Về xứ Ô Ma, Đất Đỏ

Thứ Hai, 03/08/2015, 14:52
Trên đường ven biển từ Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Bà Rịa ngày xưa người ta thường trồng cây Lêkima (Ô Ma) để có trái ăn và bóng mát cho trẻ con vui đùa. Quả Ô Ma ngọt lịm nhiều chất bột, vừa giải quyết cơn đói tạm thời, vừa có nhiều vị thuốc. Tuy nhiên, bà con xứ này không thích gọi là Lêkima, thậm chí có nhiều người không biết thuật ngữ ấy, mặc dầu trên bàn thờ đơm cả chùm Lêkima vàng ươm kèm theo nhánh lá.

Quốc lộ 55, con đường khá đặc biệt ở miền Đông Nam Bộ, bắt đầu tại thị xã Bà Rịa, qua các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, thị xã La Gi, nhập vào quốc lộ I đến 10km rồi rẽ sang Tánh Linh và kết thúc tại ngã ba Đại Bình, Bảo Lộc hội nhập vào quốc lộ 20. Đây là con đường liên kết các tỉnh miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên dài 229km.

Được đi xe máy thong dong trên tuyến xuyên rừng, đồng lúa và dọc theo hàng dừa xanh biển mặn dài cả trăm cây số không có gì thú bằng. Trong một đất nước hòa bình, người ta ví giao thông là huyết mạch để phát triển kinh tế, nơi nàao không có đường sá là đồng nghĩa gắn liền với văn minh hái lượm.

Vùng duyên hải miền Đông mang tính khai hoang rõ nét, vì có khá nhiều đình làng, với hình ảnh đôi cọp (hổ) được khắc họa trước mặt tiền. Sử sách còn ghi lại rằng: Năm 1623, người Việt đổ bộ vào xứ Mô Xoài (vùng duyên hải Đông Nam Bộ) làm ăn. Hành trình mở đất có hai hướng, hướng thứ nhất từ Mô Xoài đi bộ về biển, hướng thứ hai từ Bình Định, Phú Yên đi bằng ghe vào chắn cứ các cửa sông thành lập làng. 

Tư liệu còn ghi: Từ cuối thế kỷ thứ XVIII, khi bị quân Nguyễn Huệ đánh bại ở Gia Định, vua tôi Nguyễn Ánh rút về Bà Rịa Xuyên Mộc, dựa vào số địa chủ nhỏ ở đây để tích trữ lương thực, vũ khí, củng cố lực lượng để chống trả Tây Sơn. Phước Bửu còn di tích Núi Kho, Bình Châu còn di tích giếng Ngự (giếng Ngự là giếng để vua dùng).

Trải qua trên 300 năm hình thành và phát triển, vùng duyên hải này trở thành phố thị, là chuỗi du lịch sinh thái kéo dài từ Vũng Tàu ra đến Bình Thuận.

Ẩn sĩ thời nay

Hai mươi năm trước, trên đường ven biển Hồ Tràm thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi tình cờ gặp một người trung niên cao to như Lỗ Trí Thâm đang cõng mẹ đi bách bộ. Ở thời buổi này gặp được hình ảnh người đàn ông trên 40 tuổi cõng mẹ đi dạo là điều quý hiếm, đôi lúc tò mò. Sau này tôi mới biết, người cõng mẹ là kỹ sư hàng hải Lê Minh Ngọc, Việt kiều Nga (Liên Xô cũ) xuất thân từ một gia tộc đẳng cấp ở Sài Gòn - Gia Định xưa.

Ngày ấy, đất Hồ Tràm còn hoang hóa, chưa có các dự án du lịch như bây giờ. Nhà vườn của anh nằm ở phía Đông Phước Thuận. Đó là ngôi nhà xây nhỏ, xung quanh có đến 7 cây Ô Ma chen chúc lá xanh, trái rụng vàng trên sân cát không ai thèm nhặt. Trong nhà của kỹ sư Minh Ngọc có nhiều ảnh cha mẹ anh chụp với Bác Hồ và những tấm huân, huy chương do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên dài ngoằng, được treo trên tường một cách trân trọng. Ở Việt Nam, ngày ấy cho đến bây giờ, gia tộc nào lưu giữ được những tấm ảnh chụp chung với Bác đều được xem là vinh dự. Tôi thân quen rồi trở thành tri kỷ với anh bởi tình người, phong cách điềm đạm và kiến thức sâu rộng của anh, chứ không phải vì chiến tích một thời vang bóng của dòng tộc.

