Ven bờ dòng sông Nước Mắt

Thứ Hai, 08/06/2015, 08:00
Sông Đa Nhim phát nguyên từ dãy Bidoup cao 1.923m, chảy về Ninh Thuận. Theo tiếng Chu Ru, Đa Nhim có nghĩa là nước mắt, dòng sông mang tâm trạng vui buồn này đổ về hồ thủy điện Đơn Dương nằm vắt vẻo trên đỉnh đèo đầy mây và gió. Và trên đỉnh đèo gió mây ấy là thị trấn Dran, vùng chuyên canh rau với những vườn hồng nổi tiếng. Nơi ấy còn là phố quê yên bình. Xe máy để ngoài vườn, sáng ra vẫn còn đợi chủ…

Tuần rồi, đi theo ANTV Lâm Đồng tác nghiệp ở nông trại “ông vua cam” Nguyễn Phú Tuấn trên tuyến đường hoa và biển tại đèo Hòn Giao, nơi nối liền hai thành phố du lịch Nha Trang - Đà Lạt. Ông Tuấn được những người trồng cam ở Tây Nguyên phong chức “vua cam”, vì ông chuyên trồng loại cam Canh, bán cả giống và quả. Cam Canh ngọt lịm vỏ mỏng, được ông mang từ Hà Tây vào trồng 5 năm tại đèo. 

Hiện nay loại cam này trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho những cư dân có ít đất canh tác ở Tây Nguyên. Vì một gốc cà phê sau 5 năm cho được 10 ký nhân, còn 1 gốc cam Canh cùng với thời gian đó cho 30kg, giá mỗi ký 45 ngàn. Điều đáng nói số lượng cây cam được trồng gấp 3 lần số lượng cây cà phê cùng một diện tích.

Xuất thân từ “chuyên gia đào mỏ” (kỹ sư địa chất), ông Tuấn trở thành người nông dân công nghệ cao quyết tâm đi lên từ kiến thức của mình. Hai năm trước, tôi và ông mò xuống Nha Trang để chào hàng, khi trở về Đà Lạt lên đèo bị sương mù bao vây nên vào nông trại giữa rừng của ông ở lại qua đêm. Đêm ấy ông kể tôi nghe về cuộc sống của động vật hoang dã, rồi sáng hôm sau đi thăm đồng bào K’Ho ở Đạ Chais, K’long K’lanh nằm trong khu đệm của Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Lần này hai anh em lang thang ở thượng nguồn sông Đa Nhim, quê hương của loài vượn và bò tót hoang dã. 

Ông “vua cam” cho biết: Ở Tây Nguyên, nơi đồng bào dân tộc sinh sống, mỗi dãy núi, con suối, con sông đều có truyền thuyết. Qua nhiều đời các câu chuyện đều na ná giống nhau, hậu thế thường mô phỏng những chuyện tình ngang trái vì luật tục hay gia phận giàu nghèo, con gái không đủ trâu, chum chóe làm sính lễ cưới chồng, cả hai chọn cái chết để thực hiện lời thề của mình. Và ở tận trời tây chuyện tình Romeo - Juliet cũng đã minh chứng điều đó. Tuy nhiên văn hóa những cuộc tình bi thảm dù ở đông hay tây đoạn cuối đều là bài học cho người hậu thế. Những câu chuyện đau thương kia không những là bản cáo trạng mang khát vọng của dân làng mà còn đánh thức những vị tù trưởng ngày ấy chỉ nhìn sự kiện không qua hết con núi. Truyền thuyết về dòng sông Đa Nhim vừa có tính nhân bản vừa có tính cộng đồng. Tuy nhiên, để sống động câu chuyện, ông dẫn tôi đến nhà ông Ka Sá Hà Rẻh để được nghe tiếng trầm bổng của già làng.

Già Ka Sá đã sống ở Đạ Chais trên 80 mùa bông bí nở, già kể rằng: “Ngày xưa, ở buôn Kon Đố, xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương ngày nay, có một đôi vợ chồng, người chồng tên là Ha Biang, người vợ tên là K’Lang. Một năm nọ, toàn vùng bị hạn hán, Ha Biang lên đường đi kiện trời, nhưng khi đến núi Găng Reo thì chết đói. K’Lang lần theo tìm thấy xác chồng, nàng khóc lóc thảm thiết, tiếng khóc vang xa đến tận trời. Trời sai thần cho mưa trút xuống trần gian nhưng K’Lang vẫn tiếp tục khóc lóc cho đến chết. Tiếng khóc của K’Lang làm xúc động con voi đầu đàn. Nó cũng khóc rồi chết theo hai người. Nước mưa hòa cùng nước mắt của K’Lang và con voi chảy thành sông gọi là sông Đa Nhim”. 

