Vợ tôi bỏ đi, mẹ hả lòng hả dạ!

Thứ Hai, 28/07/2014, 19:30

Khi tôi mới có mấy tháng tuổi thì bố tôi mất bởi một tai nạn giao thông. Từ đó, mẹ ở vậy nuôi tôi cho tới hôm nay. Dẫu có rất nhiều người đàn ông "đặt vấn đề" nhưng mẹ chỉ cảm ơn mà không nhận lời ai. Không phải bà chê gì họ mà đơn giản chỉ vì quá thương tôi. Bà muốn tập trung tất cả cho đứa con trai duy nhất. Khi tôi trưởng thành, có lần hỏi vì sao mẹ còn trẻ đẹp mà cứ ở vậy trong khi tôi hoàn toàn ủng hộ việc mẹ đi bước nữa thì bà nói là không gặp được ai bằng bố tôi.

Theo bà kể thì bố là người đàn ông quá hoàn hảo, lại yêu chiều vợ hết mực. Sự ra đi của ông để lại cho bà tổn thất quá lớn, không gì có thể bù đắp. Chính vì bà chỉ có mỗi tôi là nguồn an ủi, hạnh phúc duy nhất nên tôi xác định sống sao để đền đáp lại, không làm cho bà buồn, thất vọng điều gì. Nghĩ vậy nên tôi đã lao vào học tập, năm nào cũng đứng đầu lớp. Tốt nghiệp phổ thông, tôi thi đỗ liền hai trường đại học với số điểm rất cao, đạt tiêu chuẩn đi học nước ngoài do nhà nước đài thọ. Nhưng thương mẹ ở nhà một mình nên tôi quyết định không ra nước ngoài mà học ở trong nước

22 tuổi, tôi đỗ thủ khoa đại học, được nhận vào làm việc tại một cơ quan lớn ở Hà Nội. Vừa làm, vừa đi học cao học để chỉ 3 năm sau có bằng thạc sĩ. Và ngay 5 năm tiếp theo đã đỗ tiến sĩ. Năm nay, tôi 32, là tiến sĩ giữ cương vị trưởng phòng nghiệp vụ lớn nhất của cơ quan. Tôi cũng được kết nạp vào Đảng. Vị giám đốc nói sắp tới sẽ bổ sung thêm một phó giám đốc, tôi sẽ được đề bạt vào cương vị này, phụ trách chuyên môn. Vậy là con đường công danh đang rộng mở thênh thang, rất thuận lợi và hứa hẹn nhiều tốt đẹp phía trước. Có người mẹ tuyệt vời, hy sinh tất cả cho mình, công việc, sự nghiệp lại quá may mắn, xán lạn, tưởng chẳng có gì phải nói nữa. Vậy mà tôi lại đang gặp phải bế tắc vô phương cứu chữa. Mấy tháng nay, tôi gầy đi mất 3 cân do suy nghĩ, buồn phiền nhiều. Mọi người sẽ khó tin khi thấy tôi ở vào một tình cảnh hết sức khó xử.

Không hiểu sao, được nhiều cô gái trẻ, đẹp, có học "để ý" mà cuối cùng cách đây 3 năm, khi đã ở tuổi 30, tôi lại đem lòng yêu say đắm Như - hơn tôi 3 tuổi - và đã có hai con. Lúc đầu, mẹ tôi không chấp nhận. Nhưng vì thương và tôn trọng con trai mà cuối cùng, sau rất nhiều lần bị tôi thuyết phục, bà đã miễn cưỡng đồng ý. 

Ảnh minh họa.

Như có đầy đủ phẩm chất của một phụ nữ truyền thống (công, dung, ngôn, hạnh). Song, duyên số thế nào mà cô đã khước từ tất cả để cuối cùng lấy một người tuy giàu có nhưng mắc chứng rượu chè, cờ bạc. Cô nói là lúc quen biết, cô không biết anh ta như vậy, chỉ vì thấy anh ta quá nhiệt tình theo đuổi mà nể, nhận lời, trong khi các chàng khác không kiên trì, chỉ sau mấy buổi gặp không rủ được cô đi chơi là "bỏ của chạy lấy người". Chỉ khi sống với nhau, anh ta mới dần bộc lộ mọi tính xấu, trong đó nặng nhất là gia trưởng, đối xử thô bạo với vợ. Có bà dì ruột ở nước ngoài giúp vốn, anh ta mở công ty rồi buôn bán "vào cầu", trở nên giàu có. Càng có tiền, anh ta càng ngược đãi vợ, nhất là mỗi khi say rượu. Đã vậy, lại có "bồ nhí". Thấy không thể chịu đựng, Như đã ly hôn. Tòa xử cho anh ta nuôi cả hai đứa con vì Như chấp nhận ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, cùng đồng lương hạn hẹp của một nhân viên nhà nước.

