Về miệt thứ, ghé rừng quốc gia U Minh Thượng

Thứ Tư, 26/03/2014, 11:04

Mùa xuân Giáp Ngọ 2014, người dân vùng đất Kiên Giang có niềm vui rất lớn: Khánh thành và thông xe cầu Tắc Cậu, nối phần đồng bằng rộng lớn Giồng Riềng – Gò Quao - Châu Thành với bốn huyện hẻo lánh Vĩnh Thuận - An Minh – An Biên và U Minh Thượng. Không chỉ thuận lợi giao thông, mà kinh tế của vùng cực Nam của tỉnh Kiên Giang cũng có cơ hội phát triển vì nơi đây có một điểm đến hấp dẫn: Vườn Quốc gia U Minh Thượng! 

Về U Minh Thượng nghĩa là về… miệt thứ! Cái tên nghe đã xa nghìn trùng. Mủi lòng hơn khi nghe bài hát “Em về miệt thứ” viết về tâm trạng cô gái Tiền Giang về lấy chồng miệt thứ, thật cám cảnh: “Má ơi đừng gả con xa. Chim kêu mà vượn hú biết nhà má đâu. Sương khuya ướt đọng giàn bầu. Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai”. Đừng tưởng bài hát nói ngoa, nếu ai đã từng về miệt thứ thì thấy… xa thật.

Xưa nay, muốn về miệt thứ phải đi phà Tắc Cậu. Lên phà ở bờ Xẻo Rô thuộc huyện Châu Thành, lướt qua sông Cái Lớn sẽ gặp cồn Vĩnh Hòa Phú, rồi lướt tiếp qua sông Cái Bé mới đến được bờ Tắc Cậu thuộc huyện An Biên. Một đoạn sông dài 2,2km bao nhiêu đời qua đã trở thành lực cản không nhỏ cho khát vọng vươn lên của đồng bào miệt thứ. Cách trở đò giang, ai dám mạo hiểm đầu tư hay làm ăn! Bây giờ có cầu Tắc Cậu, xe cộ cứ việc bon bon theo tuyến đường Minh Lương – Thứ Bảy dài 22,8km là có dịp ngắm cây cầu bắc qua sông Cái Lớn dài 720m và cây cầu bắc qua sông Cái Bé dài 520m, rồi hòa mình vào không khí trong lành của vùng đất U Minh Thượng huyền thoại!

Đi từ phía bờ Xẻo Rô, các tên gọi “thứ” càng nhỏ lại, từ Thứ Mười Bốn, Thứ Mười Ba đến Thứ Ba, Thứ Hai thì càng vào sâu trong miệt thứ. U Minh Thượng là huyện non trẻ nhất và cũng là huyện còn nhiều khó khăn nhất của miệt thứ, ngay cả cái thị trấn cũng… chưa có! Nơi tập trung đông dân nhất của U Minh Thượng là ngã tư Công Sự, cũng là lối vào Vườn quốc gia U Minh Thượng!

Trạm gác giữa rừng ngập mặn.

Sau các vườn quốc gia Hoàng Liên ở Lào Cai, vườn quốc gia Ba Bể ở Bắc Kạn, vườn quốc gia Chư Mom Ray ở Kon Tum và vườn quốc gia Kon Ka Kinh ở Gia Lai, thì vườn quốc gia U Minh Thượng là đơn vị thứ năm của Việt Nam được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Đặc biệt hơn, Vườn Quốc gia U Minh Thượng hình thành trên một lớp than bùn nên có tính đa dạng sinh học rất cao.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng rộng hơn 21.000ha, nhưng lối vào vùng lõi rộng hơn 8.000ha đã được trải nhựa rất đẹp. Xe du lịch có thể chạy bon bon giữa cánh rừng tràm thơ mộng mà bắt gặp những chú khỉ đang nheo mắt nhìn khách lạ rồi chui tọt vào bụi rậm. Khi nhìn thấy tấm biển thông báo “Đừng lấy đi gì, ngoài những bức ảnh” và “Đừng để lại gì, ngoài những dấu chân”, thì biết đã thực sự bước vào Vườn Quốc gia U Minh Thượng! Được nâng cấp từ Khu Bảo tồn thiên nhiên lên thành Vườn Quốc gia vào năm 2002, nên U Minh Thượng cũng tổ chức đội ngũ nhân viên làm du lịch chuyên nghiệp lắm! Hướng dẫn viên Khúc Thị Hải Yến nói lưu loát và rành mạch về Vườn Quốc gia U Minh Thượng một cách say mê. Cô sinh ra và lớn lên ở đây, cô yêu mảnh đất này, yêu thiên nhiên này và quyết tâm học ngành du lịch để quay về công tác tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, dù khả năng của cô thừa sức có được công việc thu nhập và phúc lợi cao hơn!

