Xin đừng chết vì… ăn uống

Thứ Bảy, 16/05/2015, 12:00
Có quá nhiều lý do khiến người ta phải từ bỏ cuộc sống tươi đẹp này. Tất nhiên, bên cạnh những cái chết theo quy luật của kiếp người thì cũng có những cái chết lãng xẹt. Một trong những "hành trình" đi tới cái chết lãng xẹt đó là chết vì ăn, vì uống.
Một người bạn tôi ở Đức mới về thăm gia đình, họ hàng sau hơn chục năm xa xứ. Bên đó, gia đình anh có một cửa hàng nhỏ kinh doanh thời trang, chủ yếu dành cho người thu nhập thấp. Vào thời điểm cuối năm, hàng nhiều, mọi người trong nhà phải khuân vác quần quật từ sớm tinh mơ, giày ngập trong tuyết đến tận tối mịt mới được nghỉ. Bữa ăn vô cùng đơn giản, chỉ là bát súp rau hầm thịt bò với mấy lát bánh mỳ.

Chính vì làm việc nhiều, ăn uống điều độ nên dù có tuổi nhưng thân hình anh vẫn gọn ghẽ, săn chắc và không hề "phát" bụng. Tôi phóng xe máy đưa anh tham quan phố phường Hà Nội, từ trung tâm hồ Hoàn Kiếm tới các quận mới thành lập, anh phải thốt lên: Sao nhiều hàng ăn quá vậy. Cả hàng bia hơi nữa. Đâu đâu cũng thấy hàng ăn, hàng uống tràn ra vỉa hè, người ngồi ken đặc từ sẩm tối tới tận khuya. Ăn uống như thế thì quả là hại nhau.

Một khảo sát mới đây đưa ra một nhận định không bất ngờ: Người có điều kiện kinh tế bị mắc bệnh nhiều hơn người không có điều kiện, bởi họ "đầu tư" quá nhiều vào chuyện ăn uống. Những bữa ăn thừa đạm, trong khi lười vận động kèm những thói quen xấu trong sinh hoạt dẫn đến nhiều thứ bệnh vô phương cứu chữa. Số người béo phì ở thành phố ngày càng gia tăng. Giờ ra đường, chúng ta dễ dàng gặp rất nhiều người chiều cao khiêm tốn nhưng trọng lượng luôn gấp rưỡi số dư chiều cao và vòng bụng thì… tương đương chu vi chiếc trống vẫn dùng trong các lễ hội.

Với người nghèo, họ cũng bị vướng vào những "bi kịch nhỏ" từ ăn uống. Đó là dùng các loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… được bày bán trôi nổi trên thị trường, thậm chí cả trong một số siêu thị có uy tín.

Phần trên là những cái chết ít nhiều có yếu tố chủ quan. Thực tế còn cả những cái chết do hoàn cảnh xô đẩy. Một vị bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng phải thốt lên: Phú quý sinh lễ nghĩa, có việc gì cũng kéo nhau ra nhà hàng ăn uống toàn thứ bổ béo, sơn hào hải vị. Ăn nhiều, uống lại lắm. Rượu ngoại, rượu nội, rượu rởm, rượu không nhãn mác cứ trút ầm ầm. Được mời mà không đi thì bất nhã, mà đi thì lại phải uống hết mình. Ăn uống như thế thì khác nào lôi nhau xuống huyệt?

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Còn chuyện ngộ độc thực phẩm hầu như tuần nào cũng xuất hiện trên các trang báo. Xin đơn cử một ví dụ mới nhất: Khoảng 5h30 sáng 10/5, 357 công nhân Công ty TNHH Synopex Việt Nam (Mê Linh, Hà Nội) đã ăn bữa sáng với thực đơn gồm có bún gà, bún bò, dưa hấu tại bếp ăn tập thể của Công ty. Sau ăn khoảng 30 phút, một số công nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa và được Công ty đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên khám. Tính đến 11h trưa cùng ngày, số công nhân đến bệnh viện khám là 98, trong đó có 55 công nhân phải nhập viện, có 9 trường hợp biểu hiện rõ của rối loạn tiêu hóa, các trường hợp còn lại bị chóng mặt, đau đầu…

Tương tự, ngày 7/4, hơn 100 công nhân của Công ty Thời trang Star thuộc KCN huyện Chương Mỹ nhập viện với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Theo kết quả xét nghiệm được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội công bố, nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm này là do rau ngót có chứa vi khuẩn lỵ.

Những ngày hè nóng nực đang về. Đây cũng là mùa dễ gây ngộ độc thức ăn nhiều nhất. Cùng với đó là các dịch bệnh liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý những sai phạm của người kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thì bạn hãy chứng tỏ mình là người tiêu dùng thông thái nhé!

Biết bảo vệ mình, đó cũng là cách tốt nhất để bạn tận hưởng cuộc sống, không thỏa hiệp với những thói quen xấu để rồi phải chuốc lấy những hậu quả đáng tiếc do ăn uống mang lại.

Nguyễn Tuấn
.
.
.