Ven bờ Đạ Rnga, mùa xuân đang còn ở lại

Thứ Tư, 25/03/2015, 18:00
Con sông nhỏ mang tên Đạ Rnga chảy uốn lượn qua hàng chục buôn làng Kờ Ho, Mạ trước khi nhập vào sông La Ngà đổ về hồ thủy điện Hàm Thuận Đa Mi ở Đông Nam Tây Nguyên. Vào mùa nắng, dòng nước xanh trong thấy cả đá chập chờn dưới đáy.

Ngày xưa con sông này được bà con  xem là con nước thiêng, còn bây giờ nó là vật cứu tinh cho hàng ngàn hécta cà phê, chè khi vào mùa khô hạn. Ven bờ Đạ Rnga là những chứng tích thăng trầm của đất và người hàng bao thế hệ.

Dần dần trở thành thông lệ. Hằng năm cứ vào những ngày “mùng” sau Tết là có vài anh em Kờ Ho, Mạ điện thoại rủ tôi vào buôn ăn nhậu tổng kết chuyện đời, chuyện trời. Và cứ mỗi năm câu chuyện mang thêm màu sắc, ngay cả thức ăn và quần áo cũng dần đổi khác. 

Năm nay tôi mặc bộ Kờ Ho vào buôn, đến khi nhập tiệc nhìn quanh quất chỉ có mình tôi là dân tộc thiểu số còn bà con đã trở thành đa số. Áo quần của các bạn tôi đẹp và mới hơn trong khi bộ Kờ Ho của tôi đã qua 4 lần cà phê nở. Đã có người nhìn tôi cười ngất còn vỗ tay đôm đốp chào mừng người anh em đã gắn bó qua mấy mùa bông bí nở.

Ven bờ Đạ Rnga

Trước năm 1954, các buôn B’Đơ, B’Kọ, B’Lá, Nau Sri… mỗi buôn có 5-7 nhà dài, mỗi nhà dài có 8-10 gia đình của người Kờ Ho, Mạ nằm ở ven sông Đạ Rnga. Một số người dân bản địa tại đây đã từng làm công phục dịch cho các đồn điền trà Pháp - Việt như: bảo vệ, cắt cỏ cho ngựa, đi mua thức ăn cho heo, có người làm cả lái xe kiêm thông dịch viên nhưng đa số bà con vẫn kiếm sống từ rừng.

Đầu năm ghé thăm cụ K’Bàn người Mạ gần 100 tuổi ở buôn B’Lá xưa, bây giờ là thị trấn Lộc Thắng thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Người già luôn sống bằng quá khứ, cho dù đang thức hay ngủ, quá khứ vẫn hiện về mồn một mà không cần kịch bản trường quay hay đạo cụ ánh sáng. Thỉnh thoảng có dịp đi ngang qua, tôi vẫn dành thời gian ghé thăm ông, và cứ mỗi lần được gặp, ông say sưa kể về quá khứ kể về một thời oanh liệt của mình.

Ông K’Bàn là người có phong cách giao tiếp lập dị, mỗi khi gặp người Kinh lạ đến nhà thăm, ông chỉ nói tiếng Pháp. Vì trước đây ông là lái xe kiêm thông dịch viên cho các ông chủ đồn điền của Tây (Pháp). Việc ông sử dụng ngoại ngữ có lẽ để biết người đối diện là ai hoặc để chứng tỏ mình là người sắc tộc có đẳng cấp!

Ông K’Bàn chưa qua trường lớp tiếng Pháp nào nhưng ông nói tiếng Tây như gió, ngặt là thời buổi ở rừng núi hiện nay, tiếng Tây đã trở thành “tử ngữ”. Vì thế mỗi lần gặp tôi, ông rất mừng như hai người bạn lâu ngày gặp lại. 

