Về làng Sen

Thứ Hai, 08/06/2015, 14:00
Tháng 5, hồ sen bừng nở cùng với những bông nhú như ngàn đốm lửa. Nắng đượm ủ hương. Nước hồ trong veo. Nghe các cụ nói làng Kim Liên quê Bác Hồ có đồng Sen Cạn, đồng Sen Sâu, lại còn có ao Sen, cồn Sen và chợ Sen nữa. Cạnh làng có đầm sen khá rộng. Hương tỏa khắp vùng. Từ xưa, ca dao làng đã lưu truyền: “Chiều chiều ra đứng cồn sen. Bạch Liên trắng bạch, hồng Liên đỏ hồng”. Nhà Bác Hồ ở xóm Sen trong, hiện nằm trong Khu di tích Bác Hồ ở Kim Liên.

Di tích ngôi nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Nằm trong khu di tích Bác Hồ rộng lớn trong làng Kim Liên, nhưng có lẽ ngôi nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có nhiều dấu ấn của một thời niên thiếu của Bác Hồ. Đồng thời dưới sự ảnh hưởng tinh thần, lòng yêu nước và lòng dũng cảm của người cha, tính cách kiên cường, lòng quả cảm và ý chí mãnh liệt của Bác Hồ hình thành từ đây. 

Để đạt được sự vinh quy bái tổ và sự trân trọng của dân làng, ông Nguyễn Sinh Sắc đã ra sức học tập và nhẫn nại bút nghiên trong nhiều năm và đã đậu Phó bảng khoa Tân Sửu (1901), dưới triều vua Thành Thái. Dân làng Sen tự hào mang cờ võng rước quan Phó bảng về quê, nhưng ông đã từ chối mọi nghi thức và đi bộ cùng mọi người về làng. 

Ngôi nhà gỗ năm gian hiện là di tích còn lại chính là nằm trong mảnh ruộng học điền mà dân làng Kim Liên tặng ông. Ai cũng thương mến ông vì lúc này, vợ ông, bà Hoàng Thị Loan vì trọng bệnh đã mất trong Huế, vào tháng 2/1901. Bà Loan là người đã góp phần công sức lớn lao cũng như tinh thần hết sức quan trọng cho ông trong suốt những năm tháng dùi mài kinh sử khi xa quê.

Một góc Khu di tích Bác Hồ ở Kim Liên.

Sau đó ông một mình, lấy việc dạy dỗ đàn con cùng các học trò trong vùng để mưu sinh và từ chối không ra làm quan. Việc ông không theo lệnh gánh việc triều đình, có lẽ trước hết vì ông có nỗi buồn vô hạn khi người vợ hiền bị bệnh qua đời, tiếp theo là người con trai thứ tư (Nguyễn Sinh Xin) cũng yểu mệnh ra đi khi còn thơ bé. 

Nhưng có lẽ cùng với đó là tinh thần yêu nước, muốn bảo vệ non sông gấm vóc thoát khỏi ách thực dân Pháp đã xâm chiếm và điều hành triều đình khi đó, còn ẩn ức bao điều trong tư tưởng và tâm trí ông.

 Theo hướng nào đây để làm cuộc cách mạng? Đó là một dấu hỏi lớn và vô cùng phức tạp vào thời điểm này, bởi chính vua Thành Thái cũng bị giặc Pháp theo dõi và ngăn trở, vì ông vua này có tư tưởng chống Pháp. Lúc này ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc phải nén lòng chờ thời và kết giao với nhiều bạn bè, những người có tinh thần yêu nước và đến những nơi đều có phong trào chống Pháp hoặc những dấu tích lịch sử yêu nước để học hỏi.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ.

Ông đi dạy học nơi nào và đi tới đâu cũng đưa con trai là Nguyễn Sinh Cung đi theo. Vào năm 1901, hàng ngày sống dưới sự dạy dỗ của cha và đi theo cha bất kể nơi đâu. Ở ngôi nhà này, từ nhỏ cậu bé Cung đã cùng cha tiếp đón nhiều chí sĩ yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Nguyên Cẩn, Trần Văn Lương... 