Già Ka Sá kể rất lưu loát, hùng hồn mang theo âm vang của núi rừng, có lẽ già đã kể nhiều lần nên thuộc lòng. Câu chuyện kết thúc mà không thấy già Ka Sá có lời bình để căn dặn hậu thế, đến lúc ra về tôi vẫn cảm thấy tiếc tiếc.

Dran thị trấn bình yên

Con sông Đa Nhim chảy qua các huyện Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) rồi đổ vào hồ thủy điện nằm vắt vẻo trên cao để xả nước vào nhà máy bằng hai ống thủy lực dài 5km xuống tận Ninh Sơn, Ninh Thuận.

Cứ mỗi lần có dịp đi từ Phan Rang về Đơn Dương vào buổi chiều theo quốc lộ 27, tôi thường đứng ở chân đèo K’rong Pa nhìn lên đỉnh núi. Thị trấn Dran như một thành quách thiên nhiên khổng lồ được mây che chắn cao đến cả ngàn mét. Đó là nơi đón gió và bão tố từ biển cũng là nơi đón mây lang thang từ duyên hải kéo về. Đứng dưới chân đèo nhìn ngược lên bao giờ cũng thấy mây phủ trên đỉnh Krông Pa. Mây, gió, sương mù sáng sớm và chiều tà là người bạn đồng hành và chung thủy của Dran. Đã bao đời nay chúng len lỏi đến từng ngôi nhà vườn Lơ ghim, vườn hồng hỏi thăm sức khỏe rồi lặng lẽ ra đi không một lời từ biệt.

Mới đây tôi tìm đến nhà ông thầy dạy toán của tôi thời chế độ cũ. Quê ông ở Đơn Dương nhưng trước năm 1975 ông dạy tại Trung học Bình Tuy, một tỉnh lỵ ven biển giáp với Bà Rịa - Vũng Tàu. Tên ông là Nguyễn Văn Hùng nhưng dân Dran gọi thầy Hùng Râu, vì thầy có bộ râu như Saddam Hussein ở tận Trung Đông.

Thầy Hùng 63 tuổi, định cư tại Dran cả một đời người, có nghĩa là thầy là dân Dran chính hiệu. Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, đã dạy cho nhiều thế hệ từ thập niên 70 của thế kỷ trước cho đến tận bây giờ. Học trò của thầy nhiều em làm lãnh đạo cấp huyện, tỉnh, có em là đại tá Quân đội, Công an nhưng mỗi lần đến Đơn Dương ghé thăm thầy đều bẩm thưa như thời cắp sách. Thầy Hùng không khá giả gì nhưng gặp các em có hoàn cảnh thầy cho tiền đi xe, đi học, hớt tóc, chính phong cách nhân văn ấy, ông trở thành một người thầy đi cùng năm tháng. 

Ngày 20 tháng 4, hai thầy trò đi lang thang ở tại vùng rau xã Ka Đô, chứng kiến trận lốc xoáy kèm mưa đá hãi hùng. Tiếng mưa đá rơi trên mái tôn như tái hiện thời chiến tranh chết chóc, tiếng kêu nhỏ đều như pháo thường, tiếng kêu to như pháo đại thi nhau dội xuống những mái nhà vườn nông thôn hiền lành. Tâm chính trận mưa đá tại Ka Đô nhưng bán kính dài tới Thạnh Mỹ. Dứt cơn mưa, trước mặt chúng tôi là những vườn Lơ ghim tan tác, những ngôi nhà cũ kỹ bị tung mái và các cư dân nghèo mắt mũi xao xác bàng hoàng. Có lẽ đây là lần đầu tiên thị trấn bình yên này không được yên bình. Và cũng chính trận thiên tai này mới thấy được tình quân dân.

Lúc ấy Quân đội và Công an được điều đến gần hai đại đội dựng lều trại giúp các gia đình có nhà bị gió lốc đánh sập để có chỗ trú tạm qua đêm. Một người dân nhìn lực lượng vũ trang trèo lên nhà giúp dân sửa chữa phất phơ trong gió nói với tôi: “Dân Ka Đô hôm nay mới tận mắt thấy hai chữ nhân dân đi sau Quân đội và Công an”.

