Vòng quanh thế giới khám phá những tập tục đón năm mới thú vị

Thứ Tư, 18/02/2015, 18:30
Cứ mỗi khi Tết đến xuân về, khắp mọi nơi trên thế giới lại nô nức chuẩn bị đón năm mới. Cho dù mỗi đất nước có mỗi cách đón năm mới khác nhau nhưng vẫn có một không khí chung đó là háo hức và tràn đầy năng lượng để cùng nhau đón một năm mới đến.

Một nhiếp ảnh gia người Anh tên là John Rechard, 33 tuổi, đã quyết tâm thực hiện ước mơ của mình trước khi anh tạm biệt cuộc sống độc thân. Là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư nhưng John Rechard luôn muốn khám phá tất cả mọi nơi trên trái đất để tận mắt được chứng kiến những cảnh đẹp của thế giới và được ghi lại những hình ảnh đó dưới ống kính máy ảnh của mình. Sau những tháng ngày ước mơ, anh quyết định thực hiện điều ước đó ngay trước thềm năm mới 2015.

Với chuyến đi chỉ vỏn vẹn 20 ngày nhưng John Rechard đã khám phá được rất nhiều điều mới mẻ và kỳ thú mà từ trước đến nay anh chỉ được biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng. Không gì có thể diễn tả được hết những niềm vui khi ước mơ được thực hiện một cách hoàn hảo như vậy. John Rechard vừa hào hứng kể vừa đưa cho mọi người xem những bức hình mà anh đã không bỏ lỡ khi anh được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, lạ và kỳ thú ở những nơi anh đến.

Thực hiện chuyến đi đúng dịp năm mới, dịp mà người người náo nức chuẩn bị cho một năm mới an lành đang đến rất gần càng khiến John Rechard cảm thấy mình may mắn với quyết định đúng đắn mà anh đã đưa ra để thực hiện. John Rechard kể rằng, đúng là không đi thì anh không thể cảm nhận được hết những gì kỳ thú của những tập tục đón tết khác nhau ở mỗi quốc gia trên thế giới.

Sinh ra và lớn lên ở nước Anh, John Rechard chỉ biết đón năm mới ở nước Anh với tập tục xông đất bởi người Anh luôn tin rằng, sau đêm giao thừa, vị khách nam đầu tiên đến thăm nhà sẽ đem lại may mắn cho gia chủ. Khi đến thăm, người khách này sẽ mang kèm một món quà như tiền, bánh mì hoặc than đá nhằm chúc gia chủ sẽ đủ đầy những món này trong suốt năm. Tuy nhiên, người Anh rất kiêng kỵ những người có tóc vàng hoặc đỏ hoặc là phụ nữ đến xông đất bởi họ tin rằng những người này sẽ mang đến sự xui xẻo.

Tại London, người dân thường tập trung quanh quảng trường Trafalgar Square và Piccadilly Circus để chờ đón tiếng chuông ngân từ tháp đồng hồ Big Ben mừng năm mới đến. Gia đình John Rechard cũng như tất cả những gia đình khác ở Anh đều đón năm mới theo đúng phong tục của đất nước mình.

Năm mới tại đất nước bí ẩn

Đất nước đầu tiên John Rechard lựa chọn để đặt chân đến là đất nước Triều Tiên. Với John Rechard thì đây là một đất nước châu Á hoàn toàn xa lạ đối với anh nhưng anh vẫn quyết định tìm hiểu xem đất nước bí ẩn này đón năm mới thế nào. Lên đường với một tâm trạng hứng khởi và đầy năng lượng, khi đặt chân đến đất nước Triều Tiên xa lạ thì anh cũng không khỏi ngỡ ngàng và thích thú với những gì được tận mắt chứng kiến.

Đến với đất nước Triều Tiên, John Rechard được biết rằng Giáng sinh không phải là một ngày lễ lớn ở Triều Tiên. Điều này hoàn toàn khác biệt so với đất nước của anh và một số nước phương Tây. Mặc dù Giáng sinh không được coi là một ngày lễ lớn nhưng chỉ sau đó một tuần thì lễ đón năm mới lại là một sự kiện trọng đại vui tươi và quan trọng nhất trong năm. Vào đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là thời khắc thực sự thiêng liêng.

Mâm cỗ mừng năm mới của người Bắc Triều Tiên.