Tôi yêu Như tưởng như ngoài cô và mẹ tôi, chẳng có gì còn ý nghĩ trên đời. Ngay cả cái sự nghiệp đầy hứa hẹn, tôi cũng có thể từ bỏ nếu phải đánh đổi để có được cô. Không ai - kể cả bản thân có thể hiểu nổi vì sao tôi lại yêu cô đến như vậy. Lúc đầu, ai cũng khuyên tôi có thể cứ yêu nhưng chớ cưới vì như vậy là sẽ "đâm đầu vào bụi rậm" trong khi đường quang lại không đi. Họ còn nói trước mắt hai đứa con do bố chúng nuôi, nhưng sau này không thể không trở về với mẹ. Khi ấy, tôi sẽ phải chấp nhận có chúng. Rồi cũng phải sinh thêm con, vì tôi chưa có. Cuộc sống gia đình sẽ vô cùng phức tạp. Song, tôi đã bỏ qua tất cả. Không phải là tôi không nghĩ đến điều đó, nhưng tin ở Như, ở bản thân.

Chúng tôi đều không phải không biết nghĩ, đều không ích kỷ, đều rất yêu thương nhau. Không có lý do gì lại đầu hàng hoàn cảnh, rời bỏ nhau, để sống bất hạnh chỉ vì hai đứa con riêng của cô. Chính tôi khuyên cô hãy giành lấy nuôi con, hoặc ít nhất phải có một đứa ở cùng, tôi sẽ coi nó như mình đẻ ra. Nhưng Như nói tòa án không chấp nhận vì cho rằng Như không đủ điều kiện để có thể nuôi con (thu nhập, nhà ở). Vì quá tủi cực với cuộc sống hiện tại, cô buộc phải tạm thời chấp nhận để nhanh chóng thoát khỏi chốn "tù ngục"do người chồng tệ bạc gây nên. Sau này, chắc chắn cô vẫn sẽ có chúng.

Về làm vợ, làm dâu, Như thể hiện rõ mọi phẩm chất tốt đẹp khiến mẹ tôi, từ chỗ bị gượng ép mà chấp nhận đến chỗ trở nên quý và thương cô. Tôi rất vui và yên tâm. Nhưng cưới nhau mãi tới gần một năm mà vợ tôi vẫn không có thai. Điều này khiến mẹ tôi bắt đầu lại suy nghĩ. Bà giục chúng tôi đi khám xem sao. Đến bệnh viện, người ta kết luận cả hai đều không có "vấn đề" gì, "máy móc" bình thường. Giữa lúc chúng tôi buồn phiền thì Như có thai. Sau khi thử để biết chính xác, cả nhà kéo nhau ra tiệm liên hoan một bữa để "ăn mừng". Mẹ tôi ra vào hớn hở. Vợ tôi cũng rạng rỡ. Chỉ chứng kiến hai người thân yêu như vậy, tôi đã đủ hạnh phúc mà chưa cần đợi đến phút đứa con ra đời.

Nhưng ông trời đã quá bất công, nỡ đem bất hạnh đến một gia đình ăn ở tử tế, hiền lành. Đến tháng thứ ba, Như bị sảy thai, sau cú trượt chân cầu thang, bị ngã. Mẹ tôi nói "cái số nó vô phúc. Ngày xưa có thai con, mẹ hai lần ngã xe đạp mà có sao đâu. Nay chỉ ngã nhẹ, vậy mà sảy". Nghe mẹ nói vậy, tôi hiểu là bà lại trỗi dậy sự thất vọng về đứa con dâu.

Tôi an ủi, động viên cả vợ và mẹ. Nhưng mệt hơn là đối với mẹ. Suốt ngày bà cứ thở dài thườn thượt, ngay cả trước mặt Như khiến cô càng não ruột. Tôi cố gắng đêm ngày bồi bổ cho vợ. Mấy tháng sau, thật may mắn, cô đã có thai trở lại. Mẹ tôi mừng rỡ. Nhưng trong nỗi mừng ấy tôi đọc được chút không yên tâm của mẹ. Đúng như vậy, bà luôn dặn con dâu: "Đã sảy một lần thì rất dễ sảy lần thứ hai. Con phải đặc biệt giữ gìn, chỉ đi lại nhẹ nhàng trong nhà, mọi việc cứ để mẹ làm vì đâu đến nỗi già yếu để không thể cáng đáng".

