Không có gì mà ầm ĩ cả

Xăm mình

Thứ Năm, 28/07/2016, 11:23
Ta hãy lạc quan mà hy vọng bác sĩ không mù chữ.

Gần đây, nhiều trang cá nhân chia sẻ câu chuyện này:

Mới sáng sớm, một phụ nữ đã gõ cửa một tiệm xăm:

- Bác ơi, em phải xăm gấp nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng! Giá bao nhiêu em cũng chi…

Chủ tiệm lục đục soạn đồ nghề:

- Nào, thế cô muốn xăm hình gì, xăm ở đâu?

- Em không xăm hình mà chỉ xăm chữ, xăm toàn thân! Này nhé, bác xăm cho em ở cánh tay phải chữ "tay phải", xăm ở cánh tay trái chữ "tay trái", ở hai chân cũng tương tự như thế…

Minh họa: Lê Tâm.

Chủ tiệm:

- Có khi cô nên đến gặp bác sĩ…

Cô gái:

- Chỉ vì sợ bác sĩ nhầm nên em mới gặp bác trước. Em phải xăm đủ để  nhỡ mai kia vào bệnh viện đỡ bị bác sĩ mổ nhầm. Ý em là hỏng chân trái mổ chân phải, hỏng mắt trái, mổ mắt phải…

Chủ tiệm cười phá lên:

- Nếu thế thì cô cũng nên xăm ở ngực, ở tai, ở bàn tay rồi bàn chân nữa chứ?

Khách hoan hỉ gật liền:

- Phải rồi. Xăm cho em chữ "mông trái", "mông phải", “thận trái”, “thận phải”, “vú trái”, “vú phải”…

Sau một ngày làm việc cật lực, thân hình cô khách kín mít chữ từ trên xuống dưới.

Đây quả là một câu chuyện tiên tri. Một ngày xấu trời tháng 7 này, Bệnh viện Việt- Đức  thần thánh của chúng ta đã mổ nhầm chân trái sang chân phải. Bệnh nhân là Thảo sau khi hết thuốc mê mới tỉnh người ra và nhận rằng cái chân phải đang "lợn lành thành lợn què". Bệnh viện cho biết, bộ phận phụ mổ đã che kín phần phụ, chỉ hở phần chính ra thành thử bác sĩ cứ thế nhầm theo. May phúc mà họ chỉ nhầm hai chân với nhau chứ nếu họ để hở chỗ giữa hai chân thì chắc cũng bị xẻo rồi. Mà nếu họ nhầm, trùm kín mít mỗi bụng thì chắc bàn tay vàng cũng mổ bụng như chơi.

Bác sỹ H. trần tình: "Trước khi tiến hành gây tê, tôi cầm chân bệnh nhân lên và hỏi “mổ chân phải này à anh?”. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trả lời “ư” rồi tôi đem đi sát khuẩn sau đó tiến hành gây tê".

Các thầy thuốc cũng nỗ lực sửa sai bằng cách mổ bù chân còn lại.

Đấy nhé. Đúng nguyện vọng nhé kính thưa bệnh nhân. Có nhẽ vào viện là phải có luật sư và người làm chứng cho chắc ăn.

Sau khi nhận lỗi, ngày 19-7, Bệnh viện đã mổ chân còn lại và sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ, miễn phí hoàn toàn các chi phí, theo dõi sức khỏe sau này của bệnh nhân.

Ô hay, mổ kiểu này làm què người lành, sao lại hỗ trợ mà không phải là đền bù thiệt hại về thân thể và tinh thần. Đó là chưa nói, bệnh nhân là lao động chính. Bác sĩ đã phế bỏ năng lực lao động của bệnh nhân thì lâu dài, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Theo Vnexpress, năm 2013, bà Hồ Thị Phấn (60 tuổi ở Cai Lậy, Tiền Giang) nhập viện Cai Lậy. Khám siêu âm là có dị vật ở khớp gối chân trái nhưng các bác sĩ lại mổ... chân phải. Ngay sau khi biết mổ nhầm, các bác sĩ đã mổ "bù" chân trái của bà Phấn để lấy dị vật ra.

Cách đây chưa lâu, anh Lê Văn Giang (29 tuổi, ngụ tại Cái Răng) vào Bệnh viện Kết quả chụp X-quang cho thấy, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bên trái và phải mổ để đặt ống dẫn lưu. Tuy nhiên, bác sĩ đọc phim X-quang không chính xác nên phẫu thuật đặt ống dẫn lưu bên phải cho bệnh nhân, dẫn đến kích thích, co giật, tím tái, nguy hiểm đến tính mạng.

Năm 2011, chị Tú ở Cần Thơ đã nhập viện đa khoa tỉnh do bị bệnh ở thận trái. Bệnh viện đã cắt nhầm thận phải. Gia đình chị khởi kiện đòi bệnh viện bồi thường 440 triệu đồng và trợ cấp suốt đời vì chị không còn khả năng lao động.

Kể vắn tắt vậy thôi nhé. Bây giờ bạn nghĩ câu chuyện đòi xăm chữ kín người kể trên là bịa hay thật?

Ta hãy lạc quan mà hy vọng bác sĩ không mù chữ.

Lê Tâm
.
.
.