không sẽ quay mông lại nữa đó!”. Một em khoảng 20 tuổi cười khằng khặc, buông một tràng tiếng Kờ Ho dài ngoằng, tôi chỉ hiểu được 50% còn lại phải đoán.

Cuối cùng, tôi giấu xe máy trong vườn cà phê, xin mang một chiếc gùi củi đi với các em 500m để hỏi chuyện. Thực tình mang gùi nặng đi đường dài không phải dễ dàng, chiếc gùi khoảng 30 ký, với bó củi cao hơn 1 mét, làm người mang phải chồm người ở phía trước để khỏi bị ngã. Nếu đi không chú ý, gặp phải cây, phải đất ghềnh, lúc ấy củi và người cùng nằm với nhau trên đường lộ.

Người già nông thôn mới

Nghe tôi hỏi chuyện về lịch sử chiếc gùi, K’ Prẻoh dẫn tôi sang nhà K’Prẹt, một già làng chuyên đan gùi bán. Lúc chúng tôi đến, ông K’Prẹt đang ăn mừng lễ thôi nôi cháu nội. Ở buôn làng từ khi chuyển sang thôn văn hóa, bà con Kờ Ho cũng dần dần tổ chức lễ đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật. Có nhà khá giả còn tổ chức hát karaoke ỏm tỏi, thậm chí lúc ngà ngà say ôm nhau nhảy đầm, dẫm đạp vào chân ngã té rách, hoặc bị tuột quần. Chuyện lễ thổi tai bằng cồng chiêng, chuyện đặt tên ném lưỡi gà dính vào vách tre chỉ còn là câu chuyện người già bên bếp lửa hồng năm cũ.

K’Prẹt về nhà thấy có khách lạ, nhoẻn miệng cười rồi đi thẳng vào buồng ngủ mang ra chiếc quần dài đẹp, đứng giữa nhà xỏ chân vào. Chắc có tí rượu nên ông và chiếc quần cùng nhau té trên nền đất, rồi cả hai đứng dậy xỏ tiếp. Ông nói: “Buôn mình bây giờ là thôn văn hóa rồi, mình tiếp khách phải mặc quần dài cho có văn hóa chớ! Ai lại mặc quần đùi nói chuyện, cái đó xưa rồi”.

Tôi mang trong túi dếch ra hai bịch bánh bích quy đặt trên bàn rồi đề nghị ông pha trà xanh mang ra uống. Dân làm vườn không uống chè khô (chè sấy, ướp hương), họ ra sau nhà hái một nắm trà tươi bỏ vào bình hãm nước nóng 15 phút. 

Trong lúc chờ đợi tôi hỏi: “Nghe nói già Prẹt, sau ngày giải phóng đánh nhau với FULRO dữ dội lắm, được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen. Đâu phải ai cũng có bằng khen của Thủ tướng đâu, như tôi đây chả được tấm bằng nào để làm thuốc!”. Ông K’Prẹt vỗ tay cười ha hả. Ông đứng dậy, lấy trong tủ một ống tre, kéo bằng khen từ trong ống ra vỗ bụi bạch bạch: “Nó đây này, mình không treo lên tường, chỉ lâu lâu mở ra dòm thôi. Khi có khách mang ra khoe một chút rồi cất trong ống tre, để ở ngoài lâu quá sợ nó hư chớ!”.

Người già sống bằng quá khứ, nhất là thời oanh liệt. Ông kể: “Trước kia buôn Nausơri ở chân núi Đại Bình, sau ngày giải phóng bà con mới kéo về đây. Tuy nhiên lúc rời làng, có mấy thằng bị kẻ xấu dụ, trốn vô núi làm FULRO chống lại đồng bào. Mẹ! chuyện đánh mấy thằng đó cũng dễ mà khó. Ở khu này, tụi nó có mấy chục thằng lẩn trốn trong rừng thiếu ăn, thiếu đạn. Mình càn vô cấp đại đội hay tiểu đoàn không cần nổ súng cũng đủ chết, nhưng khốn nỗi bộ đội nhà mình đâu biết thằng nào là FULRO thiệt, thằng nào giả, vì nếu nó bỏ súng là thành dân thường mà. Còn cỡ như tui, nhìn mặt biết ngay. Thằng này là K’Pọp con ông K’Sẻ, thằng này lạ nhưng nước da tái tái là chính hắn rồi. Mấy thằng quen hoặc bà con thì dễ òm, mình bắn tiếng với chúng nó sẽ an toàn nếu về gặp tao, tao dẫn đi trình diện rồi về nhà làm ăn. Bây giờ mấy thằng theo rừng núi đó có thằng giàu sụ, ông muốn đến uống rượu với tụi nó không, tôi dẫn đi nhưng đừng nhắc tới chuyện ngày xưa sợ nó buồn, tội nó ông ơi!”...

