Xóm chợ thuyền những ngày cuối năm

Thứ Ba, 02/02/2016, 08:30
Đêm cuối năm, xóm chợ thuyền buồn đến tê lòng khi nhìn dòng người đổ ra đường vui Xuân, đón Tết, ngắm pháo hoa giao thừa. Với họ, Tết là những ngày cô đơn và buồn tủi nhất…


1.Con sào cắm cọc neo thuyền cứ chòng chành, ngả nghiêng theo con nước của dòng thủy triều. Chiều về, đôi dòng Kinh Tẻ cạn trơ đáy, đen ngòm và ngập rác, nơi xóm chợ thuyền (khu vực đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP Hồ Chí Minh) những ngày giáp Tết đang hối hả, nhộn nhịp "kiếm ăn".

Những con thuyền ăm ắp trái cây miệt vườn từ miền Tây đổ bến, cảnh khuân vác, bán buôn, nhốn nháo trên bến dưới thuyền. Những đứa trẻ bé choắt, đen nhẻm ngồi trên mạn thuyền bốc cơm ăn, mắt hau háu nhìn theo các ông bố bà mẹ đang dỏng mắt, cong lưng mời gọi khách mua hàng.

Phía sau lều quán là chỗ ăn ngủ trên những con thuyền chông chênh.

Đây là khu chợ thuyền duy nhất ở TP Hồ Chí Minh, chẳng biết tồn tại từ bao giờ. Cư dân chợ thuyền đến từ miệt Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, là những tay buôn trái cây theo con nước. Họ vào thành phố, neo thuyền trên dòng Kinh Tẻ, bán những sọt trái cây theo mùa rồi sinh sống, yêu đương và đẻ con ngay trên thuyền.

Hết mùa trái cây, đàn ông đi phụ hồ, đàn bà đi lượm ve chai, những đứa con bị buộc dây xích treo ở mạn thuyền. Tất cả họ, từ đời cha sang đời con đều không có một cục đất chọi chim, không một mái nhà và không hộ khẩu.

Ngồi bó gối bên đống trái cây héo rũ, úa vàng, chị Nguyễn Thị Hảo (37 tuổi) cười mà như khóc, nói: "Cả tuần chưa bán hết mớ trái cây này, giờ ai mua rẻ được thì bán hết luôn". Chị Hảo cho biết, người ta đổi gạo, mắm muối lấy trái cây cũng đồng ý, coi như vừa bán vừa cho.

Chiếc thuyền đơn sơ dãi nắng dầm mưa của vợ chồng anh Hường.

Nhưng mớ trái cây quá đát của chị, có cho người ta cũng chẳng lấy, chỉ còn cách ôm về thuyền cho tụi nhỏ ăn được miếng nào thì ăn còn lại cắn răng mà đổ xuống sông. Vừa hóng khách mua hàng, thi thoảng chị Hảo lại ngoái về phía sau quát hai đứa con đang xé áo xé quần, bốc cơm, đập tô bày biện la liệt ra manh chiếu rồi khoái chí cười khanh khách.

Con chị, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi, đen như cục than, gầy như que củi, quần áo sứt chỉ đứt cúc, bùn đất bám cứng đơ. Ngần ấy tuổi mà chúng chưa được đi học, suốt ngày theo cha mẹ lênh đênh trên thuyền. Chị Hảo buồn rầu kể: "Giờ có nhà đâu mà cho đi học. Quê tôi ở Tiền Giang, quê chồng ở Bến Tre. Lúc mới cưới, bên nội có cho miếng đất nhỏ và căn nhà lá. Hai vợ chồng không có việc làm nên quyết định bán đất dành tiền mua chiếc thuyền đi buôn trái cây.

Mặt hàng chủ yếu là chuối và những trái cây miệt vườn.