Hai năm gần đây ông bị tai biến, âm sắc lại càng khó nghe hơn. Tuy nhiên ông vẫn rỉ rả tiếng Pháp pha trộn âm sắc Kờ Ho giống như người Việt nói tiếng Anh giọng Quảng, ví dụ: Tu mó rao, Ai gao tu Đòa Loạt (Tomorrow, I go to Đà Lạt) người nghe phải có khả năng nhận ra âm sắc vùng miền mới có thể hiểu được. Bằng tiếng Pháp “giả cày”, cụ kể cho tôi nghe chuyện buôn làng một thời xa vắng và cũng thông qua cụ, tôi biết được nhiều sự kiện nguyên chất.

Trong những lần gặp tôi, bất kỳ câu chuyện gì ông cũng mở đầu bằng thuật ngữ Antan (Ngày xửa, ngày xưa) rồi nghĩ một tí mới tiếp tục, ông “Antan” như nói với mình: “Ngày xưa người dân tộc không có nước máy, không biết đào giếng nên chỉ bám theo dòng suối dòng sông để lập buôn làng. Con sông Đạ Rnga được bà con xem là dòng nước thiêng, sông này phát nguyên từ dãy Lú Lùng chảy qua buôn B’Lá rồi qua buôn B’Kọ, Nau Sri xuống Đạ Bin, Sapung đi cả 40 chà gạc (người dân tộc đi rừng mang theo chà gạc để làm vũ khí phòng thân luôn vắt trên vai, đi khoảng 3km thì đổi vai. Vậy đi 40 chà gạc khoảng 120 cây số - PV)”.

Đối với bà con, buôn làng nào cũng có vài bến nước, bến của đàn ông, bến dành cho đàn bà hoặc bến nước thiêng ở đầu buôn dùng để lấy cúng thần. Người Kờ Ho được chia làm hai nhóm là Nộp và Chrê. Người Nộp sống trên vùng bán sơn địa làm rẫy, người Chrê sống ở vùng trũng làm ruộng. Tất cả các cư dân này cho dù sống ở cao hay thấp cũng đều bám theo dòng nước để tồn tại.

Người Kờ Ho, Mạ có thói quen chỉ tắm giặt ở một bến nước cố định. Nơi đó còn gọi là bến tắm, bến tắm thường được hình thành một cách tự nhiên ở những nơi có không gian rộng rãi, thoáng đãng cũng là nơi giao hòa, hội tụ, hợp nhất giữa trời, đất, nước và con người. Chính vì vậy, nơi ấy đã trở thành không gian văn hóa, không gian tâm linh của các dân tộc thiểu số vùng cao là nơi vừa trần tục, lại vừa thiêng liêng.

Ngày Nhà nước đắp đập ngăn dòng chảy sông La Ngà để xây đập thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi, hàng trăm gia đình Nộp - Chrê phải dời đi nơi khác. Mỗi gia đình này được đền bù cho mỗi căn nhà mới xinh đẹp kể cả giếng đào sử dụng nước ngầm. Vì vậy, mỗi lần tắm giặt một mình lặng lẽ tại giếng, bà con lại nhớ về bến nước, nhớ những tiếng cười, nhớ tiếng lội bì bõm, tiếng tóe nước vào nhau rạt rào và nhớ cả những lời hò hẹn. Mất đi bến nước họ cảm thấy mất đi nét văn hóa ven sông của một đời người.

Năm 1962 gần như tất cả các buôn đầu nguồn Đạ Rnga được chính quyền chế độ cũ gom về chân núi Sa Pung để thành lập làng ấp chiến lược sinh sống, vì nơi đó có hai dòng nước giao nhau, nhiều tôm cá và đất rộng phì nhiêu để trồng lúa bắp. Đến ngày đất nước thống nhất, bà con xin về làng cũ bây giờ. Tuy nhiên, vào thời điểm trở lại quê là lúc nhiều gia đình ly tán, người theo FULRO, người về với chính quyền mới. Không ít gia đình gồng gánh về lại chốn xưa trong niềm vui mới xen lẫn ngậm ngùi vì còn người thân ở lại trốn vào rừng.