Mùa hè năm 1996, tôi đào được một cây mai rừng, gốc to bằng ngón chân cái mang về trồng ở trước sân nhà anh. Đáp lại, mẹ anh tặng cho tôi chiếc võng như là “bánh ít đi, bánh quy lại”. Bây giờ cây mai trước sân nhà anh đã to bằng bắp đùi, cứ mỗi độ xuân về nở hoa vàng rực và chiếc võng, tôi vẫn treo lủng lẳng ở phòng khách như là kỷ vật một thời để nhớ.

Kỹ sư Ngọc là người trầm lặng, sống nội tâm. Bố là giáo sư, mẹ là bác sĩ tập kết ra Bắc vào 1954 giữ nhiều chức vụ quan trọng. Sau khi học hết cấp III tại Hà Nội, anh sang Nga học đại học, rồi trở thành sĩ quan hàng hải đi nhiều nước trên thế giới theo những chuyến viễn hành. Là con một, lại sống trong một gia đình đầy đủ tiện nghi, nhưng anh về rừng để tu tâm tại gia là điều hơi lạ. Trên đời này gần như mọi người đàn ông đều mơ ước một sự nghiệp, tiền tài, danh vọng. Họ xem đó như một chỉ tiêu để đạt đến. Riêng anh, một người có nghề nghiệp lại thừa hưởng cả một tài sản hữu hình và vô hình của ông bà nội ngoại để lại tại Sài Gòn. Vậy tại sao anh quyết định về với thiên nhiên? Anh đúng hay sai!

Tuần rồi, nhân lúc tôi với anh đi dạo biển về, tôi bê hết sự kiện đời người đặt hết lên bàn. Hôm ấy, rừng núi lặng yên, bầu trời hong hong nắng dưới sân lăn lóc những quả Ô Ma chín vàng nằm im lìm trên đất.

Kỹ sư Ngọc pha hai tách cà phê phin, chúng tôi ngồi tựa lưng vào chiếc ghế mây cũ kỹ đã trải qua nhiều năm tháng, nhìn những giọt cà phê từ từ nhỏ xuống. Để âm nhạc song hành với tâm thức, ông kỹ sư mở bài hát “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh công Sơn do Khánh Ly thể hiện, nội dung bản nhạc nghe như lời cảnh báo. 

Anh chậm rãi như một nhà hiền triết: Suy cho cùng, vòng đời của chúng ta cũng giống như những giọt cà phê, loại thức uống này không chỉ đơn thuần nhâm nhi quá khứ mà còn suy ngẫm cuộc đời. Cà phê nhỏ giọt là sự kết hợp của đất trời và lòng người, đó là sự kết quyện của cay đắng, ngọt bùi, nóng lạnh, âm dương. Con người khi đã vào vòng xoáy thế lực, bạc tiền khó có thể tra kiếm vào vỏ được. Vì thế, tôi chọn con đường khác. Trong cõi người ta ai cũng tồn tại vài chục năm rồi cũng trở về với đất, hơn thua, thù hận nhau để làm gì.

Anh thay ấm trà mới, tiếp tục: “Lúc ở Hà Nội, ba tôi nói: Trong gia sử Việt Nam, nền tảng của một gia tộc là tri thức chứ không phải tài sản hữu hình. Tôi xuất thân trong một dòng tộc tạm gọi là đầy đủ, êm ấm, nhưng ông vẫn động viên tôi ra nước ngoài để trải nghiệm. Khi ở trường đại học, sống chung với các bạn đủ màu da, lúc ấy tôi mới nhận ra thế nào là một quốc gia yếu mạnh. Ở một số nước, chính phủ trang bị cho sinh viên như một sản phẩm cuối cùng đầy đủ về chất lượng, mẫu mã có thể hội nhập ngay với thương trường.

Là một sĩ quan hoa tiêu với những năm tháng lênh đênh trên biển, tôi nhận ra bình minh và hoàng hôn tựa như một đời người. Sau này tôi gặp Margaret, người bạn gái Ba Lan cùng đồng hành với tôi trên một quãng đường đời. Chúng tôi có một cháu trai mang tên Lê Minh, đó cũng là lúc chúng tôi chia tay vì khác biệt quan điểm dạy dỗ con cái. Lúc đó có lẽ buồn nên quyết định đi tu. 

