Về "suối trường thọ" ở Kỳ Sơn

Thứ Năm, 09/02/2012, 07:47

Cha của trưởng bản Kha Văn Phon là Kha Phia Khăng năm nay đã 105 tuổi, còn mẹ, cụ bà Kha Thị Phia cũng vừa bước sang tuổi… 102 nhưng hai cụ đều giữ được vẻ nhanh nhẹn và dẻo dai. Theo như lời Kha Văn Phon, mấy năm nay anh chỉ cho các cụ ở nhà chứ không như mấy năm trước, cha mẹ anh vẫn đi bế nước từ suối về giúp gia đình hàng ngày.

Chỉ cách trung tâm thị trấn hơn hai mươi cây số nhưng để vào được Hữu Lập (Kỳ Sơn - Nghệ An) trước khi trời tối, Kha Văn Búa, anh xe ôm người gốc bản địa đã đến đón tôi khi chưa tới ba giờ chiều. Búa bảo mùa này nước dòng Nậm Mộ cạn, có thể dắt cả xe máy qua nên anh sẽ đưa tôi đi… đường tắt cho nhanh. Qua dòng Nậm Mộ, leo qua cái núi Pu Mon, Pu Cốc cao ngất trời, chúng tôi lọt vào tới thung lũng Xốp Thặp, Xốp Nhỉ. Tiếng Thái, "xốp Thặp xốp Nhỉ" có nghĩa là "cửa khe Thặp, cửa khe Nhỉ". Và ở Hữu Lập, suối Thặp suối Nhỉ gắn bó với đồng bào người Thái tự hàng ngàn đời nay, đi vào truyền thuyết qua lời kể của người già trong những đêm nhà sàn giữa bập bùng ánh lửa. Tôi cũng đã có một đêm như thế…

Truyền thuyết về thung lũng hoa ban

Nhớ lại ban chiều, khi đang chở tôi vào Xốp Thặp, Kha Văn Búa cũng gật gù thừa nhận ở trong quê anh, cái ăn cũng chưa dư giả gì, cái mặc vẫn còn thiếu thốn nhưng không hiểu sao cái tuổi của người già ở đó thì lại nhiều đến thế. Búa lập cho tôi một danh sách dài tít tắp những người ở bản sống thọ mà như yêu cầu của tôi đều phải trên trăm tuổi. Búa cũng tự hào bật mí trong danh sách đó có bà nội của anh còn ông nội… chẳng may mất sớm. Như lời anh xe ôm vui tính này, ông nội anh mất khi mới chỉ … chín hai tuổi, làm cả bản làng ai cũng bất ngờ thương  tiếc.

"Nếu nói về bí quyết sống lâu thì bản làng tôi chẳng có bí quyết gì đâu nhà báo à. Tôi lớn lên thì mọi sự đã như vậy rồi mà…", anh trưởng bản Kha Văn Phon thật thà nói với tôi rằng thế hệ của anh thì không biết gì nhiều về nguồn gốc lịch sử của làng, chuyện này chỉ có thể hỏi người già. Cụ thể là hãy hỏi bố mẹ anh, phải chờ một lát, các cụ đang đi tắm chưa thấy về. Cho đến bây giờ, người Thái ở Kỳ Sơn vẫn giữ được nét văn hóa "tắm tiên". Đàn ông, đàn bà, vô tư "nuy" toàn thân để tắm cùng nhau bên bờ suối mà không có bất kỳ sự ngại ngần nào.

Uống cạn chén rượu ngâm rễ cây rừng cùng ông trưởng bản thì cũng vừa lúc cụ ông cụ bà về. Cha của trưởng bản Kha Văn Phon là Kha Phia Khăng năm nay đã 105 tuổi, còn mẹ, cụ bà Kha Thị Phia cũng vừa bước sang tuổi… 102 nhưng hai cụ đều giữ được vẻ nhanh nhẹn và dẻo dai. Theo như lời Kha Văn Phon, mấy năm nay anh chỉ cho các cụ ở nhà chứ không như mấy năm trước, cha mẹ anh vẫn đi bế nước từ suối về giúp gia đình hàng ngày.

Dòng suối kỳ lạ và những người cao tuổi ở Kỳ Sơn - Nghệ An.

"Con người ta sống cũng như cây lim, cấy sến trong rừng, phải có gốc, có rễ nhà báo à. Không được quên điều ấy đâu….". Và rồi bằng cái giọng ê a của người già, cụ Kha Phia Khăng kể cho tôi nghe về gốc tích của làng, về suối nàng Nhỉ và sự trường thọ của người dân trong bản.