Ông K’Prẻoh, 68 tuổi, người Kờ Ho, bây giờ là đại gia cà phê, nhà cao cửa rộng ở buôn Bờ Kọ, đã từng là lính chế độ cũ mang lon hạ sĩ nhất. Ông có cha ruột là cán bộ đảng viên nên được tham gia du kích địa phương truy quét FULRO lập nhiều chiến công, được Nhà nước khen thưởng.

Những ngày sau Tết, đại gia K’Prẻoh ngật ngưỡng rượu bia, trong cơn say ngà ngà, ông cầm tay tôi giật giật: Mẹ! chuyện đánh mấy thằng đó cũng dễ mà khó, ở ven sông này, tụi nó có mấy chục thằng lẩn trốn trong rừng thiếu ăn, thiếu đạn. Mình càn vô cấp đại đội hay tiểu đoàn không cần nổ súng, chỉ bóp “trym” cũng đủ chết, nhưng khốn nỗi bộ đội nhà mình đâu biết thằng nào là FULRO thiệt, thằng nào giả, vì nếu nó bỏ súng là thành dân thường mà. Còn cỡ như tui nhìn mặt biết ngay. Thằng này là K’Pọp con ông K’Sẻ, thằng này lạ nhưng nước da tái tái là chính hắn rồi. Mấy thằng quen hoặc bà con thì dễ òm, mình bắn tiếng với chúng nó rằng sẽ an toàn nếu về với bà con, tao dẫn đi trình diện rồi về nhà làm ăn.

Mình còn nhớ vào cuối tháng 5/1975 được đi càn chung với bộ đội là Trung đoàn 66 và Trung đoàn 24 có ông Phạm Xuân Thệ là Trung đoàn phó, người chỉ huy đánh vào dinh Độc Lập, nghe nói ổng lên tướng rồi nhưng không biết còn sống hay chết!”. (Còn sống, tôi mới thấy ổng trên TV, hàm trung tướng, về hưu rồi, tôi trả lời).

Ông KPreỏh gật đầu khà khà ly rượu: “Ông này hơi bị giỏi à nha! Ổng cho lính đi vận động, truy quét, tiêu diệt FULRO, vừa cảm hóa bà con dân tộc Kờ Ho ở vùng này. Ban ngày, ổng cho bộ đội cùng với dân lên rẫy trồng tỉa, thu hoạch lúa bắp. Ban đêm tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ buôn làng.

Tết năm 1976, bộ đội và bà con cùng nhau ăn tết theo từng hộ. Tết đó được chuẩn bị đầy đủ lắm à nha! có bánh chưng, thịt heo, giò, dưa hành. Mỗi gia đình dân tộc Kờ Ho đều có 3 chiến sỹ đến cùng ăn, ở, sinh hoạt và chuẩn bị Tết với không khí đầm ấm vui vẻ.

Kết quả “trận chiến Tết” ấm tình quân dân không tiếng súng đã làm cho lực lượng FULRO bị cảm hóa và dần bớt hung hăng đến khi tan rã. Bây giờ mấy thằng theo rừng núi đó có thằng giàu sụ, ông muốn đến ăn tết với tụi nó không, tôi dẫn đi nhưng đừng nhắc tới chuyện ngày xưa sợ nó buồn, tội nó ông ơi!”.

Buôn làng ở ven sông Đạ Rnga hôm nay cuộc sống khác xưa thật nhiều, bà con không còn trồng lúa bắp khoai chỉ trồng cà phê, chè. Ngày mồng 10 tết gặp các chị đi trên đường bê tông trong thôn xóm với áo quần rực rỡ sắc màu, tôi giả vờ hỏi: “Năm nay nhà thu được nhiều lúa không chị ơi?”. Các chị nhìn tôi từ đầu tới chân thương hại: “Bây giờ đâu còn ai trồng lúa nữa, trồng lúa sao đủ ăn. Ông ở đâu mới tới hả!”.