Chuyến hành trình đầu tiên tôi về Jerusalem, bây giờ là “Vùng đất thiêng” trong thùng thuốc súng Trung Đông để tìm hiểu 3 tôn giáo lớn là Hồi giáo, Thiên Chúa và Do Thái. Ở Jerusalem, khi đêm về, nhìn từ dưới chân núi mang vẻ đẹp lung linh, huyền ảo như những giá trị tôn giáo linh thiêng mang trong mình nó. Nhưng cũng từ nơi đó, tôi phát hiện ra nơi đây ít người theo đạo Thiên Chúa. Tôi trở về Ấn Độ, xứ sở của đạo Phật, cũng lại phát hiện người Ấn Độ đa số theo đạo Hindu. Rồi đang lúc ở Thái Lan tìm kiếm bình minh ở cửa Phật, được tin mẹ ốm nặng, tôi trở về Việt Nam. Có lẽ số phận mình chưa có duyên với đạo!

Vì là con một nên khi về nước mẹ tôi bắt tôi phải lấy vợ sinh con, theo truyền thống của nước mình. Chúng tôi có thêm một cháu gái. Thằng con trai đầu của tôi mang dòng máu Việt - Ba Lan, sau khi tốt nghiệp đại học Anh Ngữ ở Australia quay trở về tìm bố. Tôi đưa các con tôi trở về thiên nhiên với cuộc sống đạm bạc. Hai vợ chồng cố gắng tải hình ảnh núi rừng, cây cỏ, vật nuôi vào tâm thức các cháu để hình thành tính cách khởi điểm vừa có tình yêu thiên nhiên, vừa đọng lại ký ức tuổi thơ trước khi về hội nhập thành phố.

Anh dạy con bằng phương pháp thực hành, có nghĩa là anh cứ cho con tiếp cận rồi mới phân tích. Gần như anh không cấm cản điều gì. Anh cho con lấy tay sờ vào nồi cơm đang nóng, dẫn con đi xem những tai nạn chết người, thậm chí cho con hút thử cần sa, thuốc lá, rồi mới phân tích nhân cách và nghĩa khí con người. Chính những trực quan đó, các con anh sẽ biết tồn tại như thế nào, vì cha mẹ không phải lúc nào cũng là bóng râm cho con cái nương nhờ.

Chia tay anh, tôi vào gian thờ tự của gia đình đốt 3 cây nhang tưởng nhớ bố mẹ đẻ của anh, những người có học hàm, học vị một thời cống hiến cả tuổi xuân ra Bắc vào Nam. Khi tiễn tôi ra cổng, anh nhỏ nhẹ: “Hạnh phúc chính là con đường mình chọn để đi”.

Người chủ quán cô đơn

Trên đường về quê hương của chị Sáu anh hùng ở huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vùng đất được nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đặt tên “Mùa hoa Lêkima nở” vào năm 1957, bây giờ hiếm được gặp cây Ô Ma nữa. Đất Đỏ hiện nay là phố xá, nhà cửa sát liền nhau. Bên cạnh tượng đài của chị Sáu là bùng binh đầy hoa với những con đường rộng đẹp. Ở Đất Đỏ hiện nay không ai gọi vị nữ anh hùng này bằng chị nữa, gần như họ gọi bằng cô. Nghe nói chị Sáu linh thiêng lắm, đã lên chức cô rồi. Lớp trẻ 9X, 10X, nếu có hiểu nhầm nhau chuyện gì, chúng hẹn nhau lên đền thờ cô Sáu thề, ai nói sai sẽ bị cô Sáu bẻ cổ. Chuyện cô Sáu linh thiêng có thể ngồi nghe cả tuần không hết.

Ba giờ chiều, chúng tôi trèo lên tượng đài cô Sáu thắp nhang rồi ghé quán cà phê Bi Bi hỏi thăm nhà bà Võ Thị Bảy (em kế bà Sáu). Một ông khách khoảng 50 tuổi vui vẻ cho biết: “Bà Bảy chết lâu rồi, có lẽ hơn chục năm. Tội bả, khi chết rồi còn mang tiếng ác, nhưng mà ác đúng!”. “Sao lại ác đúng?”, tôi hỏi. 