Sau trận lốc xoáy và mưa đá, mây gió lại kéo về ve vãn Dran. Chúng vẫn nhẹ nhàng thoang thoảng, coi như chưa bao giờ gây oán hận cho nhau như một người đàn ông vũ phu nịnh vợ làm lành. Ngày hôm sau thầy trò tôi về Thạnh Mỹ tìm hai chị em Rôđa Nai Linh, một trong những dòng họ quý tộc K’Ho ở Đơn Dương, bà con với ông Ya Duck, nguyên đệ nhất Phó Thủ tướng FULRO bây giờ là đại biểu Quốc hội.

Tôi tình cờ mang nợ với chị Nai Linh. Số là hai năm trước trên đường từ Phan Rang lên, ghé thăm ngôi nhà sàn 100 tuổi của dòng họ Rôđa đã qua 3 đời, bỗng bị ốm bất ngờ được chị cho nằm nghỉ, được cho ăn cháo chua với cá khô giã ra bột và được chị cho uống thuốc. Khi khỏi ốm tôi gửi tiền, chị không lấy. Chị nói: “Tiền bạc nay ở mai đi, còn tình con người dành cho nhau mới là mãi mãi”. Lần ấy, chị kể tôi nghe ký ức của ngôi nhà và phong tục thừa kế nhà tự của người K’Ho. 

Lần này khi tôi vào thăm, ngôi nhà từ đường đã xây cổng đẹp khang trang nhưng thiết kế cổng như lối vào biệt thự, giá mà làm cổng theo kiểu K’Ho thì hay biết mấy. Hai chị kể về cuộc di dời cả làng K’Ho-Chu Ru ở Quảng Nghiệp vào năm 1960 nhường chỗ cho công trình thủy điện Đa Nhim.

Chị trải lòng: “Năm ấy cả trăm hộ phải dời về Ka Đô, được Chính phủ cấp nhà, cấp đất cho cả hai anh em Kinh Thượng. Ở Đơn Dương bà con người Chu Ru chiếm tỉ lệ cao nhất. Người Chu Ru có gốc gác Chăm từ miền biển lên Dran sinh sống. Họ đã có mặt tại Dran trước khi bác sĩ Yersin đi khảo sát để mở đường từ Phan Rang lên Đà Lạt vào năm 1893. Ngày xưa bố mình là Phó tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức, sau đó ổng làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc của tỉnh, bố dạy cho tụi này về cách nhìn nhận và đánh giá về dân tộc học mà!”.

Chia tay hai chị em Rôđa Nai Linh, chúng tôi đi về Quảng Nghiệp, nơi bà con định cư vào trước năm 1960 phải dời đi nhường chỗ cho xây bờ đập hồ thủy điện. Trên đường đi, thầy Hùng rỉ rả kể về quê hương của mình “Dran bao đời nay được xem như vùng phụ cận, chẳng có vai trò gì về văn hóa xã hội của Lâm Đồng, mặc dù nó ra đời trước Đà Lạt, là nơi bác sĩ Yersin đặt nền móng mở đường để vượt lên Đà Lạt, từ cuối thế kỷ thứ XIX. 

Không gian ở đây dường như đứng lại, sự tồn tại của nó có gì đó cứ là ngoại cuộc với những xáo động của lịch sử. Nhưng Dran còn giữ được tính chất yên bình của phố quê, còn lắng đọng tình người, trộm cắp cũng xuất hiện nhưng với tỉ số rất thấp. Có lẽ số phận của nó là phần đệm nên khách đến đa số chỉ ngồi trên xe nhìn, ít khi ở lại qua đêm. Vì thế em rất khó tìm ra khách sạn cao cấp hay nhà hàng hiện đại. 

Hàng trăm năm nay, người Kinh sống với người Chu Ru, K’Ho một cách yên bình. Bây giờ đời sống vật chất của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên khá cao nhưng họ vẫn không thích ở phố, họ chỉ thích sống ở cuối các con đường hoặc ven bìa rừng để trồng lúa trồng rau, vì thế nhà cửa vẫn không có công trình cao tầng nào. 

Phố xá Dran đến nay khá yên bình, người Dran trừ dân Bắc định cư, hoặc dân bản địa gốc Tây Nguyên còn lại chủ yếu từ Phan Rang lên nên thường gọi nhau bằng thứ bậc như anh Ba, chị Sáu, dần dần âm sắc của Đơn Dương mang giọng mũi của miền duyên hải. Ở Đơn Dương chỉ có vài con đường chính, rồi tẽ ra theo kiểu xương cá với hàng chục con hẻm, cuối hẻm là vườn rau là ruộng nước hoặc những vườn hồng đến mùa vàng rực được mang đi khắp cả nước theo quốc lộ 27 ra miền Trung hoặc 20 về tận Sài Gòn”.

