Vườn Bùi lưu truyền một vẻ đẹp

Thứ Năm, 01/09/2016, 07:47
Khu vườn Bùi, cùng với từ đường cụ Nguyễn Khuyến ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương (Bình Lục-Hà Nam) là một điểm đến. Ở đó không chỉ là một không gian văn hóa, một địa chỉ thắm xanh giữa làng quê còn giữ được nhiều nét bình dị, mà còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm về một nhà thơ có nhiều nỗi niềm với đất nước.


Không gian êm đềm

Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nhiều cảnh đẹp làng quê không còn, thì giữa vùng chiêm trũng Hà Nam, một ngôi từ đường giữa một khu vườn xanh mướt còn bảo lưu được biết bao giá trị. Vẻ thâm nghiêm cổ kính của làng Vị Hạ hiện lên ngay từ chiếc cầu hình lược cong cong từ đầu xã.

Con đường dẫn vào làng mang tên “Đường khuyến học” xanh rợp bóng cây. Đường làng hơn một trăm năm trước đã đi vào thơ cụ Nguyễn nhiều lần. Các con ngõ đã bớt quanh co, nhưng ao chuôm còn nhiều lắm. Những hàng dâm bụt, bụi duối, những chiếc cổng cổ vẫn được bảo lưu, chăm sóc tôn lên vẻ đẹp của một vùng quê.

Đọc lại bài “Thu Điếu” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.

Ngôi Từ đường Nguyễn Khuyến ở giữa làng, được chở che bởi bóng cây cổ thụ, cây lưu niên. Toàn bộ khu di tích được gọi chung là vườn Bùi. Người dân giải thích, sở dĩ có tên như vậy, là vì cụ Nguyễn Khuyến có gốc gác từ miền Trung. Trong đó gọi cây vối là cây bùi. Vườn cụ Nguyễn Khuyến trồng nhiều vối, nên gọi vườn Bùi. Vườn Bùi đã trở thành cái tên quen thuộc, thành một địa chỉ văn hóa.

Qua tìm hiểu, khu từ đường của Nguyễn Khuyến còn có mái nhà, khu vườn mà sau 40 năm làm quan, ông cáo bệnh về sống ẩn dật, đến nay vẫn đậm màu xanh bình dị, trầm mặc. Cây trái trong vườn dâng hương, hoa súng dưới hồ tỏa sắc, càng làm cho không gian thêm hương đồng, cỏ nội. Lòng tôi lắng xuống khi cúi mình trước ngôi cổng cổ rêu phong có hàng chữ Môn Tử Môn (Cửa ra vào của học trò).

Một không gian xanh mở ra, điểm tô bởi hoa thơm trái ngọt. Những thềm rêu còn nguyên vẹn. Ba cây nhãn cổ thụ vẫn thâm trầm một dáng thâm nghiêm, mà gốc gội xù xì đã trở thành nơi chốn tựa nương của loài hoa lan vẫn vững chãi tỏa bóng. Nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm mới ra trường ở tận TP Hồ Chí Minh đã ngồi dưới bậc thềm tự lúc nào.

Cuốn tuyển thơ Nguyễn Khuyến trên tay. Các em đọc lại, như thể ở chốn linh thiêng, tâm hồn tuổi trẻ được hòa lắng vào những dòng thơ, để hiểu hơn, yêu hơn cụ Tam Nguyên Yên Đổ (Nguyễn Khuyến). Trên cành chim hót, dưới ao cá đớp mồi. Cậu thanh niên khôi ngô tuấn tú cất giọng đọc bài “Thu vịnh”: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào?...”. Nghe mà lòng rưng rưng, tưởng như mình đang được sống lại không khí của hơn trăm năm về trước.

