Ven bờ đầm Nại

Thứ Năm, 16/07/2015, 10:00
Mỗi lần về biển Ninh Chữ ở Phan Rang, tôi thích về khu đầm Nại ngắm cây xương rồng trên núi đá. Tại đây, chúng đứng thành hàng như những người lính cầm súng canh giữ biển trời. Dưới chân núi là rau muống biển đan nhau, tạo nên một thảm thực vật xanh đầy hoa tím. Còn đầm Nại, hàng chục con người lặn hụp, í ới gọi nhau. Tất cả tạo nên một bức tranh sống động giữa biển, núi cộng với việc mưu sinh thường nhật của con người.

Hoang sơ bờ cát

Có lẽ miền duyên hải nước mình, từ Phan Rang chạy về Bà Rịa - Vũng Tàu không có nơi nào nhiều cây xương rồng và rau muống biển như Ninh Thuận. Ở vùng nắng gió khô hạn này, vào mùa nóng cả người và cây xơ xác nhưng hai loại này vẫn xanh. Màu xanh bàng bạc của xương rồng là màu không có một ngày yên bình, vì lúc nào chúng nó cũng giơ nắm đấm cả ngày lẫn đêm để đối mặt với những ai muốn phá sự yên bình.

Hai tháng trước chạy xe máy qua eo biển Cà Ná, nơi cánh đồng muối có hàm lượng Iod cao nhất nước. Tại đây còn cả rừng xương rồng đứng ven triền núi đá. Xương rồng núi thường mỏng manh, lá nhỏ, trông có vẻ ốm đói nhưng chúng vẫn hiên ngang mặc cho gió biển càn quét hàng ngày.

Không hiểu vì sao ở xứ mình từ các loài hoa đẹp đến loại đầy gai góc người ta vẫn thêu dệt cho chúng những huyền thoại tình yêu. Ở Tây Nguyên: hoa dã quỳ, hoa cúc, hoa mimosa… đều mang chuyện tình tan vỡ, cây xương rồng, rau muống biển cũng thế. Phần kết câu chuyện ấy là giọt nước mắt chia ly. Có lẽ trong đời thường, nếu người ta bị hụt hẫng một điều gì đó sẽ trở thành nỗi nhớ. 

Trong những lần ngồi buôn chuyện với các già làng ở Tây Nguyên, gần như tôi chưa được nghe truyền thuyết nào mang bóng dáng hạnh phúc mà chỉ có những cuộc ra đi không hẹn ngày về. Trong các câu chuyện ấy, người xưa cố thêu dệt những hành trình đi tìm công lý. Họ đơn độc đi kiện trời đòi mưa, kiện già làng để được ở với nhau, họ vượt núi băng rừng. Tất cả đều là khát vọng của những người yêu nhau bằng trái tim nồng cháy.

Truyền thuyết về cây xương rồng được kể rằng: Ngày xưa, khi chưa có loài người, trái đất còn hoang vu lắm. Vì vậy Ngọc Hoàng lấy một giọt nước thần nhỏ vào nắm đất tạo ra một chàng trai, người dạy cho chàng trai biết săn bắn, biết làm nhà rồi cho xuống trần gian. 

Thế nhưng chàng trai chỉ biết săn thú để tồn tại mà không biết trồng tỉa để phủ xanh mặt đất. Thấy vậy Người sai một tiên nữ xuống trông coi việc trồng cây. Nhưng khi xuống trần, cả hai không chăm lo công việc mà chỉ mải mê yêu nhau nên Ngọc Hoàng tức giận. Người bắt Tiên nữ kia về trời, nhưng nàng nhất quyết  không rời chàng trai. Với uy quyền của mình, Ngọc Hoàng biến chàng trai thành những hạt cát. 

Vì thương nhớ người yêu, cô gái cứ ôm lấy những hạt cát khóc, khóc mãi cho đến một ngày toàn thân biến thành một cây xương rồng gai góc, như để chống cự không muốn về trời, còn rễ thì ăn sâu vào trong lòng cát, cánh tay xòe ra thủ thế. Và nếu như ai đó vô tình chạm mạnh vào thân cây sẽ thấy một dòng nhựa trắng chảy ra như nước mắt của con người keo lại ngàn năm.

