Xe duyên cho chồng và niềm đau chôn dấu

Chủ Nhật, 26/01/2014, 15:34

Cuộc sống êm ả của chúng tôi đã trôi đi nhiều năm. Bệnh tình của vợ tôi thuyên giảm nhiều. Hai con gái chúng tôi lần lượt lấy chồng, ổn thỏa. Chúng tôi rất yên tâm. Đúng 60 tuổi, tôi về hưu. Cuộc sống hẫng hụt nhiều do tôi rời công việc. Cũng vì không còn gắn với vị trí công tác mà các nguồn "làm thêm" cũng không còn. Tôi trở nên nhàn rỗi. Do trời cho một sức khỏe quá "lý tưởng" nên ai cũng đoán lầm tôi trẻ hơn tuổi đến cả chục. Điều này lại khiến vợ tôi suy nghĩ...

Vợ tôi bị bệnh tim từ hồi trẻ, nhưng nhẹ. Thuốc thang chữa chạy, bệnh ổn định nên vẫn sinh hoạt bình thường. Đến năm 50 tuổi, trở nên trầm trọng. Bác sĩ yêu cầu hoàn toàn tĩnh dưỡng, tránh mọi xúc cảm đột ngột sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt phải triệt để kiêng sinh hoạt chăn gối. Chỉ cần một lần cũng có thể rất phiền phức. Thương vợ nên tôi đã "giữ gìn" suốt từ bấy đến nay. Công việc ở cơ quan khá bận rộn, tôi lại nhận thêm việc làm ngoài với mục đích vừa tăng thu nhập, vừa để mệt mỏi nên đến khi lên giường sẽ đi vào giấc ngủ dễ dàng. Cũng năm đó, vợ tôi phải về nghỉ hưu theo chế độ mất sức.

Tôi hơn vợ 2 tuổi. Có một lần, vợ tôi nói với tôi trong khi cả hai người đều trằn trọc khó ngủ:

- Gần 30 năm chung sống, có với nhau 2 mặt con. Anh đối xử với em không có điều gì có thể chê trách. Nay em bệnh tật thế này, anh thì còn rất sung sức, tráng kiện, em không muốn anh bất hạnh, phải hy sinh vì em.

Hiểu được ý vợ, tôi nói:

- Sao em lại nói vậy? Ai mong mang bệnh làm gì. Em phải yên tâm điều trị, nghỉ ngơi, sống vui vẻ, thoải mái mới khỏi được chứ.

- Nhưng em làm sao yên lòng khi thấy anh phải chịu đựng vì em.

Tôi không nói gì. Vợ tôi tiếp:

- Chúng ta lại chỉ có 2 con gái. Em muốn anh có con trai...

Và vợ tôi đã rất thật lòng đặt vấn đề "chia tay" để tôi có thể tìm hạnh phúc mới. Theo ý vợ tôi thì nếu lấy người khác, tôi sẽ vừa không phải hy sinh, chịu đựng việc không được thỏa mãn..., vừa có thể sẽ có con trai. Như vậy sẽ khiến vợ tôi yên lòng. Hoài-tên vợ tôi-còn nói thêm là: tôi không phải suy nghĩ gì, đây là sự tự nguyện, sau khi ghi nhận tình cảm tốt đẹp, thủy chung của tôi gần 30 năm qua. Tôi đã gạt đi, không chấp nhận nhưng Hoài vẫn một mực yêu cầu như vậy, nói là nếu tôi nghe theo nguyện vọng đó thì bệnh mới có cơ may thuyên giảm. Bằng không thì có thể sẽ nặng thêm. Nói vậy mà vợ tôi lại khóc. Tôi cũng tuôn trào nước mắt. Suốt đêm ấy, cả hai chúng tôi đều không ngủ.

Ảnh minh họa.

Năm tháng trôi đi. Tôi vẫn lao vào công việc, hết lòng chăm sóc và tạo mọi cơ hội để Hoài vui bằng việc luôn tìm cách đưa đi chơi đây đó, xem văn nghệ hoặc lui tới bạn bè. Mỗi lần Hoài đả động đến chuyện "chia tay", tôi hoặc lảng chuyện khác, hoặc nghiêm sắc mặt, tỏ vẻ không hài lòng. Vợ tôi chừng có phần yên tâm, vui vẻ hơn trước. Ai nhìn thấy cũng nhận xét là khỏe ra, trông không thể nghĩ là đang mang trong người căn bệnh nguy hiểm. Tuy vậy, điều "cấm kỵ" đó vẫn phải được thực hiện triệt để.

