Vợ nhặt thời hiện đại

Thứ Ba, 28/10/2014, 21:30
Tài, chàng trai cục mịch, chân chất, làm nghề giữ xe bỗng dưng "nhặt" được vợ con ở vỉa hè. Câu chuyện "nhặt vợ" của Tài đang sục sôi trên cộng đồng mạng thế giới. Gặp "vợ chồng" Tài ngoài đời, nghe họ kể về giấc mơ hạnh phúc trong khốn khó, bần cùng khiến tôi liên tưởng đến truyện ngắn "vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân cách nay hơn nửa thế kỷ.

"Nhặt" được vợ trong đêm giao thừa

Trời nắng khét da, thằng bé 2 tuổi đầu trần, chân đất chạy lăng xăng trong bãi giữ xe vỉa hè trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, Tp Hồ Chí Minh), ba nó cũng đang nhễ nhại mồ hôi đẩy xe vào, kéo xe ra cho khách. Nó đang tập gọi tiếng ba ngọng líu ngọng lo, vừa lạ lẫm vừa thân quen. Chuyện ba mẹ nó đang trở thành đề tài nóng bỏng trên các trang mạng xã hội trong và ngoài nước.

Gặp Nguyễn Văn Tài (29 tuổi) ngoài đời, không thấy dấu hiệu của người đàn ông bần khổ Tài đeo giây chuyền bằng bạc to bằng chiếc đũa, một cánh tay săm trổ vằn vện. Tài có cốt cách tay chơi hơn là người đàn ông "nhặt" được vợ. Nhưng khi tiếp xúc với Tài lại hoàn toàn khác, Tài cười ngượng ngùng khi kể về việc bỗng dưng có vợ cộng thêm con.

Tối 30 tết năm 2013, Tài đi sang khu vực phòng trọ cũ ở Xóm Củi (Q.4) thăm một vài người bạn thân. Tài ở lại ăn uống no say đến khuya mới ra về. Vừa chạy xe qua hết con hẻm của dãy trọ, Tài thấy hai mẹ con Nguyễn Thị Thùy An (28 tuổi) đang ôm nhau ngồi ở tấm chiếu trên vỉa hè.

Trước đó Tài đã từng chạm mặt An vài lần, sẵn không khí rộn ràng xuân sang, Tài đề nghị chở hai mẹ con đi chơi đường hoa Nguyễn Huệ. Khi giao thừa vừa điểm, Tài đưa mẹ con An về lại khu vực cũ, Tài hỏi nhà An ở đâu để chở về? An bần thần một lúc rồi nói: "Em đâu có nhà, mẹ con em ngủ ở vỉa hè". Tài bất thần, cứ nghĩ An nói đùa. Hỏi lại lần nữa, thì An ôm mặt khóc. Tài không ngờ, đời An lại khổ đến vậy, còn bi đát hơn cả Tài.

Hạnh phúc trong khốn khó của vợ chồng Tài.

Đây không phải là lần đầu tiên Tài bắt gặp cảnh người vô gia cư ngủ trên vỉa hè, đã hơn một lần Tài vô tình lướt qua đoạn đường ấy, dửng dưng trước những cảnh đời như thế. Bởi Tài cũng có hơn gì ai. Tài là dân sinh ra ở thành phố, những ba đời phải đi ở thuê. Tài bỏ học từ năm lớp 3, 15 tuổi đã dạn dày sương gió trên trường đời. Tài làm đủ thứ nghề để tồn tại, đánh giày, công nhân, giữ xe…Tài không giàu có mà vung tiền cho gái, cũng không phải trai hào hoa phong độ để các cô đu bám. Nhưng, Tài có lý lẽ của riêng anh. Lý lẽ cho đi mà không cần nhận lại.  

Tài không do dự, anh nói với An: "Thôi hai mẹ con về nhà tôi ngủ đi, ngủ ở ngoài đường thế này gặp phải bọn đàn ông bợm nhậu giở trò thì khổ". An bẽn lẽn gật đầu ngay. Đêm giao thừa, Tài về nhà mang theo hai mẹ con người lạ khiến cả nhà ngơ ngác. Tài nói với mọi người cho hai mẹ con này ngủ nhờ một đêm. Tất cả đều đồng ý. Sáng hôm sau, trước khi rời khỏi căn phòng trọ của Tài, người đàn bà cảm kích đã kể hết nghịch cảnh của mình.

