Không có gì mà ầm ĩ cả

Việc nào ra việc nấy

Thứ Năm, 16/02/2017, 09:21
Phải thay đổi suy nghĩ ngay đi! Cấm là một trong những biện pháp quản. Khi chữ "xấu hổ" thức dậy thì chẳng ai phải cấm với phạt.

"… Đường Láng thơm bạc hà, canh giới/ Ôi trăng soi trên lá xà cừ..."(Xuân Diệu)

Con đường Láng mộng mơ khi rau thơm đã tuyệt chủng. Ruộng rau thơm giờ chỉ nhà ống mọc lên tua tủa như gai mít. À, may vẫn còn xà cừ chưa bị tuyệt chủng. Gần đây, dân chợ thì thào có điềm lạ. Hàng loạt cây xà cừ trên đường Láng bị đục vỏ bằng một khoanh vuông đúng 40 cm mỗi cạnh. "Xà cừ tặc" là ai?

Cơ quan chức năng vào cuộc nhanh như chớp. Kẻ to gan đã được tóm gọn. Đó là một cụ ông tuổi 80 (ta tạm gọi là lão tiều). Vợ lão 74 tuổi, chân bị bệnh da liễu điều trị lâu năm không thuyên giảm.

Có người mách lấy vỏ xà cừ đun nước ngâm chân sẽ khỏi. Lão tiều thương vợ liều tay dao, tay búa đi làm "Xà cừ tặc". Đôi ngày lại làm 1 khoanh. Lão tiều cho rằng cách này không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Nếu lão làm một vòng quanh cây thì mới cắt đứt huyết mạch của cây.

Xử lý lão sao đây? Giận thì giận mà thương thì thương. Có người khen lão tiều yêu vợ bằng câu: Cụ đúng là "soái ca của năm"; "Hoan hô các chiến sỹ công an. Các anh đã tìm ra người phụ nữ hạnh phúc nhất của năm"; "Chuyện buồn, dù sao cũng sắp đến Valentine's, có lẽ nên tha thứ cho cụ". Nếu cả Hà Nội có khoảng hơn 100 cụ thương vợ kiểu này thì liệu ta còn cái cây nào không?

Tình yêu thật dễ đồng hành cùng phá hoại. Hà Nội ta là xứ sở tình yêu, dám chắc có hơn 100 lão tiều đấy. Tin tôi đi. Nếu chúng ta tha thứ chỉ vì chuyện tình đẫm lệ thì chắc Thủ đô chẳng còn mấy cây xanh sống sót. Mong các lão tiều hãy nghiêm túc chấp hành luật, làm gương cho con cháu.
Minh họa của Lê Tâm.

Dù lão tiều cao tuổi, nhưng luật pháp không thể xuê xoa. Việc nào ra việc đó, cụ hãy chịu phạt cho nghiêm túc. Hy vọng tái ông thất mã, vụ này cụ nổi danh, sẽ có nhiều thầy thuốc biết mà chữa cho cụ bà bằng khỏi để hai cụ hạnh phúc đầu bạc răng long, còn vỏ xà cừ thì bền vững.

Những ngày này, trên một số vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện những barie thấp tầm ống chân trên vỉa hè xếp so le với nhau. Sáng kiến này chống xe máy khá hiệu quả. Tuy vậy, một số xe máy vẫn tìm cách lách qua đoạn barie so le. Hành vi không biết xấu hổ này cho thấy mặt họ phải được trang bị làn da dầy quá mức cho phép.

Cưỡng chế bằng barie nghe có vẻ hay nhưng coi chừng. Hạn chế được chút ít xe máy nhưng rất có thể là cái bẫy đối với người đi bộ và người khiếm thị, hoặc mắt kém… Barie đã gắn phản quang nhưng phản quang có tác dụng với đèn chứ đâu với người đi bộ, hoặc người khiếm thị. Hệ thống này cần phải có cơ chế phát âm thanh thì may ra mới đảm bảo chức năng cảnh báo. Ở các nước phát triển, đèn giao thông không chỉ có phát màu mà còn kèm theo âm thanh báo hiệu cho người khiếm thị. Sáng kiến phải sao cho không vô tình biến thành cái bẫy. Đừng để khoa chấn thương chỉnh hình có thêm việc làm.

Mức phạt hiện nay chưa đủ răn đe thì cần tăng mức phạt hợp lý hơn nữa. Việc tiến hành phạt chưa quyết liệt thì cần chăm chỉ phạt hơn nữa. Khi ý thức chưa đủ tự giác thì cần một cơ chế đánh thức lòng tự trọng. Chúng ta thường nói câu cửa miệng rằng "không quản được thì cấm".

Đừng ngụy biện nữa! Phải thay đổi suy nghĩ ngay đi! Cấm là một trong những biện pháp quản. Khi chữ "xấu hổ" thức dậy thì chẳng ai phải cấm với phạt. Rất đông trong chúng ta chỉ làm nghiêm túc khi có ai đó đang nhìn mình. Nếu chỉ có một mình, chưa chắc đã làm đúng quy định của cộng đồng hoặc luật pháp.

Xin hỏi nhé. Nếu nửa đêm, chỉ một mình bạn tại ngã tư không người, không xe cộ, bạn có dừng lại trước đèn đỏ không?

Lê Tâm
.
.
.