Thư gửi chiều thứ Năm:

Viết cho… nhà siêu mỏng

Thứ Năm, 04/04/2013, 15:03

1.Thiên hạ đang ồn ào mổ xẻ một cái ông quái quỉ gì đó tự nhận là "nhà nghiên cứu lịch sử" vừa cho ra mắt một cuốn sách lịch sử với những thông tin sai lệch, chắp vá đến kinh hoàng. Một tờ báo còn chứng minh là ông này chưa bao giờ  hoạt động nghiên cứu, nên việc tự nhận mình là "nhà nghiên cứu" là rất phản cảm.

Cũng nhân đà này, thiên hạ xới lại cái sở thích "thích làm… nhà" ở xứ ta. Thì tỉ dụ là một anh/chị làm thơ, viết văn nào đó mới ra trường, mới chỉ có lèo tèo vài tác phẩm lại cứ ưỡn ngực nhận mình là nhà thơ/ nhà văn, thay vì là tác giả văn chương hay tác giả thi ca cho nó… đúng tầm. Mà chả riêng  văn chương, thơ phú, người ta bảo chưa bao giờ các "kiểu nhà", từ  nhà đạo diễn, nhà phê bình đến  nhà nhiếp ảnh, nhà biên kịch, rồi cả nhà mai mối lẫn nhà môi giới… lại được tự phong một cách dễ dãi, rồi được quảng bá một cách bát nháo, quân hồi vô phèng như bây giờ.

Cũng dễ hiểu thôi mà. Bởi ở một bối cảnh mà bất luận một địa vị chức tước nào cũng phải trả giá bằng chất xám hoặc tiền bạc (mà phần nhiều là tiền bạc.) thì việc tự"nhà hoá…" mỗi nghề nghiệp, mỗi chuyên ngành của mình là việc gần như chả tốn kém gì.

Chả tốn kém gì mà lại được oai, thế thì tội gi mà không "nhà hoá…"?

2.Giờ thì nói tới chuyện nhà cửa đúng nghĩa. Có một thời gian dài dân mình nói tới những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, nhưng…siêu lợi nhuận ở nhiều đô thị. Rồi một thời gian dài khác người ta lại  nói tới những ngôi nhà chung cư siêu tiện ích nhưng lại siêu rủi ro (vì quá trình thi công bị ăn bớt vật liệu) ở Hà Nội và TP HCM.

Nghe những chuyện như thế chợt nhớ tới một chuyện thật 100%, xuất hiện vào cuối những năm 90 ở thế kỷ 20. Chuyện kẻ rằng những gia đình sống trong những nhà biệt thự Pháp cổ trên phố Bà Triệu (HN) đột nhiên nhận được một bản thông báo của một công ty xây dựng Pháp có nội dung đại loại: Chúng tôi đã xây ngôi nhà này từ trước năm 1954 - thời điểm Việt Nam còn thuộc Pháp, và chúng tôi xin thông báo đến thời điểm hiện nay, các ngôi nhà đã..hết hạn sử dụng. Do vậy chúng tôi không chịu trách nhiệm với mọi tai nạn xây dựng nào trong ngôi nhà này. Chuyện cho thấy những nhà xây dựng Pháp đã xây nhà, bảo vệ nhà, giữ gìn nhà, chăm lo nhà… uy tín đến đâu.

Và từ sự uy tín như thế, giờ cứ hễ nhắc đến nhà Pháp và nhà Việt, rồi "nhà xây dựng Pháp" và "nhà xây dựng Việt" là người ta biết rõ một khoảng cách, một sự khác biệt  lớn về đẳng cấp.

3.Trở lại với chuyện "nhà hoá…" đang khiến dư luận phải sôi lên. Xét cho cùng, nó cũng giống với chuyện xây nhà cả thôi. Những ai thực sự vững tin vào năng lực xây dựng của mình, và thực sự đã làm ra những sản phẩm tử tế thì sợ quái gì những kẻ xây nhà bậy bạ. Thành thử, đối diện với những kẻ như thế, tốt nhất là hãy… quên đi, chứ lên án, chê trách làm quái gì cho nó… mất thì giờ.

Không sớm thì muộn, người ta cũng sẽ nhận biết và cạch mặt những ngôi nhà siêu mỏng - mỏng tới mức chỉ xứng đáng là một cái… chuồng!

Phan Đăng
.
.
.