Về quê Trạng Bùng

Chủ Nhật, 10/05/2015, 07:00
Làng Bùng, xã Thạch Xá nằm kề bên tỉnh lộ dẫn về trung tâm huyện Thạch Thất, Hà Nội, chính là quê Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, ông tổ nghề dệt lụa, trồng ngô và cơ khí đã hơn 400 năm qua. Giờ mà cụ sống lại cũng thật khó ngờ quê mình lại giàu có đến thế.

Nhộn nhịp làm sao với phố nghề sắt thép rầm rập những đoàn xe vào bến bãi lấy hàng. Có thời làng cụ còn mua cả máy bay phế thải về “mổ” lấy kim loại cho vào lò đúc. Phố hàng sắt của làng cụ nức tiếng gần xa với mọi chủng loại hàng dân dụng. Về ngắm mới thấy sướng con mắt...

Nhộn nhịp “đường xưa em đi”

Đó là con đường tỉnh lộ 80, tuyến đi chính của các chuyến xe đi từ Hà Đông qua phố huyện Quốc Oai, rồi chạy dọc huyện Thạch Thất, đi tiếp hơn chục cây số nữa lên thị xã Sơn Tây. Giờ đây Đại lộ Thăng Long cắt ngang con đường 80 nhưng các tuyến xe đi lên Sơn Tây vẫn như vậy. Con đường tỉnh lộ đang được mở rộng bắt đầu từ Đại lộ Thăng Long kéo tới trung tâm huyện chừng gần 10 cây số. Và đó chính là huyết mạch sống còn, thôi thúc các làng nghề trong huyện phát triển với tốc độ chóng mặt.

Bám dọc con đường này là các làng nghề kim khí Phùng Xá, làng làm đồ gỗ và may vá Hữu Bằng. Cùng với đó là làng nghề cổ thợ mộc Chàng Sơn và làng nghề làm chè lam Thạch Xá. Thêm nữa các con đường nhựa được khai phá dẫn tới các làng nghề mộc và xây dựng như Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, cũng như các làng nghề mây, tre, giang đan xuất khẩu Thái Hòa, Phú Hòa, Bình Xá đã làm nên một bức tranh khổng lồ của một đại công trường huyên náo ngày đêm. Chính vì lẽ đó, sản phẩm của các làng nghề trong huyện đã được đưa đi mọi miền gần xa tới người tiêu dùng.

Không ít làng nghề trong huyện đã quy hoạch xây dựng khu kinh doanh và sản xuất riêng, nhưng có lẽ hiếm có làng nghề nào nổi bật vượt mặt được khu công nghiệp của làng nghề cơ khí Phùng Xá với diện tích 11 ha, hay khu phố nghề chạy dọc tới cả vài cây số trong làng Hữu Bằng. Ấy là chưa kể tới những mặt bằng được quy hoạch làm kho chứa và bến bãi nguyên vật liệu như gỗ sắt thép ở hai làng này.

Tượng thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Quả là danh bất hư truyền cho một cái làng nghề cơ khí gần 500 năm qua được hưởng cái lộc của ông Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan, là người khởi nghiệp làng nghề cho dân Phùng Xá. Dường như dòng chảy của thời gian và phát triển làng nghề ở đây không bao giờ ngưng nghỉ. Cho dù có những thời đoạn khó khăn do chiến tranh hay vận hạn kinh tế, nhưng những người thợ cơ khí ở đây vẫn âm thầm vượt lên làm giàu cho chính mình và cho làng nghề.

Khó có thể tưởng tượng nổi công việc với cơ khí nặng nề, vất vả nhưng hàng ngàn người dân trong làng vẫn kiên trì phát huy tay nghề làm ra những vật phẩm đến với mọi nhà nông. Họ có nhiều sáng kiến và chăm chỉ học tập tiếp thu công nghệ mới để nâng tầm và tạo dựng quy mô sản xuất mới, làm ra nhiều mặt hàng mới đáp ứng cho xây dựng và máy móc sản xuất cho các công trường nhà máy chứ không chỉ dừng lại nhưng mặt hàng nông nghiệp cổ xưa.

Tính đến nay, Phùng Xá có tới gần 200 doanh nghiệp, với con số 2.300 người thợ giỏi về cơ khí và luyện kim. Thêm nữa, còn khoảng 540 cơ sở sản xuất kinh doanh khác quanh vùng đã thu hút hơn 4.000 nhân công trong và ngoài xã làm việc.

