Không có gì mà ầm ĩ cả

Việt vị lưỡi

Thứ Năm, 07/07/2016, 08:08
Cầu trường EURO 2016 đang  sôi động. Các hảo thủ đang giành giật bằng được quả bóng. Ham quá cũng có khi việt vị. Cuộc đời cũng thế. Ham quá dễ lạc. Ngay cả nhà văn cũng “việt vị” dù không xỏ giày ra sân. 

Chuyện ồn ào khi có người cho rằng có sự "Nhầm lẫn" của đề thi văn đại học năm nay. Đề bài đã yêu cầu phân tích về bài thơ "Tiếng Việt" của Lưu Quang Vũ nhưng đã thay chữ "đất cày" bằng chữ “bùn". Việc này làm một số người thấy trái tai. Dư luận bây giờ nhiều gươm giáo, có nhà văn đòi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lên tiếng xin lỗi. Tinh thần “tiến công” sôi sục tưởng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức làm “tội đồ”. Tuy vậy, nhà văn và đồng đội đã quá đà và bị "việt vị".

Mọi việc vỡ ra mới biết có đến hai phiên bản khác nhau của bài thơ này và đều được tác giả chấp nhận. Trong ảnh chụp bản gốc do gia đình cung cấp rất rõ ràng nét chữ của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Chữ "bùn" mới là gốc. Gia đình tác giả không bức xúc nhưng có một số người hấp tấp đã đóng vai đấu tranh thay cho chính cha đẻ tác phẩm.

Sau khi bị việt vị rồi thì câu hỏi của công chúng lại đòi hỏi nhà văn có phải xin lỗi Bộ Giáo dục và Đào tạo không? Phải chăng cứ tấn công bằng lời rồi xin lỗi là xong? "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy". Người nói có thể đóng trang mạng cá nhân nhưng làm sao đuổi theo để nhốt được lời đã lỡ.

Minh họa: Lê Tâm.

Thực ra, kể cả đề thi có khác với bản gốc thì đâu phải thảm họa. Sao không nghĩ đó cũng là cơ hội cho những thí sinh bình luận thấy rõ sự khác biệt với

những cảm xúc khác nhau. Chúng ta vẫn nói nhiều về việc giải phóng cho thí sinh khỏi thói quen đọc chép là gì?

Lại nhớ chuyện Nguyễn Khoa Đăng kể về nhà văn Nguyễn Khải làm hộ cậu con trai bài tập làm văn với đề là: " Em hãy phân tích chủ ý của nhà văn Nguyễn Khải qua tác phẩm “Mùa lạc”.

Ngày trả bài, thật bất ngờ, bài của cậu chỉ đạt điểm trung bình với lời phê thật bất ngờ: "Không hiểu ý tác giả!".

Nguyễn Khoa Đăng nói với nhà văn Nguyễn Khải:  Chuyện anh kể làm tôi nghĩ đến Vua hề Charles Chaplin. Nghe nói có lần đi qua thành phố nọ ở nước Anh , thấy ở đây có cuộc thi với nội dung "Bắt chước

Charles Chaplin", ai bắt chước càng giống thì được giải càng cao. Charles Chaplin liền dự thi. Kết quả vua hề Charles Chaplin chỉ đạt được giải ba. Đừng tưởng mình giống chính mình nhất.

Có giai thoại văn hào Tolstoy khi gửi bản thảo tới nhà xuất bản nhưng lại ký tên khác. Lâu không thấy hồi âm. Nhà văn liền viết thư hỏi thì nhận được hồi âm của người biên tập rằng "Bắt chước Tolstoy nhưng còn lâu mới bằng được Tolstoy".

Có thể nói mọi sự can dự vào những điều chưa có đủ thông tin là lợi bất cập hại. Bài học đó đủ nhắc nhau bao nhiêu cũng chưa đủ.

Ban nhạc BEEGEES nổi tiếng với ca khúc "I Stard a Joke" (Mỗi lần tôi giễu cợt) với lời bài hát rằng "Mỗi lần tôi giễu cợt... bạn bè quanh tôi bỗng cười ngất. Giá mà tôi sớm biết rằng, tiếng cười đang giễu chính tôi...  Và tôi đột nhiên thức dậy, chợt đau nỗi đau vì lời tôi hôm nào.". Tây chả khác gì  ta. Bài này nhắc lại câu của các cụ "Cười người chớ vội cười lâu. Cười người hôm trước, hôm sau người cười". Điều này được áp dụng chung chứ không phải chỉ cụ thể trong trường hợp đã nêu. Hãy từ từ. Không có gì mà ầm ĩ cả.

Còn bạn. Bạn có hay phải xin lỗi vì lỡ lời không?

Lê Tâm
.
.
.