Người đi tìm thương hiệu thổ cẩm Mạ

Đa số người dân tộc gốc Tây Nguyên bây giờ đời sống vật chất khá cao từ khi Nhà nước vận động chuyển sang trồng cà phê và cũng rất ít người ở nhà sàn thay vào đó là nhà xây cấp 4 hay nhà tôn vách ván, ra đường đi xe máy, điện thoại di động bỏ túi quần, có người vừa chạy xe máy vừa nói chuyện cười khằng khặc. Dân lạ đến Tây Nguyên đôi khi vào làng dân tộc rồi vẫn nghĩ là xóm làng người Kinh.

Năm rồi tôi dẫn một người bạn Sài Gòn đến thăm làng Kờ Ho Đạ Nghịch, lúc dừng chân ở giữa làng nhưng bạn vẫn hỏi đến buôn chưa! Vì có quá nhiều nhà xây, trước sân là hoa giấy đỏ tươi. Cuộc sống từ lợi tức cây công nghiệp nâng cao, các phương tiện phục vụ cho người như quần áo, gạo, thực phẩm đều mua ở chợ, đồng nghĩa với các nông cụ dần dần mất đi. Đến Nam Tây Nguyên hiện nay khó tìm thấy cảnh giã gạo như tiếng chày trên sóc Bom Bo nữa, thậm chí có nhiều đám cưới chú rể người Kờ Ho mặc áo vest nhảy vũ điệu Valse như Tây.

Trên đường đến buôn Bờ Su Mang Ly xưa nay là xã Lộc Tân, tình cờ gặp lại K’Met một trung niên người Mạ sinh năm 1975. K’Met là một đại gia cấp xã, anh có 4 mẫu cà phê, một máy cày và căn nhà 2 tầng khang trang. Lần này gặp anh đang ngồi quán, ăn cơm sườn, hút thuốc lá con mèo phì phèo rung đùi nghe nhạc.

K’Met mời tôi vào nhà ăn tết, anh khoe: “Nhà có bia Sài Gòn xanh, có cá dưới ao, hai anh em mình làm chút chút cho đời thêm hoa lá, làm việc cả năm mà!”.

Khi men bia đã thấm, K’Met gật gật đầu: “Trong đời làm thằng đàn ông của người Mạ có ba điều vui. Điều thứ nhất mình được mẹ đẻ ra, điều thứ hai được cưới vợ và điều thứ ba là được về với Yàng, bây giờ gọi là nước Chúa! Ông có biết vì sao ngày xưa người Mạ chết 7 ngày mới chôn không!”.

“Chắc do phong tục” - Tôi đoán mò.

“Đách phải! Ngày xưa ở trong rừng làm gì có hòm sẵn để chôn. Sau khi nhà có người thân chết, dòng họ nhờ 5 người đàn ông vào rừng hạ cây to rồi chặt ra dài 2m, sau đó dùng rìu khoét bụng cây, làm nắp hòm, cơm ăn cơm dỡ 7 ngày mới khiêng về tới nhà.

Trong lúc chờ đợi ngày chôn, bà con hàng xóm kéo đến ăn uống chia vui, người khá giả mang heo, người nghèo mang gà mang rượu mang gạo đóng góp, có người rượu vào ngồi một mình hát Yalyau ngon ơ! Vì chết là niềm vui thứ ba mà! Bây giờ nhà có người chết ra chợ mua cái hòm vài triệu là xong. Thôi bỏ chuyện đó đi ông ơi! Mới tết mà nói chuyện khuân hòm xui thấy mẹ!”. K’Met tự kể và tự dừng.

