Vợ chồng già sống trên nóc nhà vệ sinh công cộng

Thứ Sáu, 26/06/2020, 07:15
Trong con ngõ nhỏ trên phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiều người không khỏi xót xa cho cặp vợ chồng già phải sống trong ngôi nhà 8m2 được xây trên nóc nhà vệ sinh công cộng. Vợ chồng ông Nguyễn Phùng Hải (85 tuổi) dù phải chịu cái nóng cực độ của thời tiết những ngày qua nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.


1.Từ khi bắt đầu đợt nắng nóng, người ta ít thấy vợ chồng ông Hải đi lại. Nhiều người trong ngõ đoán già đoán non vợ chồng ông di tản đi đâu đó để tránh nóng. Gọi là nhà chứ thực đó là một căn gác chừng 8m2 được dựng trên nóc nhà vệ sinh công cộng trong một con ngõ trên phố Hàng Bạc. Vậy mà suốt gần 40 năm vợ chồng ông Nguyễn Phùng Hải (85 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sâm (75 tuổi) sinh sống cùng cô con gái 26 tuổi.

Vách nhà chỉ là những tấm tôn đã cũ, quây tạm bợ, chỗ thì vá miếng gỗ, nơi thì tấm nhựa. Bên trong căn nhà tăm tối xập xệ, tường bong tróc từng mảng, đồ đạc bày biện khắp nơi. Thấy có tiếng người lạ, ông Hải đưa mắt qua khe thủng của vách nhà nói vọng xuống: “Cô chú tìm ai? Nắng nóng này lên đây cho mát…”.

Gần 40 năm qua vợ chồng ông Hải phải chấp nhận cuộc sống khổ sở trăm bề vì không còn lựa chọn nào khác.

Do trời nắng nóng, ngột ngạt hai vợ chồng già không dám bước ra khỏi nhà, ba chiếc quạt được bật 24/24. Lấy khăn ướt đắp lên trán, ông Hải tâm sự: “Vợ chồng tôi phải chịu cảnh nắng nóng này cũng khổ lắm rồi nhưng chẳng còn chỗ nào mà đi. Cuộc sống gia đình đảo lộn hết.

Cả ngày chỉ ở trong nhà không dám ra ngoài. Cứ mở cửa ra là hơi nóng tạt vào nhà. Vợ chồng phải thay nhau hất nước lên nền nhà. Lấy khăn ướt thấm lên tường. Nắng khiến tường nóng như thiêu. Đến nửa đêm thời tiết dịu lại mới chợp mắt được lúc. Ngày thì vợ chồng cứ ngồi lì trong phòng”.

Dù bước qua tuổi 85 nhưng hằng ngày ông Hải vẫn ra đầu ngõ bơm vá, sửa xe đạp kiếm thu nhập sống qua ngày. “Gia đình tôi là chăm dọn nhà vệ sinh nhất khu tập thể, vì mình ở trên đầu mà không dọn thì ở sao được. Lịch cố định của tôi hàng ngày là trước mỗi bữa ăn và trước giờ đi ngủ, bao giờ tôi cũng phải xuống dọn dẹp sạch sẽ sau đó mới tạm yên tâm chợp mắt.

Ở đây cực lắm, mùa mưa nước ngập lênh láng vào nhà. Cả đêm vợ chồng con cái phải thức để tát. Còn mùa hè nóng không ngủ được, tôi ở nhà cứ phải cởi trần. Bà nhà tôi thì hắt nước lên tường sau đó ra ngoài chờ đến khoảng 1h chiều mới dám quay về nhà. Cùng cực là thế nhưng biết sao bây giờ…”, ông Hải nói.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Hải được vá víu bằng những mảnh gỗ và nhựa.

Trước đây, con ngõ nhỏ này chỉ có gia đình ông ở, sau đó có thêm mấy hộ. Năm 1975, vì độc thân, không muốn làm phiền gia đình, thấy nóc nhà vệ sinh công cộng có thể tận dụng được để ở nên ông Hải dọn lên. “Hồi đó chỉ ở khoảng 3m2, lợp mái và quây cót ép, giấy dầu. Đầu năm 1989 tôi lấy vợ, nhà thêm người nên cơi nới ra bằng diện tích bây giờ đấy”, ông Hải nhớ lại.

Bà Sâm bảo, do tình duyên trắc trở nên năm 37 tuổi bà mới lấy chồng. Vì tuổi đã cao và được mai mối nên bà cũng chẳng quan tâm đến gia đình, nhà cửa của người bạn đời ra sao và cũng chưa một lần về thăm nhà chồng trước khi cưới. Trong khi đó, ông Hải cũng một lần tan vỡ trong hôn nhân.

Khi đám cưới được tổ chức ở nhà gái xong, bà Sâm theo ông Hải về phố Hàng Bạc và tất cả đã vượt quá sức tưởng tượng của bà. Bước chân vào con ngõ, chú rể mới chỉ cho cô dâu nhà ở trên nóc khu vệ sinh tập thể. Bà Sâm choáng váng không tin được vào mắt mình.

“Khi đó trời cũng tối rồi, tôi choáng quá. Cứ nghĩ lấy chồng phố cổ sướng ai ngờ mình lại đúng trong hoàn cảnh này. Đêm tân hôn tôi khóc nức nở bỏ về nhà bà dì ở Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Tại đây người thân nói tôi lấy chồng thì phải theo chồng, sướng hưởng khổ chịu. Giờ công việc đã xong phải chấp nhận thôi. Nếu tôi bỏ về nhà bố mẹ đẻ thì mang tiếng, xong mọi người động viên tôi quay về nhà chồng”, bà Sâm nhớ lại.

