Về ngã ba ĐạBré - ĐạBri

Chủ Nhật, 15/11/2015, 07:00
Đại Quay là tên một chiếc cầu nằm trên quốc lộ 20 thuộc xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là nơi hợp lưu của hai con suối ĐạBré - ĐạBri trở thành dòng sông vàng (Madagui) của người Mạ, quê hương của loài cá lăng, cá chạch vang bóng một thời. Tại đây, bên cạnh những cổ vật thời tiền sử nằm lăn lóc trên mặt đất, còn là khu du lịch sinh thái rừng hùng vĩ nhất Nam Tây Nguyên mang tên Forest City.

Cứ mỗi lần đi xe máy về khu thánh địa Cát Tiên, tôi thường ghé cầu Đại Quay để nhìn con suối vàng người Mạ. Nơi đây các con suối từ trong ghềnh thác rừng hoang chảy ra, giống như người Tây Nguyên gánh củi về phố đi trên đường nhựa phẳng lì. Đứng trên cầu, nhớ về những ngôi nhà dài ong ong màu khói của tiền nhân, nhớ đến anh KPrẹt một người Mạ sống thật lòng với bạn bè. Lần đầu tiên, gặp anh đang chăn trâu, ngồi nép dưới tảng đá nhìn tôi nhoẻn miệng cười một cách hiền lành. Lúc ấy, tôi đến làm quen, được anh kể về con suối vàng, bắt đầu từ một dũng sĩ người Mạ dùng nỏ bắn xuyên qua tổ ong, mật chảy ra thành suối. KPrẹt là người tin truyền thuyết nên anh thêm một chi tiết rất thật lòng. 

“Mười năm trước, nhà túng thiếu quá lại nghe nói mật ong rất có giá, nên mình cũng làm cái nỏ ra rừng tìm tổ ong bắn vào 3 phát, mật đâu không thấy chỉ thấy chúng bay sà xuống đớp cho mấy mũi đau nhức lắm, về nhà còn bị chửi. Ông biết không, lúc ấy mình đã bị ong cắn sưng vù cả mặt còn bị mụ vợ hò hét bảo mình ngu, ông thấy có nhục không!” Nghe câu chuyện anh kể phần 2, tôi cười té ghế, còn anh ngồi vò đầu trông rất đau khổ. Tôi quý KPrẹt từ dạo ấy.

Cầu Đại Quay.

Xuống Đại Quay lần này may mắn gặp được KPrẹt vì anh không phải đi chăn trâu nữa. Nhận được tin nhắn, từ trong buôn anh hối hả chạy xe máy ra, áo quần bùn đất, đầu tóc bù xù. Gặp tôi anh nói: “Mới về hả! Hôm nay ở lại đây đi! Vào nhà tui ăn cơm, ngủ lại. Chiều nay dẫn ông đi gặp già làng KPrụt để ông nghe tiếp chuyện con suối Đại Quay. Ông này nhớ dai lắm, với lại ông sống lâu hơn tui nên biết nhiều thứ hơn. Buổi tối mình ra suối câu cá lăng đuôi đỏ về vấn lá bép nướng nhậu. Ông chịu rượu còn tôi đi hái lá và giã muối ớt. Ông nghe thủng tai chưa!” “Thủng rồi”, tôi trả lời rồi ôm anh như người bạn thân lâu ngày gặp lại. Sau khi trả tiền hai ly cà phê đắng ngoét, chúng tôi kéo nhau chạy xe về buôn với bộ dạng xộc xệch như hai người “FULRO” mấy chục năm về trước. 

Madagui, con suối vàng của người Mạ

Già làng KPrụt trên 70 tuổi, người cao to khỏe mạnh, trán hói như một học giả, vợ chồng ông có căn nhà gỗ lợp tôn nằm dưới tán cây xanh mát rượi. Thời trai trẻ ông học hết lớp đệ tứ (lớp 9), rồi xung phong đi lính để có lương. Vào thập niên 60 ở miền Nam, thanh niên muốn thi vào trường Võ bị Đà Lạt phải có bằng tú tài II ban toán, tốt nghiệp hạng bình. Riêng đối với đồng bào sắc tộc Tây Nguyên chỉ cần bằng trung học đệ nhất cấp (tốt nghiệp cấp II) cũng có thể được xét tuyển. Tuy nhiên già KPrụt không thích đi sĩ quan quân đội, ông chỉ thích làm cảnh sát công lộ đứng đường cho oai, ông bảo tôi thế.

