Xe lôi ở Sa Rài

Thứ Ba, 13/02/2018, 08:01
Xe lôi ở các đô thị ở vùng đồng bằng châu thổ này không hiếm, người ta vẫn bắt gặp ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Bến Tre hay Trà Vinh, Sa Đéc... Nhưng hình ảnh chiếc xe lôi ở Sa Rài cứ mang đến cho tôi những ấn tượng khác lạ, có lẽ vì vị thế vùng biên giới tận cùng xa xôi của mảnh đất này.


Tôi đến Sa Rài, huyện lỵ của huyện biên giới Tân Hồng (tỉnh Ðồng Tháp) rất nhiều lần. Ðiều lạ lùng, lần nào đến Sa Rài thì trời cũng ngả về chiều và có mưa. Từ phía ngã ba tỉnh lộ ÐT 842 chạy ngược lên thị trấn chừng khoảng chục cây số, với lèo tèo vài mái nhà hai bên đường cùng những cánh đồng thường ngập nước. Cảnh tượng không có nhiều đặc biệt so với những thị trấn vùng biên lân cận, ngoài những chiếc xe lôi lặng lẽ xuôi ngược.

Không nhiều như “thủ phủ” xe lôi ở Châu Đốc với hàng trăm chiếc xe lôi tập trung nhiều tại các địa điểm du lịch, phục vụ nhu cầu thoáng qua của du khách, xe lôi ở Sa Rài tôi áng chỉ còn chừng chục chiếc. Nhưng nó gắn liền với cuộc sống của người dân thị trấn. Những bà nội trợ đi chợ huyện lỉnh kỉnh đồ ăn, đồ hàng hay dăm bảy đứa trẻ con đi học, vài người già khám bệnh về..., cuốc xe lôi ở Sa Rài khá đơn giản, như cuộc sống nhiều năm qua nơi này. 

Thực ra, xe lôi ở các đô thị ở vùng đồng bằng châu thổ này không hiếm, người ta vẫn bắt gặp ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Mỹ Tho, Bến Tre hay Trà Vinh, Sa Đéc... Nhưng hình ảnh chiếc xe lôi ở Sa Rài cứ mang đến cho tôi những ấn tượng khác lạ, có lẽ vì vị thế vùng biên giới tận cùng xa xôi của mảnh đất này.

Tôi vẫn nhớ quán cà phê Quỳnh Hoa nằm gần ngay ngã ba Quốc lộ 30 rẽ vào thị trấn, phía sau là những cánh đồng mênh mông nước nổi một buổi sáng mưa lất phất cuối năm 2014. 

Hôm đó, sau một đêm dài nghỉ lại Sa Rài như nhiều chuyến lang bạt khác, tôi định bụng tiếp tục đi ngược về Tân Châu, Châu Đốc để xuôi xuống dưới Thoại Sơn, Cô Tô, Giang Thành thì trời đổ mưa. Mưa biên giới không lớn nhưng buồn thao thiết níu chân người khách lạ ngay lúc bình minh. Trên tầng 2 của quán cà phê, ngay gần bến xe, tôi bỗng thấy mấy chiếc xe lôi lặng lẽ từ phía quốc lộ rẽ vào.

Và điều bất ngờ nhất chính là chủ nhân của nó, những người đạp xe lôi. Trái với suy nghĩ của tôi, họ đều là những người lớn tuổi. Họ đến đợi khách cho chuyến xe sớm mới từ dưới Long Xuyên, Hồng Ngự đi lên hay những món hàng mà khách gửi cho người dân đâu đó quanh thị trấn. 

Ở Sa Rài, xe lôi có thể thay thế được các phương tiện như xe ôm, xe ba gác vì nó có thể chở người, chở hàng. Thế nhưng, để đưa cả cỗ xe kéo và những món hàng cồng kềnh cũng không hề đơn giản, nhất là hàng hóa nông, thủy sản nặng nề.

Tôi thấy một chiếc xe lôi đạp từ phía đường Huỳnh Chí Công tới bến xe, chở theo mấy bao tải ốc, một đặc sản của vùng biên giới này, đã phải nghỉ mấy lần. Ông lão lái xe vừa ngồi lên đạp mấy vòng thì đường hơi ngược dốc lên lại nhảy xuống, dùng chút sức lực tuổi xế chiều đẩy cỗ xe đi lên. Khi xe có trớn, ông lại leo lên đạp tiếp. Cứ thế, chưa tới 500 mét mà ông leo lên, nhảy xuống tới sáu bảy lần. Đôi chân gầy khẳng khiu như khúc xương heo róc thịt càng khiến cho công việc trở nên nặng nhọc hơn.

Nhưng khi ngồi cùng ông ở trước cửa bến xe tôi lại thấy điều hoàn toàn ngược lại. Ông hạnh phúc với chiếc xe lôi và công việc của mình. Ông bảo, ông có 3 đứa con thì 2 đứa sống trên Sài Gòn, một đứa ở dưới Hồng Ngự. Chúng đều khấm khá, vẫn gửi tiền về cho ông bà nhưng ông chưa xài của đứa nào một xu. Ông để dành cho các cháu, phòng khi chúng nó cần tới vì ông vẫn còn khỏe, vẫn kiếm ra tiền được. 

Năm nay ông mới có 72 tuổi, như ông Sáu xe lôi ở bên Bình Phú hơn ông 4 tuổi mà vẫn chạy băng băng. Có hôm hai ông còn nhận chở hàng lên tận Thông Bình, Dinh Bà cách đây cả chục cây số vẫn chưa hề hấn gì.

Tôi hay bị ám ảnh bởi những điều bình thường, con người bình thường, trên đâu đó cung đường lang bạt riêng mình. Và hình ảnh người già lái xe lôi ở Sa Rài buổi sáng ấy là điều ám ảnh nhất. 

Tôi ám ảnh bởi có thể lần sau quay lại Sa Rài trong một ngày mưa, biết đâu, mình sẽ mãi mãi không bao giờ còn bắt gặp người và chiếc xe lôi cũ kỹ ấy nữa. Bởi cỗ xe lôi sơn màu xanh đỏ, có cái yên gỗ mòn vẹt kia cũng già nua như chính chủ nhân của nó, có thể dừng nhịp quay của mình bất cứ lúc nào, giữa khoảng cách những lần về Sa Rài không định trước của tôi.

Rồi có lẽ, tôi sẽ quên Sa Rài, như bao thị trấn, thị xã khác mà bước chân lang bạt mình từng đi qua, nếu không có những vòng quay của chiếc xe lôi ấy. Những chiếc xe lôi có lẽ là cuối cùng của dải đất này.

Ðoàn Xá
.
.
.