Về nơi trai tài, gái đảm

Thứ Hai, 14/01/2019, 10:24
Ở vùng Yên Thế thượng và Yên Thế hạ xưa, nay là huyện Yên Thế và Tân Yên của tỉnh Bắc Giang còn lưu truyền nhiều di tích và chuyện kể về nguồn gốc phát tích câu ca cổ “Trai Cầu Vồng Yên Thế- Gái Nội Duệ Cầu Lim” để nói về tinh thần thượng võ,  trai tài, gái đảm. Bằng chứng là trong các lễ hội của các làng, xã tại đây đều có thi đấu võ thuật, vật võ (đối với nam) hay thi thổi cơm (đối với nữ).


Huyện Tân Yên và Yên Thế cũng chứng kiến hàng chục lò luyện vật, võ vang danh trong quá khứ và còn duy trì đến tận bây giờ với phong trào học võ khá rộng rãi khắp thôn cùng, ngõ hẻo. Đây là nét độc đáo, thể hiện tinh thần thượng võ mà ít nơi nào có được.

Muôn thuở lưu truyền

Mùa Xuân đi hội Cầu Vồng tổ chức tại đình Vồng, xã Song Vân, huyện Tân Yên vào ngày 14, 15, 16 tháng Giêng âm lịch. Hội bao giờ cũng có phần tế ngựa, các trò chơi dân gian như đấu vật truyền thống, chơi đu, chọi gà, đập niêu, thi đấu võ và  thổi cơm thi.

Thi đấu và biểu diễn võ thuật là phần không thể thiếu trong nhiều lễ hội ở Tân Yên.

Trò chơi không chỉ mang tính giải trí mà còn mang yếu tố nghi lễ. Lễ tế ngựa là nét đặc sắc của lễ hội đình Vồng, mang ý nghĩa thiêng liêng, bên cạnh ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, nhà nhà no đủ còn thể hiện ý nguyện của nhân dân ghi nhớ chiến công của các võ tướng xưa, biểu dương tinh thần thượng võ của mảnh đất Cầu Vồng. Sau một hồi chiêng trống báo hiệu nghi lễ bắt đầu. Một đội quân nai nịt gọn gàng, vác cờ lớn múa ở trước sân đình.

Trong nghi lễ tế ngựa, các kỵ sĩ cưỡi 8 con ngựa bạch thật thong dong phi nước kiệu rất đẹp mắt rồi đưa cung tên bắn vào bia; sau này do nhiều nguyên nhân mà trong lễ tế ngựa chỉ dùng ngựa tượng trưng. Sau lễ tế ngựa là màn biểu diễn võ thuật truyền thống của hai môn phái Thiếu Lâm và Hồng quyền. Võ thuật là môn thể thao mang tính truyền thống của vùng đất Yên Thế nói chung, đất Cầu Vồng nói riêng.

Bài múa võ Thiếu Lâm do một cụ già tóc đã bạc biểu diễn càng khẳng định tính truyền thống của võ thuật trên mảnh đất này. Tiếp đó bài Hồng quyền do một tráng sĩ biểu diễn, chứng tỏ truyền thống của ông cha vẫn đang được các thế hệ thanh niên gìn giữ, phát huy.

Đặc biệt, liên quan đến câu chuyện “trai hùng, gái đảm” ở vùng đất này. Lễ hội Cầu Vồng được nhân dân 4 xã đứng ra tổ chức gồm: Song Vân, Việt Ngọc, Ngọc Vân, Lam Cốt.  Các đội chơi chuẩn bị đôi quang gánh, một niêu đất và củi lửa. Ban tổ chức chuẩn bị loại gạo ngon, trắng, không có sạn.

Một bên quang gánh trang trí treo giỏ hoa tươi, bên kia đặt niêu đất. Khi hiệu lệnh của ban tổ chức vang lên, các đội vào vị trí. Lúc này người con trai trong trang phục áo dài, khăn xếp có nhiệm vụ gánh niêu đất đi theo vòng tròn đã quy định, người con gái trong trang phục áo tứ thân, khăn mỏ quạ đi sau đốt lửa dưới niêu đất. Người gánh phải đi duyên dáng ,không được còng lưng hay đứng thẳng người quá, trong quá trình đi không được dừng lại.