Phần vì tiếp nước hầu trà giúp cha, đồng thời cũng lắng nghe các ông xướng họa, bình văn, đàm đạo thời cuộc, tâm hồn và trí tuệ của Nguyễn Sinh Cung đã thấm sâu tinh thần yêu nước và lòng khát khao đi tìm con đường cách mạng.

Đó là suối nguồn nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và kêu gọi nỗi thống khổ khi nước mất, nhà cũng tan khi bị giặc Pháp ngoại xâm đã ấp ủ trong trái tim cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ độ tuổi 11, 12. Những bài học thiết thực dội vào tâm trí và hình thành dần tính cách của một nhà cách mạng khi còn nhỏ tuổi. 

Đến tháng 5 năm 1906, nghĩa là đã 6 năm sau khi ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc buộc phải ra làm quan triều đình nhà Nguyễn, lúc đó cậu Nguyễn Sinh Cung cũng đã trưởng thành ở tuổi 16 với bao khát khao rạo rực trong tâm hồn tuổi trẻ.

Sau đó lại tiếp tục theo cha vào Huế, tinh thần yêu nước của Nguyễn Sinh Cung càng được cọ xát và dâng cao với sự ảnh hưởng của người cha cùng với những phong trào cách mạng đã bị thất bại. Sự mong mỏi tìm con đường cứu nước đã làm nên một chân dung Nguyễn Tất Thành sau này (tháng 6/1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và lên đường sang Pháp...). 

Giờ đây vào thăm ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong sự dạt dào cảm xúc và ai cũng nhận thấy rõ chính những năm tháng ở làng quê Kim Liên, những bài học đầu tiên về lòng yêu nước và sự rèn luyện ý chí, tinh thần quật khởi của Bác Hồ thời còn trẻ đã được nuôi dưỡng dưới mái tranh nghèo này.

Về ngôi nhà ngoại nơi Bác Hồ chào đời

Khi về thăm khu di tích Bác Hồ ở Kim Liên, thường ai cũng tới thăm ngôi nhà bên làng Hoàng Trù mà người ta quen gọi là quê mẹ Bác Hồ. Nói là quê mẹ nhưng lại là nơi Bác được sinh ra từ cái nôi họ Hoàng. 

Đây là ngôi nhà được xây dựng từ năm 1883, cũng là năm ông Nguyễn Sinh Sắc làm lễ thành hôn với bà Hoàng Thị Loan. Và từ ngôi nhà này, ba anh em của Bác Hồ lần lượt ra đời. Năm 1884, bà Hoàng Thị Loan sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh; năm 1888 sinh con trai Nguyễn Sinh Khiêm và năm 1890 sinh cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tức Nguyễn Tất Thành). Khi vào thăm gian thứ ba của ngôi nhà, chúng ta thấy có một bộ khung dệt vải, đó là nơi bà Hoàng Thị Loan nhiều đêm vẫn cần cù với chiếc thoi đưa. 

Ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Nếu nói những năm tuổi thiếu niên, cậu Nguyễn Sinh Cung được ảnh hưởng một nhân cách sâu sắc và tinh thần yêu nước của người cha, ở bên quê nội Kim Liên; thì ở tuổi còn ấu thơ cho đến tuổi lên 10, chú bé Nguyễn Sinh Cung lại được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ và suối nguồn dân ca của phường vải từ mảnh đất Hoàng Trù. 

Nhưng trong lời ru của mẹ, chú bé Nguyễn Sinh Cung đã từng biết lắng nghe và ngẫm ngợi với những lời ru ca đầy tính giáo huấn làm người: “Làm trai cho đáng nên trai; Xuống Đông, Đông tĩnh, xuống Đoài, Đoài yên; Làm người đói sạch, rách thơm. Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền...”. 

Từ cái nôi quê mẹ, chú bé Nguyễn Sinh Cung lớn lên với sự ngọt ngào về tâm hồn và tình cảm ấm áp của ông bà ngoại và tình yêu thương vô hạn của mẹ. Chính bà Hoàng Thị Loan không những động viên chồng ra sức học tập mà còn trực tiếp dạy chữ cho các con.