Ông KPrụt cho tôi xem mấy tấm ảnh trắng đen mặc cảnh phục 50 năm về trước đã ố vàng, có chỗ bị tróc ra không còn nguyên vẹn. Ông chỉ từng tấm ảnh giải thích: “Đây là hình lúc học ở trung tâm cảnh sát Rạch Dừa, đây là hình đi làm việc…”. Tôi hỏi “Già KRụt đi cảnh sát được mấy năm ạ!”. “Ba năm thôi, sau khi có vợ, mình trốn vô rừng làm rẫy rồi ở luôn trong đó. Vợ không cho đi nữa mà!”. Câu chuyện đang rôm rả về một thời xa vắng. Vợ ông bế cháu về, bà tham gia tiếp: “Biểu ổng ở nhà để mình kiếm đứa con chớ! Ổng đi xa làm sao một mình đẻ được”. Già KPrụt nghe mát cái bụng cười khặc khặc, đầu ông gật gật một cách kiêu hãnh.

Buổi chiều ba anh em trở lại Đại Quay, chiếc cầu mới xây rộng đến mấy làn xe, nằm vắt ngang qua suối đẹp như tranh vẽ. Ông KPrụt chỉ tay về mấy con đồi nằm ở hướng Đông cách cầu 500m, cho biết: “Hơn năm chục năm trước, buôn làng người Mạ mình ở dưới chân đồi đó, phía tay trái có hai buôn nữa. Mãi sau năm 1975 vẫn còn 4 buôn nhưng dời ra ngã ba, một số khác xuống Đạ Tẻh. Không biết mấy cái đồi này có gì hay mà ngày xưa cha ông mình tới ở, đến năm 1969 một đội pháo binh Mỹ cũng đến chiếm, bên cạnh đồn Mỹ là chi khu Bà Sa”. 

Ông chỉ mấy cây sầu riêng cao vút nói tiếp: “Chỗ ba cây sầu riêng cao là quận lỵ đó. Năm 1972 chi khu này bị Việt Cộng pháo kích, lính tráng chết quá trời, xác người la liệt. Nơi ấy ma nhiều lắm đó! phải nhờ nhà sư Minh Hạnh tới cúng, giờ mới yên ổn”.

Nghe chuyện ma, tôi rủ hai ông trèo lên nơi bị pháo kích năm xưa. Đường lên đồi đầy đá. Anh Hồ Đình Huyên, người đồng hành với tôi nhặt được 3 viên đá xám mang hình chiếc rìu, to bằng gói thuốc lá được mài có một bên. Tôi hỏi: “Hình như khu này là nơi ở của ông cha mình ngày trước nên còn sót lại búa rìu thời kỳ đồ đá!”. “Có mà đầy, tìm mấy thúng chẳng được, quê hương người Mạ của tui mà!”. KPrẹt vừa trả lời, vừa nhặt thêm 2 chiếc rìu đá ném xuống suối vù vù, thấy mà tiếc.

Hai giờ chiều, chúng tôi đứng ngay buôn làng cũ, bây giờ là vườn cà phê, nhìn dòng nước chảy về ngã ba Đạ Bré- Đạ Bri. Trong tâm thức, tôi mơ hồ nhìn thấy những ngôi nhà dài với khói lam chiều bảng lảng. Hàng chục con người đóng khố mình trần khom lưng giã bục bịch vào cối gỗ, xung quanh vài con chó nằm dài, đàn gà tục tục dưới sàn. Một cuộc sống hái lượm an bình của thời xa vắng.

Già làng KPrụt là người có trí nhớ rất tốt. Đi với ông, tôi biết được nhiều chuyện. Già kể: “Ngày xưa, ven bờ suối này là quê hương của người Mạ Naan, một bộ tộc Nam Tây Nguyên sống giữa rừng già. Ngày ấy, người Mạ dựa vào thần linh, dựa vào truyền thuyết chứ không phải dựa vào đức chúa Trời như bây giờ. Địa danh Madagui xuất phát từ ngôn ngữ của dân tộc Mạ. Âm "Ma" có nghĩa là người Mạ, âm "Đa" có nghĩa là sông suối, âm "Gui" có nghĩa là điểm dừng. Như vậy "Madagui" có nghĩa là vùng đất sông suối mà người Mạ dừng lại để lập buôn làng”.