Cụ kể đại ý rằng, xa xưa lắm rồi, cụ cũng được nghe ông nội kể lại cho, thuở ấy đất và trời vẫn còn gần nhau lắm, cảm tưởng như với tay là đến. Ở đất nước Triệu Voi có nàng công chúa tên Nhỉ xinh đẹp nổi tiếng. Nàng đem lòng yêu say đắm chàng chăn ngựa Khăm Pon nhưng vua cha phát hiện và cấm đoán. Muốn giết chàng trai, nhà vua gọi chàng đến ra lệnh: "Muốn cưới con gái ta. Nhà ngươi hãy đi về vùng rừng núi Piơng, tìm viên ngọc hồng trong họng con hổ thọt chân về đây. Bằng không đừng bao giờ nghĩ đến chuyện cưới xin gì nữa".

Khăm Pon nghe xong yêu cầu của nhà vua, tức tốc vượt cổng trời, băng rừng băng núi đi về dãy Piơng. Công chúa biết được ý đồ của vua cha nên trốn khỏi cung điện, vượt rừng tìm người yêu. Nàng đi cho đến khi lạc vào một cánh rừng đầy mây trắng như trận đồ bát quái. Nàng đành phải trú ngụ trong một hang đá, sống bằng hoa quả và củ cây rừng. Với niềm tin mãnh liệt một ngày nào đó chàng trai sẽ tìm đến, nàng lấy dao khắc kí hiệu nhận ra nhau trên từng phiến đá, gốc cây. Mỗi mùa hoa ban nàng lại ngồi nơi phiến đá khắc lên đó một bông hoa ban.

Không ngờ, chàng trai cũng bị lạc trong cánh rừng này. Họ chỉ cách nhau một ngọn núi mà không hề hay biết. Khi chàng trai tìm đến được, chỉ thấy một người đàn bà tóc trắng gục chết bên phiến đá với 64 bông hoa ban được chạm khắc tỉ mỉ. Chàng trai ngày ấy bây giờ là một ông lão già nua, ôm lấy xác người yêu trĩu nặng bởi biết bao nhiêu mùa thương nhớ đã trôi qua. Và rồi ông cũng trút hơi thở cuối cùng.

Tình yêu của họ làm cho thần Núi phải bật khóc. Từ chân núi nứt ra một con mắt khổng lồ, nước từ đó ào ào tuôn thành suối. Xác hai kẻ chung tình ngâm nước suối ba ngày ba đêm bỗng nhiên sống lại, trẻ đẹp như  thuở mười tám, đôi mươi. Họ nên vợ nên chồng bên dòng suối và sinh con đẻ cái... Tộc người Thái ở Kỳ Sơn bắt đầu từ đó. Dòng suối này được gọi là suối Nàng Nhỉ hay còn gọi là suối Dụ Kẻ (sống mãi), thung lũng này cũng có luôn tên gọi thung lũng hoa ban.

Và sự thật về suối trường thọ

Truyền thuyết của bản làng ghi như vậy, cũng như ngày hôm sau, câu chuyện ấy tôi cũng được chính Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Cụt Thị Nguyệt kể lại. Chị Nguyệt còn cho biết thêm, về sơ đồ địa lý thì suối Nhỉ bắt nguồn từ cổng trời Mường Lống cách Xốp Thặp trên năm mươi cây số và là nơi giáp ranh của hai ngọn núi cao nhất của nước Lào và Việt. Men theo những khe đá, suối Nhỉ vắt qua Hữu Lập như một dải lụa, nước trong xanh vô cùng, cho đến thời điểm này, dân làng vẫn có thói quen bế nước từ suối về sinh hoạt, ăn uống.

Còn anh Lô Như Nam, Phó Chủ tịch xã Hữu Lập lại tỏ ra khá bất ngờ khi chúng tôi muốn tìm hiểu về sự "trường thọ" của những tiền bối trong làng. Anh bảo cũng có thể anh quen quá, ngày nào cũng gặp mặt, ai ai cũng vậy nên anh cũng không để ý. Nhưng có một điều mà chúng tôi phải thừa nhận với anh rằng ở trong này có một môi trường sống rất tốt. Bao bọc bởi những dãy núi cao, khí hậu mát mẻ vô cùng, nhiều loại cây trái có thể chung nhau sinh sống ra hoa kết trái. Anh Nam vui vẻ dẫn đường đưa chúng tôi tới thăm gia đình cụ Đương Khăm Phăn năm nay đã 107 tuổi.

Đến nơi các con cụ mới cho biết, cách đây hai hôm, các cụ xin… ra ở riêng vì sợ làm phiền con cái. "Tiền tuổi già các cụ được nhà nước chu cấp, hai cụ vẫn nhổ cỏ trồng rau được nhưng dù sao chúng tôi vẫn lo lắm à. Chắc ngày mai phải lên đón hai cụ về thôi". Anh con trai nói rồi hướng dẫn cho chúng tôi đường lên… nhà mới của hai cụ Đương Khăm Phăn và Đương Thị Khăm Phăn.