Nhất là từ khi theo chồng vào Huế để học thi, bà còn dạy cậu con trai Nguyễn Sinh Cung từng chữ một. Bà dạy kỹ đến nơi đến chốn chứ không chỉ hình thức thuộc bài. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung ngày đêm học tập do chính mẹ mình dạy. Từ đó cậu hiểu mỗi từ bao nhiêu nghĩa và có mấy cách viết. Cùng với đó mẹ còn dạy thêm từ nào đồng âm khác nghĩa... và đặc biệt phải thuộc hết các mặt chữ đó. 

Đến với ngôi nhà nhỏ bên quê mẹ, người đến tham quan luôn mường tượng những bước chân nhỏ bé của cậu Nguyễn Sinh Cung chạy nhảy ngày nào. Và kia là cánh võng ngọt ngào trong lời ru của bà Hoàng Thị Loan. Còn đó là án thư của người chồng ngày đêm đèn sách. 

Có thể nói đây là ngôi nhà đã làm nên một Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Vì trong suốt 20 năm, từ khi ông Nguyễn Sinh Sắc được bố vợ dạy học, cho đến khi được vợ động viên và kiếm ăn nuôi chồng ăn học; lần lượt ông đỗ Cử nhân (năm 1894), cho đến năm 1901 đỗ Phó bảng trong cuộc thi Đình. Năm đó ông đỗ đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và Phó bảng Phan Chu Trinh. Nhưng có điều bà Hoàng Thị Loan không kịp đón tin vui của chồng mà phải chịu thiệt phận đoản mệnh. 

Vào thăm ngôi nhà quê ngoại, nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời, ai cũng thán phục và thương cảm cho người vợ, người mẹ trọn đời dựng nghiệp cho chồng và các con, đã sớm ra đi vào tuổi ba mươi ba. Vậy là từ ngôi nhà ngoại ở Hoàng Trù, hai cha con ông Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Sinh Cung đều được tu dưỡng, một lớn mạnh về trí tuệ và một là tinh thần cao cả của một thiên tài được báo trước.

“Lời Bác dặn trước lúc đi xa”

Đó là ca khúc mà cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã thể hiện tình cảm với Bác Hồ trước lúc đi xa. Nhiều người chợt ngẩn ngơ khi nghe lời hát vang lên từ khu di tích Bác Hồ ở Kim Liên. Hàng trăm người đi thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là điểm nhấn cuối cùng và quan trọng nhất trong Khu di tích Kim Liên. Tiếng hát ấy chính là “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Giai điệu thân thương như lời ví dặm ngân vang trên sông Lam kế bên làng Kim Liên. 

Trong Khu di tích có ao cá Bác Hồ và bảy ao trồng sen. Lời hát ngọt ngào như lời ru một thời của mẹ vang lên. Ai cũng bùi ngùi và ứa lệ: “Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ. Mà xung quanh vẫn im lặng như tờ. Bác chờ mãi chờ mãi không thôi...”. Chân bước đi ngập ngừng và lòng tràn ngập yêu thương tình cảm bao la của Bác với quê hương.

Ngôi nhà quê ngoại nơi Bác Hồ ra đời.

Để hiểu và càng thêm kính yêu Bác có lẽ những chuyến trở về quê hương của Bác sẽ đem lại cảm xúc sâu sắc trong tâm trí của mỗi người. Trở về cái nôi để làm nên một lãnh tụ thiên tài như Bác Hồ, mọi người càng được khám phá những điều mới lạ trong phẩm chất cao quý của Người. Đúng như lời Bác dặn trước lúc đi xa đó là được nghe khúc dân ca quê hương. Ấy chính là giây phút cuối cùng của một đời người là nghĩ về cha mẹ, quê hương. Câu ví ngày xưa mẹ ru nôi cho con ngủ và trôi vào giấc mơ thần tiên luôn luôn là ngọn lửa cháy sáng cuối cùng của đời người. Giờ đây, những hồ sen trong làng Sen ngào ngạt hương bay, đúng như câu ca dao tự ngàn đời đã ru: “Nhụy vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn...”

Vương Tâm
.
.
.