Sau bữa tiệc đầu năm, K’Met dẫn tôi đến nhà K’Hải. Anh Hải là người Kinh nhưng được bà con Mạ cho mang họ K, vì ông là người đầu tiên phục hồi văn hóa thổ cẩm Kờ Ho, Mạ ở buôn. Anh Hải chào đón chúng tôi dưới tán cây xanh trước cửa nhà với bộ rễ sần sùi tỏa bóng mát rượi.

Anh K’Hải tên thật là Nguyễn Đức Hải sinh năm 1964 tại Hà Tây cũ, vào BLao năm 1992 và định cư ở buôn Bờ Su Mang Ly năm 2000. Nhìn cơ ngơi đồ sộ của anh là một giấc mơ của nhiều người, ngôi nhà rộng thênh thang bên trong được trang trí mang hình bóng sơn dã. Hai đứa con trai của anh đều tốt nghiệp đại học. Ở Tây Nguyên, đặc biệt sống giữa rừng có con tốt nghiệp đại học là điều quý hiếm.

Ông K'Hải.

Điều tôi thấy lạ là trong thời gian hai anh em ngồi chung xe máy, gặp người quen dân tộc nào anh cũng có câu chuyện để nói cười vui vẻ hoặc mời vào quán làm lon bia cho mát ruột, hỏi thăm chuyện nhà cửa con cái, rồi giúp họ những gì có thể như xin việc hoặc làm giấy tờ không kèm điều kiện. Chính vì hành động thiện nguyện ấy, bà con trong buôn xem anh như một vĩ nhân xã lẻ.

Đi với anh vài giờ, tôi mới nhận ra đó là phong thái của một nhà kinh doanh đi lên bằng đôi chân của mình là làm bạn với tất cả mọi người trước khi làm ăn, khác với những người giàu có đi lên từ buôn bán cơ chế, phân phát quyền lực theo phong cách làm ăn trước khi làm bạn.

Trên đường đi thỉnh thoảng thấy anh xoa trán. Tôi nhìn lên thấy vài ba nốt đỏ bầm nên hỏi, được anh trả lời: “Sáng nay bị ba cây nhang đâm vào. Số là rằm tháng giêng nào, tôi cũng vào nghĩa trang thắp nhang cho ông Hoàng Nhật Giang chủ doanh nghiệp trà Bảo Tín, tôi xem ông ấy là người bố thứ hai của tôi. Năm 1992 khi vợ chồng tôi vào Nam đời sống quá khó khăn nên vào nhà ông xin làm phụ hồ, do làm việc có tinh thần trách nhiệm nên được ổng thương như con rồi hướng dẫn công ăn việc làm từ phụ lên thợ hồ rồi làm thầu khoán xây dựng mới có ngày nay. Dân Bảo Lộc không biết vì sao họ ít trân trọng người Huế, nhưng Huế cũng có người tốt lắm ví như ông trà Bảo Tín. Đó là người tôi thương tưởng cho đến lúc cuối đời”.

Khi được hỏi vì sao anh mang họ K’? Thường một người Kinh được bà con cho mang họ mình phải là công dân ưu tú gắn bó với buôn làng bằng cái tâm! K’Hải bập điếu thuốc lá lặng lẽ: Đó là một quá trình dài, người chăm lo cho cá nhân thì cuộc sống riêng dư dả, người lo cho xã hội bằng cái tâm thu nhập ít hơn nhưng được mọi người trân trọng. Tôi trở nên khá giả từ buôn làng nhờ trồng chè rồi làm thầu khoán xây dựng mua đất xây nhà rồi bán, nhưng tiền bạc biết bao nhiêu là đủ.