Ông khách tiếp tục: “Hơn chục năm trước, tượng đài cô Sáu chưa có hàng rào xây như bây giờ, chỉ có hàng râm bụt. Người lạ và trẻ con cứ nép hàng râm bụt đứng đái, nhưng chỉ trong chốc lát sẽ kêu lên á á..! khá to. Đố ông biết vì sao họ kêu”. “Chắc là bị cô Sáu phạt góc!”, tôi nói. “Đếch phải! Bị bà Bảy đánh. Từ lúc có tuổi, bà không ngồi chợ bán bún nữa, sáng chiều bả cầm cái roi sau lưng đi vòng vòng hàng râm bụt, gặp em nào mang bệnh “đái đường” là chắc chắn kêu ré lên vì cây roi của bà. Vì thế mang tiếng ác đúng”. “Thế đã có lần nào ông bị ác đúng chưa?”, tôi vỗ vai ông, cười khặc khặc. “Trời! Chắc ông ở đâu mới tới hả! Tám Hoành này là dân gốc ở đây, có bà con xa với cô Sáu, ai làm vậy”, ông khách nói.

Tám Hoành, người kể chuyện quá khứ về bà Bảy cho biết thêm: “Quán cà phê Bi Bi đây, trước kia là nhà của bà Bảy. Sau này giao cho Út Hiền mở quán bán cà phê. Chuyện cô Út hơi lạ à nha! Là vì nó là con gái mà được giao tài sản và thờ cúng dòng tộc, trong khi còn mấy thằng anh đang sống sờ sờ ra đó. Ông mà gặp  Hiền còn nhiều chuyện hay nữa. Tôi thấy nó mới xách xe chạy đi đâu, chắc cũng sắp về, nó là chủ quán mà, đố nó dám đi lâu.” Cùng lúc ấy, một phụ nữ chạy xe tạt vào, Tám Hoành chỉ tay: “Nó về kìa! Tội nghiệp, trẻ đẹp vậy mà không được lấy chồng. Bà Sáu cũng ác…!”, ông chặc lưỡi nhìn về người phụ nữ đang dắt xe vào nhà.

Cô Út Hiền tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Hiền, sinh năm 1972, là một phụ nữ cao ráo, mạnh khỏe, khá đẹp, nước da mặn mòi của người vùng biển, nói rặt giọng Đất Đỏ. Biết tôi muốn tìm hiểu về dòng tộc bà Sáu, cô Út rất vui, cô dẫn tôi đi xem hết khuôn viên đất của gia đình. Cuối cùng vào thăm bàn thờ gia tộc. Điều tôi chú ý trên bàn thờ có đến 5 tấm ảnh. Từ trái sang phải ảnh bà Sáu, ông bà ngoại và cha mẹ của cô Út. 

Thấy tôi chăm chú nhìn từng di ảnh, cô kể cho tôi nghe bằng giọng buồn buồn: “Gia đình em có 11 anh chị em, ông anh thứ tư chết, còn lại 10 người. Cô Sáu không cho em lấy chồng, mỗi lần em thương ai đều bị bệnh. Thực ra em cũng có một đời chồng, lúc em 20 tuổi, nhưng chỉ ở với nhau được 3 tháng, cô bắt em về. Cô nói: “Mày phải giữ nhà này để thờ tự chăm sóc mồ mả ông bà!”. 

Ngôi nhà này của cha mẹ em. Ngày trước ở trong hẻm không được đẹp như thế, sau này nhà nước phóng đường, em ra mặt tiền mở quán cà phê cũng có đồng ra đồng vào. Bây giờ em nặng gánh lắm, phải chăm lo mồ mả gia tộc ở  Long Mỹ. Cách đây vài tháng, chính xác là tháng 10 năm 2014, em xin cô Sáu cho em được lấy chồng, cô vẫn không cho. Chắc em sẽ ở vậy”, Út Hiền nói đều đều mang âm sắc buồn buồn.

Quán cà phê của Út Hiền mang tên Bi Bi, nằm ngay ngã ba tượng đài Võ Thị Sáu. Tại khu này đường rộng nên gió thổi từ biển vào thông thống. Lúc tôi đến quán có khoảng 10 khách, đa số đều ở U40 trở lên, là dân tại địa phương vì nghe giọng Đất Đỏ. Tôi gọi cà phê, xin được nói chuyện với cô tại quán. Tôi hỏi: “Vì sao Út Hiền biết được cô Sáu không cho Út lấy chồng?”. 

“Trời! Cô linh thiêng lắm! Ở đây ai cũng biết. Cô thường nhập hồn vào người lạ, nhất là con gái người Bắc. Mỗi lần cô nhập cũng tội cho người ta. Anh nghĩ coi! Mấy chị đó sinh ra và lớn lên ngoài Bắc, chưa một lần vào Nam. Vậy mà vô nhà em chắp tay sau lưng đi luồn cửa trước, cửa sau như người trong nhà, nói rặt giọng Nam. Lúc đầu em không tin nhưng gặp hoài, bây giờ em tin lắm. Sau lúc nhập hồn, họ ngã lăn ra nằm thở tội lắm! 