Chuyện rau muống biển cũng gần như thế. Thông qua những câu chuyện, người xưa muốn nhắc nhở hậu thế, chỉ có tình yêu thật sự mới tồn tại vĩnh hằng. Từ sự kiện ấy, chúng ta có quyền suy rộng ra chỉ có những người yêu non sông đất nước, mới đem thân mình giữ gìn bờ cõi mà cha ông đã đổ xương và máu mới còn lại hôm nay.

Được lang thang trên cát, mới nhận ra bờ biển nước mình như một đường cong hình chữ S uốn lượn nhìn ra biển Đông dài đến 3.260km. Đó là phước phần của một dân tộc có biển. Vì theo luật, các quốc gia này lãnh thổ được quyền nới rộng biên cương. Theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, mọi quốc gia có biển đều sở hữu lãnh hải bất khả xâm phạm dài 12 hải lý từ bờ ra, rồi từ đất liền ra 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế, xa hơn đến 350 hải lý là thềm lục địa.

Tuy nhiên để giữ được vùng trời vùng biển của cha ông để lại, người Việt mình không chỉ có lòng yêu nước mà còn sở hữu kiến thức và phương tiện hiện đại. Vì lòng yêu nước dù dài như dãy trường sơn, cao như Fansipan cũng không thể dùng sào tre để thọc rơi máy bay, tàu chiến của đối phương xâm phạm biển trời của đất nước mình.

Ven bờ đầm nước mặn

Lần trước về Đầm Nại, Tri Thủy thuộc bãi biển Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, ghé thăm mấy trại nuôi ốc hương. Ở khu đầm này có đến 6 trại. Nói là trại cho sang, chứ thật ra là những ngôi nhà tôn thấp lè tè chỉ có một vách chắn gió hướng biển còn 3 hướng khác mở toang, gió lồng lộng thổi suốt ngày đêm. Đa số những ông chủ nuôi ốc đầm Nại là dân đi biển, vì mỗi chuyến ra khơi trở về loại cá tôm phế phẩm, đem ngâm nước cơm 7 ngày chờ đến khi bốc mùi làm thức ăn cho ốc.

Hôm ấy tôi ghé trại đầu tiên nói chuyện đời với một ông chủ khoảng 40 tuổi tên là Sáu Thạnh. Sau khi biết tôi là dân viết lách ghé thăm, gương mặt Sáu Thạnh đỏ lên, chẳng những từ chối cuộc mạn đàm mà còn để mặc 2 con chó nhe nanh múa vuốt với đôi mắt sồng sộc muốn “ăn tươi nuốt sống” người lạ, đến nỗi tôi phải mang máy ảnh vội vã bước đi.

Khi qua trại nuôi ốc khác, tôi kể chuyện bị Sáu Thạnh xua đuổi. Mấy tay thanh niên đang ngồi nhậu, ngửa mặt lên trời cười sằng sặc giải thích: “Thằng cha đó có biệt hiệu là Sáu khùng, ổng mới khùng đây thôi! Số là thằng chả yêu nghề nuôi ốc, nên luôn ăn ngủ ở trại, suốt ngày lặn hụp kiểm tra còn nào bệnh con nào khỏe, đến nỗi mụ vợ ở nhà cắm cho ba cái sừng. Khi biết chuyện, lão đứng giữa hồ ốc dậm chân kêu trời rồi chuyển sang lầm lì, cộc tính. 

Chưa hết, đầu năm nay, có mấy cha nhà báo đến chụp hình, viết bài tâng bốc nghề nuôi ốc. Nào là doanh thu cao, một vốn bốn lời, sử dụng được lao động nhàn rỗi. Từ ngày lên báo, bị mấy cha có máu lạnh đến xin ốc về nhậu, xin riết nên chả khùng luôn, hay chửi sảng lắm. Tụi này là hàng xóm cũng bị chửi hoài hà. Nhưng ông đừng trách, ngó vậy mà chả sống được lắm à nha!”.