Mùa xuân vào Vườn Quốc gia U Minh Thượng, thì xuồng máy phải rẽ bèo mà đi. Không biết thổ nhưỡng và khí hậu tốt thế nào mà bèo dày đặc. Mỗi tuần dăm ba lần, nhân viên Vườn Quốc gia U Minh Thượng phải dùng một công cụ chuyên dụng to như chiếc máy cày để giải quyết đám bèo xanh tốt ngang tàng và sinh sản phóng túng. Tôi đến gần quan sát, cái máy oai vệ màu đỏ gạch có dòng chữ ghi chức năng khá hoành tráng: “Máy cắt - vớt rong, cỏ”.

Một con kênh xinh xắn được đào dọc theo Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Nghe tiếng xuồng máy nổ giòn giã trên con kênh, lũ chim nhiều màu sắc bay túa ra, kêu rộn ràng. Có những con dạn dĩ còn bay theo chiếc xuồng như thể… chào mừng đã ghé thăm. Thuộc diện hệ sinh thái rừng ngập nước quý hiếm trên thế giới, nên càng vào sâu trong Vườn Quốc gia U Minh Thượng thì càng giống như lạc vào một thế giới khác. Trên trời thì chim bay (nhiều giống có bộ lông đẹp như một kiệt tác hội họa) dưới nước thì cá lượn (các loại lóc, trên, thác lác… con nào cũng béo ú). Ngồi trên xuồng máy, với mắt thường thì tôi vẫn nhìn thấy những loại bò sát lưỡng cư có hình thù rất độc đáo!

Dù là chuyện đau lòng, nhưng vụ cháy rừng U Minh Thượng cũng đã hun đúc cho nhiều người Việt Nam về sự trân trọng đối với rừng. Hướng dẫn viên Khúc Thị Hải Yến bộc bạch quyết tâm của cô khi gắn bó với Vườn Quốc gia U Minh Thượng: “Năm đó em học lớp 10. Vừa tan lớp đã thấy khói mịt mù, người ta bảo nhau cháy rừng, cháy rừng. Em còn nhỏ, đâu có ai cho vào chỗ đang cứu hỏa. Em về nhà, trèo lên cây ổi, nhìn về phía rừng. Ôi, khủng khiếp, cái màu xanh bạt ngàn mà em thường thấy đã biến thành một chảo lửa đỏ rực! Sau vụ cháy, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đóng cửa một thời gian. Tốt nghiệp trung học, em chọn ngành du lịch để được vào làm ở đây, góp sức với một biểu tượng thiên nhiên tốt đẹp của quê hương mình!”.

Trông thấy sự nhiệt huyết trong ánh mắt cô gái trẻ Khúc Thị Hải Yến, bất giác tôi nhớ sự ngậm ngùi trong ánh mắt ông Bành Văn Đởm - Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng khi xảy ra vụ cháy. Tường thuật với cánh phóng viên về thiệt hại của Vườn quốc gia U Minh Thượng lúc đám lửa đã được khống chế nhưng vẫn còn những cột khói đen xì bốc lên cao, ông Bành Văn Đởm không thể nào ngăn được những giọt nước mắt nghẹn ngào trên khuôn mặt già nua! Để Vườn quốc gia U Minh Thượng hình thành, không thể không nhắc đến công lao của Bành Văn Đởm mà người dân quen gọi ông là Mười Đởm! Năm 1999, ông Bành Văn Đởm được phong Anh hùng Lao động vì những cống hiến mà ông dành cho Vườn quốc gia U Minh Thượng suốt mấy chục năm!

