Xao lòng ngõ

Thứ Ba, 11/02/2014, 08:00

Đời sống ngày một phát triển ồn ào, tốc độ. Chúng ta có xu hướng nhìn ra phố, nhìn ra xa lộ, nhìn lên cao nhiều hơn là nhìn sâu vào một con ngõ. Một con ngõ kể gì về đời sống nó đang bao chứa, có lẽ rất ít người tự hỏi điều đó, ngay cả khi chính họ đang sống trong một con ngõ. Hà Nội có cơ man ngõ, mà nếu hình dung trên một bản đồ, nó giống như những đường vân chằng chịt chuyển tải rất nhiều tín hiệu ngóc ngách của đời sống. Ngõ không thể thiếu trong câu chuyện phố phường, trong ký ức của cư dân đô thị. Nó có một cái mùi riêng, bản sắc riêng khó có thể trộn lẫn...

Nguyễn Ngọc Dân là họa sĩ nổi tiếng với Phố. Năm ngoái anh làm dư luận choáng bởi một triển lãm sắp đặt tầm cỡ về Phố. Anh đưa cột điện, loa phường, các loại phương tiện vận tải như xe ben, xe tải hạng nặng, xe taxi, môtô phân khối lớn vào sân khấu triển lãm. Với rất nhiều tranh vẽ phố, trong sự ám thị chủ đạo của dây điện, Dân muốn kể với người xem về một đời sống phố hiện đại, đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Dân đã rong chơi với Phố bằng nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Anh đã ngồi nhiều ngã tư để vẽ phác thảo những cột đèn, những búi dây điện.

Nhưng rồi một hôm anh cảm thấy như mình còn thiếu một điều gì đó, trong cảm quan về đời sống đô thị. Và anh phát hiện ra những con ngõ. Dân lao vào vẽ ngõ, như một hành động hoàn thiện nốt những cung bậc xúc cảm về đời sống đô thị. Vẽ ngõ, Dân nhận ra rất nhiều phần chìm của đời sống đô thị ẩn giấu ở đây. Nó bí ẩn và mời mọc, như thể anh đang khám phá chính những xúc cảm, những ký ức của riêng mình.

Ngõ Hà Nội.

Dân chia sẻ: "Khi đi ngang qua những dãy phố, tôi nhìn sâu vào từng con ngõ, và cảm thấy ở đó những tâm trạng. Đời sống trong ngõ có gì đó dích dắc hơn, phức tạp hơn, bề sâu hơn, rất khó để diễn đạt. Vẽ ngõ thấy đọng hơn vẽ phố, và nhiều ẩn ức hơn vẽ phố. Ngõ thường hẹp, ánh sáng ít, thường là ánh sáng vệt, và từ trên xuống. Người trong ngõ thường tất bật và họ cũng không mấy khi có thời gian để nhìn lên ánh sáng. Nhưng với một người làm hội họa, thì ánh sáng trong ngõ là rất đặc biệt, nó khác hẳn thứ ánh sáng ngoài phố. Nó dội vào tâm trạng những hoài niệm, những u uẩn, những suy tư, mà thường nếu ta đi ngoài phố sẽ không khi nào có được những cảm thức đó. Ngõ là một câu chuyện đặc biệt". Những ngày lang thang ký họa trong các ngõ ngách, có lúc Dân còn bị nhầm là thợ sửa điện. Anh cứ buồn cười chi tiết đó, vì anh hay quan sát những dây điện, đường dẫn thông tin trong những con ngõ. Những dây điện chằng chịt như những mạch máu li ti chảy trong thân thể một con ngõ. Nó là tín hiệu của một đời sống đang phát triển, là đường dẫn để kể câu chuyện về những người trong ngõ, cách họ vươn lên bầu trời như thế nào.

Không ai biết chính xác Hà Nội có bao nhiêu con ngõ. Những con ngõ nuôi tâm hồn của bao người, từ tấm bé cho đến lúc trưởng thành, rời xa và tưởng nhớ. Có lần ngồi trò chuyện với cố nhà văn Băng Sơn về Hà Nội, nhắc tới những con ngõ và vẻ đẹp của nó, ông rất hào hứng.

Theo ông, Hà Nội có chừng hơn 100 con ngõ, và ông đã đi hầu hết các con ngõ ấy, để cảm nhận những đặc sắc riêng của một đời sống đô thị. Những con ngõ, theo ông, làm dịu tâm hồn chúng ta sau những ồn ào mệt mỏi mưu sinh. Những con ngõ thường chan chứa tình người và ân cần thương nhớ. Nhà văn đặc biệt thích những con ngõ trong những buổi trưa mùa hè.

Ngõ Yên Phụ, tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân.