Vì người dân Triều Tiên không được tổ chức tiệc tùng hay ăn mừng bất kỳ một ngày lễ nào theo lịch phương Tây ngoại trừ ngày Tết dương lịch 1-1 nên họ đã tổ chức thực sự linh đình và trọng đại cho ngày lễ này. Họ mở tiệc chiêu đãi bạn bè và người thân ở tất cả mọi nơi trong thành phố. Không cần biết là người thân hay không thân nhưng nếu bạn đi ngang qua nơi họ đang tổ chức tiệc đón năm mới thì ngay lập tức bạn sẽ được mời tham gia bữa tiệc như là một sự may mắn đầu năm.

John Rechard khá bất ngờ khi anh được một chủ nhà mời tham gia bữa tiệc năm mới, nơi mà anh đối với anh hoàn toàn xa lạ nhưng khi hòa nhập vào không khí chung thì anh cảm thấy ấm cúng, thân thiện và thực sự hạnh phúc. Không khí ấm áp và thân thiện này đã khiến John Rechard cảm thấy thích thú và quên hẳn đi mình là một người ở nơi khác lần đầu đặt chân đến đất nước của họ. John Rechard được gặp gỡ nhiều người bạn từ rất nhiều nơi trên thế giới đang sống và làm việc tại đây. Có những người bạn như vậy nên John Rechard đã nhanh chóng tìm hiểu được những tập tục của đất nước Triều Tiên.

Monique Macias, một người dân Guinea Xích đạo từng sống ở Triều Tiên một thời gian, cho biết người dân chỉ làm việc đến khoảng chiều 31/12, sau đó họ sẽ về nhà để chuẩn bị tiệc đón năm mới với gia đình, hoặc ra nhà hàng để ăn uống cùng bạn bè. Người dân sống ở Bình Nhưỡng còn có thể đến theo dõi các tiết mục nghệ thuật chào năm mới diễn ra ở sân vận động.

Vào thời khắc giao thừa, người dân sẽ tụ tập xung quanh bờ sông Taedong ở Bình Nhưỡng để theo dõi pháo hoa bắn từ tòa tháp Juche. "Rất nhiều người ra đường để vui chơi và ăn mừng năm mới, các nhà hàng chật kín khách", giám đốc một công ty du lịch có tổ chức tour đến Triều Tiên cho biết trên Business Insider.

Ngay sau đêm giao thừa, nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ có bài phát biểu đầu tiên, được truyền hình trực tiếp, để chúc mừng năm mới và nhấn mạnh những mục tiêu cho cả năm phía trước. Những thông điệp mà ông Kim Jong Un đưa ra hồi năm ngoái là kêu gọi cải thiện nền kinh tế và tiêu chuẩn sống của người dân, thúc giục các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu khoa học quân sự.

Ông Kim Jong Un đã khôi phục lại việc phát biểu năm mới trước toàn thể nhân dân sau khi lên nắm quyền. Truyền thống này bị gián đoạn từ năm 1994 sau khi lãnh tụ Kim Nhật Thành qua đời. Cố lãnh đạo Kim Jong Il hiếm khi xuất hiện trước công chúng, thay vào đó những tờ báo nhà nước sẽ đồng loạt đăng bài viết năm mới của ông.

Bên cạnh việc ở bên gia đình, ngày đầu năm là dịp để người dân Triều Tiên vinh danh những nhà lãnh đạo nước này. Các sinh viên Triều Tiên sẽ đánh thức những sinh viên quốc tế để rủ nhau đi đặt hoa dưới tượng đài các vị lãnh đạo quá cố nhằm tỏ lòng tôn kính và cầu nguyện cho một năm mới thành công. John Rechard thực sự cảm thấy may mắn vì đã chọn lựa đất nước Triều Tiên để cùng họ tham dự lễ đón năm mới.

Mỗi đất nước có một cách đón năm mới khác nhau, nước nào cũng muốn thể hiện tất cả những hình ảnh đẹp nhất, sống động nhất của đất nước mình để không những họ được chiêm ngưỡng mà còn muốn cả thế giới ngưỡng mộ. Mỗi không khí đều mang lại cho chúng ta những cảm xúc thật thiêng liêng và niềm tin vào một tương lai tương sáng, rạng rỡ đang đến rất gần. Không chỉ những người lớn mới cảm nhận được điều đó mà ngay cả những em bé cũng thể hiện đầy cảm xúc trên khuôn mặt thơ ngây. Chúng cũng phần nào hiểu được rằng không khí của những ngày đầu năm mới thực sự vui và háo hức thế nào.