Bạn Huỳnh Quang Hiệp chia sẻ: “Nhóm chúng em chỉ được đọc thơ, biết đến vườn Bùi qua sách báo. Chờ đợi mãi, nay mới có dịp về thăm vườn Bùi. Cảnh sắc thanh bình nơi làng quê này, nơi ngôi vườn vẫn được gìn giữ cho chúng em hiểu thêm giá trị của những bài thơ cụ Nguyễn sáng tác, hiểu thêm bối cảnh xã hội Việt Nam xưa”

Đồng cảm với những chia sẻ của Hiệp, bạn Hoàng Thúy Ánh cho rằng, đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, rồi thuê xe máy về thăm vườn Bùi, đúng là có vất vả, nhưng được trải nghiệm những giây phút lắng đọng, êm đềm trong vườn Bùi thì nỗi vất vả kia cũng bé lại.
Ông Tùng giới thiệu từ đường Nguyễn Khuyến.

Ánh nhấn mạnh: “Em đi nhiều. Mỗi vùng một cảnh sắc khác nhau. Đến vùng quê lúa này và thăm một ngôi vườn êm đềm mà cây cối được uống những giọt sương trong, em thấy mình thật may mắn. Rất nhiều người hiện nay đi “phượt làng”, thực chất là đi tìm lại những gương mặt làng quê còn sót lại trong quá trình đô thị hóa. Phải nói là ngày nay người ta phá đi rất nhiều vẻ đẹp làng quê, khiến cho các ngôi làng mất màu xanh, chỉ nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng và cây cột điện, không có lá có hoa”.

Người giữ vườn Bùi

Người chăm sóc, gìn giữ toàn bộ khu di tích đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia hiện nay là vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ năm của cụ Nguyễn Khuyến. Trải qua quân ngũ, làm công nhân, năm 1986 ông Tùng về vườn Bùi. Ở tuổi 74, ông Tùng hiện vẫn hoạt bát và là hướng dẫn viên cho bất cứ ai đến thăm.

Gần 30 năm qua, ông đã vinh dự được tiếp đón nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các đoàn khách nước ngoài, du khách thập phương về thăm. Không ít vị khách ghi cảm tưởng đã bộc lộ cảm xúc, cho rằng ông Tùng, với vốn hiểu biết của mình đã làm vườn Bùi trở nên sinh động hơn nhiều.

Đứng trước từ đường cụ Nguyễn, tôi cúi mình trước ngôi nhà năm gian lợp ngói, bốn hàng cột được đặt trên hệ thống kèo giá chiêng chồng, trước là dãy của bức bàn gỗ. Những hàng câu đối, sắc phong, các kỷ vật vẫn còn nguyên vẹn. Ông Tùng cho biết, trải qua thời gian với bao sự đổi thay, việc gìn giữ được từ đường cụ Nguyễn là một việc được nhiều người coi như là kỳ tích.

“Chúng tôi tự hào là con cháu cụ Nguyễn, một người học rộng tài cao, gìn giữ khí tiết. Con cháu của cụ ngày nay nhiều người hiển đạt, đi làm ăn xa nhiều. Là trưởng họ, vợ chồng tôi tự hào được cha tôi giao trọng trách gìn giữ vườn Bùi để tri ân tiền nhân, vừa là gìn giữ linh hồn của cả dòng họ. Hằng ngày tôi tỉ mỉ chăm sóc từng gốc cây ngọn cỏ, bức tường rêu phong. Khách đến thì tiếp đón tử tế, lúc nhàn rỗi lại ngồi đọc sách, ngâm thơ. Dưới tán xanh của vườn, những câu thơ thôn dã cũng đời hơn, hay hơn”, ông Tùng bộc bạch.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ao, lối đi được lát gạch nghiêng, nho nhỏ, xinh xinh, xanh thẫm màu rêu, bóng cây tỏa mát. Tôi bỗng hình dung ra dáng cụ Nguyễn Khuyến hằng ngày chống gậy trúc, ngồi buông cần nghĩ chuyện thế sự. Ông Tùng tiếp: “Không đành đem thân làm nô lệ cho ngoại bang, ông cáo ốm từ quan về vườn Bùi là về với nhân dân, về với trong trẻo làng quê mà ngẫm thế thái nhân tình: “Cờ đương dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng” (Tự thán)...

