Xóm Guốc thưa dần tiếng guốc

Thứ Hai, 22/12/2014, 13:02
Nếu phải chọn lựa ba biểu tượng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Việt Nam, có lẽ những ai quan tâm đến văn hóa sẽ đắn đo với ba món quà độc đáo mà các bậc tiền nhân đã để lại cho con cháu hôm nay: nón lá, áo dài và guốc mộc. Quá trình hội nhập, nón lá và áo dài vẫn còn đắc dụng, nhưng guốc mộc thì thưa vắng dần. Có buồn không, khi một hôm nào đó, chúng ta đi ngang con đường có tên gọi Xóm Guốc mà không nghe được thanh âm của nghề làm guốc?

Không cần dùng ánh mắt của những nhà quản lý kinh tế hay tư duy của những nhà thống kê tài chính, người bình thường nhất chỉ cần đôi lần đặt chân đến miền Đông Nam bộ cũng sẽ nhận ra sự phát triển nhanh chóng của Bình Dương. Tốc độ công nghiệp hóa ngoạn mục mang lại cho Bình Dương một diện mạo thay đổi từng ngày, mà những ai muốn tìm lại dấu vết xưa cũ của vùng đất này phải ngỡ ngàng. Tôi không phải dạng người hoài cổ, nhưng cũng có tâm trạng xao xác khi muốn gặp những người thợ lành nghề bao năm gắn bó với nghề làm guốc mộc truyền thống ở Thủ Dầu Một.

Một trong những yếu tố vượt trội của Bình Dương so với nhiều địa phương khác chính là hệ thống giao thông. Trong những con đường được qui hoạch bài bản và khang trang, thì đường Lê Hồng Phong dài gần 5km như một trục hoành của thành phố Thủ Dầu Một. Một đầu của đường Lê Hồng Phong nối vào Thành Phố Mới Bình Dương được đầu tư nhộn nhịp nức tiếng cả nước, còn một đầu của đường Lê Hồng Phong là những khu phố bình yên mang thuộc tính những xóm ấp ngoại ô thuở nào. Một con đường mà chia thành hai phía rõ rệt. Phía hiện đại có nhiều cơ hội làm ăn chắc chắn nhiều người lui tới, còn phía lặng lẽ có gì thú vị không? Có đấy, đi hết đường Lê Hồng Phong phía lặng lẽ là Nhà máy đường Bình Dương đã ngưng hoạt động, và rẽ phải sẽ có một con đường nhỏ đặt tên là Xóm Guốc!

Xóm Guốc có từ bao giờ? Về mặt hành chính, Xóm Guốc được chính thức công nhận trong danh sách đường sá Thủ Dầu Một sau khi Bình Dương tách ra từ Sông Bé. Khai sinh hành chính của Xóm Guốc được 15 năm, nhưng nghề làm guốc ở đây đã có hơn 100 năm trước. Xóm Guốc ngày xưa là ấp Phú Văn, bây giờ thuộc phường Phú Thọ. Theo tư liệu khảo sát làng nghề, vào năm 1901 thì ấp Phú Văn có hơn 80 hộ làm guốc. Một thế kỷ đã trôi qua, đời ông mỏi tay đục thì đời cha thay tay gõ, rồi tiếng cưa của đời con lại tiếp tục nghề làm guốc mộc.