Chúng tôi dừng xe ở xã Quảng Nghiệp, mảnh đất hiền lành này nằm lọt thỏm dưới bờ đập Thủy điện Đa Nhim. Những khách lạ như tôi mới nhìn đã thấy sợ, vì phía trên là một hồ nước được ngăn bởi con đập dài 1.460m, cao 38m chắn ngang dòng sông Đa Nhim tạo thành hồ chứa nước rộng 9,7km² với dung tích 165 triệu m³. Đứng trên bờ đập tôi nghĩ dại, nếu như con đập này bị vỡ chắc chắn sẽ trở thành một trận đại hồng thủy xóa sổ cả thị trấn Dran yên bình. 

Tôi hỏi ông Ba Mạnh, một cư dân đang sống tại đây, ổng cho biết: “Công trình thủy điện này do người Nhật xây dựng vào năm 1961 như một nghĩa cử hối lỗi sau thời kỳ Nhật chiếm đóng Việt Nam năm 1945. Về kỹ thuật họ làm rất kỹ, họ kỹ đến mức nhặt từng cây cỏ lẫn trong đất, cào lớp đất mặt đổ đi trước khi lấy những thớ đất sét bên dưới. Vì thế chúng tôi mới yên tâm ở chớ!”.

Nghe ông Ba Mạnh lý giải, tôi lại nhớ về trận “hỗn chiến” vào năm 1982 giữa kỹ sư Việt Nam và Liên Xô, khi tôi xin đi theo đoàn về thăm thủy điện Trị An. Lúc ấy gặp xe đổ đá hộc xuống bờ kè, các kỹ sư Liên Xô yêu cầu phải xịt nước rửa đá để xi măng kết dính, kỹ sư Việt Nam cứ cho công nhân để nguyên lấp vào. Hai bên giằng co cãi nhau, tây nói tiếng tây, ta nói tiếng ta đến mức tung các bộ phận trong cơ thể ra đấu khẩu. Cuối cùng công trình sư Liên Xô xuất hiện, kết quả là mấy ông tây thắng, công nhân Việt Nam phải mang vòi xịt nước. Giá mà cứ để mấy ông kỹ sư mình chạy theo tiến độ lấy thành tích, chắc cũng vỡ đập. Tiền bạc của nhân dân đóng thuế trôi biển trôi sông mà không ai chịu trách nhiệm, lại đổ thừa thiên tai như một số nơi mà báo chí đưa tin.

Ngôi nhà thờ ẩn mình giữa mây và gió

Xã Ka Đô là nơi dân Quảng Nghiệp chuyển về sau khi vùng đất này nằm trong quy hoạch của thủy điện Đa Nhim năm 1961. Ngày ấy bà con Chu Ru, K’Ho về nơi mới trong điều kiện thuận lợi. Sau hơn 50 năm đất có hơi người trở nên trù phú hơn. Xã Ka Đô nằm gần chân núi đầy thông và gió lộng.

Năm 2014, giáo hạt Ka Đơn mọc lên ngôi nhà thờ mái ngói đỏ tươi rộng thoáng như một cây nấm khổng lồ che chở, hàng ngày lượng khách đến thăm nhiều hơn. Đa số trong họ không phải đến thăm nhà thờ mà đến chiêm ngưỡng một kiến trúc lạ gắn với thiên nhiên cây lá.

Chúng tôi đến ngôi nhà nấm này trước vài giờ khi cơn lốc và mưa đá phủ đến. Sáng ấy trời đẹp mây gió lãng vãng đồi thông cách vài trăm mét là dãy núi xanh rì. Đối với các giáo đường của đạo Thiên Chúa thường là nhà cao rộng thoáng, có tháp chuông sừng sững lên trời. Các vị chức sắc tôn giáo thường đặt hàng kiến trúc sư phải thiết kế hoành tráng vừa là giáo đường kiêm thắng cảnh văn hóa địa phương. Nhà thờ xây sau cố gắng hơn nhà thờ cũ để chứng tỏ sự thịnh vượng xứ đạo của mình. 

