Vỡ có kế hoạch

Thứ Ba, 31/10/2017, 09:23
Từ nhỏ hắn đã ghét cay ghét đắng cụm từ “vỡ kế hoạch”. Tại sao ư? Vì mẹ bảo hắn là sản phẩm của cái sự vỡ kế hoạch. Bố mẹ vỡ kế hoạch mới sinh ra hắn


Vì vỡ kế hoạch, nên bố hắn từ một quan chức đầu ngành cấp tỉnh đã phải chuyển đổi công tác về địa phương, là cái xã nằm ở vùng trũng bên sông. Gia cảnh nhà hắn cũng chuyển đổi theo công tác của bố, từ “lên voi” phút chốc thành “xuống chó”.

Vì thế, hắn không được yêu thương giống như hai người anh của mình. Không chỉ vậy, hai ông anh và cả những thằng bạn cùng xóm thỉnh thoảng lại châm chọc hắn là “thằng vỡ kế hoạch”.

Ảnh minh họa.

Vì thế, hắn thề sẽ không bao giờ dùng tới cụm từ “vỡ kế hoạch” trong cuộc đời mình.

Sau khi học hết cấp 3, nhờ mối quan hệ xưa kia của bố khi vẫn còn “lên voi”, hắn được nhận vào làm một chân chạy văn thư ở tỉnh nhà.

Từ đó, nhờ cần cù chịu khó và nhờ luôn “có kế hoạch”, cả trong việc đàn đúm lẫn ăn nhậu với các sếp, hắn thăng tiến nhanh chóng.

Để tránh lặp lại vết xe đổ của bố, hắn nhiều lần dặn vợ: “Tôi với bà nhất định phải có kế hoạch”. Để bảo đảm kế hoạch, hắn dặn vợ nhất định chỉ được mua thuốc từ công ty X, là công ty dược lớn nhất nhì cả nước, cho bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, sự đời không phải bao giờ cũng đúng như kế hoạch. Công ty X mà hắn tin tưởng lại bị phanh phui chuyên làm thuốc giả. Và dĩ nhiên, vợ chồng hắn đã bị vỡ kế hoạch.

Sếp gọi hắn lên khiển trách: “Tiền đồ anh tươi sáng thế? Sao lại để vỡ kế hoạch?”. Hắn vừa nghe đã như bị điện giật, liền chống chế: “Thưa sếp, em chỉ là… vỡ có kế hoạch thôi ạ!”.

Sếp hắn nghe xong giận tím mặt, vì cho rằng hắn cố tình chế giễu mình: “Thôi anh thu xếp giấy tờ, cuối tuần này chuyển công tác”.

Tuy nhiên, vài ngày sau trời mưa to, khi đi học về đứa con đầu lòng của hắn bị sụp cống trôi mất tích. Sếp được tin giật mình, tưởng rằng hắn thật sự có tài tiên tri, thật sự là “vỡ có kế hoạch”. V́ vậy, ông không những không buộc hắn chuyển công tác, mà c̣n có ư cất nhắc.

Nhờ đó, chẳng bao lâu hắn đã lên được tới chức đầu ngành về phòng chống đê điều và bão lũ của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, một lần nữa đời hắn gặp vận đen. Năm đó, mưa lũ bất thường, con đê thuộc địa bàn hắn phụ trách đã bị vỡ, khiến hàng ngàn hộ dân ven sông chìm trong nước lũ.

Sếp hắn năm xưa, nay cũng là cấp trên của hắn, ngay lập tức gọi điện về trách móc: “Anh nổi tiếng có kế hoạch, sao lần này lại để vỡ đê?!”

Vừa nghe tới chữ “vỡ”, hắn lại như bị điện giật: “Thưa sếp. Là vỡ… có kế hoạch ạ!”.

Vừa nói xong hắn đã giật bắn người, muốn thêm vài câu chống chế, nhưng sếp hắn đã cúp điện thoại, hắn gọi lại hàng trăm cuộc vẫn chỉ nghe “ò í e”.

Hắn cúp điện thoại, nhìn ra vùng nước trắng xóa, nghĩ mình phải “có kế hoạch” dọn đồ đạc để chuyển công tác sớm.

Nghĩa Nam
.
.
.