Khi ánh nắng ngoài phố cao điểm gay gắt, thì đi vào ngõ không khí lại như hạ nhiệt. Những mảng sáng tối trong ngõ giống một cái chớp mắt của hàng mi rợp bóng trên khuôn mặt một cô gái đẹp. Nó làm cho lòng người xao xuyến. Nhà văn Băng Sơn là người hay hoài niệm. Ông thích những con ngõ của Hà Nội thời xa xưa, thời Hà Nội chưa phát triển mạnh mẽ ồn ào như bây giờ. Những con ngõ đó nó có mùi rất riêng, vừa thanh tao vừa đầm ấm. Ông quý tình người trong những con ngõ lúc tắt lửa tối đèn. Những buổi chiều bọn trẻ con chơi trò đánh bi đánh đáo trong ngõ, còn người già thì ngồi trước cửa nhà nhai trầu, ngắm nhìn bọn trẻ. Đời sống của một con ngõ mang đặc trưng đời sống của làng. Một người trong ngõ gặp vấn đề gì, cả ngõ xúm vào giúp đỡ, chia sẻ...Vấn đề của một nhà có khi là vấn đề của cả ngõ, ai cũng hết lòng hết sức để cùng giải quyết.

Nay thì Hà Nội đã phát triển với một tốc độ chóng mặt. Cùng với sự mở mang về địa lý, những phố mới mọc lên ngày càng nhiều và do đó, những ngõ cũng nhiều hơn. Ngay cả những con ngõ cũ ngày xưa, thì đời sống nó chứa trong đó cũng đổi thay nhiều. Tâm lý người sống trong ngõ, và tình người trong ngõ cũng khác đi nhiều. Những con ngõ ồn ào hơn, mật độ dân cư dày đặc hơn. Đi vào đâu cũng thấy chợ tự phát, không khí tấp nập đông vui. Có những con ngõ cho ta cảm giác chật hẹp đến nỗi con người không có lấy một phút giây thảnh thơi riêng tư mà suy ngẫm. Tư duy thương mại từ mặt phố đã tràn vào tới mặt ngõ. Những con ngõ hẹp dần đi vì đông đúc, và ngay cả lòng người, tình người trong ngõ dành cho nhau dường như cũng đang hẹp lại.

Tôi có một người bác, tuổi đã gần 80, cả đời sống trong một con ngõ hẹp của Hà Nội. Ngôi nhà từ thời ông bà cụ kị để lại, dù được các con cháu sau này sửa sang cho tiện dụng hơn, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính ngày xưa. Các con nhiều lần đòi bác bán nhà trong ngõ để ra mặt phố, rồi có lúc lại đòi bác bán để chia cho các con mua chung cư ở khu đô thị mới. Bác không đồng ý, bác muốn cả gia đình ba thế hệ vẫn sống chung cùng nhau trong căn nhà của ngõ này. Tất nhiên con cái phải thuận lòng cha mẹ. Bác bảo, bác đã gắn bó với con ngõ suốt cuộc đời mình và khi chết, bác cũng muốn được chết trong con ngõ ấy. Bác cũng là một chứng nhân lịch sử cho những thăng trầm mà một con ngõ của Hà Nội đã trải qua trong suốt  chiều dài gần một thế kỷ.

Thời chống Pháp, con ngõ này đẹp như một bài thơ. Bác là đứa trẻ thường ngồi chơi ô ăn quan trong ngõ. Thời chống Mỹ, bác đi chiến trường, rồi trở về làm một thương binh tàn phế, cũng chỉ tâm niệm chiến đấu là để bảo vệ con ngõ nhà mình. Giờ thì đời sống trong ngõ đã thay đổi. Xưa có thể đi vắng cả ngày không cần khóa cửa, vì "hàng xóm là một cái khóa tốt nhất" rồi. Nay thì không còn đơn giản như vậy nữa. Xưa, tình người ở ngõ trong veo như nước giếng mùa thu. Nay trong ngõ cũng đủ các mặt trái của đời sống phố thị. Có nghiện hút, có đĩ điếm, có buôn bán cãi cọ, có vô lễ phép tắc, có bụi bặm chợ đời. Nhưng ông bác tuổi 80 của tôi vẫn cực kỳ yêu con ngõ mình đã sống.

Vì một lẽ rất đơn giản thôi, người già hay sống với quá khứ. Mà toàn bộ quá khứ của bác lại gắn với con ngõ thân thương này. Đôi khi nhìn bọn trẻ trong ngõ, người thương binh già lại ứa nước mắt. Chúng là hình ảnh của ông những năm tháng đã quá xa xôi một đi không trở lại. Những đêm mùa đông khó ngủ, ông vẫn đi lang thang một mình trong ngõ nhỏ, như để tìm lại những kỷ niệm ngày xưa còn để lại chút dấu vết trên những cột điện, những bóng cây, những mái nhà cũ kỹ.

Ngõ vẫn luôn mang một sự bí ẩn, một suy ngẫm sâu xa nào đó về phố thị, vì vẫn luôn còn những con người như thế. Họ là gương mặt của quá khứ, lưu giữ những ký ức đẹp và cả những buồn thương, cả những thấu hiểu và tha thứ. Trong nhịp sống phố phường, những con ngõ vẫn chuyên chở một đời sống riêng của nó, vừa thực vừa ảo, vừa vất vả vừa thơ mộng, trầm tĩnh mà biến động. Nó như một nốt lặng trong lòng người, để sau những tất bật mưu sinh, lắng lại đôi chút, thư giãn đôi chút. Và nghĩ về một con ngõ nào đó, hẳn lòng người trong phố thị hôm nay vẫn luôn chứa đựng những xôn xao...

B.N.T.
.
.
.