Du khách ở U Minh Thượng.

Ở U Minh Thượng, tìm nhà Mười Đởm còn dễ hơn tìm quán cà phê hay tiệm tạp hóa. Đã xuống đây, chả lẽ không ghé thăm ông. Nhà của ông Mười Đởm nằm trong vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Anh hùng Lao động Bành Văn Đởm sinh năm Canh Ngọ 1930, đón Tết Giáp Ngọ thì ông đã tròn 84 tuổi. Thế nhưng, ông vẫn còn rắn rỏi, nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Ông đón chào cố nhân bằng thái độ xởi lởi và hào hiệp của một nông dân Nam bộ. Vừa thấy tôi, ông đã đề nghị: “Tao mần thịt con gà, nhậu nghen mậy!”. Tôi xin khước: “Tối nay cháu có hẹn trên Rạch Giá rồi!”. Ông lại mời mọc: “Tao leo cây dừa hái cho mày một trái, uống cho khỏe!” khiến tôi phải xua tay cảm tạ: “Thôi, cháu uống trà và nói chuyện với bác thôi!”.

Trong căn phòng của ông Mười Đởm, có rất nhiều tấm ảnh ông chụp chung với các lãnh đạo cao cấp, từ ông Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt cho đến Trần Đức Lương, Phan Văn Khải. Sở dĩ, ông Mười Đởm trở thành biểu tượng của U Minh Thượng vì từ khi còn làm Giám trị Trại giam Làng Thứ Bảy, ông đã dùng những phạm nhân để trồng rừng và giữ rừng. Chính con kênh chạy dọc Vườn Quốc gia U Minh Thượng là công sức rõ nhất mà ông đã tin tưởng và cổ vũ những phạm nhân tham gia vào công cuộc phục sinh rừng từ năm 1979 đến năm 1995. Sau khi được điều động về Tỉnh ủy Kiên Giang được mấy tháng, ông Bành Văn Đởm nhớ rừng quá và ông xin trở lại rừng, dù Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang bấy giờ là ông Mười Dài rất yêu mến ông Mười Đởm! Quay về làm Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng, ông Mười Đởm đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển, giúp nơi này nhanh chóng trở thành Vườn Quốc gia U Minh Thượng!

Nghe tôi nói vài băn khoăn về cách vun đắp những giá trị tài nguyên thiên nhiên, Anh hùng Lao động Bành Văn Đởm bảo: “Cơ sở không thể làm nổi. Muốn bảo vệ rừng và muốn tăng trưởng du lịch thì Trung ương phải ủng hộ triệt để. Chẳng hạn, những gì tui làm được cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng đều nhờ sự ủng hộ của hai đời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là anh Nguyễn Công Tạn và anh Lê Huy Ngọ. Cơ chế khoán 13 ngàn ha vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng cho nông dân cùng giữ rừng, là tui xin của anh Tạn! Còn con lộ xi măng chay vòng quanh Vườn Quốc gia U Minh Thượng là tui xin của anh Ngọ!”. Sòng phẳng và thấu đáo, ông Mười Đởm có thể nói cả ngày về rừng như nói về chính cuộc đời ông với bao nhiêu thăng trầm và vui buồn!

Tôi rời U Minh Thượng mà trong lòng  xôn xao, cầu Tắc Cậu đã nối gần miệt thứ với cả nước. Đời sống người dân sẽ khá lên. Rồi đây U Minh Thượng không còn những tấm biển cảnh tỉnh: “Học để thoát nghèo” hay “Bỏ học là từ bỏ tương lai”, mà người dân sẽ biết cách nâng niu báu vật của họ: Vườn quốc gia U Minh Thượng! Rừng nói riêng và thiên nhiên nói chung luôn cưu mang và che chở cho con người. Dù bất cứ lý do gì, con người bạc đãi thiên nhiên thì cũng đồng nghĩa tự gây họa cho chính mình!

Tuy Hoà
.
.
.