Câu chuyện chuyển sang chủ đề đan gùi lễ. Đôi mắt ông K’Prẹt chuyển sang buồn buồn: “Bây giờ ở các buôn, người ta chỉ đan gùi đi làm thôi, không ai chịu ngồi đan gùi lễ nữa đâu. Gùi lễ là loại gùi tặng, đi dự lễ hội, làm gùi này kỳ công lắm, vì ngoài cái đẹp của nó, còn phải gởi cái lòng của mình vào đó nữa chớ bộ. Muốn đan được gùi lễ, trước hết phải vào rừng chọn tre lồ ô, dây mây. Sau đó mang về cắt ra từng đoạn rồi chẻ thành lạt, vót thật nhẵn đem đi ngâm bùn cho đến khi thân lạt dẻo ra mới đan gùi được. Đan gùi lễ phải có hình ảnh, hợp với con người và thần linh nữa chớ!”.

Đối với gùi này, tôi được xem ở Buôn Hồ, ĐăkLăk, sau khi đan xong người ta mang gác trên giàn bếp một thời gian để khói và bồ hóng ăn vào các nan gùi tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt, làm nổi bật các đường nét hoa văn như hình mặt trời, hình mai rùa, hình móng chân chó... Gùi lễ thường được sử dụng trong các dịp lễ hội, nó còn giúp cho các chàng trai Tây Nguyên chứng tỏ được sự tài hoa, khéo léo của mình trước các cô gái.

Ông K’Prẹt mang ra cho chúng tôi xem 3 gùi lễ, ông chỉ từng đường nét, rồi chép miệng thở dài: “Gùi mang đi làm thì khỏi nói, vì nó được sử dụng hàng ngày. Còn gùi lễ bây giờ chỉ bán cho người ta chơi đồ cổ thôi nhưng ít người mua lắm, vì ngày nay ngoài đường, trong chợ người ta bày bán giỏ xách, ba lô rẻ tiền và đẹp hơn. Người có tiền người ta biết chọn chớ! Tôi hỏi ông: Mua cái gùi giá 500 ngàn, ông có xót không! Thời buổi hiện đại mà! Buôn làng mình bây giờ là nông thôn mới, mọi hủ tục xưa như đi bắt chồng buổi tối, phụ nữ ra suối ngồi đẻ một mình bây giờ đâu còn nữa. Nhiều người còn sắm cả điện thoại di động, tui cũng có một cái đây”. Già  K’Prẹt móc trong túi ra một chiếc điện thoại hiệu Nokia trị giá khoảng 400 ngàn dứ dứ vào mặt chúng tôi trong niềm kiêu hãnh.

Các nữ doanh nghiệp Kờ Ho

Ở xứ trà, người ta thường thấy bà con gốc Tây Nguyên sống bằng nghề làm vườn, không ít bà con trồng chè, cà phê trở nên giàu có, đã xuất hiện một số gia đình có xe hơi, máy cày, biệt thự, hoặc có con là bác sĩ, giáo viên, nhà báo… Năm ngoái một người bạn Kờ Ho khoe với tôi rằng: “Con Ka Hoa nhà mình học hơi bị giỏi, sang năm tui cho nó ra tận Hà Nội học cho  oách, chớ còn học ở Sài Gòn, Đà Lạt thì quá thường rồi. Ông thấy đúng không!”. “ Quá đúng!”. Tôi vỗ tay đôm đốp. Được trớn, ông càng nói tợn.

