Vọng phu cửa biển

Thứ Ba, 20/01/2015, 12:00
Ngoài kia, biển vẫn lạnh lùng "ngoạm" bờ, "đuổi" con người lùi sâu vào đất liền. Thì, những người đàn bà cứ đấu vật với "thủy thần" để trở thành vọng phu cửa biển. Họ cô đơn trên bờ cát trắng, trái tim rỉ máu vì một cuộc tình vỡ vụn…  

1.Đường vào làng chài Bãi Nhái khúc khuỷu, gồ ghề, xẻ dọc những ruộng muối trắng khô. ''Con xe'' của Trung tá Mai Văn Thắng - cán bộ vùng 2 Hải quân (đóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu) chở tôi phải "chồm" qua bờ đê bồi đắp bằng cát trắng. Làng chài hoàng hôn buồn đến tê lòng, những túp lều tranh đã bị sóng đánh tan tành, rặng dừa chắn gió ven bờ cũng trơ rễ, thân xác bị nước biển cuốn trôi. Từng mảng bê tông cuối cùng còn sót lại của một khu du lịch nghỉ dưỡng sang trọng, nay cũng sứt mẻ, loang lổ gạch vữa. Tất cả biến mất chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, một dự báo đầy tai ương của hiện tượng trái đất nóng lên.

Cái còn sót lại duy nhất ở đây là hai "hòn vọng phu" đang gồng mình chống cự với sự "ngộp ngoạp của thủy thần". Mỗi năm, họ bị nước biển "xô" vào một tý, bây giờ đã dạt về sát chân đê. Người đàn bà có cái tên giản dị như chính cuộc đời của bà: Trần Thị Bình (56 tuổi). Sau những biến cố đau thương của cuộc đời, bà dạt về đây, nhặt nhạnh những vật dụng còn sót lại của một dự án du lịch nghỉ dưỡng đã bị nước biển "đuổi đi", vá víu lên thành ngôi nhà mong manh trước gió biển. Một mình bà ở nơi này? Tôi hỏi. Nụ cười lặn vào trong, bà trả lời tỉnh queo: "Có mỗi mình thôi, quen rồi, chẳng sợ gì hết ráo".

6 năm trước, bà từng có một tổ ấm ở xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu). Chồng bà làm nghề đi biển. Bao nhiêu năm làm ăn bình yên là thế, khi có chút vốn liếng, chồng bà bỏ biển lên bờ mở công ty kinh doanh hải sản. Mộng giàu sang chưa thấy thì ông bị tiếng sét ái tình mê hoặc. Ông bắt đầu chểnh mảng việc gia đình, không quan tâm đến vợ con. Làm được bao nhiêu tiền, ông đi "hú hí" với người đẹp chân dài hết. Bà buồn quá, đâm đơn ly dị. Bà chia gia tài cho hai đứa con trai rồi một mình ra Bãi Nhái.

Bà Bình luôn dõi mắt về phía biển, ngóng tàu cá của đứa cháu trở về.

Ngày ấy du lịch còn phát triển, khách kéo về tắm biển đông đúc nên gánh hàng nước giải khát của bà bán đắt như tôm tươi. Nỗi đau tan vỡ hạnh phúc dần nguội trong lòng, bà nghĩ rằng, mình sẽ an phận ở đây, hưởng những ngày cuối đời bình yên cùng sóng biển. Vài năm sau, gia đình người em gái cũng tan vỡ hạnh phúc, thằng cháu buồn cha mẹ xách quần áo ra biển ở với bà. Lông bông mãi cũng chán, nó xin theo tàu đi đánh cá tận biển Kiên Giang, vài tháng mới về một lần. Những buổi chiều xập xệ trên Bãi Nhái, khi không còn một bóng khách du lịch, bà Bình thường vác ghế ra ngoài bãi biển ngóng bóng dáng một con thuyền. Bà cứ ngóng mông lung về phía xa, ấy thế mà có lần ngóng thấy thằng cháu về thật. Thuyền nó bị tai nạn ngoài biển, được tàu cá bạn lai dắt về đất liền sửa chữa. Nhìn thấy nó lành lặn trở về, bà mừng rơi nước mắt. Bà không cho nó đi biển nữa, bảo nó ở nhà mò cua bắt ốc cũng sống được. Còn lo lấy cô vợ mà ổn định cuộc sống. Nhưng nó không chịu, nó nhất quyết ra khơi. Vì nó yêu biển.

