Xóm ngụ cư giữa lòng thành phố

Chủ Nhật, 03/03/2019, 09:21
Những căn phòng rách bươm, mái che xơ xác, ánh sáng le lói. Về đêm, cuộc sống lao động vẫn diễn ra lặng lẽ, buồn thiu...


1. Đó là vài nét chấm phá về xóm ngụ cư bên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Những cư dân của xóm đến từ mọi phương trời, đông đảo nhất là người miền Tây. Xóm nằm trên bãi đất rộng của doanh nghiệp chưa đầu tư. Tận dụng diện tích mặt đất bỏ hoang, bà con cải tạo trồng rau củ kiếm kế sinh nhai. Những người còn sức khỏe thì đi làm phụ hồ, hốt xà bần, bán vé số, lượm ve chai... Cuộc sống tối tăm, ẩm mốc khiến con người trở nên chai cứng...

Những túp lều nằm giữa ruộng bầu bí ở xóm ngụ cư.

Bà Lê Thị Xinh (57 tuổi, quê Đồng Tháp) đến xóm ngụ cư được hơn một năm hành nghề trồng bí đỏ và lượm ve chai. Bà Xinh cùng con gái, cháu ngoại ở trong một túp lều nửa che tôn, nửa quây bạt. Trời nắng thì như lò hun, trời mưa nước dột tận chỗ ngủ.

Thế nhưng mẹ con bà Xinh chưa có ý định “du cư” bởi vì ở đây tiền thuê túp lều rất rẻ. “Căn nhà” của bà Xinh chỉ phải nộp 400 ngàn/tháng, vì không có điện, không có nước sạch nên chỉ phải tốn thêm ít tiền sạc bình ắc quy. Ở quê nhà Lai Vung, bà Xinh làm nghề bán bánh giò nuôi chồng bị bệnh tai biến và đứa cháu ngoại. Hôm nào bán được hết thì đủ tiền mua bó rau, con cá.

Từ ngày khu chợ giải tỏa để làm dự án, bà Xinh không còn nơi nào ngồi bán nữa. Bà phải đi bán rong nhưng đôi chân yếu đuối, chẳng đi được nhiều nên ngày nào cũng ế. Chồng bà qua đời, con gái đổ vỡ hôn nhân, không thể sống nổi ở xóm quê nghèo được nữa, mẹ con bà Xinh khăn gói tha hương, dắt theo đứa cháu ngoại mới 3 tuổi.

Mẹ con bà Xinh xí được khoảnh đất độ trăm mét trồng bầu bí và rau muống. Thời gian còn lại bà đi lượm ve chai, kiếm đồng cắc mua muối mắm. Cuộc sống cứ vậy, tuy khó khăn nhưng thoải mái và không phải nhịn đói bữa nào.

Từ ngày về xóm ngụ cư, bà Xinh lại thấy vui vẻ bởi có nhiều bạn cùng trang lứa, cùng hoàn cảnh và cùng quê hương. Bà thổ lộ: “Ở đây người già như tui có bạn bè nên không thấy buồn, trẻ con cũng có đất chơi rất thoải mái. Tui chỉ lo vài năm nữa, cháu ngoại đến tuổi đi học không biết phải tính sao”.

Xóm ngụ cư về đêm vàng vọt ánh đèn pin và đèn bình ắc quy. Không khí lao động vẫn nhộn nhịp đến tận 2, 3 giờ sáng. Người lục đục đi lấy nước nấu ăn, người hái rau mang ra chợ bán, mấy bà già không ngủ được cũng dậy ngồi ngắm trời và mấy khóm chuối.  

Năm trước, có mấy đoàn thể về xóm ngụ cư khảo sát, họ thấy trẻ em nheo nhóc không được tới trường nên đã kết nối với trường tình thương ở quận 8 tiếp nhận chúng. Các ông bố bà mẹ hết sức vui mừng, hào hứng đưa con đi học.

Xóm không có đường điện, ánh sáng phải nhờ hoàn toàn vào bình ắc quy.