"Giang hồ sương gió"

Nguyễn Thị Thúy An sinh ra trong gia đình thiếu tình yêu thương của cha, thiếu sự chăm sóc của mẹ. Chỗ dựa duy nhất là người dì. Dì đi lấy chồng, không thể cưu mang cháu, bỏ mặc An bơ vơ lao ra đời. Khi ấy An chưa tới 20 tuổi. An xin làm nhân viên bán cà phê rồi gặp cậu con trai kém 2 tuổi. An nhanh chóng bị cuốn vào cuộc yêu, hai người sống với nhau như vợ chồng. An mang thai, nhưng làm việc nhiều quá nên bị hư thai. Rồi An lại mang thai tiếp.

Khi bụng vượt mặt, chỉ còn hơn một tháng nữa trở dạ thì anh chàng kia "bỏ của chạy lấy người". "Chồng" mất hút, An ôm bụng chửa đi thuê túp lều ở mé sông quận 4 sống vật vờ chờ ngày sinh con. Đến ngày sinh, An chẳng còn một xu dính túi, người dì chạy qua dúi cho 2 triệu đồng làm lộ phí "vượt cạn". Sinh xong, An nhờ y tá kiếm mối để cho con vì bản thân không thể nuôi nổi.

Người ta dắt mối đến, chấp nhận mua thằng con với giá 15 triệu đồng. Tiền trao tay An, nhưng cô không nhận. Cô nói rằng, mình không bán con, mình chỉ nhờ nuôi, sau này cho cô xin địa chỉ để được nhìn mặt con. Đang kỳ kèo mua bán đứa trẻ thì bà dì chạy vào, bà xin lại đứa con và xin trả lại toàn bộ tiền. Thế là, An giữ được con. An quay về túp lều cũ, vật vã một mình nuôi "cục thịt" đỏ hỏn. Không có cái gì ăn, bầu sữa khô quắt. An lại lết dậy xin phụ quán cà phê. Vì tiền lương chỉ đủ để ăn, không có có trả tiền phòng,  An bị đuổi ra khỏi túp lều trọ.

Từ đó, mẹ con An lấy vỉa hè, lề đường làm giường. Một thời gian, công việc tạm ổn, con dần cứng cáp, An bồng con qua quận Tân Bình, ở ghép với mấy cô bạn cùng làm. Những cô bạn này chưa vướng bận con cái nên ăn chơi trác táng, họ rủ An "đập đá" (chơi ma túy) nhưng An không dám. Một phần vì không có tiền, một phần vì còn con nhỏ. An bị chúng bạn đuổi ra khỏi phòng vì tội không chịu ăn chơi. An liều mình bồng con tìm đến phòng trọ nhà "mẹ chồng".

An suy nghĩ: "Dù thế nào thì họ cũng không thể rũ bỏ tình máu mủ đi được. Quay về để bà nội nhìn mặt cháu". Lúc này, An bật ngửa ra, sau khi con trai "xù lông bỏ chạy", bà đã dắt mối và cưới luôn cho con một cô vợ rồi tống khứ nó đi ở rể. Còn bà nội thì sớm tổ tôm, chiều lô đề, chẳng cần đến máu mủ nữa. Bà nhận giữ cháu, nhưng yêu cầu "con dâu" phải trả mỗi ngày 100 ngàn đồng tiền công.

Bà tuyên bố: "Tao chỉ cần tiền thôi, không cần chức bà nội, sau này nó muốn gọi tao bằng gì cũng được". An đi làm tối mặt cũng chỉ được hơn một trăm ngàn đồng, hôm nào không đi làm thì nhịn đói, cũng không có để trả công giữ trẻ cho bà nội. Vài ngày thiếu nợ, An bị bà nội đuổi ra ngoài đường, cấm không được bước chân về. Khi đó đã là hai mấy tết, An ôm con ra vỉa hè, uống nước trừ cơm, người héo như rơm. Cuộc đời của An trước khi gặp Tài bi đát là thế.

"Cu Tràng" thời hiện đại

Quay lại chuyện "nhặt" vợ của Tài. Trái tim chàng trai trẻ bỗng thấy rộn rã khi có An trong nhà. Tài bắt đầu thích cảm giác được chăm sóc, tiếng cười con trẻ như xoa dịu những nhọc nhằn sau mỗi ngày làm việc. Đúng một tuần lễ, Tài đã yêu. Tài đề nghị An và con cứ ở lại đây, không phải đi đâu hết. Tiền thuê nhà một tháng hơn hai triệu đồng, Tài lo được.