Vợ chồng già làng  K'Prụt.

Được hỏi vì sao con suối này có tên là dòng suối vàng, ông chép chép miệng: “Theo ông bà kể lại, ngày ấy, trong một đợt hạn hán kéo dài, buôn làng hết nước, suối hồ khô cạn. Trẻ con khóc suốt ngày vì khát. Có một thanh niên mang cung nỏ trèo lên ngọn núi cao nhất tìm thần Bonom để tra hỏi vì sao Yàng không cho mưa. Chàng đã vượt qua ba ngọn núi và bảy cánh rừng. Một buổi sáng trong cơn khát nước, chàng phát hiện một tổ ong rừng liền dương cung bắn để lấy mật uống. Mũi tên vừa xuyên qua vào tổ ong, một dòng nước vàng bắn thẳng vào người, chàng trai hoảng sợ bỏ chạy, dòng mật cứ đuổi theo. Đến khi kiệt sức, người thanh niên gục xuống bên cánh rừng rồi thiếp đi, dòng nước vàng cũng dừng lại rồi tạo thành con suối. Nhờ dòng nước này mà buôn làng người Mạ được cứu sống và tồn tại cho đến ngày nay nên gọi là Madagui”.

Câu chuyện ông KPrụt dù sao cũng là truyền thuyết mang tính ước vọng nhưng trong tâm thức người Mạ vẫn xem đó là vùng đất thiêng và bây giờ là dòng suối mát rượi trong xanh đẹp nhất ở Nam Tây Nguyên này.

Cũng theo ông KPrụt, truyền thuyết được kể rằng: Từ xa xưa, tổ tiên người Mạ được sinh ra từ một cái lỗ. Ban đầu Mạ Tô ra trước đi về phía mặt trời mọc, kế đến là Mạ Cóp đi về phía mặt trời lặn và tộc người Mạ Naan ở Madagui chui ra sau cùng. Vì sinh sau đẻ muộn, nên người Mạ vùng này được thần tắm rửa, được Yàng ưu ái cho thần núi Bonom bảo vệ, chính vì thế người Mạ xem Bonom là thần hộ mạng cho mình. Dựa theo truyền thuyết ấy, các nhà điêu khắc đã thiết kế thần núi Bonom đầu đội vương miện ngự trị chính diện ở khu du lịch sinh thái mang hàm ý bảo vệ cho khách tham quan, du lịch.

Tác giả và K'Prụt

Về ý nghĩa Madagui được nhà dân tộc học người Chăm Thông Thanh Khánh cho rằng đó là “Dòng nước của người trẻ tuổi”. Theo lời tác giả: Ngày xưa, các chàng trai cô gái Mạ thường tập trung vào những bến tắm nơi sông suối đẹp cạnh bìa rừng. Con gái Mạ Tô lúc tắm chỉ cởi y phục vào phút cuối, còn gái Mạ Naan thì thong thả cởi váy ngay trên bờ sông, nhưng dùng tay trái che bộ phận sinh dục của mình. Còn các chàng trai, muốn cho con gái thích nên siết chặt dây khố và cố ý cho bắp thịt nổi lên để thể hiện sự mạnh mẽ…

Già làng KPrụt dẫn chúng tôi đi thăm hai ông thần rừng. Một ông được tạc tượng bằng xi măng cốt thép tựa lưng trên núi đá trong khu du lịch sinh thái Forest city, một ông bằng đá cuội được gọt đẽo láng bóng ngồi chễm chệ trong miếu ven suối Đại Quay do nhà sư Minh Hạnh dựng lên cách đây hơn chục năm. 

Thần Bonom ở bờ suối.