Ông giám đốc doanh nghiệp Đức Cường, chuyên sản xuất các loại bản lề cho biết, trung bình mỗi tháng làm được 50 tấn hàng, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hoặc như Công ty TNHH Hưng Lộc Phát, làm ăn lớn hơn, chuyên sản xuất các loại dây thép và lưới thép có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

Ông Chu Văn Bảy, Chủ tịch xã Phùng Xá cho hay, từ khi có khu công nghiệp làng nghề ra đời, hầu hết các hộ kinh doanh đều tính chuyện làm ăn lớn, tìm được nhiều nguồn đầu ra các mặt hàng nên hiện doanh thu của làng nghề lên tới hàng chục tỉ đồng là chuyện bình thường. Chính gia đình ông Bảy là một trong những hộ đầu tiên đã đưa nghề nấu thép về làng. Nhiều hộ sản xuất và kinh doanh lớn hình thành tạo nên một sự hoành tráng về quy mô công nghiệp của một làng nghề còn một thuở thuần nông nghèo xưa.

Chính ông cũng không thể ngờ sau hơn 20 năm phát triển kinh tế thị trường mà làng ông giàu lên nhanh như thế. Vẫn từ cái xẻng, cái cuốc đi lên và giờ đây nhờ có chúng mà làng ông đã thay da đổi thịt. Ông cười sảng khoái với những con xe hơi đời mới đỗ đầy đường, chả như cái thời còn nhỏ ông vẫn ra chợ Nủa để xem lò bễ rèn cùng với chiếc búa nhỏ xíu đập đập để tạo nên những chiếc liềm cong cong như mảnh trăng khuyết trên trời.

Ông tâm sự với tôi trong những tiếng máy dập chát chúa và những chuyến xe vào ra khu công nghiệp (Có tên gọi là Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá), rầm rập đưa hàng đi trên mọi nẻo đường...

Vẫn còn đó một chân dung tổ nghề

Thật may mắn rẽ vào làng tôi được gặp anh Phùng Khắc Thành là hậu duệ đời thứ 21 của cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Anh đưa tôi vào lễ trong điện thờ rồi kể khá nhiều chuyện về cụ tổ của mình. Nhất là cái khí phách của Phùng Khắc Khoan không chịu đi thi và làm quan cho triều đình Mạc Đăng Dung, kẻ đã cướp ngôi vua nhà Lê (năm 1527) để trị vì thiên hạ.

Sau này Phùng Khắc Khoan đã dấn thân vào miền Trung để phò nhà Lê, khi đã được phục hồi lại và đóng đô ở Thanh Hóa. Đó là mở đầu cho thời kỳ Lê Trung Hưng. Tài năng chính trị và sự nghiệp văn thơ của Phùng Khắc Khoan mới được phát huy. Ông đỗ tới Hoàng Giáp và ra sức góp công phù Lê diệt Mạc cho đến khi con cháu họ nhà Mạc phải rút lên Cao Bằng gắng gượng cầm cự.

Triều đình nhà Lê thắng lợi trở về kinh đô Thăng Long, nhưng vẫn chưa được nhà Minh công nhận về đối sách ngoại giao hai nước nên khi đó Phùng Khắc Khoan phải lãnh trách nhiệm đi sứ để đòi lại vị thế chính quốc cho nhà Lê.

Nhưng chuyến đi này cực kỳ gian nan và lắm nỗi uẩn khúc, việc không thành nếu người đi sứ không khôn ngoan, có tài năng và nhất là cần phải “Nhẫn” để chờ thời cơ chớp lấy thành công. Bởi khi đó bọn quan tham nhà Minh quen thói ăn đút lót nên vẫn cố bảo vệ nhà Mạc và chưa công nhận triều đình nhà Lê đã trở lại.

Phùng Khắc Khoan phải tìm mọi cách để được tiếp cận triều đình nhà Minh. Nhưng đâu có dễ. Bọn quan tham còn cản trở bằng nhiều thủ đoạn không cho Phùng Khắc Khoan tiếp cận vua nhà Minh. Kể cả sớ dâng lên cũng bị chúng ỉm đi. Ấy là chưa nói tính mạng còn bị đe dọa.