Hai người con trai lấy vợ, bà chỉ có mặt đúng ngày rước dâu rồi lại tìm cớ về với túp lều tranh, không ai khuyên nhủ được bà. Năm ngoái, có đám tiệc người quen trong thành phố, bà dặm phấn quét son diện bộ cánh vẫn còn thẳng bay nếp gấp đi dự. Tại đây, bà gặp lại chồng cũ, những ký ức quá khứ ùa về, bà nghẹn ứ trong cuống họng, hai người nhìn nhau chẳng nói được lời nào. Rồi, bà đứng phắt dậy, bỏ về trước sự ngỡ ngàng của mọi người. 

Tuổi 56, trông bà vẫn phốp pháp, đẫy đà và có vẻ trẻ hơn tuổi đời. Bà bảo, lúc mới đầu sống ở đây cũng sợ, đêm nằm nghe sóng đánh choang choác vào bờ, lại có tiếng con gì kêu thê lương, ảm đạm. Ở lâu lại quen, giờ cho ngủ ở trong thành phố không có tiếng sóng thì chịu. Một thân đàn bà trong túp lều vắng giữa bãi biển, bà Bình đã quá dạn dĩ, ma quỷ bà không sợ nhưng lâu lâu có mấy thằng cha say rượu mò đến trêu ghẹo, tán tỉnh, bà thấy ớn. Bà la ó, chửi bới đuổi như đuổi tà. Họ thấy bà đanh đá cũng chẳng dám làm gì.

Từ ngày Bãi Nhái không còn khách du lịch, bà Bình đổi sang làm nghề mò ốc. 3 giờ sáng, khi thủy triều rút, bà cắm đèn pin trên đầu, xách xô đi ra biển. Mùa này có nhiều ốc đinh, mỗi buổi đi mò như thế, bà kiếm được khoảng 3kg. Mò đến khi nào thủy triều dâng thì về. Xong, bà đạp xe 5 cây số ra chợ bán. Được khoảng một trăm ngàn đủ cho bà ăn uống, và mua những đồ dùng sinh hoạt. Bà thấy cuộc đời như vậy cũng vui. Bà nghĩ mình chỉ là hạt cát giữa biển thôi, rồi chẳng biết biển sẽ cuốn trôi đi lúc nào. Chỉ ra ngoài bè cá cách bờ chừng 100m, bà thở dài: "Hồi trước mới tới đây, nhà tôi ở tận ngoài đó. Chỉ 6 năm thôi mà biển "đẩy" tôi vào tới đây rồi. Vẫn biết đó là quy luật tự nhiên, nhưng tôi tiếc nhất vẫn là hàng dừa xanh mát, đẹp miên man cũng bị sóng đánh bục rễ, cuốn trôi ra biển".

Bà Tuyết oằn vai mưu sinh trên bãi biển.

2. Bà Bình chỉ tay sang bên kia, chỉ cách một dải cát "nhàu nhĩ" rác rưởi, nói như than: "Ở làng chài này còn có bà Nguyễn Thị Tuyết (53 tuổi) nữa, cùng cảnh ngộ như tôi". Dõi mắt theo tay bà Bình, không khó để chúng tôi xác định vị trí của người đàn bà tên Tuyết. Chỉ cách một tầm mắt nhưng tôi và Trung tá Mai Văn Thắng phải vòng xe quay lại con đường "xương cá" nhan nhản ổ gà lúc đầu.

Cung đường vào nhà bà Tuyết là một con rạch xẻ đôi bờ cát. Những tấm bạt phơi cá bị gió đánh rách tả tơi, phên, cọc nằm mục ruỗng trên bãi đất trống. Trung tá Thắng cho biết, bây giờ đang mùa biển động, ngư dân đi biển gặp nhiều khó khăn, phải rất dài ngày mới vào bờ. Vậy nên "vựa" phơi cá trở thành "vọng phu" ngóng biển.

Ở đây, không thênh thang như nơi ở của bà Bình. Ở đây, là một bãi rác khổng lồ do sóng biển "chuyên chở" từ đâu đổ về. Và một phần nữa, do dân cư xung quanh "ban tặng". Bà Tuyết không có ở nhà, người ta mách chúng tôi cứ ra bãi rác mà tìm, sẽ thấy. Xa xa, có bóng nón trắng nhấp nhô xen lẫn những tấm mút xốp, bao nilon ngổn ngang ngoài bãi. Một em bé đang chơi bốc cát chỉ tay về hướng đó, nói lanh lảnh: "Bà Tuyết đang nhặt rác ngoài kia".