Riêng giáo đường Ka Đơn không phải thế. Đó là ngôi nhà thờ rộng thêng thang, mái thấp xòe ra như bàn tay con người, nhà thờ không có vách, mái hiên cong vút, hành lang rất rộng để làm nơi sinh hoạt lễ hội cho giáo dân Chu Ru và K’Ho. Linh mục Nguyễn Đức Ngọc, cha chánh xứ giáo hạt Ka Đơn sinh năm 1955, người đã bảo vệ luận án cao học với đề tài "Sự trở lại của hồn địa" tiếp chúng tôi và được ông dẫn đi tham quan toàn cảnh. 

Ông vui vẻ: “Trong đời thường hay chưa chắc bằng hên. Số là vài năm trước nhà thờ cũ Ka Đơn xuống cấp, được sự đồng ý của chính quyền và giáo phận Đà Lạt cho phép xây mới nhưng xây thế nào và nguồn tiền ở đâu chưa có lời đáp. Trong lúc đang tìm hướng đi, vào năm 2010 tình cờ gặp hai kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Dũng (người Đà Lạt) cùng người bạn đời là Vũ Thị Thu Hương (Hà Nội), đang học tại Đức, trên đường về Việt Nam tìm kiếm đề tài luận án cao học về thiết kế các công trình mang tính nghệ thuật tôn giáo. Biết được ý định của linh mục quản xứ là xây dựng một nhà thờ đậm bản sắc dân tộc Chu Ru, hai kiến trúc sư trẻ này xin được lấy đề tài Nhà thờ Ka Đơn làm luận án cao học. Ý tưởng khởi đầu của Linh mục quản hạt là Nhà thờ tọa lạc giữa một rừng thông bao quanh là các làng dân tộc K’Ho, Chu Ru nên không cần phải đồ sộ bề thế, ấm cúng bên trong, bát ngát bên ngoài, đơn sơ, không màu mè, không kiểu cọ, gần gũi với mọi người. Và cuối cùng nhà thờ được hoàn thành, nguyên liệu hoàn toàn của địa phương. Hai kiến trúc sư làm đề tài tại Đức được giải thưởng từ Quĩ Fate Sole (Fondazione Fate Sole) của Italia, chẳng những thế công trình được tài trợ trị giá trên 8 tỉ, mình chả mất đồng xu cắc bạc nào”, ông Linh mục cười vui như tết.

Lúc chúng tôi đi dạo trong khuôn viên nhà thờ được gặp khá nhiều lữ khách viếng thăm, vì họ được thông báo đây là ngôi nhà thờ lùn nhưng mang tâm thức tầm cao. Trong số đó có cả khách tây ba lô đang tranh thủ chụp ảnh, tôi đập vai các em tây vui vẻ: “Các bạn về nước nhớ đưa hình ảnh ngôi nhà thờ này lên mạng xã hội hoặc các cơ quan thông tấn để anh em, bạn bè thế giới biết rằng Việt Nam có tôn trọng tự do tín ngưỡng hay không nhé!”. Các em tây mắt xanh tóc vàng dứ dứ ngón tay cái lên trời rồi đồng thanh trả lời: “Sure it is!” (Chắc chắn rồi!).

Trong các nhà thờ nơi tôi đã đi qua ở Tây Nguyên, các giáo hạt cố gắng thiết kế vươn lên trời xanh để chứng tỏ một điều gì đó bề thế, nhưng ở đây ngược lại, một kiến trúc mang hồn cốt đình làng với nét văn hóa phương Đông gắn liền với các bộ tộc.

* * *

Ngày rời phố quê Dran, tôi cứ đi theo đường phố, xộc vào các con hẻm nhìn các vườn rau Lơ ghim, những ngôi nhà kính, các xe chở phân vào rẫy và từ rẫy chở rau quả ra phố, vài chiếc xe ngựa chạy lốc cốc, ông chủ vất roi lên không trung vèo vèo. Đó là hình ảnh yên bình. Ở cao nguyên sương khói này, không phải ai cũng biết Đơn Dương là vùng rau, vườn hồng có diện tích lớn nhất ở Nam Tây Nguyên và huyện lỵ này được bình chọn là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước. Có lẽ dòng sông mang tên nước mắt bao quanh Đơn Dương vẫn còn mãi mãi, nhưng nước mắt bây giờ để vui mừng chứ không phải chia ly như vợ chồng K’Lang-Ha Biang và con voi rừng nghĩa tình ấy nữa...

Ký sự: Trần Đại - Hùng Tiến
.
.
.