Chị Nguyễn Thị Bảy (35 tuổi) may mắn gửi được hai đứa con đến trường tình thương, đã không giấu được xúc động: “Hai đứa con nhà tui được tới trường là món quà lớn nhất rồi. Ba mẹ khổ, không có tiền cho con đi học trường ngoài, chỉ sợ chúng mù chữ rồi mình mang tội”.

Những ngày nghỉ học, trẻ con theo ba mẹ ra đồng nhổ cỏ, cuốc đất. Đứa lớn đi xách nước nấu ăn. Cảnh sống và sinh hoạt đặc biệt ở xóm ngụ cư khiến bất cứ ai tới đây đều thảng thốt, chẳng thể tin nổi nó lại nằm cận kề thành phố đô hội, náo nhiệt.

Mỗi lần có đoàn người ăn mặc chỉnh tề đi vào xóm là bà con lại nhốn nháo, lo lắng. Họ chỉ sợ, một ngày nào đó, chủ đầu tư sẽ khởi công dự án, thì số phận của họ không biết sẽ đi về đâu.

2.Ở xóm ngụ cư, ngoài những người nông dân chân chất trồng bí, trồng rau, thi thoảng quần tụ cả thành phần bất hảo, xì ke hút chích, trộm,  cướp bị đẩy đuổi tràn về trú ngụ rồi lợi dụng sơ hở của bà con để ăn trộm. Vụ trộm mới nhất chúng ngắm vào phòng của ông Ba Lành.

Biết ông đi phụ hồ cả ngày, cửa phòng ốc ọp ẹp, chúng lẻn vào khua khoắng bằng sạch. Chúng lấy cả con dao, cái cưa, chiếc đèn pin. Nói chung, thứ gì có giá trị... ve chai sắt vụn là chúng lấy. Chỉ hơn một tháng, ông Lành bị trộm vào nhà 6 lần. Ông mếu máo kể: “Bây giờ tôi không còn thứ gì để đi làm nữa, chỉ còn mấy bộ đồ rách bọn trộm bỏ lại”.

Rồi đêm đang ngủ, có tên xì ke mò vào kề bơm kim tiêm vào cổ ông Lành đòi tiền. Vì mất quá nhiều, cũng không còn gì nữa, ông Lành chẳng còn biết sợ hãi là gì vùng dậy chống trả. Ông đạp một cái khiến thằng ăn trộm văng ra cửa, hắn chưa kịp ngoi ngóp bò dậy, sẵn khúc cây ở đầu giường ông quật bồi một cú trời giáng vào chân.

Hắn kêu la thảm thiết, bà con nghe thấy xúm lại túm cổ đưa ra ngoài báo chính quyền. Vài hôm sau lại thấy mặt hắn nghênh ngáo vào xóm, thách thức mọi người. Ông Ba Lành chép miệng, thở dài: “Bọn này ăn trộm vặt không có giá trị nên không thể xử lý hình sự chúng được. Ở xóm này toàn dân ngụ cư, nghèo rách ra lại sống biệt lập nên mới lộn xộn như thế”.

Cách đây vài tháng, bà con xóm ngụ cư được một phen giật mình thon thót khi chứng kiến màn bắt tội phạm của Công an. Số là trước đó, có một thanh niên tên Thành (khoảng 30 tuổi) đến xin ở nhờ trong một gia đình của xóm. Nhìn bề ngoài Thành rất hiền lành, ít nói, hằng ngày chăm chỉ ra vườn phụ tưới bí. Được ít hôm, Thành xin đi phụ hồ cùng mấy anh em.

Người dân hứng bạt để lấy nước sạch nấu ăn.

Tự nhiên tối hôm đó có một nhóm người lạ đi vào xóm nói là “khảo sát thực địa”. Không ai để ý vì thỉnh thoảng cũng có những người lạ vào xóm như vậy. Khoảng 30 phút sau, cả xóm nháo nhào vì có tiếng quát rất lớn rồi thấy Thành chạy thục mạng ra vườn bí. Nhóm người đuổi một đoạn thì bắt được Thành. Khi tất cả đang ngơ ngác thì một anh trong nhóm nói: “Chúng tôi là Công an bắt tội phạm truy nã, mong bà con thông cảm”.   