Năm mới tại Đức

Nhớ lại lần được đón năm mới tại Đức, một người bạn mới quen của John Rechard đã kể cho anh cùng một vài người bạn trên đất Triều Tiên càng làm cho không khí đón năm mới thêm náo nhiệt. Người Đức đón mừng năm mới từ chiều 31/12 của năm trước, mọi người tụ tập ăn uống và vui chơi đến giao thừa. Trước giao thừa 15 phút, mọi người ngồi yên trên ghế, đến khi chuông đồng hồ điểm, họ nhảy ra khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt rủi ro, khó khăn ở năm cũ, bước qua năm mới.

Trong thời khắc giao thừa, người Đức ôm nhau và trao nhau những nụ hôn thắm thiết, chúc nhau năm mới. Người Đức có thói quen nấu chì trong nước và dự đoán tương lai qua hình dạng miếng chì, nếu hình miếng chì có dạng trái tim là trong năm sẽ có đám cưới, hình chiếc thuyền có nghĩa là chuyến du lịch. Vào đêm giao thừa, khi ăn xong mọi người sẽ chừa lại một ít thức ăn trên đĩa và để đến sau nửa đêm. Đây là một cách cầu chúc cho sự ấm no trong năm mới.

Người Đức rất quan trọng lễ đón năm mới và kéo dài trong một tuần. Người Đức có tập tục mặc quần áo mới đầu năm cầu mong mọi sự như ý trong năm mới, phong tục kẹp vảy cá trong tập tiền vì họ tin vảy cá mang lại may mắn.

Các bữa ăn trong dịp đón mừng năm mới của người Đức sẽ không thể thiếu cà rốt và bắp cải – hai thức ăn mang lại sự ổn định về tài chính theo quan điểm của người dân Đức, và các loại bánh mì tự làm hình tròn, hình bát giác, hình trái tim, hình chóp cầu mong những điều không tốt sẽ được loại bỏ, một năm mới với nhiều điều tốt lành sẽ đến.

Nước Đức cũng như tất cả những nước khác trên thế giới đều có những tập tục riêng để đón năm mới. Trong những tập tục đó đều cố gắng để bỏ lại những gì không hay, không tốt để đón những điều may mắn, vui vẻ khi một năm mới đến.

Mỗi người trong nhóm bạn mới quen của John Rechard đều cảm thấy hứng thú với việc tìm hiểu những tập tục đón năm mới của những nước trên thế giới qua những trải nghiệm của mọi người trong nhóm.

Tại đất nước Hồi giáo

Đến với đất nước Ai Cập, nơi mà có nhiều điều kỳ thú với những câu chuyện về xác ướp hay những tập tục của người Hồi giáo càng khiến câu chuyện về năm mới của Rechard và các bạn thêm hứng khỏi. Dù biết từ trước là năm mới sẽ đến nhưng người dân nơi đây vẫn ngóng đợi lúc mặt trăng có hình lưỡi liềm và sự tuyên bố bắt đầu năm mới. Thông điệp năm mới bắt đầu được phát ra từ nhà thờ Muhammed Ali ở Cairo. Các thủ lĩnh tôn giáo sẽ lan truyền tin này tới dân thường. Những người này trước đó đứng đợi bên ngoài nhà thờ sẽ chúc mừng lẫn nhau. Sau đó, họ về nhà kể cho gia đình mình nghe và ăn một bữa đặc biệt mừng năm mới. Ngày hôm ấy, ngay cả gia đình nghèo nhất cũng cố tổ chức một bữa ăn thịnh soạn.

Trên bàn ăn không có rượu bởi theo luật đạo Hồi thì rượu bị cấm hoàn toàn trong bữa tiệc đón năm mới. Đón năm mới, ai cũng mặc đồ đẹp, ngay cả những cô gái ngày thường chỉ mặc trang phục đen theo quy định của Hồi giáo thì lúc đón tân niên cũng được phép mặc những bộ quần áo nhiều màu rực rỡ.

Thú vị

Người Đan Mạch tin rằng, trong những ngày đầu tiên của năm, nếu trước cửa nhà có thật nhiều dĩa bể thì đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho gia đình. Đập đồ sành sứ, nhảy từ ghế xuống đất là hai trong số những truyền thống đặc biệt ở Copenhagen. Người địa phương thường đứng trên ghế và đồng loạt nhảy xuống khi đồng hồ điểm 12h đêm, theo nghĩa đen là “nhảy” vào năm mới. Hành động này mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ còn sót lại của năm cũ.