Thời gian xếp chồng những đổi thay, ông Tùng, một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, người gìn giữ khói hương ngôi từ đường, thắp xanh cho khu vườn, cho hoa thơm bốn mùa ngào ngạt. Người dân trong làng thổ lộ rằng, hiện nay vợ chồng ông Tùng sống bằng tiền lương hưu, học tiền nhân ở nếp sống giản dị, đạm bạc, chẳng màng đến chuyện kinh tế mà đem ao cá ra kinh doanh.

Bởi thế, mấy chiếc ao ấy vẫn “ao sâu nước cả khôn chài lưới”, chỉ dùng để thả sen, thả súng, dâng hương thơm cho vườn, cho làng. Hơn một năm nay, đàn ong mật về làm tổ, vợ chồng ông Tùng cho rằng, đó là lộc của tiền nhân, nên đã làm “nhà” cho ong ở. Vườn Bùi đẹp hơn, thân thương hơn nhờ có đàn ong đông đúc ấy.
Trong không gian vườn Bùi.

Cho vẻ đẹp lưu truyền

“Không gian đẹp và cổ kính nhưng cũng rất đỗi thân thiện, chan hòa, cùng với lòng nhiệt tâm của người gìn giữ - ông Nguyễn Thanh Tùng - vườn Bùi sẽ mãi xanh”, đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Vang, Chủ tịch Hội Khuyến học Vị Hạ, cũng như của nhiều người dân trong thôn, xã. Cũng là bởi, di tích vườn Bùi, Từ đường Nguyễn Khuyến là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, là niềm tự hào của xã Trung Lương, của tỉnh Hà Nam.

Vị Hạ có quỹ khuyến học, có những người con chăm chỉ nêu gương tiền nhân, quyết tâm vượt khó học thành tài. Đó là vẻ đẹp trí tuệ của những người con thôn dã, luôn nhận thức được tầm quan trọng của tri thức.

Mỗi năm, hàng trăm học sinh trong khu vực đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trở về vườn Bùi, dâng hương, cảm ơn tiền nhân đã phù hộ. Dòng dõi cụ Nguyễn Khuyến trong vùng còn hơn 50 người, ai nấy đều noi gương tổ tiên, học hành tấn tới, tham gia công tác xã hội. Truyền thống hiếu học của dòng họ cụ Nguyễn Khuyến trở thành một biểu tượng cho việc học hành, đỗ đạt trong cả nước.

Mỗi năm có hàng nghìn người về vườn Bùi thăm viếng, trong đó, nhiều nhất là học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ. Chẳng ít nhà nghiên cứu dẫn học trò về nghiên cứu thơ Nguyễn Khuyến, nhờ ông Nguyễn Thanh Tùng giúp cho tư liệu để các nghiên cứu sinh làm luận văn, luận án tiến sĩ…

Một điều đặc biệt là khu di tích Từ đường Nguyễn Khuyến cách Nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao, di tích nhà “Bá Kiến” (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) không xa, cũng gần với Nhà tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Bính (huyện Vụ Bản, Nam Định). Cả ba di tích ở gần nhau, rất tiện đường cho nhiều đoàn học sinh, sinh viên và các văn nghệ sĩ đến viếng thăm. Người dân Hà Nam thật mừng và tự hào, vì quê hương đã sinh ra những nhà văn, nhà thơ tài năng. Hiện nay cả ba di tích đều đang được thế hệ sau chung tay gìn giữ.

Vườn Bùi - một kho kỷ niệm, kho tư liệu và kỷ vật của cụ Nguyễn. Đây cũng là nơi giúp tạo cảm hứng cho nhiều nhà thơ. Hàng chục bài thơ được viết ở đây đã được tặng lại cho người gìn giữ cũng là cách góp phần vào gìn giữ vẻ đẹp hiếm hoi của làng quê. Đó không chỉ là một di tích, mà là một điểm đến.

Thụy Miên
.
.
.