Hằng ngày tiếp xúc với các già làng như K’Mót, K’Xéo các ông vẫn đau đáu nghĩ về nghề thổ cẩm một thời nổi tiếng của buôn Bờ Su Mang Ly, bây giờ không còn nữa. Sống với bà con 15 năm tại đất rừng, tôi nhận ra một điều, mỗi lần đám cưới cha mẹ hai bên gia tộc phải mặc quần áo truyền thống, khi chết cũng phải mặc quần áo kèm theo cái mền 2x2m truyền thống để chôn, giá tiền cả triệu bạc. Khi gia đình của ai rơi vào thời điểm đó phải chạy đôn chạy đáo, nhiều khi có tiền mà không mua được trang phục nên trông rất tội nghiệp. Chính vì thế tôi bỏ ra thời gian để nghiên cứu hoa văn, họa tiết, các loại sợi và khung cửi để bà con trở lại nghề, chủ yếu là phục dựng lại nghề dệt của buôn một thời nổi tiếng.

Lúc đầu tôi tìm ra vài người dệt có tay nghề cao, giao sợi cho họ rồi hẹn ngày lấy sản phẩm trả tiền công luôn. Các sản phẩm này nhập kho coi như bảo tồn văn hóa và có thể sử dụng cho đám cưới đám ma. Dần dần bà con Mạ tìm đến rồi sản phẩm nhiều thêm nên tôi mở một công ty mang tên Bảo Thiên với chức năng bảo tồn văn hóa người Mạ.

 Dệt vải

Anh biết đấy, vì ham thích nghề dệt thổ cẩm nên tôi thường đi tham quan mua nhiều sản phẩm dệt thủ công từ Nam ra Bắc. Nhìn những tấm vải làm bằng tay từ các nơi, tôi mới nhận ra thổ cẩm của người Mạ có họa tiết hoa văn độc đáo như chum, chóe, chim, người giã gạo, địu con, mặt trời… Nghề dệt thổ cẩm của buôn một thời ngủ quên, nay bừng sống. Người già ngồi trước cửa dệt cả ngày, người trẻ tranh thủ thời gian rảnh rỗi.

Anh Hải còn cho biết, anh lấy tiền nhà dẫn bà con đi tham quan nghề dệt ở buôn K’Long Đức Trọng và làng Mỹ Nghiệp của đồng bào Chăm Phan Rang, mãi hai năm sau mới được tỉnh công nhận là làng nghề. Đến lúc được nhiều hàng, anh Hải mang sản phẩm đi chào từ Nam chí Bắc ký được vài hợp đồng nhưng đa số các đại lý đều từ chối vì mặt hàng này rất khó bán.

Tuy nhiên họ còn động viên “làm kinh doanh văn hóa mục đích là giữ gìn giá trị truyền thống dân tộc là chính, phải từ từ đi lên”.

Sau này anh gặp được ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Kết quả lương duyên ấy là sự ra đời của Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc. Nơi đó thổ cẩm Mạ được tiếp cận với khách hàng.

* * *

Những ngày ra giêng, K’Hải dẫn tôi đi dọc theo đầu nguồn sông Đạ Rnga. Nơi đâu chúng tôi cũng được bà con chào đón, thưởng thức nhiều món lạ như: đọt may nấu bồi, cá suối nướng hoặc kho xả ớt, lá bép, măng rừng nấu cá lòng tong, thịt heo treo gác bếp... Nhiều nhà bắt phải ăn phải uống còn nếu không ngày mai đừng “vác mặt” đến nữa.

Già làng K’Mót, K’Pộp trong cơn say cầm vai tôi lắc lắc: “Các món ăn này là truyền thống của bà con chỉ ngày tết mới làm. Các buôn ven sông mang ơn thằng K’Hải, nhờ nó mà buôn Bờ Su Mang Ly của tao mới thấy lại cái sợi chỉ, cái khung dệt. Nhà nào cũng cộc cạch tiếng dệt thổ cẩm vui cái tai, mát cái bụng. Nếu bán chưa được thì để đó tao giới thiệu các buôn khác đến mua cho. Bây giờ ra đường, đi lễ nhà thờ các bà mặc thổ cẩm nhiều hơn. Buôn nào cũng cưới vợ cưới chồng, buôn nào cũng có người chết, rồi bà con tao cũng từ từ mua hết mà!”.

Ký sự: Trần Đại
.
.
.