Việc đập vỡ chén đĩa cũ và các đồ sành sứ là để mang lại may mắn. Người ta thường đập chén đĩa trước cửa nhà hàng xóm, nhà nào càng có nhiều bát đĩa vỡ càng chứng tỏ được mọi người yêu quý. Trong đêm giao thừa ở đây, bạn sẽ phải thật cẩn thận để tránh các đống bát vỡ dọc đường đến bữa tiệc năm mới được tổ chức ở quảng trường Amalienborg.

Trang phục đón tết của người Mexico.

Quyết định rời đất nước Triều Tiên xinh đẹp và mến khách trong sự tiếc nuối bởi John Rechard còn muốn được tìm hiểu nhiều hơn nữa, biết nhiều hơn nữa về đất nước hút khách này nhưng anh vẫn phải đi bởi kế hoạch và những dự định cho chuyến đi thực hiện ước mơ còn quá dài. Đất nước tiếp theo John Rechard đặt chân đến là đất nước Nhật Bản. Theo John Rechard biết thì Nhật Bản đã có thay đổi những tập tục đón năm mới trong thời gian gần đây nên anh muốn tận mắt chứng kiến cả những cái mới và cái cũ trong dịp đón năm mới của đất nước Nhật.

Gần đây ở Nhật có một phong tục phổ biến là người ta thường ngồi trước tivi xem chương trình ca nhạc tranh tài Kouhaku Uta Gassen, một chương trình nhạc hội quy tụ những ca sĩ nổi tiếng nhất vào đêm giao thừa. Quán quân là người được nhiều khán giả bầu chọn nhất.

Nửa đêm, các thành viên trong gia đình quây quần lần cuối cùng trong năm cũ, cùng nhau xì xụp ăn món mì Toshikoshi-Soba. Đây là phong tục truyền thống dựa trên liên tưởng về việc ăn những sợi mì dài có ý nghĩa “chuyển giao từ năm cũ sang năm mới”. Cũng có địa phương cho rằng sợi mỳ dài của Toshikoshi-Soba tượng trưng cho tuổi thọ và may mắn kéo dài. Đúng lúc này, chuông chùa điểm đúng 108 tiếng để xua đi 108 ham muốn trần tục khiến con người phải khổ sở, theo lời răn của đạo Phật.

Còn tại đất nước Ghana nhỏ bé nhưng cực xinh đẹp người ta không đón Tết với cây thông trong nhà mà làm những ngôi nhà nho nhỏ bằng lá dừa, dùng bóng đèn trang trí, rồi dựng khắp nơi trên đường phố, thanh niên nam nữ tới các ngôi nhà đón xuân đó, hát hò vui vẻ.

Trong các căn nhà ấy, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ. Món ăn ngày Tết được ưa thích nhất là gà trống rán. Vào lúc nửa đêm, những ai cãi cọ nhau trong năm cũ đều giải hòa với nhau, xóa đi mọi nỗi bực bội. Theo tục cũ, đúng vào lúc nửa đêm, vang lên một tiếng thét lớn. Người ta cho rằng, cần thét đuổi những gì của năm cũ. Nếu trong năm trước, gia đình gặp xui xẻo phải la thét và khóc lóc, nếu có nhiều niềm vui - cần thét mừng. Vào 4 - 5 giờ sáng, người Ghana đi thăm, chúc mừng những người ruột thịt và bạn bè thân quen. Khi tới chúc mừng, họ phải kể về những bất hạnh và niềm vui của bản thân trong năm ngoái. Ngoài đường phố, người ta ca hát…

Những câu chuyện rồi những trải nghiệm trong chuyến đi ngay dịp đầu năm mới khiến John Rechard thực sự say mê và hứng khởi. Anh nói rằng đất nước nào cũng xinh đẹp, mến khách và có những tập tục thú vị. Tất cả những người con của thế giới này đều mong muốn một cuộc sống bình an và vui vẻ, ai cũng luôn mơ ước, hy vọng vào một tương lai rạng rỡ hơn. Họ luôn cầu nguyện, chúc phúc cho nhau gặp được thật nhiều may mắn mỗi khi năm mới đến.

Phương Mai
.
.
.