Ông thần rừng ở bờ suối có gương mặt buồn buồn, ngồi ở góc rừng một mình không hương khói. Khác hẳn với ông thần núi trong khu du lịch khói hương suốt ngày. Khi chúng tôi đến không mang theo nhang đèn chỉ chắp tay xá xá. Nhìn kỹ gương mặt ông thần này từa tựa Thạch Sanh theo truyền thuyết người Việt. Cho dù hai ông Bonom có hình tượng và hương khói khác nhau nhưng đều là thần hộ mệnh cho hai anh em kinh thượng biết bao mùa lá đổ.

Bên bờ Đại Quay

Suối Đại Quay dài trên 20km, rộng 50m phát nguyên từ núi đá trên đèo BLao, vào mùa nắng nhìn lòng sông đầy đá tảng, nhưng có nơi sâu đến 5m, nước trong xanh chảy rì rầm vọng lên như một bản hòa tấu thiên nhiên. Con suối này từ bao đời nay không những là dòng nước cứu tinh cho người và đất mà còn là quê hương của loài cá lăng, cá chạch. Nghe nhiều người thêu dệt loại cá lăng đuôi đỏ thịt vàng béo ngậy mà người Mạ gọi là cá Jút như một huyền thoại.

Trước năm 1986, khi dân kinh tế mới từ Hà Nội chưa vào vỡ đất hoang khá nhiều người câu được cá lăng đuôi đỏ với trọng lượng đến 15kg, còn 7-8 ký là bình thường. Chuyện câu cá giải trí thời hiện đại cũng đã “phủ sóng” đến Nam Tây Nguyên. Những năm gần đây, có khá nhiều đại gia câu cá ở thành phố đến suối Đại Quay. Họ khoác trên người những bộ quần áo thể thao đắt tiền, đi xe con, đội nón rộng vành, mang kính râm, miệng nhai kẹo cao su. Họ yên lặng ngồi hai bên bờ suối như những ông địa thời đổi mới. 

Có lần tôi mò tới làm quen được các ông “địa” ném những tia mắt ban ơn rồi kể mình đã từng câu nơi này nơi kia như một bá tước vào thế kỷ thứ XVI, nhìn cách giao tiếp và gương mặt phì nộn, những người lao động chính danh hay có học thức đều nhận ra rằng họ không phải là những doanh nhân hay các nhà chính trị thứ thiệt.

Buổi chiều, tôi và KPrẹt đến nhà ông Hai Đỡ, một võ sư kiêm thầy thuốc đông y. Ông Đỡ có thêm nghề câu cá lăng ở suối Đại Quay, cùng đi với anh Hai còn có anh Hồ Đình Huyên chuyên bắt lươn ở rừng núi. Giữa đường, gặp những danh thủ có tay nghề sông suối vùng cao không có gì thú bằng.

Võ sư Hai Đỡ kể: “Cho đến bây giờ lượng cá lăng, cá chạch tại con suối này vẫn thế. Ngày trước bà con người Mạ đi xuồng độc mộc hoặc đứng trên bờ phóng lao, bắn bằng nỏ cũng bắt được khá nhiều cá Jút. Câu cá Jút cũng dễ mà cũng khó. Dễ vì cá lăng ăn tạp chỉ cần mồi trùn, hoặc mồi có mùi hôi thối bỏ xuống là chúng tìm đến. Tuy nhiên loại cá da trơn này thường sống  dưới sâu, nơi nước xoáy mạnh, nên khó cho mồi xuống.

Cá lăng có thịt chắc, ít xương, thơm ngon, hiện nay chúng được cho là vua của loài cá nước ngọt nên giá khá cao. Tại đây cá lăng rừng bằng ngón chân cái giá 90.000/ký còn bằng bắp tay giá 180.000. Tuy nhiên không có ai làm giàu từ nghề câu, theo đuổi nghề này chỉ mang thêm tội nghèo”. Ông Hai Đỡ nói với giọng buồn buồn.

KPrẹt sống bằng nghiệp chăn trâu kiêm câu cá tại đây kể cho chúng tôi nghe một cách hào hứng: “Cá Jút bắt dễ ẹc mà! Ngày xưa tụi này bắt hoài, bắt bằng tay chứ làm gì có lưới, có lưỡi câu như bây giờ. Cá Jút cỡ một ký trở lên mật nó to bằng ngón tay út. Loại mật này đem ngâm với rượu tui bảo đảm uống xong “nhớ vợ” liền. 