Dân đi biển, con trai dạn dày, thịt da săn lại, hừng hực màu nâu thẫm của phong ba, bão tố. Còn con gái, cũng mang nhan sắc mặn mòi của đại dương. Nhưng gái hay trai, già hay trẻ đều chung một nếp sống phóng khoáng, tự do, đầy lòng nhân ái. Bão cát, phong ba đã đi vào cả giọng nói của người duyên hải. Họ ăn to nói lớn đến mức thô kệch, chát chúa, nhiều lúc như vỗ mặt mình. 

Chuyện dân biển cãi lộn với nhau là thường ngày ở huyện. Trong lúc hơn thua, đàn ông cũng như đàn bà, họ tung hết các bộ phận cơ thể ném vào mặt người khác tưởng chừng như đoạn tuyệt, nhưng những chỉ vài ngày gặp nhau cười hề hề như chưa có chuyện gì xảy ra, lại rủ nhau nhậu tiếp. 

Có lần tôi được mời nhậu ở biển La Gi, một thị xã cuối cùng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Lúc ấy quá đói nên gắp ngay một con mực luộc bỏ vào chén của mình. Cùng lúc một thanh niên bặm trợn đưa cánh tay trần về phía tôi, trên cánh tay xâm hàng chữ khá to “Thương người uống rượu, hận kẻ phá mồi”. Tôi xấu hổ chấp tay xá xá xin lỗi, làm cả băng nhậu cười ầm lên. 

Dân biển không nhậu nơi có bàn ghế, chỉ trải chiếu dưới đất, ai cũng ở trần trùng trục, đến lúc ngà ngà cầm đũa gõ vào tô chén hát những bản nhạc theo yêu thích của mình. Ai nói mặc kệ còn người say cứ hát trong niềm kiêu hãnh.

Ngồi hỏi thăm chuyện về đời người nuôi ốc hương ở trại thứ hai. Tôi nhờ các anh em giới thiệu cho vài người dân địa phương đã sống tại đây khoảng hai, ba thế hệ, có học hành tuổi từ 60 trở lên. Cả trại nhìn nhau rồi đưa ra danh sách bằng trí nhớ đến 7 người. Sau đó loại dần từng người bằng ý kiến tập thể. Ví dụ như: Ông Năm Hải dân gốc ở Tri Thủy, 65 tuổi rất giỏi đi biển nhưng ít học, ông Bảy Hào có học nhưng không phải dân ở đây… Cuối cùng là ông Bảy Tài trên 70 tuổi đúng theo tiêu chí tuyển lựa, nhà ông ấy cách đầu cầu Tri Thủy 100m bên tay trái.

Ở miền Trung từ Bình Định trở vào Cà Mau có một phong tục bất thành văn, là khi người thanh niên đã có vợ được chuyển sang gọi nhau bằng thứ kèm với tên như Năm Hồ, Bảy Nhạn. Nhưng khi gặp gỡ chỉ gọi nhau bằng thứ như chú Năm, bác Bảy. Nếu gọi tên như trong giấy khai sinh rất dễ gây ra phiền phức, mặc dù đúng theo tên giấy tờ của họ.

Hỏi nhà ông Bảy Tài không khó. Khi tôi đến ông Bảy đang ở trần mặc quần đùi nằm võng đong đưa, tay cầm chiếc phạt phe phẩy yên lặng dưới tán cây mít già lỗ chỗ u nần. Sau khi nghe tôi trình bày lý do ghé thăm, ông nhìn tôi nhíu mày trầm tư, rồi nhỏ nhẹ: “Chắc chú mày phải sang Tư Công, nhà nó ở đối diện, nó cũng là con cháu của “qua” (tiếng địa phương “qua” có nghĩa là tôi, được sử dụng trong lúc quan trọng)”. 