Người làm vườn thì thế, nhưng việc người Kờ Ho làm chủ hãng trà, cà phê thì chưa nhiều. Tháng trước tôi gặp được cô chủ cà phê người Kờ Ho tên là Ka Rolan 28 tuổi, nói tiếng Anh như gió. Cô ấy mở một cơ sở chế biến cà phê gia đình, mang tên tiếng Anh là K’Ho Coffee tại chân núi Langbiang, nay là khu bảo tồn sinh quyển thế giới. Bà chủ nhỏ khoe với tôi: “Thương hiệu cà phê Kờ Ho của cháu có trang web hẳn hoi, đã từng tham gia hội chợ “Organic Famers’ Market” ở tận Sài Gòn”. Cà phê xứ lạnh của vợ chồng Rolan thuộc dạng “Handmade” (làm bằng tay), nhưng bán với giá 500 ngàn một ký với mùi thơm nhẹ và hương vị đậm đà góp phần quảng bá sản phẩm du lịch địa phương bởi những người con gốc bản địa.

Lần này, K’Prẻoh dẫn tôi đến gặp bà chủ nhà máy trà tên Ka Yép ở xóm 3, buôn B’Đơ, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Đường vào nhà bà Ka Yép cách quốc lộ 20 khoảng 5 cây số. Hai bên đường nhựa liên thôn là nhà cửa của đồng bào Kờ Ho. Đa số là nhà xây cấp 4 còn biệt thự dạng mi ni cũng khá nhiều. Xung quanh nhà là vườn trà, xa hơn là cà phê xanh ngát chập chờn trên những con đồi. Nếu một người ở xa đến thăm thôn B’Đơ ngày nay có lẽ khó nhận ra đây là buôn làng của người dân tộc.

Buôn B’Đơr tái lập sau ngày giải phóng, nhưng mãi năm 1990 vẫn còn nghèo, vì chỉ trồng bắp lúa từ rẫy và kiếm ăn từ rừng. Thời đổi mới, nhà nước vận động chuyển đổi trồng cà phê, chè, cũng từ đó bà con vẫy tay chào tạm biệt một thời đói khổ. Chúng tôi chạy xe trên con đường thôn hoa đỏ hoa vàng nhà xây thẳng tắp. Tại trung tâm làng có sân bóng, có trạm y tế, trường học, gần như nhà nào cũng có TV chảo, thu sóng từ vệ tinh. Ông K’Hành, một già làng trí thức ở buôn B’Đơ nói với tôi: “Nếu nhà nước mình không chuyển đổi cây trồng chắc bà con ở đây còn đói khổ dài dài”.  

Khi chúng tôi đến nhà bà Ka Yép, vợ chồng bà ra Bảo Lộc để liên hệ khách hàng. Tiếp chúng tôi là cô Ka Ria, 28 tuổi, con gái thứ tư của bà. Ka Ria có vẻ đẹp mặn mòi, nụ cười duyên dáng với mái tóc nhuộm nâu nhạt thoang thoảng mùi nước hoa. Cô đang ngồi chờ bà con đến bán trà tươi. Biết tôi là dân ở xa đến, cô cầm điện thoại nói một tràng tiếng Kờ Ho dài, hai phút sau được người khác mang đến hai chai nước chè xanh không độ ướp lạnh mời. Tôi hỏi: “Ka Ria bắt chồng lâu chưa!”. Cô cười ngả nghiêng: “Bây giờ, đâu còn ai gọi bắt chồng nữa, phải nói là lập gia đình chứ! Em lấy chồng được 6 năm có hai cháu rồi. Chồng em làm vườn”. 

Đến lúc câu chuyện trở nên thân tình, tôi hỏi: “Nghe nói con gái Kờ Ho thường “ăn nằm” với nhau, khi có bầu mới đi cưới. Việc ấy có hay không!”. Ka Ria lại cười ngất: “Chuyện đó bây giờ làm gì còn, mình phải giữ khoảng cách chớ! Làm thế con trai nó khinh mình à! Như tụi em đám hỏi xong mới dám “ăn cơm trước kẻng”. Em cưới chồng nộp tài 10 triệu, còn bên chồng cho một chiếc xe máy và ba sào vườn”.