Mới đó mà gần 10 năm rồi, hai mặt con sinh ra lớn lên trên sông nước nào biết đến cục đất, cây cỏ là gì". Khoảng một tháng, nhà chị Hảo lại dong thuyền xuôi về Cái Bè (Tiền Giang) lấy trái cây mang lên thành phố bán. Bán được đồng nào "xào" đồng đó luôn trong ngày. Bốn miệng ăn nhà chị Hảo một ngày cũng phải ngốn hết ngót 100 ngàn đồng, chưa kể chi phí phát sinh, con ốm con đau, chồng nhậu nhẹt. Những ngày bán ế, chồng chị Hảo lên bờ đi phụ hồ kiếm thêm đồng rau cháo. Được cái ông trời thương, xấp nhỏ lớn lên như cây cỏ, không bị ốm đau nhiều.

Năm ngoái, có mấy bạn sinh viên đến thuyền chị Hảo xin cho bé lớn lên bờ học chữ, họ sẽ dạy hoàn toàn miễn phí cho bé. Chị Hảo đồng ý, bé hăm hở đi học nhưng chỉ được vài ngày phải nghỉ, vì không ai trông em. Chị Hảo tối mắt bán buôn, thằng nhỏ ở trên thuyền nghịch ngợm có lần rớt xuống sông, may mà nước cạn hô hào mọi người nhảy xuống vớt kịp.

Chị Hảo thở dài: "Chờ hai năm nữa thằng em đủ tuổi đến trường sẽ xin cho hai chị em đi học cùng nhau, chỉ cần chúng biết chữ là được chứ mong gì học cao".

Tết đang gõ cửa từng nhà, nhưng ở xóm chợ thuyền này, Tết vẫn còn ở đâu đó, xa lắm. Gần 10 năm sống đời chợ thuyền, chưa năm nào vợ chồng chị Hảo có điều kiện về quê ăn Tết. Vì nội ngoại đều nghèo, mình cũng nghèo nữa, nên không dám về. Còn ở thành phố, mang tiếng thế thôi, nhưng không nhà cửa, muốn có cái bàn thờ để cúng bái những ngày lễ, Tết vẫn là điều muôn thủa.

2.Trên dòng Kinh Tẻ, cảnh đời phiêu bồng như gia đình chị Hảo không thiếu. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng mẫu số chung là họ đều là những con người không danh phận, không bến đỗ.

Con thuyền của vợ chồng anh Trần Văn Hường (45 tuổi, quê Bến Tre) đã rách te tua như xơ mướp mà chưa có tiền thay mái. Thậm chí, mấy miếng ván ép lót chỗ ngủ cũng mục ruỗng, đi phải nhón chân thật khẽ, nằm phải nghiêng mình thật nhẹ, vì sợ nó bục ra, nước tràn vào. Nước kênh thì đen đặc, hôi thối, mỗi lần tràn vào là ghẻ lở mọc đầy thân, cả tháng trời mới hết.

Chị Lan, vợ anh Hường bán mít và chuối, hai thứ trái cây rẻ nhất nhưng lại khó bán nhất. Những ngày giáp Tết, anh nuốt nước mắt mang đôi bông tai của vợ đi cầm lấy tiền để về xuôi mua hàng. Anh tặc lưỡi: "Tết phải bán những thứ hoa quả sang chảnh một chút, như cam, quýt, bưởi… chứ bán chuối với mít thì chả ai mua".

 Chuyến hàng vừa cập bến chiều qua, những sọt bưởi da xanh, cam sành, quýt đường tươi xanh, vàng ruộm được chị Lan nâng niu, bày biện rất gọn gàng, hấp dẫn. Khách ghé mua cũng đỡ đìu hiu hơn thường ngày. Miệng chị Lan cũng thường xuyên nở ra, cười tươi hơn, hào sảng hơn.

Vợ chồng chị Lan sống đời sông nước Tết này nữa là 6 mùa xuân. Họ đến với nhau cũng trên dòng kinh này. Đó là buổi chiều hai cái thuyền rách đụng vào nhau, chẳng ai chịu nhường ai thế là xông ra chửi nhau một trận. Thấy đứa bé ngơ ngác nhìn rồi khóc thét lên, anh Hường ngại quá chủ động làm hòa, rồi làm quen, cười hề hề với nhau.

Từ độ đó, anh Hường thường xuyên ghé vào thuyền mẹ con chị Lan, khi thì cho cái bánh, lúc cho nải chuối. Đàn ông quá lứa lỡ thì gặp đàn bà góa bụa một con, như hai dòng nước gặp nhau, cảm thông nhau rồi yêu thương lúc nào không biết. Thấy mẹ con Lan đơn côi quá, con thuyền thì rách mốc ra, bán buôn toàn là đồ héo lấy ai mua.

