Không có gì mà ầm ĩ cả

Xin lỗi là đầu tiên chứ không phải cuối cùng

Thứ Tư, 09/01/2019, 20:47
Không cần phải tài giỏi gì chúng ta cũng có thể nhìn thấy vô số lỗi của những người khác. Nói vậy để thấy tìm ưu điểm khó hơn nhiều. Tìm ra lỗi thì không khó nhưng tìm ra lỗi của chính mình lại không dễ.


Mình luôn có rất nhiều lý do biện minh cho những lỗi bản thân là do này do nọ chứ không bao giờ do bản thân. Vì thế, việc thừa nhận lỗi của bản thân mới khó làm sao.

Ở các nước khác, lời xin lỗi là câu cửa miệng, bởi họ luôn khiêm nhường và thấy rõ lỗi bản thân. Dù những lỗi mà ở ta cho là vặt vãnh thì họ cũng xin lỗi. Không chỉ thế, lời xin lỗi nói ra không chỉ khi họ có lỗi mà cả khi người khác có lỗi. 

Nếu dẫm vào chân người khác mà xin lỗi thì không lạ, nhưng bị người khác dẫm vào chân mình mà vẫn xin lỗi kẻ dẫm thì lạ. Có thể hiểu rằng thói quen câu cửa miệng. Hay họ thấy thật là làm phiền ai đó khi mình lại để chân vào đúng chỗ ai đó đang dẫm xuống.

Có thời chúng ta ngại nói câu xin lỗi do không tìm ra lý do để xin lỗi. Hoặc chí ít thì thấy chẳng đáng thì không xin. Thành ra chọn cách lờ lớ lơ. Nếu có yêu cầu xin lỗi, thì trừng mắt lên hỏi làm gì mà ghê thế? Nhiều va chạm giao thông nho nhỏ nhưng thiếu lời xin lỗi mà thành ẩu đả. 

Đôi khi vì thiếu lời xin lỗi mà mất cả mạng. Thấy có gì bất bình, thói quen của rất nhiều người là đổ lỗi cho ngành giáo dục. Thực ra việc cảm ơn và xin lỗi thì các thầy cô giáo mẫu giáo, tiểu học và các bậc khác đã dạy. 

Nhưng người dạy hành vi quan trọng nhất cho các học sinh chính là phụ huynh. Việc này nhà trường không làm thay được. Nếu như phụ huynh tự làm gương về nhận lỗi thì đứa trẻ sẽ làm theo một cách bình thường. 

Với các cơ quan thì việc xin lỗi luôn chậm vì thói quen cơ chế. Lỗi của ai nhỉ? Lỗi cả cơ quan đâu của riêng ai. Lỗi của nhiệm kỳ trước sao tôi phải đứng ra xin?

Minh họa của Tả Từ.

Gần đây đã khác. Những cuộc vận động cụ thể như bộ Y tế yêu cầu cán bộ thực hiện 3 xin là "Xin chào, xin lỗi, xin phép". Có xin lỗi trong "3 xin" là một sự tiến bộ mang tính "lột xác". Trong các sự cố nghiêm trọng, lãnh đạo cấp bộ đã nói lời xin lỗi.

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã xin lỗi người dân mặc dù lỗi thuộc về người tiền nhiệm. Khi xảy ra chuyện to, người dân yêu cầu người thủ lĩnh xin lỗi, khi xảy ra chuyện nhỏ, người ta yêu cầu cá nhân người có lỗi phải xin lỗi. 

Tuy vậy, vẫn có tâm thế xin lỗi xong là xong. Muốn xin lỗi thì tôi (tùy theo cảnh huống mà dùng tao, bố mày) xin lỗi nhé. Còn đòi gì nữa nào? Chưa xong. 

Xin lỗi phải được nhận sự tha thứ. Tha thứ thực sự còn tùy thuộc vào thái độ và hành động của người gây lỗi. Thái độ, hành động tích cực trong khắc phục hậu quả mới là những bước quan trọng cho việc được tha thứ thực sự. Vậy cứ tỏ thái độ và hành động khắc phục là đủ, sao cần phải nói xin lỗi? 

Dù khó cũng phải khẳng định rằng, không phải cứ nói xin lỗi là xong. Lời xin lỗi là cử chỉ đầu tiên chứ không phải cuối cùng. Lời xin lỗi là cử chỉ tối thiểu phải có chứ không phải tối đa. Lời xin lỗi cho thấy người nói ra vẫn còn là con người, không phải là một hòn đá.

Còn bạn. Bạn đã từng đứng ra xin lỗi cho sai lầm của người khác chưa?


Lê Tâm
.
.
.