Thân hình nhỏ bé, khô quắt của bà Tuyết oằn dưới đôi quang gánh lủng lẳng nào là dép rách, giẻ rách, dây thừng rách… Bà nhặt tất, nhét tất vào hai bao tải. Cái nào lùng nhùng, luộm thuộm, bà cuốn lại treo vào đầu quang gánh. Bà đi chân đất, giẫm rộp roạp xuống đống "thiên la địa võng" của biển. Bà cho biết, đi chân đất để dễ dàng phát hiện ra "chiến lợi phẩm" dưới lòng cát. Bàn chân trần khi giẫm trực tiếp xuống cát sẽ nhận diện được chai lọ, hoặc một cuộn dây điện chẳng hạn. Thôi thì hy sinh bàn chân cho công cuộc kiếm cơm trường kỳ cũng đáng. Đôi tay bà cào cấu, bới móc dưới lớp cát sặc mùi biển, có khi được gói mì tôm ăn dở, khi được lon bia bẹp rúm. Gánh đồng nát của bà Tuyết bao gồm cả những thứ không thể bán, vì chả có ai mua. Ví như gói cháo gà trương phềnh trương nổi bởi một đêm theo sóng vào bờ. Hỏi bà nhặt về làm gì? Bà trả lời: "Cho gà, cho chó ăn chứ làm gì. Lũ chúng nó không có cái này là chết đói đấy".

Một góc làng chài Bãi Nhái đã bị biển xâm lấn nghiêm trọng.

Bà Tuyết bảo rằng, bãi rác này giúp hai mẹ con bà và một đàn gà, ba con chó cầm cự sự sống gần chục năm rồi.

Mấy năm nay làng chài bị biển xâm lấn, không còn ai đến đầu tư du lịch nữa nên cư dân xung quanh cũng… đói. Ngoài số ít ngư dân sắm được tàu ra khơi, còn lại phải làm nghề bắt ốc và lượm rác ở bãi biển. Tầm 2 giờ sáng trở đi, thủy triều rút mạnh là lúc cả làng tràn ra biển nhặt rác. Ánh đèn pin lấp lánh như sao trời, tiếng cười nói oang oang giữa đêm tối lạnh giá. Nhưng chỉ đám đàn ông mới đủ sức đi ra xa như vậy, còn cánh đàn bà chỉ quanh quẩn gần bờ để còn chạy thủy triều. Riêng bà Tuyết bây giờ mắt kém, tai ù, chân yếu không thể "đua" với người ta được. Bà chọn giải pháp "năng nhặt chặt bị".

Sáng sớm, bà lầm lũi quang gánh ra bãi, bà đi từ đầu này đến hết đầu kia khoảng hơn một cây số. Bà bước thật chậm, kết hợp chân, tay, mắt bới cát mò chai lọ. Vì cánh đi trước đã "quét" gần như sạch bóng các loại rác có giá trị, phần bà chỉ còn lại dây rợ và bao nilon, họa may lắm mới được lon bia vùi sâu trong cát. Đến trưa, quang gánh của bà cũng "đằm" vai, bà về nhà, lại oằn lưng đạp xe hơn 5 cây số đón con gái đang học cấp 2. Chiều bà lại "quét" lại một lần nữa trên bãi rác, bà "quét" đến nỗi muốn tìm một chiếc bọc rách cũng khó. Bình quân một ngày, bà kiếm được 50 ngàn.

Năm 2006, cơn bão số 9 (có tên quốc tế Durian) đổ bộ vào Vũng Tàu, cướp mất người chồng là chỗ dựa duy nhất trong gia đình bà Tuyết. Chồng bà đã nằm lại ngoài biển, không tìm thấy xác, khi ấy con gái mới được hơn 3 tuổi. Bà đau vật vã, ôm con về Bãi Nhái "cướp đất" của biển, dựng lều sinh sống. Bà vẫn không ngừng hy vọng về một phép mầu kỳ diệu nơi biển cả, biết đâu chồng bà bị sóng đánh dạt vào một hòn đảo nào đó, vẫn còn sống và đang tìm đường trở về nhà. Có doanh nghiệp xuất khẩu hải sản thương hai mẹ con bà, cho bà một chân đóng hộp cá xuất khẩu với mức lương đủ sống. Nhưng bà không chịu, bà muốn mỗi ngày được ra bãi biển, ngóng về phía biển, tìm kiếm và đợi chờ…

Ngọc Thiện
.
.
.