Trong một lần, mẹ tôi đi lễ chùa, tôi đi làm, Như ở nhà đã tìm cách trở lại thăm đứa con nhỏ do cô quá nhớ nó. Và đến tối trở về, cô ra rất nhiều máu, phải cấp cứu bệnh viện. Và thế là lần thứ hai lại bị sảy. Mẹ tôi về, biết chuyện, đã vô cùng buồn bã và tức giận, nhất là việc cô đã không nghe lời bà dặn là không được đi đâu, mà lại về thăm con riêng. Bà cho rằng cô đã không toàn tâm toàn ý với nhà chồng mới. Lần này, mẹ tôi tỏ rõ sự bất mãn, bất cần, không còn giữ được bình tĩnh trong cách nói năng với cả tôi và Như khiến cô khóc. Đỉnh điểm là câu bà nói: "Không biết kiếp trước tôi thế nào mà sao kiếp này vô phúc. Thằng con trai độc nhất của tôi cũng vô duyên. Mà cũng tốn bao công sức, tiền của để cố giữ bằng được mà cuối cùng chị vẫn coi thường. Chúng tôi chẳng còn gì để nói với chị...".

Sau đó, vợ tôi về phòng khóc. Ngày hôm sau đi làm về, tôi nhận mảnh giấy Như ghi lại. Cô đã bỏ đi và đề nghị tôi không tìm. Cô nói ra đi để tôi có hạnh phúc mới. Cô cũng nói thẳng chúng tôi phải ly hôn để thỏa mãn nguyện vọng của mẹ tôi (bà muốn tôi ly hôn ngay từ khi đợi mãi mà Như không có thai). Cô còn để lại đơn xin ly hôn đã ký sẵn một bên. Với tính cách Như, tôi biết cô hành động sau khi đã nghĩ kỹ chứ không phải là sự giận dỗi. Vậy tôi có nên nghe theo mẹ mà chấp nhận đề nghị của vợ tôi? Thú thực là nếu vậy, tôi rất thương Như vì tình yêu của tôi đối với cô vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng đi tìm cô để đón về thì mẹ tôi không chấp nhận vì sau khi đọc thư cô để lại, bà dứt khoát yêu cầu tôi ký đơn ly hôn. Tôi quá bế tắc, không biết xử sự ra sao.

TS Nguyễn Đình San:

Anh hãy hành động theo sự xui khiến của trái tim mình. Trong trường hợp này, trái tim anh sẽ mách bảo chính xác. Vợ anh đòi ly hôn do hai nguyên nhân: Vừa thương anh, vừa đáp ứng mong muốn của mẹ chồng. Nhưng bị sảy thai lần thứ hai, không có nghĩa là cô ấy tuyệt đường con cái. Anh hãy hết lòng thuyết phục mẹ là nếu bỏ vợ, anh sẽ hoàn toàn suy sụp và lương tâm sẽ cắn rứt suốt đời. Mẹ anh sẽ chỉ giận anh một thời gian. Nếu cả hai khéo ăn ở và quyết tâm "tổ chức" thai lần thứ ba thành công, chắc mẹ anh sẽ quên hết mọi chuyện thôi. Nhưng tạo nên lần thứ ba là khó khăn và phải hết sức giữ gìn, kẻo sẽ không có lần thứ tư đâu.

Bác sĩ Đặng Hải Sơn:

Tôi cho rằng anh là người rất giỏi lý lẽ, lý lẽ ở đây chính là việc anh che đậy sự kém cỏi của mình bằng những lý do. Một người đàn ông, như anh tự nhận, là đã giỏi đường công danh và biết đối nhân xử thế, thì không lẽ anh không đủ sự thông tuệ và hiểu được tính mẹ, giải thích cho mẹ hiểu câu chuyện sao? Và anh không đủ dũng cảm để sống riêng mà vẫn chăm sóc được mẹ? Anh sẽ nói, có một mẹ một con tại sao lại phải sống riêng? Nếu sống riêng, thì mẹ anh sẽ tự hiểu mỗi người đều có một phần riêng tư và hạnh phúc của vợ chồng anh phải do anh quyết định. Đằng này anh để mọi thứ trở nên rối tung lên rồi đứng giữa ngã ba đường. Mẹ anh cũng không vui, vợ anh bỏ đi rồi, còn anh có thể có mẹ sẽ mất vợ và ngược lại. Nếu anh ngay từ đầu đã "xác lập những ranh giới" thì cuộc sống sẽ ổn định hơn. Mẹ anh sẽ không giằng co, và vợ anh như anh miêu tả là tốt người tốt nết, chắc chắn sẽ dần làm cho mẹ anh thiện cảm hơn. Hãy đi tìm vợ và giải quyết câu chuyện này. Hạnh phúc là của anh, chứ không phải là của mẹ anh. Anh muốn sao thì sẽ được như vậy!

Phùng Quốc Tuấn
.
.
.