Theo lời kể của những cư dân Xóm Guốc: Vào những thập niên 20 đến 70 của thế kỷ XX, xóm làm guốc Phú Thọ làm ăn rất thịnh vượng. Loại guốc xuồng đáp ứng nhu cầu người bình dân gần như tiêu thụ rộng rãi trong khắp cả nước. Bên cạnh đó, những loại guốc kiểu, guốc có chất liệu tốt, trang trí màu sắc mỹ thuật, hoa văn thật bắt mắt đã chiếm lĩnh thị trường của cả khu vực Đông Nam Á và một vài nước ở châu Âu. Ở giai đoạn này, hàng năm xóm làm guốc ở Phú Thọ sản xuất hàng ngàn đôi guốc thô, nuôi sống gần 1.000 người thợ và gia đình họ với mức sống khá giả và sung túc. Kỹ thuật làm guốc ngày càng được cải thiện, thay vì dùng cưa tay, các cơ sở làm guốc trang bị các dạng máy cưa đơn giản, thường là cưa lọng nên sản xuất hàng loạt và nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Dẫu biết, trong sự vận động không ngừng của lịch sử thì vẫn có những thứ phải xếp vào ký ức. Thế nhưng, vào Xóm Guốc bây giờ chỉ còn lác đác vài hộ làm guốc bỗng khiến tôi ngậm ngùi. Ôi, “những người muôn năm cũ” sao làm day dứt và khắc khoải! Tôi tự hỏi: phải chăng người ta biết nghề guốc sẽ biến mất nên đặt tên đường Xóm Guốc để giữ lại một miền hoài niệm chăng? Tôi muốn tin như vậy, nhưng vẫn thấy ái ngại khi nhìn những tấm lưng nhễ nhại mồ hôi của những người thợ dưới cái nắng phương Nam đổ lửa để miệt mài cho ra đời những chiếc guốc xinh xinh. Có điều gì gần như cam chịu và kiên nhẫn để mưu sinh ư? Không đâu, cái dáng cặm cụi và khuôn mặt say mê của những người thợ đã nói cho tôi biết rằng, họ đã xem nghề làm guốc như máu thịt của mình!

Ngồi bên máy cắt gọt để tỉ mẩn chạm trổ những đường cong mềm mại cho từng chiếc guốc, anh thợ trẻ tên Hưng ngẩng lên nhìn tôi cười nhẹ nhàng rồi lại lúi húi công việc. Vì yêu thích nghề guốc mộc, Hưng từ miệt sông nước Thanh Bình – Đồng Tháp lên Xóm Guốc làm thuê đã hơn 10 năm. Hưng cưới vợ trong Xóm Guốc và xanh cây bén rễ cùng Xóm Guốc. Cực nhọc không? Cực nhọc chứ! Xóm Guốc chỉ làm guốc thô, nghĩa là làm đế guốc thôi, còn sơn màu gì và đóng quai kiểu gì thì những hiệu buôn trên Sài Gòn gom hàng đi và tự quyết định! Mỗi đôi guốc thô thì người thợ như Hưng được nhận tiền công 1 ngàn đồng. Tháng nào nhiều đơn hàng thì Hưng thu nhập 3 triệu đồng, còn tháng nào ít đơn hàng thì Hưng cầm được 1 triệu đồng. Nếu làm công nhân thì lương cao hơn và lao động cũng đơn giản hơn chứ!? Bình Dương hàng chục khu công nghiệp, tuyển công nhân thường xuyên đấy chứ!? Những thắc mắc ấy cũng đủ để Hưng suy nghĩ mông lung lắm! Hưng chăm chú nhìn vào từng thớ gỗ đang tạo hình chiếc guốc nhằm tránh những câu hỏi của tôi, và tôi cũng không nỡ truy vấn Hưng những câu hỏi dễ chạnh lòng như vậy! Ở đời, có những nghề chúng ta theo đuổi không chỉ vì cơm áo tạm bợ qua ngày.

Xóm Guốc rất ít những công nhân như Hưng, vì nghề làm guốc bây giờ không thể mang lại cuộc sống sung túc như trước đây. Những hộ còn làm guốc ở Xóm Guốc chủ yếu mang tính gia đình, họ làm guốc vì đó là nghề ông bà cha mẹ đã từng làm và hướng con cháu nối nghiệp. Có quá đáng không, khi một kẻ thong dong đi ngang như tôi bảo rằng, họ làm guốc như một thói quen, như một định mệnh. Nói vậy e sẽ xúc phạm tôn nghiêm của những người thợ cần cù. Những khúc gỗ mít, những khúc gỗ xoài sần sùi và xấu xí kia qua bàn tay của họ sẽ thành những đôi guốc thanh lịch theo gót những phụ nữ Việt đến công sở, vào siêu thị hoặc đi dạo phố. Tôi tin những người thợ làm guốc cũng có sở nguyện, có đức tin và có đam mê của họ. Và tôi tin, dù những bàn chân thon gọn mang guốc không bao giờ nhớ đến những bàn tay chai sạn làm ra đôi guốc thì những người thợ Xóm Guốc cũng thanh thản với công việc của họ.

