‘Xóm chạy thận’ và câu chuyện kỳ diệu về tình yêu

Thứ Năm, 15/10/2015, 13:00
"Có hai người không phải vợ chồng. Chưa một lần nhẫn cưới, xe hoa. Họ bên nhau san sẻ chuyện đời. Vất vả, tai ương, bệnh tật, đau thương… Như chuyện cổ tích giữa vô thường"- Lời bài hát như ứng vào câu chuyện của đời chị. Những con người bệnh tật nhưng mạnh mẽ, nghị lực, sống vì mình và tình yêu của chị như chuyện cổ tích giữa vô thường...
34 tuổi, 15 năm lọc máu giành giật sự sống

Chị là Trần Thị Thu, 34 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội, cư dân trong xóm chạy thận nghèo xơ xác. Chia sẻ về 15 năm sống nhờ bệnh viện của mình, chị cho biết: "Sống trong cuộc sống của chính mình, dù nó ngắn nhưng nó là của mình. Mình phải lấy cái không hoàn hảo ra để sống".

Ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội từ lâu đã được khoác lên mình một cái tên mới -"xóm chạy thận". Xóm được hình thành từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi Khoa thận của Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu có lịch chạy thận chu kỳ.

Cư dân đầu tiên của xóm không ai khác chính là "xóm trưởng" - anh Mai Anh Tuấn, 39 tuổi, quê ở Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. 39 tuổi nhưng anh đã có "thâm niên" gần 20 năm sống ở đây. Anh kể: "Xóm chạy thận lúc đó chỉ có vài người, lâu dần họ(những người mắc bệnh suy thận) tìm về đây. Thành phần đa dạng: người ở tứ xứ, già trẻ có hết, cứ mắc bệnh thận là về đây. Ở đây gần bệnh viện, mỗi lần chạy thận đỡ tốn chi phí đi lại, sức khỏe được đảm bảo hơn".

Xóm chạy thận nằm len lỏi, khuất sau sự hào nhoáng, vội vã của Thủ đô, của những ngôi nhà cao tầng, sang trọng. Họ đến từ tất cả các tỉnh thành trong cả nước với một mục đích cuối cùng là duy trì sự sống vốn đã rất mong manh.

Hai vợ chồng chị Trần Thị Thu - Phạm Văn Hòa.

Chị Thu kể, ngày chị bị bệnh là ngày chị nhập trường. Hồi đó, chị thi vào Cao đẳng Công nghiệp kỹ thuật Hà Nội, mơ ước trở thành một nhà thiết kế, để may cho mình một bộ quần áo theo đúng ý thích. Vừa chạm tay vào thực hiện ước mơ thì tai ương ập đến.

Kể đến đây, đôi mắt chị đã hằn lên những vệt đỏ, chị khóc, "Mọi thứ dường như sụp đổ, cuộc sống sang một trang khác. Bạn bè đến trường bắt đầu với những ước mơ, còn chị bắt đầu đến với bệnh viện. Bệnh viện là nhà, là cuộc sống của chị".

Xóm chạy thận có 130 bệnh nhân, thì có đến 130 cách sống, cách sinh hoạt khác nhau. Có lẽ chị Thu là bệnh nhân đặc biệt nhất trong cái xóm ngụ cư nghèo này. Từ lúc biết mình bị bệnh, không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ, chị rời xa gia đình đến xóm chạy thận. Vừa chữa bệnh, vừa làm thêm lấy tiền trang trải. Chị xin vào công ty thời trang, làm công nhân, cách xóm trọ 4 kilômét. Người bình thường trung bình một tháng 24-25 công, còn chị chỉ có 14-15 công vì chị còn dành thời gian để chạy thận. Tuần 3 lần chạy, mỗi tháng cứ 12-13 lần.

Chị Thu và cánh tay "vằn vện" bởi những lần chạy thận.

Đều đặn như vậy, sau hơn chục năm đi làm, tích cóp, đầu năm ngoái, chị đã mua được chiếc xe máy mà mình thích. Chị bảo, để được toại nguyện, chị luôn nhắc chính mình "việc hôm nay chớ để ngày mai", có xe đỡ vất vả hơn bao nhiêu, lúc rảnh rỗi, chị lại mang xe ra làm vài chuyến xe ôm với chồng.Cứ như thế, 15 năm qua, gần hai ngàn lần vào viện chạy thận, chị đã quen đến mức có thể tự truyền, tự điều chỉnh và xử lý sự cố bất chợt (tụt huyết áp) xảy ra. Chị cười đùa bảo "bây giờ thành thạo và ranh ma" lắm rồi.

Điều kỳ diệu của tình yêu

Với những người chạy thận ở đây, cuộc đời thì dài mà sự sống lại teo tóp. Họ gắn mình với chiếc máy, trải những năm tháng còn lại của cuộc đời ở nơi không phải là nhà. Nỗi nhớ cùng sự mặc cảm sẽ ngắn đi lắm vì có những người chung cảnh ngộ sớm tối liền kề, san sớt buồn vui và nỗi đau bệnh tật."Hồi mới bị bệnh tôi cứ nghĩ phải luôn sống cho riêng mình. Nhưng khi gặp anh, tôi thấy mình phải sống cho cả anh nữa, sống vì gia đình nhiều hơn" - chị Thu tâm sự về người người chồng của mình. Chồng chị là anh Phạm Văn Hòa 35 tuổi, quê ở Hải Dương. Đang học Đại học điện lực thì anh phát hiện mắc bệnh suy thận. Bỏ dở ước mơ, anh bắt đầu sống với bệnh viện.