12 giờ trưa. Vợ chồng bà Ka Yép về. Ông K’Chil, chồng bà tự tay lái chiếc xe Ford Everest 7 chỗ mới toanh, mở cửa bặt bặt. Do con gái điện thoại báo trước nên ông xuống xe chủ động bắt tay tôi với phong thái như một doanh nhân thứ thiệt. Ông nói: “Hôm nay việc nhiều quá, anh em mình phải xuống nhà máy vừa làm vừa nói chuyện. Sợ lúc khách hàng mang trà tươi vào nhập, không có mặt mình ở đó tội họ”. Vợ ông, bà Ka Yép xuống xe con, lên ngay chiếc xe tay ga chạy trước. Nhìn người phụ nữ  Kờ Ho trên 50 tuổi rồ máy xe chạy vèo vèo mất hút trên con đường hoa đỏ, tôi cảm thấy khiếp, bỗng nghĩ thương trường đã bắt đầu nhuộm lên người phụ nữ vùng cao. Tại bôn B’Đơr hôm nay đã qua rồi một thời mang gùi đi rẫy, chiều về trong cơn đói dật dờ.

K’Chil sinh năm 1961, mang dáng vẻ người đàn ông Kờ Ho rõ nét. Da màu cà phê, tóc xoăn, người cao to, râu quai nón tua tủa. Khác với vợ ông người nhỏ nhắn xương xương nói tiếng phổ thông chưa sõi. Ông K’Chil nói với tôi bằng tiếng phổ thông với âm sắc trầm trầm: “Ngày tụi này cưới nhau, chỉ biết trồng lúa rẫy thôi, năm nào trúng mùa thu được 90 gùi (1 gùi = 50kg), năm ít thì cũng hơn 60 gùi. Tuy hồi đó nghèo, nhưng cũng nhờ lúa mà nuôi được các con ăn học. Sau 10 năm trồng lúa, mua được chiếc xe đạp. Hồi năm 80 ở buôn mình nhà nào có chiếc xe đạp ngang bằng với chiếc xe Dream bây giờ đó. Có được chiếc xe, bà xã mình đi thu mua chè tươi, còn mình thồ ra Bảo Lộc bán cho các xưởng chế biến. Cứ thế, việc mua và bán chè dần dần dạy cho vợ chồng mình khôn ra. Hồi đó mỗi tạ chè bán ra cũng lời được kha khá, trung bình một ngày bán được 5 tạ, cũng có đồng ra đồng vô. Sau 6 năm thu mua chè tươi, nhà mình thoát nghèo, làm được nhà xây lần thứ nhất.

Thực tình chuyện mua bán này, bà xã mình giỏi hơn, nên bả biểu mình làm gì mình làm đó, vợ chồng mà!  Sau đó tụi này nhận ra chè tươi chỉ giúp có được cái ăn hàng ngày chứ không làm giàu. Vì thế, hai vợ chồng tích góp mua đất, xây nhà xưởng, trang bị máy vò, sấy làm ra chè khô. Được một số nơi nhận “đầu ra”. Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm cũng trần ai lắm. Sau nhiều lần bị loại, lỗ te tua, mình mới đi vào cuộc, đứng vững làm được nhà to, sắm xe con đó chớ!”.

* * *

Ông K’Chil dẫn tôi đi quanh xưởng rồi về lại nhà riêng. Đó là ngôi  biệt thự sang trọng 2 tầng xây lần thứ hai. Khi tiễn tôi ra về, ông vỗ vai: “Ơn Chúa! nhà mình có 5 đứa con gái. Các cháu đều theo nghiệp gia đình, mở đại lý thu mua chè tươi cho mẹ. Trong đó, Ka Ria, cô con gái thứ tư, học hết cấp III, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn B’Đơ. Nhưng nói chung mình chỉ là doanh nghiệp “cò con” nên mới ở tận trong buôn. Ông đừng viết thổi phồng quá mức tội cho mình lắm đó. Tụi này làm ăn lương thiện mà!”

Ký sự: Trần Đại
.
.
.