Mặc dù vợ bỏ đi đúng đêm tân hôn nhưng ông Hải cũng chẳng dám trách móc hay giận gì người vợ mới cưới. Ông Hải chỉ ngậm ngùi nghĩ, nếu họ không chấp nhận thì đành chịu, sống trong hoàn cảnh này thì trách sao được người ta. Cùng lắm thì trở lại cuộc sống độc thân. Thế nhưng chỉ sau 1 đếm suy nghĩ, bà Sâm đã quay về với ông Hải và “liều” sống trên nóc nhà vệ sinh.

Nghĩ cảnh vợ chồng chỗ ở bí bách, khổ cực trăm phần, ông Hải sau đó cũng bán bớt đồ đạc cơi nới thêm giường để vợ chồng có chỗ chui ra chui vào. “Cuộc sống bí bách, kinh tế lại khó khăn nên không tránh được chuyện vợ chồng cãi vã. Thế nhưng khi có con cái rồi phải cố nhịn nhau để sống vì con”, bà Sâm nói.

Sau hơn 30 năm chung sống trên nóc nhà vệ sinh tập thể, ông Hải và bà Sâm có với nhau 2 người con. Đến nay người con trai đã lập gia đình và sinh 1 đứa cháu. Sau khi lấy vợ, anh con trai đi thuê nhà ở riêng, hai vợ chồng bà ủng hộ điều đó vì cháu nhỏ nếu ở trên nóc nhà vệ sinh dễ sinh bệnh không chịu được nắng nóng. Cô con gái cũng đã học xong và đi làm. Gia cảnh khó khăn, nhà không nên hồn nhà nên ngay từ khi các con đến tuổi trưởng thành, bà Sâm đã động viên tư tưởng và khuyên các con không nên giấu giếm về cuộc sống gia đình.

“Kể ra chẳng hay ho gì nhưng cuộc sống gia đình tôi như vậy rồi. Các con khi có người yêu cũng ngại ngần không dám về ra mắt vì sợ người yêu thấy cảnh này. Tôi bảo các con là cứ nói cho người mình yêu hoàn cảnh gia đình mình như thế nếu yêu thì xác định. Nếu người ta hiểu và đồng ý thì mới sống được với nhau. Con dâu tôi bây giờ rất hiểu và thông cảm cho cuộc sống gia đình, còn đứa con gái út thấy bảo đã có người yêu nhưng chưa dám dẫn về ra mắt.

Ông Hải liên tục phải dọn dẹp nhà vệ sinh để hạn chế mùi xú uế bốc lên nhà.

Chắc cuộc sống gia đình thế này nên nó cũng ngại. Khi con trai lập gia đình, ra ngoài thuê trọ ngôi nhà 50m2 sinh sống. Vợ chồng nó có bảo chúng tôi sang ở cùng nhưng sợ phiền con cháu. Nắng nóng này muốn lắp cái điều hoà cũng không có chỗ mà lắp. Con cũng bảo mua cái quạt điều hoà cho mát nhưng không có chỗ để nên đành mua thêm cái quạt treo lên tường”, bà Sâm chia sẻ.

2. Giữa trưa nắng đỉnh điểm của Hà Nội, căn gác trên nóc nhà vệ sinh của ông Hải bắt đầu nồng nặc mùi xú uế. Thấy chúng tôi tỏ ra khó chịu vì mùi, hai vợ chồng ông Hải thay nhau lấy nước dội khu vệ sinh chung, lau chùi nhà cửa. “Cô chú thông cảm, người lạ đến đây thì đúng là không thể chịu nổi, nhất là vào lúc nắng nóng đỉnh điểm thế này, mùi nồng nặc hơn. Tôi phải thường xuyên lau dọn vì một ngày mà không dọn thì cả nhà mất ăn mất ngủ”, bà Sâm nói.

Bà Sâm kể lại cuộc sống trên nóc nhà vệ sinh của hai vợ chồng.

Bà Sâm bảo rằng từ ngày lấy ông Hải, bà tuyệt nhiên không dám mời họ hàng bạn bè về nhà chơi. Bà rất ái ngại vì thi thoảng nhận được điện thoại của anh em họ hàng ở quê gọi điện vừa đọc báo thấy hình ảnh của vợ chồng bà được đăng tải.

“Ngại lắm nhưng cuộc sống nó vậy rồi…”, ông Hải nói như động viên bản thân. Còn bà Sâm thì lẳng lặng không nói thêm gì. Hai vợ chồng ông Hải bao năm qua vẫn ao ước có một căn nhà. Tuy nhiên kinh tế giờ phụ thuộc vào cậu con trai đã ở riêng, thêm vài đồng ông Hải bơm xe ngoài phố nên chẳng dư dả. Bà Sâm từng bán bún riêu nhưng vài năm nay nghỉ vì bệnh khớp vì thế ước mơ về ngôi nhà mới dường như là không tưởng.

“Các con có đợt cũng ngỏ ý vay tiền để sơn sửa lại ngôi nhà này cho sạch sẽ hơn nhưng tôi bảo không có tiền thì thôi. Giờ vẫn ở tạm được nên cứ ở. Ngày mưa gió, gió rét còn đỡ chứ ngày nắng như thế này thì sợ quá”, ông Hải nói thêm.

Phong Anh
.
.
.