Giống như chị, anh cũng không muốn làm gánh nặng cho gia đình, anh đến xóm chạy thận, làm trăm thứ nghề, để nuôi sống và lấy tiền điều trị bệnh. Lúc sức khỏe dồi dào anh làm thợ hồ, khi yếu hơn anh chạy xe ôm, đánh giày, bán hàng rong...

Hai người cùng cảnh ngộ gặp nhau, tình yêu trong họ chớm nở lúc nào chẳng hay, chỉ biết một ngày không gặp là nhớ, là thổn thức, một ngày nọ anh "liều lĩnh" ngỏ lời và chị đã đồng ý trong niềm hạnh phúc vỡ òa…Không có đám cưới, không có trầu cau, chỉ có anh và chị về với nhau dưới một mái nhà. Chị bảo, anh là người chịu khó, trách nhiệm, đầy nghị lực. Anh luôn lấy công việc làm bạn. 5h sáng anh đã dậy, xách đồ đi đánh giày. 9h anh về làm xe ôm. 11 rưỡi anh lại ngược xuôi cơm nước cho chị, rồi 1 rưỡi vào viện chạy thận. Cứ đều đặn như vậy, cuộc sống mới không tẻ nhạt.

Với chị bây giờ ngày nào cũng là ngày hạnh phúc. Vì chị được yêu, được sống cùng người yêu. Anh không lãng mạn, không văn hoa nhưng anh sống rất tình cảm. Thỉnh thoảng anh lại đưa chị dạo bờ hồ, đi ăn kem Tràng Tiền, ăn phở phố cổ... Tôi hỏi, món ăn đắt nhất anh đưa chị đi ăn là gì? Chị cười e lệ: "Lần đó là ăn bánh mì ở Yết Kiêu, tới 200 ngàn. Bằng 3 ngày lương của chị và cả tuần chạy xe ôm của anh".

Chị Thu hạnh phúc nhận hoa từ chồng nhân Valentine 2/2015.

Những lần đi chạy thận về, chị mệt nằm ra giường mọi chuyện cơm nước đã có anh lo giúp. Anh cũng mệt nhưng anh thương chị nên anh làm nhiều hơn. Anh bảo: "Tuy toàn người thuê trọ nhưng ở đây mọi người vẫn san sẻ yêu thương, bạn già có bạn già, bạn trẻ có bạn trẻ". Chỉ tay về hướng dãy trọ có mấy người cùng tuổi, anh Hòa kể, lúc nào họ mệt anh lại đến phòng trọ của họ nói chuyện tiếu lâm cho ngày nhanh hết và ngược lại.

Tôi hỏi, trong cái xóm chạy thận này, có nhiều "chuyện cổ tích tình yêu" như anh chị không? Anh bảo nhiều chứ em, cuộc sống ở đây khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là tình cảm, họ dễ tìm thấy sự cảm thông, gần gũi từ nhau.

Anh Hòa kể cho tôi nghe về chuyện tình yêu của anh Lê Việt Hưng 40 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) và chị Phùng Thị Hằng, 33 tuổi (Ba Vì, Hà Nội) nảy nở khi hai người đã ở bên chân dốc cuộc đời. Họ gặp nhau trong cái xóm chạy thận nghèo xơ xác. Lúc đầu, họ cũng chỉ là hàng xóm, uống với nhau cốc nước, chào hỏi nhau như mọi người.

Ở một góc khác là mái ấm rộn ràng tiếng cười của gia đình xóm trưởng, anh Mai Anh Tuấn. Anh không sống cho riêng mình, anh sống vì vợ, sống cho con, vì những cư dân trong xóm chạy thận này. Vợ anh, chị PhùngThị Nghĩa, 38 tuổi, hi sinh cả tuổi trẻ, chấp nhận cả miệng lưỡi của người đời để ở bên anh. Cho đến tận bây giờ, anh vẫn thấy có lỗi với vợ, chưa bù đắp được sự hi sinh, chịu đựng của chị. Chị đến với anh ngay cả khi biết anh bị bệnh: "Vợ tôi vất vả lắm, tôi biết cô ấy đã chịu thiệt thòi và hi sinh rất nhiều. Dù khó khăn, vất vả thế nào thì tôi vẫn quyết tâm chiến đấu với bệnh tật đến cùng", anh Tuấn tâm sự.

Dù cuộc đời còn gian nan, vất vả, số phận còn trớ trêu, nghiệt ngã nhưng họ vẫn đến bên nhau, nâng đỡ nhau bằng tình yêu chân thành và cao thượng. Chính tình yêu đã họ - những bệnh nhân đang phải chạy thận động lực để sống. Sống vì nhau, sống vì bản thân và sống vì mọi người...

Hoàng Hòa
.
.
.