Cuộc sống êm ả của chúng tôi đã trôi đi nhiều năm. Bệnh tình của vợ tôi thuyên giảm nhiều. Hai con gái chúng tôi lần lượt lấy chồng, ổn thỏa. Chúng tôi rất yên tâm. Đúng 60 tuổi, tôi về hưu. Cuộc sống hẫng hụt nhiều do tôi rời công việc. Cũng vì không còn gắn với vị trí công tác mà các nguồn "làm thêm" cũng không còn. Tôi trở nên nhàn rỗi. Do trời cho một sức khỏe quá "lý tưởng" nên ai cũng đoán lầm tôi trẻ hơn tuổi đến cả chục. Điều này lại khiến vợ tôi suy nghĩ.

Hoài lại trở lại "yêu cầu" mấy năm trước. Tôi chỉ im lặng, không muốn tranh luận gì, tìm cách tảng lờ là tốt nhất. Nhưng... Sự đời quả là lắm éo le. Có những điều đã xảy đến nằm ngoài dự định mà con người ta đã không thể cưỡng lại.

Đang buồn ở những ngày đầu mới về hưu, tình cờ tôi quen biết một người phụ nữ 42 tuổi tên là Luyến. Chẳng đến nỗi nào, thậm chí còn có thể nói được là có nhan sắc, vậy mà cô chưa hề có chồng. Sau này tôi mới biết là cô đã từng có một mối tình kéo dài tới 7 năm với tất cả hy vọng, khát khao mãnh liệt nhất của tuổi trẻ. Nhưng rốt cuộc gã người yêu đã phản bội để lấy một cô gái khác tuy không xinh đẹp bằng cô nhưng là con gái độc nhất một gia đình có quyền thế. Từ bấy đến nay, Luyến trở nên "dị ứng" với đàn ông. Và cô đã chẳng để ý tới ai. Đến bây giờ, khi mơ một mái ấm với khát vọng cháy bỏng được làm mẹ thì cô đã quá lứa, nhỡ thì.

Tôi thấy Luyến có nhiều ưu điểm của một phụ nữ Việt Nam: dịu dàng, hiền thục, khiêm nhường nên đã sẵn sàng giúp đỡ một số việc quan trọng mà chỉ tôi mới có thể làm. Tôi giúp cô vô tư mà không chờ đợi bất cứ sự đền đáp, trả ơn nào. Trong lòng tuy có nhiều cảm tình với cô, nhưng tôi không bộc lộ và thực tình, cũng chẳng có ý nghĩ gì hơn vì đã xác định từ lâu: Dẫu vợ tôi có thế nào, tôi cũng vẫn luôn đối xử trước sau như một, không thể để mọi người nghĩ dở, dị nghị gì. Giúp Luyến thành công, cô bày tỏ sự trả ơn. Tôi từ chối tất cả. Biết "bà xã" tôi bị bệnh tim, dẫu đỡ nhiều nhưng có thể bị nặng trở lại bất cứ lúc nào, cô đã đôn đáo khắp nơi để chữa chạy cho bà. Cô nói với tôi là có quan hệ thân thiết với một bà lang chữa bệnh tim nổi tiếng ở một tỉnh miền núi xa xôi, cách Hà Nội hơn 300 cây số. Và cô đã lặn lội lên tận nơi gặp bà để kiếm thuốc về cho vợ tôi. Sau khi uống nhiều thang, vợ tôi thấy trong người có biến chuyển khác hẳn: ăn ngon, không thường xuyên mất ngủ như trước. Đặc biệt là nhịp tim đập ổn định. Đi khám, bác sĩ vui mừng báo là bệnh đã khỏi đến 70%. Chỉ cần cố gắng sống vui, thoải mái là ổn. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện "kiêng" như trước.

Càng ngày, tôi càng có cảm tình thêm với Luyến, nhất là sau lần cô tận tâm lên tỉnh miền núi xa xôi kiếm tìm thuốc hiệu nghiệm chữa bệnh cho vợ tôi. Hoài cũng rất quý trọng Luyến. Họ đã trở thành chị em thân thiết. Sau khi biết rõ hoàn cảnh của Luyến, vợ tôi lại càng thương. Và sau đó, khá đột ngột, trong một lần gặp gỡ, Luyến đã kể chuyện với tôi: "- Em hết sức ngạc nhiên khi chị Hoài hỏi em:

"- Em thấy anh nhà chị thế nào? Em có tình cảm nhiều với anh ấy không? Về phía anh ấy, chị thấy rất quý mến em đấy". Em nói với chị ấy: "- Sao chị lại hỏi em vậy? Em rất quý trọng anh ấy, cũng như với chị. Em coi cả hai anh chị là anh chị ruột của em. Anh giúp em nhiều việc quan trọng, em phải có trách nhiệm đền đáp và yêu thương anh chị. Biết chị có bệnh, em có thể giúp. Thế là em làm với tất cả sự hào hứng và vô cùng hạnh phúc khi chị đã đỡ nhiều...".

