Vẻ đẹp hoang sơ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng

Thứ Sáu, 28/10/2016, 13:48
Ðèo Mã Pì Lèng có độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, nối liền giữa thị trấn Ðồng Văn và Mèo Vạc (Hà Giang). Ðây là một trong những “đại tứ đèo” bậc nhất phía Bắc Việt Nam như đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Ðin. Ðể khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đỉnh đèo nơi địa đầu Tổ quốc này, chúng tôi đã có cuộc hành trình ngược về cao nguyên đá Ðồng Văn để tìm hiểu.

Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2.356,80km², cùng với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là cao nguyên địa chất toàn cầu, nên hàng năm thu hút rất nhiều các đoàn khách du lịch trong nước và nước ngoài tìm về. 

Vào mùa này, trên cao nguyên đá Đồng Văn có khí hậu trong lành và những giải sương mù chờn vờn. Trên những sườn đồi, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc thoát ẩn thoát hiện trong sương, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa hoang sơ vừa kỳ bí. Bao đời nay các đồng bào dân tộc, họ cùng nhau lách đá làm nương, kiên cường bảo vệ vùng đất nơi biên ải này.

Mã Pì Lèng đường đèo ngựa phi tắc thở

Chớm thu, trên khắp các triền đồi của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, hoa tam giác mạch đã bắt đầu nở. Các đoàn khách du lịch cũng đã bắt đầu rục rịch hành trang để tìm về cao nguyên đá. Trên đường đến với Mèo Vạc, ngoài các địa điểm chụp ảnh cùng hoa tam giác mạch, du khách không thể bỏ lỡ vẻ đẹp kỳ vĩ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. 

Nói về cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng có một sức hút đến mê hoặc lòng người. Đứng trên cao, khách du lịch sẽ được ngắm còn sông Nho Quê hiền hòa, cùng với núi non trùng trùng điệp điệp bên những dải sương mây bao phủ. 

Hẻm vực sông Nho Quế được ví như một trong những hẻm vực sâu nhất Ðông Nam Á.

Để vượt đỉnh đèo này, chúng tôi phải đi theo con đường Hạnh Phúc nối liền từ thành phố Hàng Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng). Con đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km này đã được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh Miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động mới hoàn thành. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet, làm trong 11 tháng.

Đèo Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Để chỉ sự hiểm trở của con đèo, theo tiếng Quan Thoại người ta ví nó tựa như sống mũi của con ngựa đen. Để nói về sự dài hơn của con đèo, đồng bào người H”Mông sống ở đây họ còn bảo rằng: Những con ngựa cái khi leo lên đến đỉnh cũng phải trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến nỗi các con ngựa khỏe cũng phải tắc thở.

Cảnh quan khu vục đỉnh đèo Mã Pí Lèng lởm chởm, có nhiều núi đá dựng đứng. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất". Bởi đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ. Và nó chia cắt một bên là đỉnh Mã Pí Lèng còn một bên là Săm Pun nơi cắm mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điển Bồng (Trung Quốc).

Theo các nhà khoa học, nơi đây được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra. Chính vì vậy nên khi hoàn thành đoạn đèo khó khăn này cũng đã có rất nhiều người phải bỏ mạng nơi đây. 

Để phá bức tường đá nối Đồng Văn với Mèo Vạc, công nhân phải mất thêm hai năm lao động vất vả mới hoàn thành. Bởi phá bức tường đá này phải cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m so với mực nước biển.

Vẻ đẹp hoang sơ nơi đỉnh đèo Mã Pí Lèng

Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pí Lèng tuy không phải là dài nhưng nó là con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, nó được ví như "vua" của các con đèo ở Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở rộng chỉ đủ chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ hàng, về sau nó được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì có nhiều đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh.

Những năm gần đây, với phương tiện máy móc hiện đại, con đường Hạnh Phúc đã được mở mang tu sửa ngày càng to rộng, dễ đi, con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng không còn làm chết ngựa mà đã trở thành di sản độc đáo về địa chất và cảnh quan. Nằm giữa cao nguyên đá Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế. Phía Bắc và Đông Bắc trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối.

Gặp các em nhỏ người Mông dạo chơi trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng.

Hầu như du khách trong nước hay ngoài nước, khi đi qua đoạn đèo này ai nấy cũng đều phải thảng thốt vì vẻ đẹp hoang sơ đầy bí ẩn của con đèo này. Bất kỳ mùa nào, chỉ cần đứng ở trên đỉnh đèo là có thể cảm nhận đa chiều của vẻ đẹp, nó được trải rộng theo chiều sâu của trí tưởng tượng. Bởi ở trên đỉnh đèo, có nắng có gió, có mây mù và có sông, có nước, một vùng sơn cước hoang sơ như thủa khai thiên lập địa.

Đứng trên mỏm đá, chúng ta có cảm giác như đang ở giữa lưng chừng trời, chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi. Vào những ngày nắng đẹp trời trong, những gì sương mù che lấp sẽ hiện ra. Đó là thấp thoáng những mái nhà, chòm bản, cả những ruộng lúa, nương ngô và hoạt động bình dị ngày thường của người dân nơi thâm sơn quỷ cốc. Trên đỉnh đèo hiện còn có một trạm dừng chân cho du khách, và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.

Từ trên đỉnh đèo nếu xuống đến dòng sông Nho Quế thì sẽ mất một ngày trời. Tuy đường xa vất vả, nhưng du khách sẽ được trải nghiệm và ngắm nhìn những khoảnh khắc đẹp nhất hẻm vực. Vực sông này được ví như một trong những hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, dòng nước còn có màu xanh lam quện với màu xanh của núi rừng tạo nên một bức tranh sơn thủy, đầy mê hoặc làm say đắm lòng người.

Từ chân đèo, hất mắt nhìn lên sườn núi là những đường cong uốn khúc của một con đường đèo, nó mềm mượt, tựa như một dải lụa, kiêu hãnh mà ôm lấy vách đá dựng đứng. Phía trên các ngọn núi là những áng mây phiêu bồng lấp lửng, xen lẫn những ngôi nhà của đồng bào Mông, mang một vẻ đẹp hoang sơ kỳ bí. Đồng bào Mông nơi đây, họ sống chan hòa với thiên nhiên, đặc trưng của các ngôi nhà vẫn là các bức tường bằng hàng rào đá. Đồng bào Mông sống ở Mã Pí Lèng mang một vẻ đẹp hoang sơ, từ tập quán canh tác, trang phục đến ẩm thực. Đặc biệt, họ rất hiếu khách và không ngừng ngợi ca về vẻ đẹp hùng vĩ của đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Chính con người nơi đây đã tôn lên vẻ đẹp hoang sơ mà chẳng nơi nào có được.

Chính vì Mã Pí Lèng là một trong những nơi ngắm cảnh tuyệt đẹp, nên ngày 16-11-2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Hàng năm, danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng đón hàng nghìn lượt khách đến với Đồng Văn.

Bởi đèo Mã Pí Lèng được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hẻm vực sông Nho Quế cũng là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị, là nơi trải nghiệm cho du khách quốc tế đến thăm.

Minh Phượng
.
.
.