Tư Công là dân có học ở đây, 68 tuổi. Tuy nó là thiếu úy địa phương quân của chế độ cũ nhưng cô, chú ruột nó là liệt sĩ cách mạng, bà nội nó là mẹ Việt Nam anh hùng. Thằng này giỏi lắm, viết được cả sách. Hình như nó mới thăm ruộng về, nên nghe hai con chó nó ử ử và tiếng mở cửa réc réc. Ông Bảy Tài tiễn tôi ra cửa rồi réo gọi Tư Công. 

Ông nói: “Đây là vùng Sông Văn- Núi Bút, nơi sinh ra của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Bây giờ Đảng và nhà nước mình có chủ trương hòa giải dân tộc không phải như xưa nữa, viết về dòng họ ông Sáu cũng chả sao. Nếu bài này được lên báo, chú mày nhớ cho “qua” một tờ để coi nhé! Nhiều ông nhà báo đến đây, ăn ngủ nhà “qua” hứa nhăng hứa cuội, đến khi xong việc đi biền biệt chẳng thấy tăm hơi!”. Ông vỗ lưng tôi hai ba lần rồi lịch sự khép cổng.

Anh Tư Công, tên đầy đủ là Lê Thành Công, sinh năm 1947 tại Tri Thủy. Vóc người vừa phải, da ngăm mặt tròn, tóc muối tiêu, miệng lúc nào cũng cười nhẹ nhàng, nụ cười hiền khô của dân duyên hải. Tôi quý anh như một hiền sĩ.

Suốt một ngày, anh Tư dẫn tôi đi hết vùng Tri Thủy bằng xe máy. Đầu tiên ra đầm Nại. Bờ biển hôm ấy trời trong vắt không một bóng mây, gió thổi hiu hiu, mặc dù chỉ cách biển vài trăm mét. Khi đứng trên cầu Tri Thủy dưới chân là Đầm Nại. Anh giải thích: “Từ thế kỷ thứ XVII, bà con các dòng họ Dương, Lê , Nguyễn… từ Bình Định, Phú Yên vào định cư tại đây mới đặt tên là làng Nại nằm bên cạnh dòng sông nước mặn. Trước đây tên là làng Bến Đò, thuộc tổng Mỹ Tường, đạo Ninh Thuận, được hình thành cách đây 200 năm do những người theo chân Chúa Nguyễn di cư vào Nam.

Cũng như các nơi khác, làng Nại cũng có cây đa, đình làng, giếng nước, một hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam. Trước kia, làng Nại có một thương cảng nhỏ gọi là bến Lăng Tô, đây là thương cảng duy nhất để giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa từ phủ Ninh Thuận đi các địa phương khác bằng đường biển. Vì vậy, bến Lăng Tô thời đó nhộn nhịp tàu, bè ra vào tấp nập và là nơi sầm uất nhất của phủ. Cây cầu mình đứng đây, trước chỉ là bến đò. Ngày xưa ông Sáu (Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) đi học qua đò cực khổ, đến khi chấp chính ông cho xây một cây cầu, bà con ở đây gọi là cầu ông Thiệu. Đến năm 1984 mình làm lại cầu lớn hơn gọi là Tri Thủy nhưng dân địa phương những người có tuổi vẫn gọi là cầu ông Thiệu để khỏi nhầm tên cây cầu vượt mới xây dưới kia”. Anh Tư chỉ tay hướng về cây cầu mới gần biển.

Ngày xưa thời vua chúa, cơ quan chính quyền từ cấp hương, tổng không có cơ quan làm việc như bây giờ. Mọi việc hành chính từ thu thuế, xử kiện, giấy tờ đều sử dụng đình làng làm trụ sở. Đình làng của Việt Nam là nơi thờ tự các thành hoàng (người có công mở đất). Kinh phí xây dựng đều nhờ vào lòng hảo tâm của người dân. Đình làng mang sắc thái văn hóa kế tục, cộng hưởng phát sinh nơi mới, nơi con người gửi găm tâm linh của cộng đồng tha phương vào vùng đất mới. Đình làng Tri Thủy là một điển hình.