Chưa hết, anh lôi trong túi áo ra một chai rượu khoảng một sị, nhe răng cười hề hề: “Rượu mật cá Jút đây! Uống vô một ly thôi người cũng “quậy” như cá, bảo đảm còn hơn rượu Minh Mạng của mấy ông”. 

Kỷ niệm trong đời của tui tại Đại Quay là câu được con cá lăng gần 20kg. Con cá dính câu trong lúc chạng vạng tối, khi tui giật nó quậy cái rầm, làm tui nổi da gà tưởng ma. Sau định thần lại mới biết đó là con cá lớn. Tui rê câu cho nó đừ rồi từ từ kéo lên bờ nhưng nó chui vô hốc đá. Tui nhảy xuống kéo ra, bất ngờ phóng thẳng vô mặt làm tui ngất luôn, cũng may lúc đó vợ tôi đến, cả hai vợ chồng hì hục xốc mang kéo lên bờ đem về bán được gần 200.000 đồng. Hồi đó 200.000 lớn lắm à nha! Chuyến đó tui được đóng dấu trên má một cái sẹo dài đây này”. Anh đưa tay vỗ vỗ lên má trong niềm kiêu hãnh như một chiến tích đời người.

Chúng tôi ra suối Đại Quay khoảng 6h chiều, trời đã bắt đầu nhá nhem tối, những hàng tre hoang dã ven sông cao đến 20m ngã theo làn gió, phất phơ như những bóng ma rừng. Cách chỗ chúng tôi đứng vài chục mét, tiếng chim cuốc réo gọi bạn tình vang lên nghe buồn buồn. Trong khoảng khắc ấy tôi mới phát hiện ra sự khác biệt giữa người và thú. Con mèo cái khi động dục đi lang thang ngoài đường phát lên tiếng kêu não lòng, con tu hú, con cuốc, con cúm núm cái ngẩng đầu trong đêm vắng khan giọng gọi bạn trong âm thanh buồn bã. Tôi lại liên tưởng đến động vật cao cấp. Giá mà con người vào thời điểm động dục, vọng lên tiếng kêu than thì sự thể ra sao, chắc sẽ có những trận chiến giành giật bi hùng! Tôi mang những ý tưởng so sánh khập khiễng không có thật ấy ra kể, mấy anh kinh thượng cười ngất như muốn phá vỡ sự yên lặng trong bóng đêm.

Cuộc đời không giống như những giấc mơ vàng. Đêm ấy gió thổi rợn người, tiếp theo là cơn mưa rừng ập xuống như trút. Chỉ vài tiếng đồng hồ, nước từ thượng nguồn lồng lộn đổ về. Hàng trăm cần câu cắm ven bờ Đại Quay của chúng tôi chìm sâu trong biển nước đục ngầu. Chúng tôi biết chắc là mất “cả chì lẫn chài” nên kéo nhau về căn nhà hoang, ngồi bó gối nghe tiếng mưa rơi gió thổi trong đêm đen mà cảm thấy buồn đến mức quên đi tiếng chim cuốc gọi tình khắc khoải, chắc cô nàng cũng đã chạy trốn để bảo toàn tính mạng như chúng tôi.    

* * *

Ngày rời con suối vàng, chúng tôi ra đứng cầu Đại Quay, nhìn về khu du lịch sinh thái rực lên cả một góc rừng. Lúc ấy, tôi mới nhận ra các nhà công nghiệp không khói đã tiếp tục thừa kế truyền thống người bản địa để tạo ra một khu đa văn hóa. Nơi đó có nhà rông với ẩm thực cá suối rau rừng, tạo một thương hiệu riêng độc đáo giữa đại ngàn điện sáng lung linh. 

Bạn đọc của tôi ơi! Nếu sau này, các bạn cảm thấy mệt mỏi với cảnh ồn ào và ô nhiễm của đô thị, bạn hãy đến Nam Tây Nguyên để nhìn vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, thấy được giang sơn của cha ông để lại mà cố gắng giữ gìn. Nếu mai đây nước mình không còn rừng, chúng ta sẽ đi trên những con đồi trọc, hoang tàn khô khốc, cuộc sống con người sẽ tẻ nhạt biết bao.

Ký sự: Trần Đại - Đình Huyên
.
.
.