Hộ làm guốc thâm niên nhất còn lại ở Xóm Guốc bây giờ là gia đình Sáu Dẻo. Ngoài cả nhà chung tay làm, thì gia đình Sáu Dẻo còn thuê thêm vài người thợ xẻ gỗ. Bà Sáu Dẻo tuổi gần 60, ngồi khuất sau hàng guốc xếp cao ngất. Tay vẫn không rời những đế guốc đang công đoạn đẽo gọt, bà Sáu Dẻo xởi lởi và vui vẻ khi tôi hỏi về nghề guốc. Từ ngày về làm dâu nhà này đến nay đã gần 40 năm, bà Sáu Dẻo chỉ biết làm guốc và làm guốc: “Hồi trước, con lộ trước mặt nhà còn đất đỏ nhếch nhác lắm, mà xưởng guốc của cha chồng tui có đến 100 thợ. Làm guốc suốt ngày. Có đêm tui và mọi người phải thắp đèn dầu để làm guốc cho kịp giao hàng. Nghề guốc một thời cũng khá lắm. Vợ chồng tui xây nhà xây cửa và nuôi con ăn học đều nhờ vào nghề guốc. Bây giờ thì lèo tèo quá, chỉ đủ đắp đổi nuôi nhau thôi!”. Thấy bà Sáu Dẻo trò chuyện chân thành, tôi thổ lộ băn khoăn về sự mai một của nghề guốc. Bà Sáu Dẻo khoe: “Khoảng hai chục năm trước, tụi tui đã làm guốc xuất khẩu đó nha. Mấy hiệu buôn trên Chợ Lớn xuống đây đặt hàng để bán qua Hồng Kông và Thái Lan. Bây giờ tụi tui chỉ làm đế guốc cho người ta sơn vẽ thêm rồi bán ở chợ. Bây giờ…”. Câu kể bỏ lửng của bà Sáu Dẻo như một tiếng thở dài. Cả đời gắn bó với guốc, nếm trải bao nhiêu thăng trầm từ những tiếng lộc cộc, bà Sáu Dẻo không buồn cho nghề của mình nhưng sự nghẹn ngào “bây giờ” làm sao tránh khỏi. Tôi ngập ngừng hỏi về tương lai nghề guốc, bà Sáu Dẻo vẫn đầy lạc quan: “Tụi con tui vẫn làm nghề guốc. Giá như chính quyền thông cảm cho thì tốt quá. Nếu đừng tăng thuế hoài thì nhà tui còn làm dài dài… Có tháng không có đơn hàng nào, mà nhà tui phải nộp thuế đến 1,3 triệu đồng!”

Đi loanh quanh Xóm Guốc, tôi để ý thấy những cô thợ làm guốc lại mang đôi guốc rất đơn sơ do chính họ tự đóng quai. Thu nhập của họ không cho phép họ mua những đôi guốc thành phẩm rực rỡ bày bán trong các shop thời trang. Chỉ nghĩ vậy mà thấy xót xa. Vẻ đẹp của Xóm Guốc hôm nay là vẻ đẹp mong manh. Tôi thật chẳng đành tâm hình dung ngày mai hoặc ngày mốt, khi thị trường guốc càng eo hẹp hơn, thì những người làm guốc ở Xóm Guốc sẽ đi về đâu! Câu hát “về đây nghe em, về đây mặc áo the, đi guốc mộc” nghe thật buồn!

Tuy Hòa
.
.
.