Phụ nữ đi sau có nhiệm vụ đốt lửa khéo léo vào đúng vị trí niêu cơm không để lửa quá to làm cháy quần áo. Khi nào niêu cơm sôi sẽ mở vung, vừa đi vừa lấy đũa cả khuấy đều cho cơm cạn nước, khi cơm chín là được, hết giờ ban tổ chức ra hiệu dừng cuộc chơi. Các đội chơi dập lửa mang niêu cơm của đội mình trình ban giám khảo chấm điểm.

Theo quy định, sẽ chấm điểm trang phục, điểm trang trí, điểm chất lượng nấu cơm. Niêu cơm đạt tiêu chuẩn phải chín, dẻo, thơm, ngon, không bị khê, bị sống và không vi phạm luật chơi, điểm tối đa là 20. Hội Cầu Vồng còn tổ chức lễ tế ngựa tưởng nhớ các vị Quận công họ Dương có công với xã tắc.

Khí phách anh hùng

Dưới thời nhà Mạc, dòng họ Dương ở vùng đất Vân Cầu (Tân Yên) được phong 18 vị Quận công. Gia phả họ Dương ở Tân Yên ghi: “Dương phả chân truyền sơn Cốc mộ/Nhất gia thập bát nhị Quận công”.

Thượng tổ là Quận công Dương Quốc Nghĩa, con trai là Quận công Dương Quốc Minh, Dương Hùng Lượng và Dương Hồng Lương đã có nhiều công lao với dân với nước. Tấm bảng gỗ khắc chữ Hán từ thời Nguyễn vào ngày tốt, tháng 12, năm Quý Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) được treo tại đền thờ Quận công Dương Hùng Lượng, xã Cao Xá chép rằng: “…

Thi thổi cơm thi ở lễ hội Cầu Vồng.

Dòng họ nhà ta vốn có Thượng tổ Dương Quý Công làm quan ở triều Mạc. Ông được nhà Vua ban cho tước Quận quốc công hàm nhất phẩm. Đó chính là người giống tiên. Đó chính là người giống rồng. Đó cũng chính là người ở trong vùng đất này.

Từ đó đời nối đời đến nay đã nở ra cành lá tươi tốt phồn thịnh mà phát triển hưng thịnh... Lo sợ rằng ngày sau, có người con cháu trong dòng họ không biết rõ tổ tiên, lo sợ lâu ngày bị lãng quên những việc xưa mà phải ghi khắc vào bản mộc để lưu truyền mãi mãi về sau”.

 Về vùng đất Vân Cầu còn được nghe chuyện kể ba anh em họ Dương: Ba anh em vốn nhà nghèo, bố mẹ mất sớm phải đi ở, mỗi người một nơi. Lớn lên ba anh em đều có sức khoẻ phi thường, ham tập võ nghệ, giỏi đường cung kiếm. Người anh cả là Dương Quốc Minh ở Vân Cầu (Song Vân), người em thứ hai là Dương Hùng Lượng ở làng Dinh, xã Ngô Xá, tổng Yên Lễ (Cao Xá), người em thứ ba là Dương Hồng Lương ở làng Châu (Lam Cốt).

Một hôm, lý trưởng làng Vân Cầu đến bảo người anh cả là Dương Quốc Minh đi gánh tiền về miền hạ Kinh Bắc đổ thuế cho triều Mạc, gánh đến nơi đổ thuế xong, được mấy đồng tiền công vào hàng ăn uống. Bỗng nghe tiếng loa của quan trường gần đấy gọi các nhân tài vào thi võ, thi cung kiếm. Dương Quốc Minh bèn vào trường xin thi môn bắn cung. Quan trường giao cung tên, giao ngựa cho Dương Quốc Minh.