Mẹ con Thùy An như vớ được vàng, đồng ý ngay. Từ đó, Tài chính thức là người đàn ông có vợ, có con. Hàng xóm ai cũng biết, chẳng ai trêu chọc gì. Thằng bé Khang bị dịch sởi phải cấp cứu, Tài bỏ công bỏ việc vào bệnh viện chăm con. Lương tháng giữ xe được 4 triệu đồng, chỉ vài ngày trong viện đã hết veo. Tài phải chạy vạy mượn bạn bè, hàng xóm, bởi "vợ" anh chẳng thể lo nổi, trong túi chị  chưa bao giờ có tiền.

Tài vừa trông xe vừa trông con riêng của vợ.

Tài chính thức đoạn tuyệt với quãng đời trai tân, vừa “nhặt” được vợ vừa có cả con. Tài nói: "Tuy vất vả hơn xưa nhiều nhưng tôi thấy vui, cuộc sống có ý nghĩa. Tôi yêu con của vợ như con mình". Con xuất viện, vợ Tài kiếm được một chân phụ bán nước cho các công nhân trong công trường xây dựng ở quận 1, mỗi ngày được 100 ngàn đồng. Cách đây vài tháng, Thùy An bị hư thai phải vào nhập viện Từ Dũ, Tài tay xách đồ, nách ôm con tha thẩn vào theo. Hỏi Tài cái thai đó của ai? vì sao mà hư? Tài thật thà kể: "Vì có thai không biết, cứ chạy lên chạy xuống rầm rầm. Đứa con đó của tôi hay của ai thì tôi cũng không biết nữa?".

Sau đó, Tài gãi đầu, cười ngượng ngùng biện minh: "Chắc là của tôi, vì cũng mới đây thôi". Từ ngày sẩy thai, Tài bảo không dám có con nữa vì sợ không nuôi được. Bây giờ sống vậy nuôi một đứa này là mệt rồi. Gần một năm "nhặt" vợ về, Tài bảo có vài lần hai người cãi nhau nhưng không đến mức to tiếng. Sống vợ chồng phải như thế mới vui. Hai vợ chồng Tài đang ra sức làm việc để có điều kiện mua đôi nhẫn cưới và đi đăng ký kết hôn.

Trước khi "nhặt" vợ, Tài cũng có người yêu, mà yêu cho vui thôi. Bây giờ mới chính thức yêu thì lại làm vợ, làm cha luôn. Từ ngày lên chức, Tài chú tâm làm ăn, không còn lê la cà phê cà pháo nữa, và cắt luôn khoản bồ bịch. Tài tâm sự: "Mình là đàn ông, có vợ con rồi thì phải lo đàng hoàng, sau này thằng bé đi học nữa thì vất vả hơn nhiều".

Dù tình cảnh nào đi chăng nữa thì tình người đã được khơi dậy trên vỉa hè, cứu rỗi số phận "giang hồ sương gió" của mẹ con Thùy An. Thật ra, trên các cung đường đêm ở thành phố này, không thiếu những hoàn cảnh như chị An, nhưng để có một người giang tay bao bọc, che chở và đưa họ về ngủ trong chiếc chăn mỏng mang của một căn phòng thuê trọ chật chội, không phải ai cũng làm được.

Nhiếp ảnh gia Brandon Stanton, một trong những bloger nổi tiếng nhất của Mỹ trong lần đến Việt Nam, ông đi ngang qua bãi giữ xe và nhìn thấy Tài ngồi ăn cơm cùng vợ con dưới gốc cây bồ đề. Ông nhờ người phiên dịch đến nói với Tài rằng, ông muốn có bức ảnh về cuộc sống của hai người. Tài đồng ý còn An lắc đầu, An sợ bị tung lên mạng xấu hổ. Tài đã thật thà kể, đây là người vợ "nhặt" của mình. Không ngờ sau đó, vợ chồng Tài được lên báo quốc tế. Câu chuyện về người vợ "nhặt" của chàng trai Việt Nam chỉ sau 17 giờ tung lên mạng đã nhận được hơn 300.000 ngàn lượt người thích và 10.000 ngàn lượt người chia sẻ.

Ngọc Thiện
.
.
.