"Tui nỏ có bí quyết chi mô. Cũng như dân làng Xốp Thặp, cứ sống thật với cái bụng, như cây lim trên rừng, như con suối Nhỉ quanh năm nước chảy, không để con ma xấu, ma giận lọt vào cái trốc (cái đầu) là được thôi mà" Vừa rít một hơi thuốc lào, cụ Phăn móm mém cười tiếp chuyện chúng tôi. Nghe nói vậy, Kha Văn Búa, anh bạn dân tộc đi cùng tôi cười khà khà hỏi lại cụ: "Sao trước đây, nghe nói có mấy anh ở xuôi lên hỏi chuyện, cụ còn bảo sống để í nọong (yêu em) nữa cơ mà.?" Nghe câu hỏi ấy, cụ Phăn lại móm mém cười, rít một hơi thuốc lào thật sâu.

Anh Phó Chủ tịch xã Lô Như Nam cũng ngạc nhiên thừa nhận rằng các bậc trưởng lão ở Xốp Thặp cực kỳ tình cảm. Ngoài sự vui vẻ, lạc quan của người già thì chuyện hai "trưởng lão" dìu nhau đi tắm, chăm cơm cho nhau, thậm chí tình cảm ôm nhau… cùng ngủ không phải là chuyện hiếm ở bản làng giáp biên của miền Tây xứ Nghệ này. Còn chuyện để các cụ cãi nhau, nói nhau nặng lời thì hầu như chưa bao giờ có. Người Thái ở Xốp Thặp lúc vui thì ồn ã, lúc buồn lại lặng im.

"Đôi chân của ta hàng ngày lội qua bao con suối, leo hết mấy quả đồi để lên nương làm rẫy. Thời trẻ ta khỏe như cây lim cây nghiến trong rừng kia"- cụ Khua Xẻn Hương, năm nay đã 105 tuổi kể về sự "phi thường" về sức ăn uống cũng như lao động thời trai trẻ của mình. Cụ Hương còn cho biết thêm, ở Xốp Thặp quanh năm dân bản đều ăn xôi thay cơm, rượu nếp nương ngâm với rễ cây rừng lấy trên đỉnh Phả Phông Phoong. Một chõ xôi, vài chén rượu, thời các cụ có thể leo rừng lội suối, lao động cả ngày mà không biết mệt.

Đến bây giờ, tuy không lao động nữa nhưng cũng như bà con, cụ vẫn duy trì thói quen ăn xôi và uống một hai chén rượu ngâm từ rễ cây rừng. Cùng với xôi và rượu, món ăn "đặc sản" gắn bó với bản làng Xốp Thặp hàng ngày đó là rau rừng và cá suối. Ngoài ra nếu có thêm khách, chủ nhà có thể đãi thêm món tóc đá (rêu đá) hấp với trứng chim hoặc trứng gà.

"Trước đây, nghe đồn suối Nhỉ là suối "trường thọ", nhiều người đã về đây tắm, mang nước về uống nhưng chúng tôi không tin đâu. Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi", ông Phó Chủ tịch xã cười và kể cho chúng tôi chuyện cách đây mấy năm, chính ông đã phải cùng bà con đứng ra giải thích mãi với mấy "cán bộ ở xuôi" cất công lên đây tìm "nước thánh". Theo thống kê bằng trí nhớ của anh Nam, ở Hữu Lập, ít nhất phải có trên 10 cụ thọ trên một trăm tuổi, hơn hai mươi cụ sống trên 90 tuổi còn lại trên tám mươi thì… nhiều quá, anh không kịp nhớ hết. Phần lớn các cụ sống thọ tập trung chủ yếu ở Xốp Thặp, ngoài ra còn có bản Na, Xốp Thặng.

10 giờ sáng nhưng sương trắng vẫn bảng lảng bay một góc trời Xốp Thặp như chốn bồng lai tiên cảnh. Chia tay miền biên viễn, chúng tôi mang theo sự thú vị cũng như ngạc nhiên về con suối trường thọ nơi vùng ven phên dậu của Tổ quốc này. Nhớ lại lời khẳng định của ông Phó Chủ tịch xã để tự tìm cho mình lời giải đáp. Suối Nàng Nhỉ có thể là một dòng suối mát lành, tắm xong có thể cho ta một cơ thể sảng khoái và tỉnh táo, còn chuyện tắm và uống để có thể trường thọ thì đó chỉ là… huyền thoại. Truyền thuyết về dòng suối cũng như sự dụ thầu - dụ kẻ (sống lâu, sống thọ) của người dân quanh vùng cũng chỉ là sự tình cờ của tạo hóa. Dụ thầu- dụ kẻ, ngoài sự ưu ái của thiên nhiên môi trường, thì bản thể mỗi cá nhân đóng một vai trò vô cùng quan trọng, qua tinh thần, sự hăng say lao động và nét sinh hoạt hợp lý mà hàng trăm năm qua ở Xốp Thặp, điều ấy vẫn hiện hữu rất đậm, trong từng mỗi nếp nhà, thôn bản…

Nguyễn Văn
.
.
.