Anh Tư Công dẫn tôi đến thăm đình làng nằm trên triền đồi. Hai anh em song hành từ cổng chính đến khu tiền hiền, hậu hiền. Anh cho biết: Đình Tri Thủy có diện tích 3.231m2. Mặt trước của đình hướng ra Đầm Nại, bên phải là chùa Kim Sơn, bên trái là trục đường chính liên xã, phía sau là Núi Đinh. Có thể thấy, vị trí của đình nằm trong cảnh quan sơn thủy. Theo quan niệm xưa, đây là thế đất tụ thủy, tụ linh, tụ phúc và tụ dân. Đình, theo tín ngưỡng dân gian, người xưa thờ thần mới đến thành hoàng, vì thần là vị anh linh bảo trợ cho dân làng. Đình Tri Thủy không có thần phả để lại nên ngày nay rất khó xác định được lai lịch của Thần. Ngoài Thần ra, còn thờ các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, lập làng. Đây là một công trình kiến trúc truyền thống, mang đậm nét của dân khai hoang. Chính vì thế đình Tri Thủy được xếp là di tích cấp quốc gia vào năm 2011.

 Trên đường đi qua chùa Kim Sơn, thấy chiếc ghế đá đẹp đặt dưới cây bông sứ trắng, anh Tư cho biết: “Đây là ghế tặng cho chùa của ông Ngô Khắc Tĩnh (Tổng trưởng giáo dục chế độ cũ) nhưng lấy tên con cháu, có lẽ  ổng ngại. Ở làng Tri Thủy có mấy ông làm lớn thời Việt Nam Cộng Hòa, ngoài ông Sáu Thiệu tổng thống, còn có ông Ngô khắc Tĩnh, Hoàng Đức Nhã… bây giờ cũng về với đất hết rồi.”

“Dòng tộc của ông Sáu bây giờ còn ở làng mình khôn anh Tư ?”. Tôi hỏi: Bà con ruột rà đều đi hết cả, chỉ còn có bà con xa. Trước đây, mồ mả ông bà của ông Sáu được chôn cất trong nghĩa địa chung với bà con cách đây vài trăm mét. Đó là khu nghĩa trang nằm ở lưng chừng núi đá xen kẽ với cây bàn chải (xương rồng), mặt hướng về Đầm Nại. Sau ngày đất nước thống nhất, không biết ban đêm ai hốt cốt ông bà của ổng đi hết, chắc cũng là dòng họ ổng thôi. Bây giờ nhà nước mình san ủi dưới chân núi nghĩa trang làm ngôi trường cấp II mang tên Lý Thường Kiệt.

Theo đề nghị của tôi, anh Tư dẫn tôi sang khu chôn cất của gia tộc ông Sáu nằm chung với nhân dân Tri Thủy. Nghĩa trang bây giờ cũng vẫn là núi đá, cây bụi thấp lùn, chập chờn cây xương rồng đứng thẳng suốt ngày lộng gió từ Đầm Nại thổi vào.

* * *

Chiều hôm ấy, tôi và Anh Tư Công đứng ở cây cầu mới nối liền Ninh Chữ-Ninh Hải, con đường du lịch chạy ra tận Cam Ranh. Hoàng hôn ở Đầm Nại thật đẹp, những sắc màu xanh đỏ tím vàng chợt ẩn chợt hiện trên mặt biển. Tôi nhìn ra khơi, hiện lên những gam màu tối sáng. Ở ngoài xa tít ấy, lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, tàu đánh cá của nước mình đang ngày đêm bảo vệ, khai thác. Tôi mênh mang những thuyền nhân bỏ nước ra đi, rồi lại nhớ bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Người đi xa vắng, rồi sẽ trở về…”. 

Đất nước mình đã trải qua cuộc chiến bi hùng, bây giờ là lúc phải hòa hợp dân tộc, chung tay xây dựng đất nước, bảo vệ bờ cõi. Nếu biển đảo của mình không giải quyết theo công ước quốc tế năm 1982 thì nỗi đau này sẽ không của riêng ai!

Ký sự Trần Đại
.
.
.