Xóm ngụ cư còn là mảnh đất màu mỡ của dân “anh chị” chuyên cho vay nặng lãi. Nhắm vào khả năng cần vốn liếng làm ăn, xoay vòng mùa vụ nên “anh chị” thường về tận nơi “hỷ xả” vung tiền, không phải thế chấp giấy tờ gì cả.

Lúc mới tới xóm làm ăn, vợ chồng anh Lê Trọng P. không có tiền nên phải mượn ngoài 10 triệu mua dụng cụ, phân bón, hạt giống. Mọi may rủi anh P. trông chờ vào vụ bí đỏ được mùa được giá, ước tính sẽ trả hết cả gốc lẫn lãi. Số đen, vụ đầu tiên do mưa nhiều, bí rất rẻ, bán tống bán tháo vẫn không hết, bí thối phải đổ bỏ.

Vụ đó, anh lỗ hơn chục triệu. Vậy là vẫn còn nguyên nợ gốc mà lãi suất thì phải è lưng trả hằng ngày. Ngày nào không có, thì lãi mẹ đẻ lãi con. Anh P. nhận chở xà bần thuê, tiền công mỗi ngày đủ trả lãi. Vợ con ngày no ngày đói, cuộc sống bí bách cùng cực. Nợ “tín dụng đen” như con cá mập, ăn lãi bao nhiêu vẫn không đủ.

Khi thấy sức cùng lực kiệt, anh P. bàn với vợ bán con xe máy là tài sản duy nhất của vợ chồng để trả nợ. Bán xe được đúng 10 triệu, trả xong, vợ chồng nhìn nhau chảy nước mắt. Cuối cùng, vợ chồng anh phải gửi con về quê nhờ nhà ngoại nuôi giúp.

Hai vợ chồng đi làm mướn gần một năm, tích được vốn trồng tiếp hoa màu. Anh P. cho biết, ở xóm ngụ cư, có người vay không trả được phải bỏ trốn vẫn bị giang hồ truy đuổi đến cùng. Dịp trước tết, bọn chúng nghe Công an làm rát quá nên đang ẩn mình, không dám manh động.

“Những thành phần “xã hội” tìm về xóm ngụ cư náu thân một thời gian lại biến mất. Bọn này đa phần là trộm cắp, hoạt động bên ngoài bị truy quét thì dạt về mở sòng bài chơi cho qua ngày. Bà con nhớ mặt từng tên, nhà nào mất món gì là đoán ngay do ai lấy. Sống thấp thỏm như vậy riết cũng quen rồi”- Anh P. chia sẻ.                                     

Xóm ngụ cư, gia đình ông Huy là “đội sổ” về khả năng đẻ. Vợ chồng ông có 8 người con, cứ nheo nhóc, bẩn thỉu, lăn lóc ra đó. Nhà ông từ sáng tới tối chỉ nghe tiếng cười khóc, rồi tiếng quát chửi.

Nhiều người khuyên vợ chồng ông mang con đi gửi ở lớp học tình thương nhưng ông chần chừ, lo lắng, sợ chúng bị bắt cóc. Có người thấy vậy ngỏ ý xin một đứa về nuôi, cho ăn học đàng hoàng, ông cũng không chịu. Triết lý sống của vợ chồng ông rất lập dị nên không ai khuyên nhủ được. Cứ đánh nhau, chửi nhau, khóc lóc chán lại thôi. Quanh năm như thế, xóm ngụ cư có một “đặc sản” không lẫn vào đâu được.

Lâu dần, xóm ngụ cư được đổi thanh xóm Quê Hương cho hiền hòa, chan chứa nhiều hơn. Những người tha hương mong mỏi một ngày nào đó sẽ có một khoản tiền nho nhỏ để trở về quê hương ruột thịt của mình, khép lại cuộc sống tăm tối, tủi hờn nơi đô hội phồn hoa.

Ngọc Thiện - Cát Tường
.
.
.