Chuyện mới đây nhất tháng 10 năm 2014. Một chị tên H, là tiến sĩ ở ngoài Bắc. Nhân lúc chị ra thăm khu Hàng Dương ở Côn Đảo, bị cô Sáu nhập hồn bắt chị phải về Đất Đỏ gặp em. Buổi sáng em đang bán cà phê, có một người phụ nữ lạ khoảng 40 tuổi, khá đẹp, người rất mi nhon, ghé vào quán nói tiếng Nam giọng sang sảng như lãnh đạo. Nhiều lần gặp thế nên em bình tĩnh lắm, chị ấy bảo: “Út! Mầy với tao ra tượng đài để xem bây giờ ra sao!”. Em gửi quán cho đứa cháu giữ, dẫn chị ấy đi. 

Mọi người đang uống cà phê nghe thấy chạy theo khá đông. Khi đến chân tượng, chị ấy khóc lóc đập đầu vào đá, nói thảm thiết: “Phần tao thì nhà nước lo rồi, còn mồ mả cha mẹ tao ở Long Mỹ bị mấy người khác rào đường không cho vào, đất càng ngày càng thụt vô, không ai chăm sóc. Con Út! Mầy phải xây lại hàng rào để giữ đất, sẽ có người khác lo tiền. Mầy phải đi liên hệ với họ!”. Người phụ nữ nằm vật xuống thở dốc rồi chuyển sang giọng Bắc. 

Tuần sau em ra Hà Nội tìm cô H, đó là lần đầu tiên em đi Hà Nội bằng máy bay. Đến tháng 2 năm nay có một ông làm bảo hiểm ở Sài Gòn lên xây hàng rào 400 triệu. Coi như mồ mả ông bà ngoại và ba má em ở Long Mỹ được xây cất xong xuôi”.

Nghe Út Hiền kể chuyện nhập hồn của cô Sáu, chuyện hư thực thế nào chưa biết, nhưng với gương mặt phúc hậu của Út, tôi nghĩ là cô nói thật. Sáng hôm sau, tôi trở lại gặp Ban quản lý Khu di tích Võ Thị Sáu, được anh Hồ Văn Được, Phó ban cho biết: “Tượng đài cô Sáu được tỉnh xây năm 1985, đến năm 2000, Bộ Công an cho thêm 800 triệu để nâng cấp. Còn phần mộ ông bà, nghe nói có một người thiện nguyện Hà Nội vào xây ở Long Mỹ, không phải tiền nhà nước”.

* * *

Ngày rời Đất Đỏ, chạy xe một mình ra biển, nhìn mặt biển mênh mông, tôi nhớ dãy hàng rào xây bao bọc của bố mẹ cô Sáu. Tôi gọi tên cô khấn vái: “Nếu cô Sáu linh thiêng, cô xây một hàng rào biển Đông, cô bẻ cổ mấy thằng xâm lược vào hải phận nước mình cô nhé!”.

Trên đường về núi, mang theo tâm trạng của kỹ sư Ngọc, nỗi ưu tư của Út Hiền. Cả hai con người này đều nặng nợ gia tộc, hồn đất, hồn người. Suy cho cùng, trong một kiếp người, nếu mình không lo được cho sơn hà xã tắc thì hãy lo cho gia đình, dòng tộc của mình. Nếu một trong hai không làm được thì cuộc đời sẽ vô vị biết bao!

Người cung cấp tư liệu:

1- Bà Nguyễn Ngọc Hiền (cháu ruột anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu)

Chủ quán cà phê Bi Bi ngã ba tượng đài Võ thị Sáu, thị trần Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2- Ông Hồ Văn Được, Phó ban quản lý Khu di tích Võ thị Sáu.

Bà H, người Hà Nội trong ký sự là Nguyễn thị Kim Dung, Tiến sĩ trồng trọt đang công tác ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Người trực tiếp xây mồ mả hàng rào tên là Tuấn, đang làm việc ở bộ phận bảo hiểm VietNam Airlines (tư liệu do Út Hiền cung cấp). Út Hiền cũng kể rằng: Ông Tuấn hứa lèo với cô Dung về tài trợ tiền xây cất mồ mã nên bị cô Sáu hành cho “lên bờ xuống ruộng”. Sau khi xây xong, ông Tuấn mạnh khỏe, chơi tennis ngon ơ!

Ký sự: Như Long
.
.
.