Trước đó, Phùng Khắc Khoan biết sứ nhà Mạc đã hai lần bị quan tham nhà Minh đối xử tàn tệ, kẻ thì bị khoét mắt, còn lại có kẻ còn bị bắt giam tra tấn hàng năm sau mới được tha về. Phùng Khắc Khoan sống trong lo toan nhưng không nhụt chí. Ông quyết vận dụng mọi đối sách ngoại giao để đạt được mục đích của mình.

Vậy là cả năm trời ông phải tạm trú ngoại thành và tìm cách giao lưu với những văn nhân trong triều và cả những người trong lĩnh vực ngoại giao ở nước ngoài có quan hệ tốt với vua nhà Minh. Qua tài năng thơ văn và tính cách chuẩn mực của một nhà văn hóa lớn của nước ta, ông gây được uy tín và sự mến cảm của bạn bè trong giới văn chương.

Đền thờ Trạng Bùng.

Đặc biệt, nhân ngày sinh nhật của vua nhà Minh, ông đã làm một tập thơ đề tặng với tất cả sự uyên bác và tài hoa của mình trong cảm xúc chân thành. Các quan văn trong triều mến phục đã dâng tập thơ của ông lên vua Minh. Thật đúng là phúc đức đã được đền đáp. Vua nhà Minh đã hết lời khen ngợi nhà thơ nước Nam, ngay lập tức cho in để phát hành rộng rãi và sau đó cho vời ông vào để nhận sớ xin phong vương chính thức cho vua Lê Thế Tôn làm “An Nam Quốc vương”. Chuyến đi sứ ấy kéo dài cả năm trời nhưng đã mỹ mãn thành công.

Cùng với thời gian kéo dài đó, nhà đối ngoại Phùng Khắc Khoan đã có nhiều chuyến đi điền dã và học tập được những nghề trong đời sống của dân chúng. Ông học hỏi ghi chép và sưu tầm các loại giống cây trồng và các bí mật trong nghề dệt lụa hay đúc rèn cơ khí với mục đích đem về truyền bá cho quê hương.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy, các quan trong triều Minh và nhiều quan chức địa phương gây nhiều phiền nhiễu cấm không cho ông ghi chép và đem các hạt giống trở về. Chính vì thế chuyện các tùy tùng đi theo ông đã phải giấu hạt giống ngô vào chỗ kín là có thật vào thời điểm đó.

Và đó chính là hạt giống ngô đầu tiên mà ông mang về được nhân dân ta trồng và phát triển cho đến ngày nay. Có thời chúng còn là nguồn lương thực chủ yếu của nhiều nơi. Còn quê ông, làng Bùng thì “Trước là dệt lụa sau là rèn kim”. Nếu ai có dịp đi theo các con mương dẫn nước về các làng Bùng Xá, Hoàng Xá và Đặng Xá nên biết đó chính là công lao đầu tiên của Trạng Bùng cho dân đào để làm thủy lợi từ hàng trăm năm nay.

Đi đường xa mới hay lắm nỗi gian nan

Chuyện làm ăn phát đạt ai chẳng muốn. Dân giàu nước phải mạnh mới đúng. Vậy nên việc thả phanh cho chuyện làm ăn cho làng nghề cũng cần phải đi vào chiều sâu và cần có việc ra tay của các nhà quản lý.

Trong số 10 làng nghề của huyện, trừ một số làng nghề mang tính đặc thù người thợ phải đi làm xa tại các địa phương như xây dựng làm nhà của xã Dị Nậu, Canh Nậu, Hương Ngải, Chàng Sơn hoặc ít ảnh hưởng môi trường như làng nghề làm chè Lam ở Thạch Xá, thì ở những nơi sản xuất và kinh doanh tại chỗ như Thạch Xá, Hữu Bằng, Thái Hòa, Phú Hòa, Bình Xá cần phải tổ chức sớm những cơ sở xử lý rác thải và nguồn nước ô nhiễm do sản xuất.

Và đặc biệt quan tâm tới tổ chức sản xuất có định hướng hơn, phát huy sức phát triển của làng nghề đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh với đúng nghĩa của nó, không nên để mất đi một nền văn hóa làng xã hàng trăm năm đã định hình. Đó cũng là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn của chính những người thợ làng nghề đã lớn lên từ lũy tre và cánh đồng thơm hương lúa bao đời nay.

Chung Tử
.
.
.