Luyến cho tôi biết là Hoài đã đặt thẳng vấn đề: "-Hãy thay chị làm vợ, nâng khăn sửa túi cho anh ấy". Vợ tôi đã kể rõ ngọn ngành sự thể cho Luyến biết. Hoài nói rằng rất thương Luyến và tôi, cũng mong tôi có con trai thì vợ tôi sẽ an lòng. Luyến cũng cho tôi biết là Hoài đã nói chuyện rất nghiêm túc, gần như là tha thiết mong Luyến thực hiện ước nguyện của Hoài, chứ không có chút gì thể hiện sự hờn giận hoặc buồn phiền, tự ái. Qua Luyến, tôi hiểu vợ tôi rất ghi nhận, khen tôi là một người chồng chung thủy, rất có trách nhiệm với vợ con, rất có tình nghĩa, chăm sóc vợ khi đau yếu.

Là một người đàn ông trí thức, có nhiều điểm mạnh, lại phong độ, trẻ trung hơn tuổi nhiều nhưng tôi-trong ý nghĩ của vợ-sống nghiêm túc, đứng đắn, khiến vợ tôi yên lòng. Nay vừa thương tôi, vừa thương Luyến, Hoài rất mong Luyến không ngần ngại gì, làm theo tình cảm tự nhiên của mình và cũng là chiều theo ý vợ tôi.

Thưa các anh, chị. Thú thực là tôi rất yêu Luyến, và cô ấy cũng rất có cảm tình với tôi. Tôi còn biết rõ là Luyến rất mong muốn có con, kể cả khi không gặp được ai phù hợp, sẽ tính chuyện kiếm con nuôi. Nếu không có quan hệ với vợ tôi, chắc chắn cô ấy sẽ dễ dàng đến với tôi. Nhưng nay vợ tôi lại chủ động "xe duyên" cho tôi với Luyến, tôi cứ thấy nó trớ trêu làm sao. Không phải một lần mà nhiều lần, vợ tôi đặt vấn đề đó nghiêm túc. Theo các anh, chị, vợ tôi làm vậy có thực lòng không, và tôi có nên thực hiện theo ý Hoài để sống với Luyến?

Nguyễn Đình San - Tiến sĩ tâm lý học:

Ý định của bác gái là thực lòng. Đơn giản chỉ vì bác ấy ái ngại khi bác còn khỏe mạnh, sung mãn mà phải "hy sinh"chuyện gối chăn. Và bác lại chưa có con trai. Bác ấy cũng rất quý và thương cô Luyến-là ân nhân của mình. Tuy nhiên, có lẽ cách tốt nhất là bác có thể gắn bó với Luyến để sinh con, mà vẫn không ly hôn bác gái. Ở hoàn cảnh của 3 người, hoàn toàn có thể "đoàn kết" như vậy mà không ai dị nghị gì. "Mô hình" này có vẻ ổn nhất, chẳng khiến ai áy náy mà lại thỏa ước nguyện từng người. Song, bác vẫn cần bàn bạc kỹ thêm với bác gái.

Trần Dương Thịnh, nhân viên văn phòng:

Tôi nghĩ rằng vợ bác là một mẫu phụ nữ hi sinh. Dẫu vậy, dù có cao thượng và lạc quan đến đâu thì trong lòng bác ấy cũng có một niềm đau chôn giấu. Không đau sao được khi vì một điều gì đó mà phải hi sinh cuộc hôn nhân của mình, chỉ vì nghĩ cho người khác. Bác hãy cứ đặt mình vào vị trí của người phụ nữ sẽ hiểu. Chỉ vì không đáp ứng được mọi việc của một người vợ theo đúng nghĩa, mà lại sợ bác làm những chuyện không hay ở bên ngoài, nên bác gái mới ứng xử như vậy. Tôi không dám khuyên bác nên như thế nào, nhưng bác nên suy nghĩ kỹ. Bởi vì tôi thấy qua những gì bác kể, thoạt nghe thì rất ổn, còn có ổn thực sự hay không thỉ phải thăm dò cảm xúc của bác gái. Hóa ra bác cũng không yêu vợ bác đủ nhiều để vượt qua những cám dỗ bình thường. Âu cũng là lẽ thường tình của đàn ông… Chúc bác may mắn!

Phạm Đình Đại
.
.
.