Cầm cương nhảy phắt lên ngựa, đeo cung lên, giật cương cho ngựa phi ba vòng sân bãi. Vừa cưỡi ngựa giương cung bắn liền ba phát đều trúng mục tiêu, ba mũi tên bắn đứt dây, ba chiếc áo cẩm bào treo trên cành dương liễu rơi ngay xuống đất, tiếng hò reo cổ vũ khắp xạ trường nổi lên như sấm, quan trường chấm cho Dương Quốc Minh được đậu.

Dương Quốc Minh bảo với quan trường rằng: “Tôi có em thứ hai còn bắn giỏi hơn tôi”. Quan trường mừng rỡ sai lính lên ngựa phi ngay về làng Dinh - Yên Lễ đón Dương Hùng Lượng vào trường thi. Hùng Lượng cầm cương, lên ngựa, phi ba vòng sân bãi, đến nơi, giật cương cho ngựa chồm lên, giương cung bắn liền ba phát, cả ba chiếc áo cẩm bào từ trên cành dương liễu lại rơi ngay xuống đất. Quan trường lại chấm cho Dương Hùng Lượng được đậu. Dương Quốc Minh lại bảo với quan trường: “Tôi có người em còn bắn giỏi hơn nữa”. Quan trường lại cho lính phi ngựa về tận làng Châu (Lam Cốt) đón Dương Hồng Lương về trường thi ngay.

Thi thổi cơm ở lễ hội Yên Thế.

Hồng Lương cầm cung tên, không cưỡi ngựa chạy như bay qua vòng sân bãi, đến chỗ bắn còn nhảy lộn một vòng, vừa đặt chân xuống đất, Dương Hồng Lương bắn liền ba phát ba chiếc áo cẩm bào treo trên cành dương liễu lại rơi ngay xuống đất. Quan trường lại chấm cho Dương Hồng Lương được đậu.

Cả ba anh em họ Dương về làng Nội Duệ - Cầu Lim- Bắc Ninh rồi lấy vợ ở đó. Vua nhà Mạc ra sắc chỉ phong cho ba anh em họ Dương chức Quận công. Người anh cả Dương Quốc Minh kéo quân về đình Vồng, Vân Cầu - Song Vân xây thành đắp luỹ phòng chống giặc. Người em Dương Hùng Lượng mang quân về làng Dinh, Ngô Xá lập doanh trại, luyện quân sẵn sàng đánh giặc.

Người em thứ ba Dương Hồng Lương mang quân lên vùng Đu Đuổm-Thái Nguyên xây dựng phòng tuyến ngăn quân giặc không cho chúng tràn về Thăng Long. Thế rồi vào một ngày quân giặc kéo đến khắp vùng. Cả ba anh em họ Dương mang quân ra đánh trận, hạ được nhiều giặc. Vào một ngày khác, quân giặc kéo đến đông gấp bội, cả ba anh em họ Dương chống đánh quyết liệt, nhưng bị thua.

Thế giặc càng to, quân ta thì ít. Ba anh em họ Dương chạy về đình Vồng, Vân Cầu (Song Vân) đều nhảy xuống giếng tự vẫn để bảo toàn danh tiết. Ba bà vợ từ Nội Duệ - Cầu Lim nghe tin chồng đã tự vẫn, thương tiếc quá, cả ba bà đều nhảy xuống giếng trước cửa đình Vồng tự vẫn theo, giữ tròn bốn chữ: Trung, trinh, tiết, nghĩa.

Từ đó, làng Vân Cầu, xã Song Vân và làng Dinh xã Cao Xá (Tân Yên) đều lập đền thờ các vị Quận công cùng Phu nhân. Câu ca: “Trai Cầu Vồng Yên Thế-gái Nội Duệ cầu Lim” đi vào huyền thoại lịch sử cũng từ tích trên. Và Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng đèo Khế gió sang/ Em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét nước làng em lo ...”.

Kim Sa
.
.
.