Xin người chữ "xa" bao la...

Thứ Sáu, 28/02/2014, 07:00

Chuyện diễn ra cách đây vài hôm ở chùa Yên Tử mà người viết vô tình "nghe lỏm" được: Đứng trước một bức tượng rất lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông mới được dựng lên ở dưới chân chùa Đồng, một vị phụ huynh nhắc nhở đứa con tầm 9,10 tuổi: "Cúi đầu lạy Phật đi con". Đứa con hỏi lại: "Đây là Phật nào ạ?". Vị phụ huynh đáp: Phật tổ Như Lai! Đi lễ chùa Yên Tử - nơi gắn liền với câu chuyện vua Trần đi tu mà lại nhầm lẫn chết người giữa  Phật hoàng Trần Nhân Tông với Phật tổ Như Lai thì quả là... hết nói.

Đem chuyện này kể cho một anh bạn là một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian thì nghe anh bảo: "Chẳng có gì sốc cả!". Anh bạn cho biết, trong một cuộc thăm dò mini ở đền Bà Chúa Kho cách đây ít hôm, khi anh hỏi: "Mục đích tới đây làm gì?" thì ai cũng có thể nhanh nhảu đáp: "Đến đây để lễ, để xin lộc, để vay trả - trả vay Bà Chúa Kho".

Nhưng khi anh hỏi tiếp: "Bà Chúa Kho là ai? Sống thời nào? Gắn liền với sự kiện lịch sử nào?" thì phần lớn mọi người đều...cứng họng. Theo anh bạn thì chẳng riêng gì những người đi lễ đơn thuần, ngay cả  một số người "hành lễ" và "nhập lễ" một cách sâu sắc kiểu như các “ông đồng bà cốt” thì không phải tất cả cũng đều hiểu đúng, hiểu trúng về các giá đồng mà mình "nhập vai".

Có nghĩa, người ta có thể hầu rất oai một giá Trần Triều, hầu rất đẹp một giá Chúa Thác Bờ, hầu rất thanh thoát, uy nghiêm một giá chầu Bát, nhưng nếu hỏi những vị nhân thần này có gốc tích như thế nào thì không phải tất cả đều có thể trả lời rành rẽ.

Minh họa: Lê Tâm.

Hiện tượng này nói lên cái gì? Phải chăng nó chứng tỏ cái tâm lý "đi lễ" và "hành lễ" mang nặng tính a dua a tòng của người Việt? Hoặc giả người ta "hành lễ" thật, rung cảm thật, thành kính thật, nhưng cái thói quen qua loa hình thức khiến người ta cũng không thực sự coi trọng tới việc: phải tìm hiểu một cách cặn kẽ tỏ tưởng xem đối tượng mà mình đang cúi đầu khấn vái là ai? Và chính vì không hiểu một cách cặn kẽ tỏ tưởng nên mới có chuyện rất nhiều nghi lễ, lễ hội tốt đẹp đã bị biến tướng thảm hại, như một vài năm gần đây.

A Di Đà Phật, nếu thánh thần có thật, chắc hẳn người sẽ không vui khi  thấy lũ lũ chúng sinh cúi đầu trước mình xin lộc tài sức khoẻ, công danh, cửa nhà, nhưng phần lớn trong số ấy đều không biết hoặc không hiểu đúng, hiểu trúng về danh phận của mình.

A Di Đà Phật, trong trường hợp này mong là người hãy ban cho lũ người trần mắt thịt chúng con một chữ "xá" bao la..!

Hoàng Phan
.
.
.