Anh Hường hay mang trái cây sang nhờ chị Lan bán, nhưng rồi chị Lan đưa tiền thì Hường không nhận. Nợ cái tình của nhau nặng quá, anh Hường quyết định sang ngỏ lời với chị Lan. Người đàn bà chợ thuyền đã quá dạn dĩ với những màn tỏ tình, gật đầu luôn mà không một chút e thẹn. Thế là, một chiếc thuyền rách làm nơi để hàng hóa, còn chiếc ít rách hơn thì làm chỗ ngủ cho cặp vợ chồng son. Từ ngày mẹ tìm được bến đậu, đứa con được ông bà ngoại đưa về quê nuôi, để không gian riêng cho hai vợ chồng "kiếm" đứa con chung.

Chị Lan chịu trách nhiệm bán buôn trên thuyền, còn anh Hường đi chạy chợ (lên bờ bán), cuộc sống không dư giả nhưng có đồng vào đồng ra, vợ chồng nhìn nhau cười suốt ngày. Loay hoay mưu sinh, đến nỗi chẳng ai nhớ đến chuyện con cái, đến lúc nhìn lại thì giật mình khi tóc đã hoa râm, anh Hường sốt ruột giục vợ có con, nhưng "thả cửa" suốt mà vẫn chưa thấy. Lòng anh Hường như lửa đốt.

Năm ngoái đi khám xét rồi, bác sĩ bảo không bị sao, cứ về chờ. Chờ cả năm vẫn không thấy gì, anh dặn lòng Tết năm nay hùn hạp vốn liếng để ra giêng đi một chuyến nữa. Bằng mọi giá phải bắt cho được "con bệnh" này. Chị Lan hiểu được nỗi buồn của chồng, cũng cố gắng vui tươi, hớn hở để mau có em bé. Chờ cho chồng đi khuất, chị thở dài: "Tôi sợ mình lớn tuổi rồi không đẻ được nữa, mà không dám nói cho anh ấy biết, sợ anh buồn. Trước giờ tôi chưa đi khám bao giờ, vì nghĩ mình đã sinh con rồi thì đâu có bệnh gì nữa, để anh ấy đi thôi. Nhưng kiểu này chắc qua Tết tôi lại phải đi khám xem thế nào".

Nói đến con, chợt chị Lan ngồi bó gối, mặt buồn xo. Hai năm rồi, chị không được về thăm con, nỗi nhớ cứ trào dâng cuồn cuộn. Con bé năm sau lên lớp 3, biết hết chuyện rồi, ngày nào cũng gọi điện cho mẹ nói nhớ thương nhiều lắm.

Ở xóm chợ thuyền, Tết là thời điểm bận rộn nhất và cũng là cơ hội để kiếm tiền duy nhất trong cả năm. Họ bán hàng đến tận khuya ngày 30 qua sáng mồng một vẫn bán. Tranh thủ ngày Tết khách hào phóng mở hầu bao mua, ít trả giá, lại vui vẻ, bù đắp cho những ngày thường ế chỏng chơ, buồn thối ruột.

Lênh đênh kiếp chợ thuyền, bạc mặt trên sông nước, xuân về, là về với nỗi buồn, niềm trăn trở. Những cuộc đời phiêu dạt, chẳng biết nơi nào là bến đỗ, đâu là trạm dừng chân cuối cùng. Đêm giao thừa, ngồi ở mạn thuyền nhìn sang bên kia sông Sài Gòn, những tòa nhà cao tầng đèn sáng rực rỡ, người người nô nức trẩy hội đón xuân, ngắm pháo hoa chào năm mới. Vợ chồng anh Hường, gia đình chị Hảo và những phận người chợ thuyền bên dòng Kinh Tẻ không khỏi xót xa, tủi hổ. Tết của họ không bánh chưng, không mâm cao cỗ đầy, chỉ có vài rổ hoa quả héo quắt, do bán ế mà còn.

Ngọc Thiện
.
.
.